Chỉ số mở rộng sản xuất của Việt Nam bật tăng trở lại sau 4 tháng liên tiếp thu hẹp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dù tình hình kinh tế còn khó khăn và tình trạng mở cửa trở lại chưa đồng đều, song chỉ số mở rộng sản xuất của Việt Nam đã có dấu hiệu khả quan khi bật tăng trở lại vào tháng 10, đạt mức mở rộng 52,1 điểm, sau 4 tháng liên tiếp thu hẹp sản xuất do đại dịch viêm phổi Vũ Hán.

Chỉ số PMI Sản xuất của IHS Markit Việt Nam đã tăng lên 52,1 vào tháng 10/2021 từ mức thấp nhất trong 16 tháng qua là 40,2 của tháng 9.

Chỉ số PMI lần đầu bật tăng trở lại ở mức mở rộng (trên 50 điểm) kể từ tháng 5/2021. Mặc dù đại dịch vẫn còn nặng nề nhưng làn sóng nhiễm Covid-19 mới nhất giảm bớt và chính sách đóng cửa bớt cực đoan hơn đã hỗ trợ rất nhiều cho khu vực sản xuất. Theo kết quả PMI mới nhất, sản lượng, đơn đặt hàng mới, và hoạt động mua bán của khu vực sản xuất đều bắt đầu mở rộng trở lại.

Chỉ số mở rộng sản xuất của Việt Nam bật tăng trở lại vào tháng 10, mở rộng ở mức trên 52,1 điểm sau 4 tháng liên tiếp bị thu hẹp do Covid-19. (Nguồn: Trading Economics)

Chỉ số PMI (Purchasing Manager Index), là chỉ số quản lý sức mua được đo lường trong ngành công nghiệp sản xuất. Các chỉ số con và tỷ trọng của mỗi chỉ số này để tổng hợp thành chỉ số PMI sản xuất gồm có: (i) đơn hàng mới (30%); (ii) sản xuất (25%); (iii) giao hàng từ nhà cung cấp (15%); (iv) hàng tồn kho (10%): (v) việc làm (20%).

PMI là một trong những chỉ số đặc biệt quan trọng với các nhà đầu tư, nhà phân tích và nghiên cứu thị trường. PMI luôn được xem là công cụ đắc lực giúp các nhà hoạch định chính sách, nhà đầu tư trong giới tài chính đưa ra các quyết định.

Mặc dù vậy, Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, số lượng việc làm tiếp tục giảm rõ rệt, trong khi các doanh nghiệp đang thiếu lao động trầm trọng. Cuộc hồi hương của gần 2 triệu lao động di cư sau 5 tháng triền miên trong đại dịch đã khiến lực lượng lao động không thể phục hồi, niềm tin và động lực làm việc cũng bị thương tổn trầm trọng. Ước tính, khả năng phục hồi của lực lượng lao động sẽ phải tính bằng năm trong điều kiện các chính sách phòng chống dịch và hỗ trợ người lao động của chính phủ trở nên rõ ràng, đồng loạt, nhất quán và đáng tin cậy hơn.

Ngoài ra, lạm phát giá nhà sản xuất tháng 10 cũng đang tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 4/2011, và là một trong những mức cao nhất trong lịch sử khảo sát chỉ số PMI của IHS Markit. Nguyên nhân lạm phát giá nhà sản xuất cao không chỉ do Việt Nam nhập khẩu lạm phát từ Trung Quốc mà còn do chi phí vận chuyển cao hơn và tình trạng thiếu nguyên liệu thô và nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất.

Giá bán của nhà sản xuất cũng đang tăng nhanh nhất trong vòng 5 năm tháng, điều này có thể thúc đẩy chỉ số giá tiêu dùng (lạm phát) nhanh hơn.

Niềm tin kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất đã củng cố lên mức cao nhất trong 29 tháng với hy vọng rằng đại dịch sẽ vẫn trong tầm kiểm soát.

Hữu Nguyên



BÀI CHỌN LỌC

Chỉ số mở rộng sản xuất của Việt Nam bật tăng trở lại sau 4 tháng liên tiếp thu hẹp