Chiến lược bảo hiểm tiền gửi 2030: Trách nhiệm lớn hơn nhưng pháp lý và quyền lực không tương xứng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng 2030 vừa được Chính phủ phê duyệt, tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm đạt 92% - 95%. Tuy nhiên, điểm mấu chốt nhất trong cải cách thể chế có thể giúp Bảo hiểm tiền gửi độc lập hơn, minh bạch và an toàn hơn lại không được Chiến lược phát triển Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam nhắc tới.

Trong ngày đầu năm mới 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định 1660/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Chiến lược).

Điểm mới của Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi là tăng cường bảo vệ lợi ích của người gửi tiền.

Mục tiêu cụ thể của Chiến lược là phấn đấu tỉ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm đạt 92% - 95%, bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế.

Hiện tại, theo Luật bảo hiểm tiền gửi, bất kể khoản tiền gửi của người gửi tiền là bao nhiêu, mức bảo hiểm tối đa mà người gửi tiền nhận được trong trường hợp tổ chức tín dụng mất khả năng chi trả, chỉ là 75 triệu đồng; bao gồm cả gốc và lãi được áp dụng cho tất cả các khoản tiền gửi của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Ngoài ra, Chiến lược cũng đề ra mục tiêu phải rút ngắn thời gian chi trả thực tế kể từ khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm đến năm 2025 là 30 ngày làm việc và đến năm 2030 là 15 ngày làm việc.

Tăng lợi ích cho người gửi tiền, Chiến lược cũng hướng tới gia tăng quyền lực cho cơ quan bảo hiểm tiền gửi như tham gia thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng được bảo hiểm, nhằm tối đa hoá giá trị thu hồi. Bên cạnh đó, Chiến lược cũng đề ra việc tăng vốn điều lệ cho cơ quan bảo hiểm tiền gửi (từ 10 nghìn tỷ đồng lên 15 nghìn tỷ đồng).

Ngoài ra, cơ quan bảo hiểm tiền gửi cũng được phép đa dạng hoá danh mục đầu tư (i) Mua và bán trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh; (ii) Gửi tiền tại ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt; (iii) Mua và bán trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi do các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt phát hành; (iv) Mua, bán trái phiếu chính quyền địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công, các văn bản hướng dẫn và được xếp hạng tín nhiệm cao.

Bảo hiểm tiền gửi cũng có thể vay từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong trường hợp nguồn vốn của tổ chức bảo hiểm tiền gửi không đủ để trả tiền bảo hiểm.

Tuy nhiên, Chiến lược này đã không đụng chạm tới vấn đề cốt lõi nhất, căn cơ nhất về vị thế của cơ quan bảo hiểm tiền gửi trong hệ thống tài chính quốc gia.

Tại các nền kinh tế khác, cơ quan bảo hiểm tiền gửi luôn là một cơ quan độc lập với ngân hàng trung ương cũng như các cơ quan giám sát khác trong mạng lưới. Do phải bảo hiểm rủi ro cho các ngân hàng, định chế nhận tiền gửi của hệ thống, nên bản thân cơ quan bảo hiểm tiền gửi cũng chính là một tổ chức có quyền lực lớn, tương xứng với trách nhiệm của nó, trong giám sát độc lập cũng như độc lập ra quyết định về việc có đồng ý bảo hiểm, bảo hiểm ở mức nào cho các ngân hàng, tổ chức nhận tiền gửi từ dân cư.

Một thể chế tài chính minh bạch cần đảm bảo rằng Bảo hiểm tiền gửi được hoạt động (vị trí pháp lý, chức năng, quyền ra quyết định) độc lập. Cơ quan này có quyền tiếp cận thông tin, giám sát trực tiếp, giám sát gián tiếp các định chế mà cơ quan đó có trách nhiệm bảo hiểm. Chỉ bằng cách có quyền giám sát độc lập với quyền quản lý nhà nước, quyền sở hữu ngân hàng thì cơ quan bảo hiểm tiền gửi mới có thể độc lập phân loại các ngân hàng, quyết định ngân hàng nào được cơ quan này bảo hiểm cho người gửi tiền, bản thân các ngân hàng phải đóng bảo hiểm ở mức rủi ro khác nhau (theo mức độ rủi ro mà cơ quan bảo hiểm tiền gửi tính toán và phân loại).

Hiện tại, cơ quan bảo hiểm tiền gửi Việt Nam lại là một đơn vị trực thuộc hoàn toàn Ngân hàng nhà nước, vốn là cơ quan vừa có quyền quản lý nhà nước, vừa là chủ sở hữu của 04 ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất của hệ thống, đồng thời là cơ quan giám sát hệ thống các TCTD.

Do trực thuộc NHNN, xung đột lợi ích sẽ xảy ra, cơ quan bảo hiểm tiền gửi khó có thể có cái nhìn độc lập về rủi ro để tự ấn định chính sách bảo hiểm tiền gửi dựa trên rủi ro (như mô tả ở trên).

Rủi ro của hệ thống tài chính, do không có độc lập về giám sát hoặc cơ quan giám sát không đủ quyền lực pháp lý, công cụ và chế tài, đã trở nên thiếu minh bạch, rủi ro trong hệ thống không được nhận diện kịp thời.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Quang Nhật



BÀI CHỌN LỌC

Chiến lược bảo hiểm tiền gửi 2030: Trách nhiệm lớn hơn nhưng pháp lý và quyền lực không tương xứng