Chính quyền Mỹ đang xem xét giáng một đòn 1,2 nghìn tỷ USD vào các doanh nghiệp niêm yết của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các công ty Trung Quốc hiện tại không phải tuân thủ các chuẩn mực kế toán Mỹ khi huy động vốn của người Mỹ tại thị trường chứng khoán Mỹ. Đây là lỗ hổng ngớ ngẩn nhất khiến nhà đầu tư Mỹ “mắc lỡm” với với hệ thống sổ sách kế toán làm giả của nhiều doanh nghiệp Trung Quốc. Tổng thống Trump sẽ kiên quyết vá lại lỗ hổng này…

Chính quyền của Tổng thống Trump đang xem xét việc siết chặt các quy định đối với việc niêm yết các công ty Trung Quốc trên các Sở Giao dịch Chứng khoán Mỹ nhằm trừng phạt Bắc Kinh vì những gì mà nước này đã gây ra trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán (Covid-19). Những công ty Trung Quốc hiện tại không phải tuân thủ các chuẩn mực kế toán của Mỹ, điều này đã tạo điều kiện cho các công ty yếu kém và sai phạm này tiếp cận được thị trường vốn của Mỹ và gây ra tổn thất cho giới đầu tư.

Tổng thống Trump nói với phóng viên Maria Bartiromo của hãng thông tấn Fox Business rằng chính quyền của ông đang xem xét rất nghiêm túc việc bắt buộc các công ty Trung Quốc phải tuân thủ tiêu chuẩn kế toán Mỹ. Nếu áp dụng, ông cũng cho rằng phản ứng của những công ty này có thể là: “OK, chúng tôi sẽ chuyển sang thị trường London hoặc chúng tôi sẽ chọn Hồng Kông”.

1,2 nghìn tỷ USD của 156 công ty Trung Quốc sẽ phải tuân thủ “chuẩn mực Mỹ” trên sân chơi Mỹ

Điều đáng chú ý là có tới 156 doanh nghiệp Trung Quốc hiện đang niêm yết tại các Sở Giao dịch Chứng khoán Mỹ với giá trị lên tới 1,2 nghìn tỷ USD tính tới thời điểm 25/2/2019, theo thông tin từ Ủy ban Giám sát An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung.

Trước đó vào thứ Hai tuần này (11/5), Nhà Trắng đã yêu cầu quỹ đầu tư hưu trí liên bang, một quỹ hưu trí chính phủ, phải bán ra 4 tỷ USD cổ phiếu đã đầu tư vào các công ty Trung Quốc. Chính quyền và Quốc hội Mỹ đang xem xét thêm các giải pháp khác nhằm chống lại Bắc Kinh.

Một số ý tưởng đang được cân nhắc là cho phép người Mỹ được kiện Trung Quốc về những tổn hại mà Covid-19 đã gây ra cho nền kinh tế và đời sống nhân dân nước này, áp đặt lệnh cấm vận và cấm đi lại cũng như hạn chế các công ty, tổ chức của Mỹ cấp tín dụng cho các doanh nghiệp Trung Quốc.

Tiếp theo cuộc chiến thương mại đã diễn ra, dường như cuộc chiến tiếp theo giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ toàn diện hơn, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính vốn là thế mạnh của nước Mỹ.

Khi “chuẩn mực Trung Quốc” được lộng hành trên đất Mỹ

Việc các doanh nghiệp niêm yết của Trung Quốc không phải tuân thủ chuẩn mực kế toán Mỹ đã giúp Trung Quốc lừa dối nhà đầu Mỹ và đe dọa an ninh tài chính Mỹ. Điển hình là vụ bê bối của Luckin - một doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán New York - đã làm giả số liệu doanh thu để lừa dối nhà đầu tư Mỹ, từ nhà đầu tư tư nhân cho tới quỹ hưu trí đầu tư vào công ty này.

Luckin Coffee - đối thủ cạnh tranh với Starbucks trên sân nhà Trung Quốc - là một công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán New York, từng thu hút rất thành công dòng vốn của nhà đầu tư Mỹ. Hiện cổ phiếu niêm yết tại New York của hãng này giảm khoảng 75% vào ngày 2/4. Cổ phiếu của Luckin đã giảm thêm 16% vào ngày 3/4.

Chỉ trong hai ngày, hơn 5 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường đã bốc hơi. Nhiều nhà đầu tư lớn đã nắm giữ cổ phiếu Luckin, bao gồm nhà giao dịch hàng hóa Louis Dreyfus, Melvin Capital Management, Lone Pine Capital và GIC, Quỹ đầu tư quốc gia Singapore.

Giám đốc điều hành Luckin là Jian Liu cùng một số nhân viên khác đã bị đình chỉ sau khi một ủy ban nội bộ phát hiện ra các giao dịch gian lận trong năm 2019 với tổng trị giá hơn 2,2 tỷ nhân dân tệ (310 triệu USD). Ngoài ra, một số chi phí khác cũng bị thổi phồng, theo thông cáo báo chí của công ty. Trong khi đó tổng doanh thu ròng của Luckin trong 9 tháng đầu năm 2019 là 2,9 tỷ nhân dân tệ (410 triệu USD) (theo Báo cáo Kết quả kinh doanh được công bố gần nhất).

Đối với các nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm và hiểu biết về Trung Quốc, sự sụp đổ của Luckin chỉ là trường hợp mới nhất trong một xu hướng mà trong đó các công ty Trung Quốc bị phát hiện là có hành vi lừa đảo. Bất kỳ nhà đầu tư tiềm năng nào cũng nên hết sức thận trọng trước khi đầu tư vào các công ty như vậy.

Tất nhiên, không phải tất cả các công ty Trung Quốc đều lừa đảo, nhưng sự bất ổn của các công ty Trung Quốc lại đặc biệt cao do các chính sách của Bắc Kinh.

Giống như hầu hết các công ty Trung Quốc khác được niêm yết tại Mỹ, Luckin có cấu trúc VIE (variable-interest entity) trong và ngoài nước. Tổ chức ngoài nước mà phát hành cổ phiếu được bán cho các nhà đầu tư Mỹ, là một công ty đã đăng ký tại Đảo Cayman. Tổ chức trong nước thì có thỏa thuận hợp đồng với Công ty TNHH Công nghệ Cà phê Bắc Kinh Luckin, một VIE trong nước thuộc sở hữu của Giám đốc điều hành của Luckin là Jenny Zhiya Qian và Min Chen - công ty này trả phí và tiền bản quyền cho đơn vị nước ngoài.

Một rủi ro cố hữu của cấu trúc này, như với hầu hết các công ty Trung Quốc khác niêm yết tại Mỹ, là các nhà đầu tư không nắm chút quyền sở hữu nào trong hoạt động của công ty. Các giám đốc điều hành người Trung Quốc hoặc chính quyền Bắc Kinh không cần phải có trách nhiệm với nhà đầu tư nước ngoài. Điều này khiến các nhà đầu tư Mỹ bị đặt trong tình huống khó khăn, mất trắng quyền lợi, không có cả khả năng giám sát minh bạch thông tin của các doanh nghiệp Trung Quốc mà họ đầu tư vào.

Minh bạch - một trong những trụ cột cơ bản của quản trị doanh nghiệp - là một nhân tố rất hiếm hoi ở hầu hết các công ty Trung Quốc. Bắc Kinh không cho phép Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ hoặc các cơ quan quản lý khác của Mỹ kiểm tra giấy tờ làm việc kiểm toán của các công ty Trung Quốc. Trung Quốc tuyên bố rằng những sổ sách trình bày “cơ mật quốc gia” không thể được chia sẻ với các bên khác.

Sự can thiệp tùy tiện của chính phủ Trung Quốc có thể tạo ra nhiều bất ổn. Các công ty Trung Quốc, ngay cả những công ty thuộc sở hữu tư nhân, phải hoàn toàn nghe lời các ông chủ chính quyền Bắc Kinh ở địa phương và các chi bộ Đảng. Đây là một đặc điểm chung của mọi công ty Trung Quốc, bất kể cổ phiếu của nó được giao dịch ở đâu. Đây cũng chính là lý do giải thích tại sao công ty viễn thông khổng lồ Huawei, một công ty tư nhân - lại trở thành một nguy cơ đối với bảo mật quốc gia của Mỹ.

Phố Wall vận động chống Trump để rót tiền vào công ty Trung Quốc - Trump không thể không ‘dọn dẹp’ mớ hỗn độn này

Các quan chức cao cấp, các nhà lập pháp và các chuyên gia Mỹ đang gióng lên hồi chuông cảnh báo khi các quỹ hưu trí khổng lồ đang gia tăng cổ phần của mình trong các vốn tài sản của Trung Quốc bất chấp những lo ngại về an ninh kinh tế và quốc gia. Tiền tiết kiệm hưu trí của hàng triệu nhà đầu tư Mỹ đang trở nên phụ thuộc vào sự thành công của các công ty Trung Quốc thiếu minh bạch thực sự. Các công ty này được kết nối với quân đội Trung Quốc, thậm chí bị cáo buộc đồng lõa với một loạt các hành động tàn bạo, phi nhân tính và phi pháp như buôn bán vũ khí với các phần tử khủng bố tại Trung Đông, hoạt động y tế liên quan tới ngành mổ cướp tạng sống tù nhân lương tâm vốn đang bị thế giới phanh phui và lên án ngày một mạnh mẽ.

Bắc Kinh thúc đẩy Phố Wall bỏ tiền cho các công ty của họ bằng cách tranh thủ sự ủng hộ của các công dân Mỹ đối với việc hợp tác làm ăn với Trung Quốc. Và khi các quan chức an ninh quốc gia Mỹ lên tiếng cảnh báo rủi ro an ninh tài chính, họ bị buộc tội phân biệt chủng tộc, một chiến thuật phổ biến của chính phủ Trung Quốc để bác bỏ mọi chỉ trích.

Vào ngày 1/4, ông Robert C. O’Brien, cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ đã cân nhắc về những tranh luận xung quanh Hệ thống Hưu trí của các Công chức California, được gọi là quỹ CalPERS. Là quỹ hưu trí công lớn nhất cả nước, CalPERS quản lý hơn 300 tỷ USD vốn tài sản cho 1,6 triệu công chức. Quỹ đã liên tục đổ tiền đầu tư vào các công ty Trung Quốc. Ông cho biết “đó là điều mà chúng tôi đang xem xét. Đây chính là một vấn đề đối với các nhà đầu tư Mỹ”, ông O’Brien phát biểu tại Quỹ Di sản ở Washington. “Một số chính sách đầu tư của CalPERS cực kỳ đáng lo ngại” (theo Washington Post).

Ông O’Brien đã chỉ ra rằng sổ sách kế toán của các công ty Trung Quốc không thể kiểm tra được - và các công ty này nổi tiếng với việc “xào nấu” sổ sách kế toán của họ - vì vậy các nhà đầu tư sẽ gặp rất nhiều rủi ro vì không thể biết được gì. Ông cũng lưu ý rằng CalPERS đang hướng đồng USD của những người nộp thuế ở Mỹ vào một kẻ thù là các công ty có liên quan đến việc bành trướng quân sự.

“Tôi không hiểu tại sao chúng ta lại đang bảo lãnh cho ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc”, ông O’Brien nói.

Quỹ CalPERS nắm giữ các cổ phần trị giá 3,1 tỷ USD tại 172 công ty khác nhau của Trung Quốc. Và vào mùa thu năm ngoái, quỹ này đã cân bằng lại danh mục đầu tư của mình để thêm 198 công ty nữa, một nửa các công ty đó có trụ sở tại Trung Quốc. Các cổ phần của họ bao gồm các nhà thầu quân sự Trung Quốc như Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc và các công ty hiện đang bị Bộ Thương mại Mỹ xử phạt vì xây dựng các trại giám sát và trại giam tại Tân Cương, như Hikvision.

Tờ Washington Post nhận định, các mối quan tâm về kinh tế và an ninh quốc gia có liên kết với nhau. Áp lực của Mỹ lên những người Trung Quốc không đáng tin đã bị phá hoại khi Phố Wall gửi hàng tỷ tiền mặt cho những người này. Đổi lại, Phố Wall càng đầu tư nhiều vào những công ty Trung Quốc không đáng tin này, họ càng vận động chống lại các hành động của Tổng thống Trump để mang lại lợi ích cho Bắc Kinh.

Trung Quốc muốn thấy các công ty gây tranh cãi nhiều nhất của mình được thâm nhập vào thị trường chứng khoán và các quỹ hưu trí của Mỹ vì Trung Quốc muốn hợp pháp hóa các công ty này, làm suy yếu các biện pháp trừng phạt của Mỹ và thúc đẩy chiến lược của Bắc Kinh để tăng đòn bẩy và ảnh hưởng của Trung Quốc lên Mỹ. Tuy nhiên, nước Mỹ và chính quyền của Tổng thống Trump sẽ không bao giờ cho phép điều đó xảy ra.

Đức Duy - Trà Nguyễn



BÀI CHỌN LỌC

Chính quyền Mỹ đang xem xét giáng một đòn 1,2 nghìn tỷ USD vào các doanh nghiệp niêm yết của Trung Quốc