Châu Âu ‘tắt đèn’ - Động thái ‘lấy đá ghè chân mình’ khi cố gắng trừng phạt Nga

Giúp NTDVN sửa lỗi

Điều mà các chính phủ châu Âu gọi là “chính sách tiết kiệm năng lượng” thực ra là chính sách thu thuế; chúng không giúp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Các biện pháp trừng phạt Nga đã không thể làm tổn thương Moscow mà còn làm lợi cho Trung Quốc và làm hại người dân châu Âu.

Liên minh châu Âu (EU) đã công bố nhiều biện pháp mạnh mẽ để giảm mức tiêu thụ năng lượng với mục tiêu cắt giảm 15% nhu cầu khí đốt trong bối cảnh Nga đe dọa ngừng cung cấp khí đốt. Một số khu vực và thành phố tại châu Âu đang áp dụng nhiều giới hạn nghiêm ngặt đối với hệ thống sưởi, điều hòa nhiệt độ và chiếu sáng trong các tòa nhà. Điều này sẽ mang đến kết quả tích cực hay sẽ phản tác dụng?

Cảnh báo. Nó sẽ phản tác dụng. Chủ nghĩa can thiệp [từ chính phủ] luôn gây thiệt hại cho những người mà họ giả vờ bảo vệ.

Tự lấy đá ghè chân mình

Hiệu suất sử dụng năng lượng cao (sử dụng năng lượng hiệu quả) là khả năng sản xuất cùng một lượng hoặc một lượng nhiều hơn hàng hóa và dịch vụ với mức năng lượng ít hơn. Việc áp đặt các biện pháp hạn chế không phải là tiết kiệm năng lượng mà là đưa ra các chính sách kiểm soát nhằm thu nhiều thuế hơn thông qua phạt tiền.

Quyết định tắt đèn các tòa nhà vào ban đêm có tác động cực kỳ nhỏ đến nhu cầu về khí đốt tự nhiên trong khi gây ra tác động lớn đến an toàn. Nhu cầu khí đốt tự nhiên (trong một ngày thông thường) giảm từ 20% đến 25% trong khoảng thời gian từ 11 giờ đêm đến 8 giờ sáng hôm sau, theo thông tin từ tập đoàn năng lượng Enagas và tập đoàn năng lượng Sedigas. Tuy nhiên, “năng lượng điện và việc chiếu sáng đầy đủ, ngoài việc phục vụ cuộc sống đô thị, còn có tác dụng bổ sung: giảm tỷ lệ tội phạm vào ban đêm”, theo Ariel Yépez, người đứng đầu bộ phận năng lượng của Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (Inter-American Development Bank).

Giải pháp để xử lý rủi ro nguồn cung từ Nga là tăng cường đa dạng hóa và tìm thêm nguồn cung ứng chứ không phải là các biện pháp cưỡng chế.

Chúng ta không thể quên rằng chính các chính trị gia - những người nói với người dân châu Âu rằng họ phải tắt đèn, tắt điều hòa nhiệt độ và giảm dùng hệ thống sưởi - là những người đã quyết định đóng cửa các nhà máy hạt nhân, cấm thăm dò khí đốt tự nhiên và đưa ra các thay đổi trong quy định để hạn chế đầu tư vào phát triển năng lượng trong khu vực.

Giải pháp thật sự là phải ký kết thêm nhiều hiệp ước song phương và thỏa thuận thương mại với các nhà cung cấp khí đốt tự nhiên khác, tiếp tục phát triển điện gió và điện mặt trời, thúc đẩy và kéo dài tuổi thọ của các nhà máy điện hạt nhân, đồng thời phát triển kho dự trữ khí đốt tự nhiên của khu vực

Một lần nữa, áp dụng các biện pháp hạn chế không phải là sử dụng năng lượng hiệu quả mà là kiểm soát.

Lấy ví dụ về Tây Ban Nha. Chính phủ nước này muốn người dân hạn chế sử dụng hệ thống điều hòa nhiệt độ và sưởi ấm trong khi cũng là chính phủ này đã tạo ra cuộc xung đột ngoại giao không cần thiết với Algeria - nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của Tây Ban Nha.

Tây Ban Nha cũng là quốc gia duy nhất ở châu Âu duy trì lộ trình đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân khi mà ngay cả Đức cũng đang phải xem xét kéo dài thời gian sử dụng các nhà máy của họ.

Đức đã tự tạo ra vấn đề cho mình bằng cách đóng cửa các nhà máy hạt nhân và làm cho hệ thống lưới điện đất nước trở nên không ổn định và đắt đỏ mặc dù — hoặc do — [ngành năng lượng đã nhận được] hơn 150 tỷ EUR trợ cấp. Giá điện trung bình cho các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ ở Đức đã tăng hơn 45% kể từ năm 2006, theo Hiệp hội Công nghiệp Nước và Năng lượng Đức (BDEW). Hơn một nửa mức giá mà các hộ gia đình phải trả là do các yếu tố về mặt chính trị, chẳng hạn như thuế, phí và phụ phí.

Nếu chúng ta muốn nâng cao hiệu quả, chúng ta phải đầu tư vào công nghệ, chứ không phải nhân chi tiêu của chính phủ bằng cách giả định rằng mức tiêu thụ năng lượng sẽ cao hơn nhiều.

Châu Âu tắt đèn là động thái tự làm tổn thương khi cố gắng trừng phạt Nga, Các biện pháp trừng phạt năng lượng Nga không làm tổn thương Moscow mà còn làm lợi cho Trung Quốc và làm hại người dân châu Âu, chính sách tiết kiệm năng lượng của EU thực ra là chính sách thu thuế
Bức ảnh được chụp bằng máy bay không người lái vào ngày 9/8/2019 gần Koblenz cho thấy cảnh phá dỡ tháp làm mát tại nhà máy điện hạt nhân Muelheim-Kaerlich ở Đức. Nhà máy này đã ngừng hoạt động vào ngày 09/09/1988. (Ảnh: Thomas Frey/ dpa/AFP qua Getty Images)

Trung Quốc vui vẻ hưởng lợi

Từ quan điểm cân bằng cung và cầu toàn cầu, các biện pháp hạn chế sử dụng năng lượng mà EU công bố xem ra không có ý nghĩa. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu khí đốt tự nhiên của châu Âu là khoảng 549 tỷ mét khối (bcm) mỗi năm. Châu Âu nhập khẩu 150 bcm một năm từ Nga. Việc giảm cầu một cách giả tạo và tạm thời ở mức 15% không có tác động rõ rệt đến cân bằng cung cầu toàn cầu, vì nguồn cung từ Nga sẽ được hấp thụ bởi Trung Quốc, Ấn Độ và các nước khác; nhưng động thái đó lại có gây thiệt hại to lớn cho kinh tế châu Âu.

Việc chính phủ áp đặt các biện pháp giảm sử dụng hệ thống chiếu sáng và hệ thống sưởi sẽ phá hủy nền kinh tế EU mà không thể tác động đến hoạt động thương mại về năng lượng của Nga.

Các biện pháp hạn chế nhu cầu khí tự nhiên tạm thời và giả tạo này chỉ gây hại cho quốc gia nào thực hiện nó, đồng thời tạo ra hậu quả lâu dài: nền kinh tế co lại trong khi các nguồn cung điện trong hệ thống lưới điện không thay đổi.

Việc EU tiêu thụ khí đốt ít hơn 15% không làm tổn hại đến Tổng thống Nga Putin. Vào ngày 24/07, Gazprom, gã khổng lồ khí đốt của Nga, đã đạt mức cao nhất mọi thời đại về doanh số bán hàng cho Trung Quốc. Lượng tiêu thụ của Trung Quốc thông qua đường ống dẫn khí đốt đã tăng vọt trong 12 tháng qua. Kể từ khi xảy ra cuộc xâm lược Ukraine, Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 25 tỷ USD các sản phẩm năng lượng từ Nga; trong tháng 6, lượng nhập khẩu này đã tăng 72% so với cùng kỳ năm trước.

EU dường như đang thực hiện các biện pháp năng lượng với ý nghĩ rằng phần còn lại của thế giới không tồn tại. Thật là không khả thi khi nghĩ đến một lệnh cấm vận năng lượng đối với Nga trong khi phần còn lại của thế giới, đặc biệt là châu Á, [vui vẻ] tận hưởng mức giá giảm khi mua lượng lớn hơn các sản phẩm năng lượng của Nga. Trong 6 tháng đầu năm 2022, thặng dư thương mại của Nga đã phình lên mức rất cao - 138,5 tỷ USD - nhờ xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 153 tỷ USD trong quý II.

Động thái hạn chế nhu cầu khí đốt tự nhiên của châu Âu không tạo ra ảnh hưởng gì đến cân bằng cung cầu toàn cầu. Theo IEA, nhu cầu về khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã giảm 10% trong 6 tháng đầu năm 2022; điều này tác động không đáng kể đến thị trường năng lượng thế giới, và thậm chí còn tác động ít hơn đến giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu.

Như tôi đã đề cập, EU chiếm 549 bcm nhu cầu khí đốt toàn cầu. Trung Quốc và khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 907 bcm. Nhu cầu toàn cầu là 4.083 bcm, theo IEA. Việc cắt giảm nhân tạo 15% của châu Âu không tạo ra sự sụt giảm 2% của thế giới, cũng không làm giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

Châu Âu tắt đèn là động thái tự làm tổn thương khi cố gắng trừng phạt Nga, Các biện pháp trừng phạt năng lượng Nga không làm tổn thương Moscow mà còn làm lợi cho Trung Quốc và làm hại người dân châu Âu, chính sách tiết kiệm năng lượng của EU thực ra là chính sách thu thuế
Tàu chở LNG (khí đốt tự nhiên hóa lỏng) Rudolf Samoylovich neo đậu tại LNG Terminal, bến tàu Montoir-de-Bretagne , miền Tây nước Pháp, ngày 10/3/2022. (Ảnh: Getty Images)

Cần dỡ bỏ các chính sách méo mó

Trong hầu hết các trường hợp, cái mà các chính phủ gọi là “chính sách tiết kiệm năng lượng” là các chính sách thu thuế và không tác động gì đến hiệu quả sử dụng năng lượng.

Ở châu Âu, các nhà cầm quyền đã tạo ra nhiều vấn đề: cấm thăm dò và phát triển các nguồn tài nguyên trong nước, đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân, áp thuế nặng đối với các công ty đầu tư nhiều vào năng lượng mặt trời và năng lượng gió, liên tục tạo ra môi trường pháp lý bênh bấp bằng những thay đổi ngẫu hứng và tiêu cực trong chính sách đầu tư năng lượng. Giải pháp cho năng lượng không phải là các biện pháp cưỡng chế, mà là đầu tư.

Không có ý nghĩa gì nếu buộc người dân phải chịu lạnh trong mùa đông và ngột ngạt vì nóng vào mùa hè trong khi các chính phủ châu Âu duy trì một loạt chương trình chi tiêu công khổng lồ và nhiều cơ quan hành chính cồng kềnh. Đó mới là sự tiêu thụ điện năng vô cùng lớn.

Nếu châu Âu muốn giảm nhập khẩu từ Nga, điều họ nên làm là ngừng đặt ra các giới hạn và rào cản đối với thương mại và đầu tư vào năng lượng.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Chi Anh

Theo Daniel Lacalle - The Epoch Times

Tác giả - Tiến sĩ Daniel Lacalle - là nhà kinh tế trưởng tại quỹ phòng hộ Tressis. Ông là tác giả của các cuốn sách “Tự do hay Bình đẳng” (Freedom or Equality), “Thoát khỏi Bẫy của Ngân hàng Trung ương” (Escape from the Central Bank Trap) và “Cuộc sống tại các Thị trường Tài chính” (Life in the Financial Markets).



BÀI CHỌN LỌC

Châu Âu ‘tắt đèn’ - Động thái ‘lấy đá ghè chân mình’ khi cố gắng trừng phạt Nga