Chiến lược chia để trị của Trung Quốc là một tính toán sai lầm trong lịch sử

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giống như nước Đức dưới thời Hoàng đế Kaiser Wilhelm II, Bắc Kinh đang buộc kẻ thù của mình đoàn kết để chống lại sự uy hiếp và đe dọa của chính họ.

Lịch sử cận đại chứng kiến sự trỗi dậy của Trung Quốc đại lục. Sự xuất hiện đột ngột của một quốc gia chiếm đến 1/5 dân số nhân loại và trở thành cường quốc mới nổi là một sự kiện có một không hai. Tuy nhiên, vào thời điểm mà các quốc gia phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt sau khi Bắc Kinh áp đặt lên các nghị sĩ, nhà ngoại giao và học giả, thì chúng ta có thể nhìn thấy một số điểm tương đồng trong lịch sử, một âm vang của nước Đức cuối thế kỷ 19.

Vào những năm 1870, Đức là quốc gia đang lên của thời đại, xây dựng một cường quốc công nghiệp, ngoại giao và quân sự với tốc độ nhanh chóng. Với sự dẫn dắt tài tình của Bismarck, nó đã đối đầu và đánh bại hết đối thủ này đến đối thủ khác - bắt đầu là với Đan Mạch, sau đó đối đầu với Áo trước khi hạ gục nước Pháp hùng mạnh - cẩn thận cô lập từng đối thủ và không bao giờ kích động sự đoàn kết giữa họ. Vào đầu thế kỷ 20, sự thống trị lục địa và vai trò toàn cầu của nó dường như được đảm bảo. Nhưng dưới thời Kaiser Wilhelm II, một chính sách đối ngoại ngày càng hiếu chiến trở nên phản tác dụng, khiến Anh, Pháp và Nga liên minh chống lại Đức.

Trung Quốc ngày nay không cần và cũng không muốn theo đuổi các mục tiêu của mình bằng chinh phục quân sự và đã tự hào về một “sự trỗi dậy hòa bình”. Tuy nhiên, chiến lược ngoại giao của nước này cho đến thời điểm hiện tại vẫn là một mô hình “chia để trị” mà Bismarck đã từng công nhận và ngưỡng mộ. Bất kỳ quốc gia châu Âu nào xúc phạm Trung Quốc, đặc biệt bằng cách gặp gỡ Đức Đạt Lai Lạt Ma ở cấp cao, đều bị trừng phạt bằng việc đóng băng quan hệ chính trị và đe dọa hậu quả kinh tế. Na Uy, nơi tổ chức trao giải Nobel Hòa bình cho nhà hoạt động nhân quyền Lưu Hiểu Ba bị giam giữ, đã bị tố cáo và “cạch mặt” trong suốt 6 năm ròng rã.

Vì vậy, phần còn lại của châu Âu tiếp tục theo đuổi quan hệ thương mại với Trung Quốc và tránh đối đầu. Các quốc gia phương Tây cư xử giống như thể một đàn linh dương khi một con bị sư tử tấn công, tránh xa khu vực gần đó nhưng nhanh chóng quay lại khi điều kiện “dễ thở” hơn. Khi Bắc Kinh đóng băng các liên hệ chính trị với Vương quốc Anh trong 18 tháng, không có ngoại trưởng nào của nước này lên tiếng phản đối.

Trung Quốc chắc chắn đã được hưởng lợi từ sự thiếu đoàn kết của các nước phương Tây. Châu Âu dường như quá tập trung vào các ưu tiên thương mại và lo sợ bị bỏ lại đằng sau trong cơn sốt vàng ở phương Đông nên ít quan tâm đến việc các nước láng giềng của họ bị Trung Quốc “thanh trừng”. Thật đáng buồn rằng các nền dân chủ tư bản vẫn chỉ luôn chăm chăm theo đuổi lợi nhuận bằng mọi giá.

Với sức mạnh và vị thế kinh tế ngày càng tăng cùng với tình trạng sự chia rẽ của phương Tây, Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình đã trở nên hung hăng hơn bao giờ hết, Bắc Kinh không ngần ngại đối mặt với bất kỳ quốc gia nào “dám” bày tỏ thái độ trước các vấn đề họ coi là “nội bộ” với những lời chỉ trích gay gắt, thậm chí thô lỗ và hung hăng. Vị đại sứ cuối cùng của Trung Quốc tại Thụy Điển từng tuyên bố “chúng ta đối xử với bạn bè bằng rượu ngon nhưng đối với kẻ thù của chúng ta, chúng ta có súng ngắn”. Úc cũng là nước bị Bắc Kinh “bắt nạt” thương mại, nhiều mặt hàng nước này xuất khẩu sang Trung Quốc đã bị đình chỉ.

Phản ứng của Trung Quốc vào tuần trước đối với các lệnh trừng phạt hạn chế của Mỹ, Anh, EU và Canada đối với 4 quan chức liên quan đến việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ đúng với vở kịch ngoại giao “chiến binh sói”. Đúng với khái niệm “ăn miếng trả miếng”, Bắc Kinh quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt lên một loạt những tổ chức và cá nhân lên tiếng chỉ trích cách đối xử của nước này đối với người Duy Ngô Nhĩ. Choáng váng vì điều này, các thành viên của Nghị viện Châu Âu (MEP) ở Brussels hiện đã phản đối việc phê chuẩn hiệp ước đầu tư mà EU đã ký với Trung Quốc vào tháng Giêng vừa qua. Trường đại học của các quốc gia này hiện đã phải báo động trước mối đe dọa từ hành vi của Trung Quốc đối với tự do học thuật.

Có vẻ như, Bắc Kinh đã đánh giá quá thấp lòng tự trọng của các quốc gia dân chủ.

Theo ông William Hague, Thượng nghị sĩ Nghị viện Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland cho biết, đối với một xã hội dân chủ, việc đặt ra các biện pháp trừng phạt đối với các nghị sĩ, như trường hợp của ông Iain Duncan Smith và Tom Tugendhat, sẽ khuyến khích mọi người đứng ra bảo vệ quyền tự do ngôn luận của họ.

Nếu như 10 năm trước, kết quả của việc Trung Quốc áp đặt các hình phạt để đáp trả sự chỉ trích của phương Tây là sự giữ im lặng của những quốc gia chứng kiến. Còn bây giờ, kết quả sẽ là những nước khác đồng loạt lên tiếng. Giống như Đức vào những năm 1890, quốc gia này từng được coi trọng hơn rất nhiều so với Trung Quốc bay giờ, hành vi của họ trong các vấn đề đối ngoại rõ ràng đã khiến họ đánh mất đi vị thế mà họ đã phải dày công gây dựng. Các cuộc điều tra công khai cho thấy các nước trên thế giới ngày càng mất lòng tin vào Trung Quốc. Một cuộc khảo sát gần đây của YouGov trên 24 nước về mong muốn Mỹ duy trì vị trí của một cường quốc thế giới, kết quả là tất cả các quốc gia đều ủng hộ, ngoại trừ một nước.

Năm 1895, Lord Salisbury nhận xét với đại sứ Đức về “sự thô lỗ trong giao tiếp của Đức, đã tăng lên nhiều kể từ thời Bismarck” và phàn nàn rằng “hành vi của hoàng đế Đức rất bí ẩn và khó giải thích”. Cuối cùng, cách ứng xử như vậy đã khiến nước Anh chấm dứt “chủ nghĩa biệt lập huy hoàng” và gia nhập các liên minh chống lại Đức. Ở thời điểm đó, sẽ thật bất thường nếu vị đại sứ này tự tin nói với Kaiser rằng cách cư xử của ông ta có thể gây hiểu nhầm và tạo thêm cho kẻ thù cho ông ta một cách không cần thiết.

Còn hôm nay, sẽ là thích hợp để giải thích với một đại sứ Trung Quốc rằng phản ứng thái quá trước những lời chỉ trích sẽ gây nguy hiểm cho các mục tiêu của Bắc Kinh nhiều hơn mức mà họ có thể tưởng tượng ra. EU và Mỹ đang xích lại gần nhau hơn, những nghị sĩ bị Bắc Kinh trừng phạt sẽ giành được sự ủng hộ mạnh mẽ hơn. Nỗ lực khổng lồ và tốn kém để mở rộng “quyền lực mềm” của Trung Quốc sẽ chỉ lãng phí tiền bạc. Nhưng liệu đại sứ đó có cảm thấy có thể đề xuất với cấp trên của mình một cách tiếp cận hiệu quả hơn không? Gần như chắc chắn là không. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc thích trích dẫn từ những sai lầm của lịch sử. Nhưng ngay bây giờ thì họ lại bắt đầu lặp lại chúng.

Lê Minh

Theo Tehegraph



BÀI CHỌN LỌC

Chiến lược chia để trị của Trung Quốc là một tính toán sai lầm trong lịch sử