Chiêu 'lách luật' để cho vay nặng lãi của F88

Giúp NTDVN sửa lỗi

Từ hôm qua (6/3), các trang truyền thông dòng chính đều đồng loạt đăng tin công an TP.HCM phong tỏa, khám xét nhiều chi nhánh của Công ty F88 ở trên địa bàn. Việc công ty tài chính F88 bị điều tra không gây bất ngờ cho tất cả những ai từng có hiểu biết đôi chút về công ty này.

Hôm nay, ngày 7/3, ngày thứ hai liên tiếp, lực lượng chức năng vẫn đang điều tra các dấu hiệu sai phạm của Công ty F88. Tại thành phố Thủ Đức, Công an đã khám xét tổng cộng 16 chi nhánh của công ty F88 ở các phường Linh Xuân, Linh Trung, Linh Đông, Bình Thọ, Hiệp Bình Chánh, Tăng Nhơn Phú B, Bình Chiểu, Long Thạnh Mỹ, Phước Long A, Bình Trưng Đông…; thu giữ nhiều tài liệu và đưa người về trụ sở làm việc, theo VOV.
Cũng theo trang VOV, qua kiểm tra, một nhân viên của chi nhánh F88 tại phường Linh Xuân có kết quả dương tính với ma túy.
Trước đó vào sáng 6/3, trụ sở của Công ty F88 trên đường Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp, TPHCM đã bị công an phong tỏa, khám xét để điều tra về các hoạt động cho vay nhằm cưỡng đoạt tài sản. Chiều cùng ngày, toàn bộ chi nhánh của F88 ở TPHCM cũng bị công an khám xét.
Hình ảnh công an phong toả và khám xét các cửa hàng giao dịch cầm đồ của F88 ở TP. HCM hôm 6/3/2023 (Nguồn ảnh: Ảnh chụp màn hình từ Internet)

Công tài chính F88 với các quảng cáo cho vay nhanh, khoản vay nhỏ, đã nhanh chóng mở rộng chi nhánh khắp các tỉnh thành trên cả nước. Hoạt động của F88 không khác một tiệm cầm đồ và cho vay nặng lãi trên đường Láng ở Hà Nội cách đây 2 - 3 thập kỷ là bao nhiêu. Điều khác biệt duy nhất là F88 công khai, được pháp luật thừa nhận.

Từ khi hoạt động đến nay, F88 thường xuyên bị cáo buộc cho vay nặng lãi, đòi nợ kiểu 'xã hội đen',... Tuy nhiên, tất cả các thông tin này đều dần lắng xuống. F88 ngày một mở rộng mạng lưới, thậm chí huy động vốn, hàng ngàn tỷ, trên thị trường tài chính với sự góp mặt của những nhân vật nổi tiếng.

Vậy F88 có cho vay nặng lãi không? Họ có vi phạm pháp luật về đòi nợ không?

Hai lỗ hổng pháp lý về cho vay nặng lãi

Khung khổ pháp luật của Việt Nam đã quy định rõ về lãi suất cho vay ở mức nào thì được coi là cho vay nặng lãi.

Theo khoản 1, Điều 486, Bộ Luật Dân (2015) sự quy định:

"1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ".

Như vậy, lãi suất trên 20%/năm được coi là cho vay nặng lãi và mức lãi suất vượt quá này sẽ không có hiệu lực. Tuy nhiên, mức lãi suất trên 20% chưa phải là mức lãi suất phạm tội hình sự về cho vay nặng lãi.

Theo Luật Hình sự 2015, tội phạm hình sự cho vay nặng lãi hình thành (Điều 201) nếu: "Người nào trong giao dịch dân sự mà áp dụng cho vay với lãi suất gấp 05 lần so với mức lãi suất cao nhất được quy định trong Bộ luật Dân sự, thu nguồn lợi bất chính từ 30.000.000 đồng cho đến dưới 100.000.000 đồng, cá nhân đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về vi phạm tội này, chưa được xóa án mà vẫn còn ngoan cố vi phạm thì sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ lên đến 03 năm".

Tóm lại, phải cho vay với mức lãi suất 100%/năm thì mới bị quy vào tội hình sự cho vay nặng lãi. Chưa kể, nguồn thu lợi bất chính từ khoản vay phải từ 30 triệu đồng tới 100 triệu đồng.

Lỗ hổng trong khung khổ pháp lý của Việt Nam về cho vay nặng lãi có hai vấn đề:

Thứ nhất, trường hợp các cá nhân và pháp nhân khác khi cho vay với mức lãi suất từ trên 20% đến dưới 100%/năm, tuy vi phạm điều cấm của luật nhưng lại không bị xử phạt vi phạm hành chính, vì chưa có quy định xử phạt. Chẳng hạn, trường hợp cơ sở cầm đồ cho vay với mức lãi suất "vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay" thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, nhưng quy định "vượt quá 150% lãi suất cơ bản" đã hết hiệu lực từ năm 2017 theo quy định tại Điều 468 về "Lãi suất", Bộ luật Dân sự năm 2015;

Thứ hai, luật quy định về lãi suất cho vay mà không có quy định, định nghĩa lãi suất đó nên bao gồm cả lãi suất danh nghĩa của khoản vay và các chi phí đi kèm khoản vay đó. Hoặc ít nhất, các chi phí phát sinh quanh khoản vay không được vượt qua một tỷ lệ phần trăm nhất định của khoản vay, chỉ được tính một lần và không được tính theo tỷ lệ như lãi suất hàng tháng.

Dựa vào hai lỗ hổng này của luật pháp, F88 đã cho vay nặng lãi theo đúng nghĩa nhưng lại không bị 'sờ gáy'.

F88 tận dụng triệt để

Chắc chắn một điều, hầu hết (chưa nói là tất cả) các khoản vay của F88 đều vượt mức 20%/năm; mức mà theo Luật Dân sự được xem là 'nặng lãi', là lằn ranh đỏ; lãi suất trên mức này được xem là vô hiệu.

Chưa kể, cuối năm 2021, F88 còn ngang nhiên quảng cáo sản phẩm cho vay với mức chi phí vay (lãi vay và chi phí vay) lên tới 90%/năm; một mức lãi suất đảm bảo chưa chạm mức 100%/năm để có thể bị quy vào tội hình sự cho vay nặng lãi nhưng đã vi phạm Luật Dân sự về cho vay nặng lãi.

Theo thông cáo của Thế Giới Di Động, đây là bước khởi đầu của doanh nghiệp này trong quá trình thiết lập hệ sinh thái bán lẻ tích hợp tài chính và các dịch vụ giá trị gia tăng khác, sẵn sàng phục vụ mọi nhu cầu khách hàng tại một điểm đến.

Theo Báo Người Lao Động, gói sản phẩm cho vay tiền mặt do F88 cung cấp không yêu cầu người dùng phải phát sinh bất cứ hoạt động mua sắm nào tại Thế Giới Di Động. Dù vậy, người vay phải có chứng minh thư hoặc căn cước công dân và cà vẹt xe (giấy đăng ký xe máy) đứng tên chính chủ. Thực chất đây cũng là cách làm ở các tiệm cầm đồ.

Hạn mức vay tối đa cho dịch vụ này là 10 triệu đồng/giao dịch, tiền gốc và chi phí vay được trả đều trong vòng 12 tháng với chi phí vay 7,5%/tháng, phí phạt tất toán sớm trước hạn là 5% nhân số tiền gốc còn lại. Phí phạt quá hạn là 50.000 đồng mỗi ngày và tối đa không quá 150.000 đồng trên 1 kỳ quá hạn.

Tuy nhiên, để lách luật về cho vay nặng lãi, F88 quy định về lãi suất khoản vay là 1,1%/tháng nhưng các loại phí bảo quản tài sản, phí thẩm định... tổng vào lại lên tới 6,4%/tháng. Đáng lẽ, các loại phí này chỉ được thu một lần, nhưng F88 ngang nhiên thu theo tháng như khoản lãi vay.

Chỉ bằng cách đặt tên gọi khác đi, F88 cho rằng họ đã "lách luật" thành công; không vượt quá trần lãi suất 20% theo quy định của Luật Dân sự!

Sau khi công bố, thông tin về lãi và phí vay của F88 đã thúc đẩy một cuộc thảo luận trên mạng vì mức phí vay như vậy không khác mấy mức phí phải trả khi cầm đồ ở chợ đen.

Trang Vietnam Biz phỏng vấn Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc công ty Luật ANVI về sản phẩm này của F88, Luật sư Đức cho biết: "Mức lãi suất cho vay được nhà nước quy định là không vượt quá 20%/năm. Các khoản phí khác liên quan thì chưa có quy định cụ thể". Như vậy, nếu tính mức lãi suất 1,1%/tháng mà F88 đưa ra thì chưa vi phạm quy định.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Luật sư Đức cho biết theo quy định của pháp luật mọi trường hợp cho vay bên ngoài hệ thống tổ chức tín dụng, nếu có mức lãi suất vượt quá 20%/năm đều là bất hợp pháp. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá 20% thì "mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực".

Rõ ràng, lỗ hổng trong Luật Dân sự 2015 và Luật Hình sự 2015 về "lãi suất" không định nghĩa bao gồm cả lãi cho vay và phí cho vay đã giúp F88 lợi dụng triệt để. Với khoản chi phí vay tới 7,5%/tháng như công bố; F88 tách thành 1,1% là lãi suất và 6,4% còn lại là phí. Việc này có thể giúp F88, trên bề mặt, tạm thời né tránh tội "cho vay nặng lãi" và tránh bị tuýt còi. Nhưng bản chất cầm đồ cho vay nặng lãi, chưa nói đến đòi nợ kiểu xã hội đen, cũng không thể che giấu.

F88 lớn nhanh như Thánh Gióng

Công ty F88 được thành lập năm 2013, hoạt động chính ở mảng cho vay tiền, cầm đồ. Chỉ trong vòng 1 thập kỷ, F88 nhanh chóng lớn mạnh, mở rộng mạng lưới cầm đồ khắp cả nước. Hiện nay, F88 là chuỗi cầm đồ, cho vay tiền lớn nhất nước, với khoảng 800 cửa hàng và điểm bán hàng trên toàn quốc.
Để mở rộng điểm cầm đồ, F88 đã chính thức hợp tác với Thế Giới Di động. Theo đó, 2 bên sẽ hợp tác để cung cấp dịch vụ cho vay tiền mặt tại các cửa hàng bán lẻ thuộc 2 chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh.

Ngoài ra, F88 cũng mở rộng hợp tác chiến lược với các ngân hàng quốc tế CIMB, KBank chi nhánh TP.HCM để cùng triển khai các dịch vụ tài chính.

Sự mở rộng nhanh chóng của F88 gắn liền với khả năng huy động vốn liên tục, cả trong và ngoài nước; hàng nghìn tỷ đồng từ các quỹ quốc tế và cả dòng tiền từ huy động trái phiếu.

Theo Zing, giai đoạn 2017-2018, F88 đã kêu gọi thành công vòng gọi vốn đầu tiên (serie A) từ Quỹ Mekong Enterprise Fund III và vòng tiếp theo (serie B) từ Quỹ Granite Oak ngay sau đó. Trong năm 2022, F88 tiếp tục nhận được các khoản huy động 70 triệu USD từ các quỹ tài chính CLSA Capital Partners (HK) Limited (Lending Ark) và Lendable Group (London, Anh).

Đến ngày 2/3, chỉ vài ngày trước động thái khám xét của Công an, chuỗi cầm đồ huy động thành công khoản đầu tư 50 triệu USD trong vòng gọi vốn Series C với hai nhà đầu tư chính là Quỹ Việt Nam - Oman (VOI) và Quỹ Mekong Enterprise Fund IV (MEF IV).

Trong kế hoạch, năm 2023 dự kiến doanh nghiệp này sẽ giải ngân xấp xỉ 1 tỷ USD, tương đương 22.000 tỷ đồng. F88 dự định chính thức IPO vào năm 2024 với quy mô vốn hóa đạt 1 tỷ USD, hệ thống phòng giao dịch đạt 1.400 phòng; gần gấp đôi điểm giao dịch hiện có (là 800 cửa hàng cầm đồ trên toàn quốc).

Tham vọng của F88 là năm 2023 trở thành tập đoàn cung cấp dịch vụ tài chính số 1 Việt Nam, sở hữu 1000 cửa hàng trên 63 tỉnh thành phố trên toàn quốc. Năm 2025, công ty này dự kiến tăng số cửa hàng lên 1.700.
Quang Nhật



BÀI CHỌN LỌC

Chiêu 'lách luật' để cho vay nặng lãi của F88