Chính phủ Hà Lan chặn Trung Quốc tiếp cận công nghệ bán dẫn tiên tiến

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính phủ Hà Lan đã đồng ý ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận công nghệ sản xuất chip. Động thái này làm nóng lên cuộc xung đột chất bán dẫn đã diễn ra trong thời gian dài giữa Washington và Bắc Kinh.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã lên tiếng chỉ trích Hà Lan, cáo buộc quốc gia thuộc Liên minh châu Âu này chọn đứng về phe Hoa Kỳ trong cuộc chiến vi mạch.

Bà Liesje Schreinemacher, Bộ trưởng Ngoại thương và Hợp tác Phát triển Hà Lan, nói với quốc hội nước này hôm 08/03 rằng những hạn chế đối với việc ĐCSTQ tiếp cận thiết bị sản xuất chip tiên tiến là điều vô cùng cần thiết đối với an ninh và nhân quyền.

Tập đoàn ASML Holdings, có trụ sở tại Veldhoven (Hà Lan), là nhà sản xuất duy nhất trên thế giới sử dụng tia cực tím (EUV) để khắc các mạch tinh vi siêu nhỏ lên silic, cho phép chúng gắn kết chặt chẽ hơn, từ đó làm tăng tốc độ của chúng và giảm nhu cầu điện năng.

Công nghệ vi mạch nhạy cảm

ĐCSTQ được biết là luôn cố gắng giành về các công nghệ có giá trị cao từ người Hà Lan.

Trong bức thư gửi quốc hội, Bộ trưởng Ngoại thương Hà Lan đã không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc hay ASML - công ty công nghệ lớn nhất châu Âu và là một trong những nhà cung cấp thiết bị bán dẫn lớn nhất toàn cầu.

Bà Schreinemacher viết: “Tính đến quá trình phát triển công nghệ và bối cảnh địa chính trị, chính phủ đã đi đến kết luận rằng để đảm bảo an ninh quốc gia / quốc tế, [Hà Lan] cần mở rộng phạm vi kiểm soát xuất khẩu hiện có đối với các thiết bị sản xuất chất bán dẫn cụ thể”.

Bà cho biết các biện pháp mới chỉ nhắm vào “các công nghệ rất cụ thể nằm trong chu trình sản xuất chất bán dẫn mà Hà Lan giữ vị trí độc nhất và dẫn đầu, chẳng hạn như máy quang khắc chìm và lắng đọng tia cực tím sâu (DUV) tiên tiến nhất”.

Bộ trưởng Ngoại thương Hà Lan nói thêm rằng quyết định bổ sung các biện pháp kiểm soát xuất khẩu “đã được đưa ra một cách cẩn thận và chính xác nhất có thể, nhằm tránh làm gián đoạn chuỗi giá trị một cách không cần thiết; các biện pháp này cũng đã tính đến tính chất sân chơi quốc tế”.

Bà Schreinemacher cho biết chính phủ sẽ công bố các quy định mới “trước mùa hè.”

ASML và các khách hàng Trung Quốc chưa biết chắc chắn lệnh cấm sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ như thế nào.

Phản ứng của ASML

Đáp lại quyết định của chính phủ, ASML tuyên bố trên trang web của họ rằng các hạn chế mới sẽ được áp dụng cho “các thiết bị quang khắc chìm và lắng đọng tinh vi nhất”.

“Do các quy định sắp tới này, ASML sẽ cần phải xin giấy phép xuất khẩu để vận chuyển các hệ thống DUV chìm tiên tiến nhất”. Công ty cho biết thêm rằng “sẽ mất thời gian để các biện pháp kiểm soát này được chuyển thành quy định và có hiệu lực”.

“Theo như tính toán của chúng tôi dựa trên chính sách của chính phủ Hà Lan và tình hình thị trường hiện tại, chúng tôi không cho rằng các biện pháp này sẽ ảnh hưởng lớn đến triển vọng tài chính mà chúng tôi đã công bố cho năm 2023 hoặc cho các kịch bản dài hạn”.

Trung Quốc chiếm 14% tổng doanh số bán hàng toàn cầu của ASML. Công ty Hà Lan đã bán được lượng thiết bị sản xuất chip quang khắc trị giá hơn 8,46 tỷ USD ở Trung Quốc trong thập kỷ qua.

Chính phủ Hà Lan đã cấm ASML xuất khẩu công nghệ tiên tiến nhất của họ sang Trung Quốc từ năm 2019 nhưng vẫn cho phép công ty này cung cấp các hệ thống chất lượng thấp hơn.

ASML hiện có một số trung tâm nghiên cứu và sản xuất ở Bắc Kinh và Thâm Quyến, cũng như một trụ sở ở Hong Kong.

Tuy nhiên, như nhà phân tích Marc Hesselink của ING nói với Reuters, trong trường hợp xấu nhất, các quy định mới có thể ảnh hưởng gián tiếp đến một số sản phẩm - những thứ chiếm 10% doanh số bán hàng toàn cầu của ASML.

Một số khách hàng của ASML tại Trung Quốc là các nhà sản xuất vi mạch Hàn Quốc SK Hynix và Samsung Electronics; những công ty này vẫn có khả năng được giao dịch.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp Trung Quốc như nhà sản xuất vi mạch SMIC và YMTC phải đối mặt với các hạn chế xuất khẩu của cả Hoa Kỳ và Hà Lan.

Phản ứng của Trung Quốc

Các chuyên gia trong ngành công nghệ nói rằng việc không thể tiếp cận với công nghệ sản xuất chip tiên tiến mới nhất của ASML là trở ngại nghiêm trọng trong các kế hoạch phát triển ngành công nghiệp vi mạch nội địa dài hạn của ĐCSTQ.

Các nhà sản xuất Trung Quốc hiện chỉ có thể sản xuất vi mạch cấp thấp được sử dụng trong xe cộ và trong hầu hết các thiết bị điện tử tiêu dùng, nhưng không thể sản xuất vi mạch được sử dụng trong điện thoại thông minh, máy chủ và các sản phẩm cao cấp khác.

Tháng 10 năm ngoái, chính quyền Biden đã áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc đối với vi mạch tiên tiến - loại vi mạch mà Washington cho rằng Bắc Kinh có thể sử dụng cho mục đích kép (dân sự - quân sự).

Có nhiều lo ngại rằng Bắc Kinh sử dụng chip tiên tiến để chế tạo vũ khí, tăng cường bộ máy giám sát hiện có, mở rộng các hoạt động bức hại nhân quyền và cải thiện tốc độ cũng như độ chính xác của hậu cần quân sự.

Tòa Bạch Ốc đã kêu gọi các đồng minh như Nhật Bản, Hà Lan và các quốc gia châu Âu khác đứng về phía mình trong cuộc chiến vi mạch đang diễn ra căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington.

Bắc Kinh đã chỉ trích các động thái của Hoa Kỳ và các đồng minh, nói rằng chúng vi phạm các nguyên tắc thị trường tự do trong thương mại quốc tế.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh đã lên án Hoa Kỳ rằng nước này cố gắng “bảo vệ quyền bá chủ của họ” bằng cách lạm dụng vấn đề an ninh quốc gia như một cái cớ để “tước đoạt quyền phát triển của Trung Quốc”.

Bà Mao Ninh nói: “Chúng tôi kiên quyết phản đối các hoạt động can thiệp và hạn chế của Hà Lan, các biện pháp hành chính đối với trao đổi kinh tế và thương mại bình thường giữa các doanh nghiệp Trung Quốc và Hà Lan. Chúng tôi đã khiếu nại với phía Hà Lan”.

Bà Mao cũng kêu gọi người Hà Lan “bảo vệ sự ổn định của chuỗi cung ứng và công nghiệp quốc tế”.

Theo The Epoch Times

Cát Duyên biên dịch

 

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Chính phủ Hà Lan chặn Trung Quốc tiếp cận công nghệ bán dẫn tiên tiến