Chiếc ‘phao cứu sinh’ của ngành hàng không châu Âu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo thống kê của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), năm 2020 là năm tồi tệ nhất trong lịch sử ngành vận tải hàng không do dịch bệnh kéo dài. Lỗ lũy kế được ước tính lên tới 117 tỷ USD và có thể ở mức 39 tỷ USD trong năm 2021. Trong bối cảnh đó, các hãng hàng không châu Âu đã tìm được chiếc phao cứu sinh cho mình....

Năm 2020, các hãng hàng không trên thế giới đã vận chuyển khoảng 1,8 tỷ lượt khách so với 4,9 tỷ trong năm 2019. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 2003. Do các biện pháp hạn chế trong đó có lệnh phong tỏa được áp đặt trong hai đợt dịch tại nhiều nước, lưu lượng vận chuyển quốc tế đã giảm tới 60%. Hoạt động vận chuyển nội địa cũng bị ảnh hưởng rất lớn.

Nhu cầu đi lại thấp khiến các hãng hàng không trên thế giới phải tái cơ cấu và cắt giảm chi phí để duy trì hoạt động. Hơn 400.000 việc làm trong ngành hàng không đã bị cắt giảm, 45% các hãng hàng không đã sa thải nhân viên từ quý II/2020.

Tuy nhiên, theo VTV, trong bối cảnh đó, nhiều hãng hàng không châu Âu lại giảm thiểu được tổn thất, thậm chí tăng trưởng, nhờ nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng máy bay tăng mạnh từ đầu đại dịch.

Tờ Der Standard của Áo viết: "Nhánh vận tải hàng hóa của hãng hàng không Lufthansa vừa công bố lợi nhuận quý I năm nay đạt 314 triệu Euro, cao nhất từ trước tới nay", "Vận tải hàng hóa hiện nay đang đóng góp tới 1/3 doanh thu toàn cầu của ngành hàng không, trong khi trước đại dịch, doanh thu chỉ đạt từ 10 - 15%".

Cargolux - một hãng hàng không châu Âu chuyên về chở hàng, không chở khách, của Luxembourg đã tăng trưởng ngoạn mục. Tờ Luxemburger Wort viết rằng: "Cargolux thu lợi nhuận ròng 768 triệu USD trong năm có đại dịch, trong khi năm trước đó chưa có đại dịch, lợi nhuận chỉ là 20 triệu USD, tức lợi nhuận tăng tới gần 40 lần nhờ có đại dịch".

Điều gì đã làm nên những con số “kỳ diệu” đó? Theo các chuyên gia, có 4 nguyên nhân chính sau đây:

  1. Nhu cầu giao hàng nhanh tăng cao đột biến. Khi đại dịch đến, nhu cầu giao hàng vật tư y tế như khẩu trang, máy thở đã tăng lên chóng mặt, hiện nay lại có thêm cả mảng vận chuyển vaccine, những loại hàng hóa này đều phải giao khẩn cấp, chỉ có máy bay mới đáp ứng được. Cùng với sự xuất hiện của vaccine, lưu lượng hàng hóa qua đường hàng không đã lên tới mức cao nhất trong lịch sử vào tháng 3 vừa qua.
  2. Trước đại dịch, các máy bay chở khách thường chở hàng trong bụng máy bay. Còn hiện nay, do hành khách phải hạn chế đi lại nên lượng hàng đó dồn cả sang máy bay vận tải.
  3. Do mảng vận tải đường biển đang quá tải, thậm chí nguy cơ làm gián đoạn chuỗi cung ứng, một phần lượng hàng hóa này sẽ được chuyển sang hàng không để giảm bớt áp lực. Lưu lượng hàng hóa vận chuyển bằng máy bay ước tính đã tăng khoảng 9% trong đại dịch.
  4. Cầu tăng kéo theo giá cước tăng lên theo, giá cước vận tải hàng hóa ngành hàng không ước tính đã tăng khoảng 30% trên mỗi kg, trong khi đó giá nhiên liệu lại đang ở mức thấp do nhu cầu đi lại trên thế giới giảm.

Ngoài những yếu tố khách quan này, bản thân các hãng cũng rất nỗ lực. Tờ Luxemburger Wort cho biết: "Hãng hàng không Cargolux đã nhanh chóng hoán cải khoang chứa hàng cho phù hợp với các nhu cầu mới của thị trường toàn cầu, ví dụ như đảm bảo giữ vaccine ở nhiệt độ siêu lạnh trong suốt quá trình vận chuyển".

Tờ Svenska Dagbladet của Thụy Điển nhận xét: "Ngành hàng không vừa trải qua một năm thảm khốc. Tuy nhiên, hệ thống theo dõi không lưu cho thấy sự phục hồi rõ ràng qua số lượng chuyến bay. Cũng có nhiều dấu hiệu cho thấy hàng không sẽ có một vai trò mới trong tương lai".

Theo ước tính của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, chỉ riêng việc vận chuyển vaccine cho toàn thế giới đã cần tới 8.000 chuyến bay bằng loại máy bay vận tải cỡ lớn nhất.

Mộc Trà



BÀI CHỌN LỌC

Chiếc ‘phao cứu sinh’ của ngành hàng không châu Âu