Chiến tranh công nghệ Mỹ-Trung: Sự đổi mới chip của Mỹ bị tổn hại bởi các chiến lược 'trọng thương' của Bắc Kinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Viện nghiên cứu chiến lược ITIF của MỸ ước tính rằng các chính sách bảo hộ của Trung Quốc đã khiến số lượng bằng sáng chế bán dẫn của Mỹ giảm đi 5.100 mỗi năm. Bắc Kinh đã tăng cường hỗ trợ cho ngành công nghiệp bán dẫn trong nước của mình trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của Mỹ và căng thẳng gia tăng giữa hai nước.

Chính sách của Trung Quốc trong việc sử dụng các ưu đãi của chính phủ để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn của họ đã làm tổn hại đến sự đổi mới tại các công ty ở Mỹ và các nền kinh tế định hướng thị trường khác, theo một báo cáo từ một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington được công bố hôm thứ Năm.

Quỹ Đổi mới và Công nghệ Thông tin (ITIF) là một tổ chức phi lợi nhuận do Robert Atkinson thành lập năm 2006, được đưa ra khi Trung Quốc tiếp tục đổ nguồn lực vào ngành công nghiệp bán dẫn địa phương để giảm sự phụ thuộc vào các công nghệ nhập khẩu. Theo ITIF, nỗ lực này của Trung Quốc đã ngày càng được tăng cường những năm gần đây trong bối cảnh Mỹ hạn chế xuất khẩu công nghệ cao cho các doanh nghiệp Trung Quốc như Huawei Technologies có trụ sở tại Thâm Quyến và Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn (SMIC) có trụ sở tại Thượng Hải.

Báo cáo của ITIF, do Giám đốc chính sách đổi mới toàn cầu Stephen Ezell của quỹ phát hành, cho biết Trung Quốc đã áp dụng cách tiếp cận "trọng thương" trong ngành công nghiệp bán dẫn của mình, sử dụng chiến lược "do nhà nước chỉ đạo" làm méo mó thị trường chip toàn cầu bằng trợ cấp và trộm cắp tài sản trí tuệ . Chính phủ Trung Quốc luôn phủ nhận việc họ tham gia vào bất kỳ hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ nào ở nước ngoài.

Nếu không có sự can thiệp của chính phủ Trung Quốc, “sẽ có thêm 5.100 bằng sáng chế của Mỹ” trong ngành bán dẫn hàng năm, theo ITIF. Điều này là do ngành công nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào nghiên cứu và phát triển để duy trì lợi nhuận tài trợ cho thế hệ đổi mới tiếp theo. Theo báo cáo, khi các khoản trợ cấp đã giúp các công ty Trung Quốc giành được thị phần, các công ty Mỹ buộc phải hạn chế đầu tư vào nghiên cứu phát triển R&D so với trước đây.

Nhóm nghiên cứu gợi ý rằng Washington nên làm việc với các quốc gia cùng chí hướng và nâng cao năng lực chip trong nước bằng cách cấp các khoản trợ cấp của riêng mình, bao gồm chi 10 tỷ USD để thu hút các cơ sở sản xuất chip và đầu tư 7 tỷ USD vào các cơ quan nghiên cứu chất bán dẫn trong 5 năm.

Trong báo cáo có tiêu đề Định luật Moore bị tấn công: Tác động của các chính sách của Trung Quốc đối với đổi mới chất bán dẫn toàn cầu , ITIF cũng đề nghị Mỹ tăng cường “sàng lọc đầu tư” để chống lại hoạt động gián điệp kinh tế do nhà nước tài trợ.

Không biết liệu báo cáo có thể có bất kỳ ảnh hưởng nào đến suy nghĩ của Tổng thống Mỹ Joe Biden hay không, nhưng nó phản ánh sự hoài nghi gần đây ở Washington liên quan đến tham vọng công nghệ cao của Trung Quốc, ngay cả khi sự thúc đẩy “tự lực cánh sinh” gần đây nhất của Trung Quốc được thúc đẩy một phần bởi các chính sách đối đầu dứt khoát được khởi xướng dưới thời cựu tổng thống Mỹ Donald Trump. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiều lần nói rằng Trung Quốc phải sở hữu các công nghệ cốt lõi của mình, bao gồm cả chất bán dẫn, để đất nước này không phải phụ thuộc vào người khác.

Thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất đối với chất bán dẫn vào năm 2020, với tổng doanh thu đạt 151,7 tỷ USD, theo số liệu do Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn công bố. Theo số liệu hải quan riêng của Trung Quốc, Trung Quốc đã chi 380 tỷ USD nhập khẩu chip và các thiết bị liên quan vào năm 2020, tương đương gần 1/5 tổng lượng hàng nhập khẩu của cả nước.

ITIF cho biết chiến lược của Trung Quốc nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn của họ đã phát triển trong những năm qua với kết quả được cải thiện, còn những nỗ lực trong quá khứ của nước này nhằm trợ cấp cho sự phát triển của các nhà máy chip đang gặp thất bại. Một dự án xưởng đúc đầy tham vọng ở Vũ Hán, được gọi là Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Hongxin Vũ Hán, đã sụp đổ vào năm ngoái, cựu Giám đốc điều hành của công ty này mô tả trải nghiệm quá trình xây dựng dự án là một “cơn ác mộng”.

Tuy nhiên, các chương trình của chính phủ cho phép các công ty Trung Quốc chịu được mức lợi nhuận thấp trong một thời gian dài, mang lại cho họ lợi thế cạnh tranh so với các công ty phương Tây “chơi đẹp” theo quy tắc thị trường, ITIF cho biết. Quỹ này trích dẫn Quỹ Đầu tư Công nghiệp Vi mạch Quốc gia Trung Quốc, một quỹ thuộc sở hữu nhà nước đóng vai trò như “bầu sữa” cho các dự án chip. Quỹ được thành lập vào năm 2014 và trở thành một phần của chiến lược “Made in China 2025” - một kế hoạch mà Bắc Kinh đã từ bỏ trong vài năm qua sau phản ứng dữ dội từ Washington và Brussels.

Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn tiếp tục thúc đẩy khả năng tự cung cấp chip trong bối cảnh Mỹ tiếp tục trừng phạt đối với nhiều hãng công nghệ hàng đầu của Trung Quốc.

Tháng 8 năm ngoái, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã công bố một ưu đãi thuế lớn cho các dự án và doanh nghiệp vi mạch tích hợp (IC) đủ điều kiện. Ưu đãi này cho phép các công ty đã hoạt động hơn 15 năm được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong tối đa 10 năm nếu họ sử dụng quy trình 28 nanomet hoặc các nút tiên tiến hơn.

Các nhà máy sản xuất chip hàng đầu thế giới hiện đang sử dụng quy mô 5nm cho chip thương mại và đang phát triển quy trình 3nm. Trong khi các nhà sản xuất chip của Trung Quốc được ước tính là chậm hơn từ 5 đến 10 năm, một báo cáo của IC Insights cho biết quốc gia này hiện đứng thứ tư về năng lực sản xuất tấm wafer tính đến năm 2019, vượt qua Bắc Mỹ nhưng vẫn đứng sau Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Đức Duy

Theo SCMP



BÀI CHỌN LỌC

Chiến tranh công nghệ Mỹ-Trung: Sự đổi mới chip của Mỹ bị tổn hại bởi các chiến lược 'trọng thương' của Bắc Kinh