Chính quyền ông Biden đang đối diện với một cuộc khủng hoảng kế tiếp: Suy thoái kinh tế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các số liệu việc làm quá tốt, đang tốt hơn trước đại dịch của nước Mỹ được truyền thông cánh tả quảng bá mạnh mẽ. Nhưng nếu kết hợp số liệu việc làm tích cực với lạm phát cao nhất trong 40 năm và dự báo kinh tế suy giảm lại khiến Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) buộc phải gấp gáp tăng lãi suất điều hành. Và lúc này, nỗ lực chi tiêu khủng để tăng trưởng bắt đầu lộ ra lưỡi dao sắc bén thứ hai làm tổn thương kẻ cầm dao: cuộc khủng hoảng suy thoái kinh tế của Mỹ bắt đầu.

Đối với Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ (Fed) mà nói, thị trường lao động của Mỹ đang phục hồi nhanh và tốt đến mức "không lành mạnh". Bởi vì, một thị trường lao động toàn dụng hơn, hiệu quả hơn buộc Fed không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải hãm phanh chính sách nới lỏng tiền tệ đột ngột hơn, đưa lạm phát trở lại trạng thái bình thường.

Con dao hai lưỡi

Theo nghiên cứu của Viện dịch vụ Quốc hội Mỹ công bố ngày 13/1/2022 (pdf), kinh tế Mỹ chắc chắn rơi vào suy thoái ngắn năm 2020 do đóng cửa vì Covid-19. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng khẳng định rằng cho tới nay kinh tế Mỹ chưa chắc chắn thoát khỏi suy thoái bởi nguyên nhân suy thoái lần này khác hoàn toàn với những cuộc suy thoái trong quá khứ: lớn, đột ngột. Mặc dù, theo định nghĩa về số liệu suy thoái, nền kinh tế Mỹ có vẻ như đã thoát khỏi nó trong năm 2021 nhờ các khoản chi tiêu khổng lồ của chính quyền ông Biden.

Nhưng khác với giai đoạn sau Đại khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, chỉ số lao động chỉ phục hồi trở lại từ 2015; khi đó lạm phát không thể tăng do tiêu dùng thắt chặt. Nhưng lần này, chỉ số lao động lại nhanh chóng được củng cố, đi kèm là lạm phát đã kéo dài do các khoản chi tiêu khổng lồ của chính phủ Mỹ kể từ tháng 2/2021. Lạm phát ngày một cao nhờ các cú đánh bồi từ xung đột địa chính trị toàn cầu, hiện đã cao nhất trong 40 năm qua, gấp 4 lần lạm phát mục tiêu mà Fed đã đề ra.

Rõ ràng là các khoản chi tiêu công khủng của chính quyền ông Biden đã trở thành con dao hai lưỡi: vừa tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm, ít nhất trong ngắn hạn, vừa đổ thêm dầu vào lửa lạm phát đã manh nha sau hàng thập kỷ Fed chạy theo chính sách tiền giá rẻ để kích thích tăng trưởng. Nhưng tăng trưởng đã chậm chạp hơn nhiều so với kỳ vọng, thay vào đó là thị trường chứng khoán, bất động sản đã phát triển gấp nhiều lần khu vực kinh tế thực. Mỹ và hầu hết các nền kinh tế toàn cầu ngập trong bong bóng giá tài sản, hầu hết đều mang tính đầu cơ.

Fed buộc phải thắt chặt tiền tệ nhanh hơn, đột ngột hơn

Vậy điều gì sẽ xảy ra khi nền kinh tế tăng trưởng mở rộng hơn, lao động toàn dụng hơn nhưng lạm phát đã cao gấp 4 lần mức mục tiêu? Câu trả lời là Fed sẽ thắt chặt tiền tệ nhanh hơn, đột ngột hơn; họ không có lựa chọn nào khác.

Số liệu trên thị trường lao động cần phải nhìn nhận trong mối tương quan với lạm phát. Khi tỷ lệ thất nghiệp đã quay trở lại thời kỳ trước đại dịch Covid-19, ở mức 3,6% vào tháng 3/2022 thì lạm phát trong tháng 3 cũng lập tức đạt mức 8% (so cùng kỳ), mức cao nhất trong vòng 40 năm. Khoảng cách giữa lạm phát và chỉ số thất nghiệp doãng rộng nhờ khoản chi tiêu khủng từ nghị trình tái lập vĩ đại của chính quyền ông Biden.

Chỉ số thất nghiệp ở Mỹ đã trở về mức trước đại dịch Covid-19 nhưng lạm phát thì không ngừng leo dốc, đi ngược lại thông số trước đại dịch. Đây là dấu hiệu xấu buộc Fed phải thay đổi chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh tay hơn (Nguồn: Trading Eoconomics)

Các số liệu này khiến Fed không thể chần chừ hoặc từ tốn trong việc xoay chiều chính sách tiền tệ. Việc làm cấp bách hiện nay là phải ổn định giá cả, giảm lạm phát; rõ ràng số liệu việc làm tốt hơn khiến Fed không có lý do trì hoãn thêm. Fed hiểu rõ ràng, cuộc xâm lược của Nga có thể đưa giá dầu và lương thực quốc tế tăng vọt, tiếp tục tăng vọt trong nhiều tháng tới. Kỳ vọng giảm xung đột địa chính trị toàn cầu và nhờ đó giá cả ổn định trở lại là không mấy khả thi trong ngắn hạn. Thêm vào đó, việc Trung Quốc phong toả khắc nghiệt để chống Covid khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn thêm tổn thương, làm tăng chi phí vận chuyển quốc tế.

Với lạm phát đã vượt quá tới gần 4 lần mức mục tiêu là 2%, điều cuối cùng mà Fed cần để mạnh tay tăng lãi suất là thị trường lao động mở rộng. Ở mức 3,6%, tỷ lệ thất nghiệp hiện đang ở gần mức thấp nhất trước đại dịch, trong khi tỷ lệ mở việc làm vượt quá những người đang tìm kiếm việc làm với số lượng kỷ lục. Vấn đề ở chỗ, lạm phát cũng lan vào giá lương, thu nhập từ tiền lương theo giờ đang tăng ở mức 5,6% hàng năm.

Trước những số hôm nay, ông Powell thừa nhận rằng lạm phát đang được chứng minh là một hiện tượng lâu dài hơn so với dự đoán của Fed. Ông cũng gợi ý rằng Fed có thể cần bắt đầu tăng lãi suất ở mức tăng 50 điểm cơ bản thay vì mức tăng 25 điểm cơ bản bình thường hơn để giành lại quyền kiểm soát lạm phát. Những con số thị trường lao động mạnh mẽ ngày nay dường như khiến Fed không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bắt đầu làm như vậy tại cuộc họp chính sách dự kiến ​​tiếp theo vào ngày 15 và 16/05 tới đây.

Dấu hiệu của cuộc suy thoái sẽ đến?

Trong trường hợp tốt nhất, Fed vừa thành công trong việc tiêu diệt con quái vật lạm phát vừa lèo lái nền kinh tế hạ cánh an toàn. Nhưng đây không phải nhiệm vụ dễ dàng; nó hoàn toàn có thể trở thành nhiệm vụ bất khả thi.

Có vẻ, Mỹ đang chứng kiến bước khởi đầu của một cuộc suy thoái không mong muốn, một phần bắt nguồn từ chính sách chính phủ lớn, chi tiêu khổng lồ, tăng thuế cao trong khi thúc đẩy xung đột chính trị, triệt hạ ngành khai thác dầu khí trong nước vì biến đổi khí hậu.

Sau năm 2006, hàng loạt đổ vỡ đã xảy ra, bong bóng tài sản vỡ tung, phá sản hàng loạt sau khi chính sách tiền tệ buộc phải hãm phanh vì lạm phát. Thực tế, bong bóng thị trường cổ phiếu, bất động sản đã quá cao, đặc biệt bị thổi phồng không chỉ bởi đòn bảy mà còn bởi thị trường phái sinh và canh bạc bán khống. Quả bong bóng tài sản này, thậm chí còn khó lường hơn thời điểm 2006, năm trước đại khủng hoảng tài chính 2007-2008.

Sau khi công bố số liệu thị trường lao động tăng trưởng quá mạnh mẽ, lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ lập tức tăng cao. Đây chính là dấu hiệu các nhà đầu tư kỳ vọng Fed tăng lãi suất nhanh và sốc hơn.

Đường cong lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ (chênh lệch lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm và 10 năm) đã về đến mức 0, mức cảnh báo một cú sốc tài chính sắp xảy ra trong quá khứ. Biểu đồ của St. Louis Fed cho thấy rất rõ mối tương quan của chênh lệnh lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 và 10 năm với các cuộc khủng hoảng đã xảy. Thật vậy, kể từ năm 1955, mỗi khi đường cong lợi suất đảo ngược, luôn có một cuộc suy thoái kéo theo trong vòng 6 đến 24 tháng.

Lần này, câu hỏi với Mỹ và thế giới là điều gì đang đợi chúng ta? Rõ ràng, có rất nhiều lý do chính đáng để lo lắng.

Chênh lệch lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm đã về mức 0, mức cảnh báo có thể xuất hiện khủng hoảng tài chính sau đó theo dữ liệu từ quá khứ (Nguồn: St. Louis Fed)

Đây là cuộc suy thoái?

Chắc chắn về một cuộc khủng hoảng hoặc suy thoái kinh tế đang diễn ra, ông Desmond Lachman, nguyên Phó giám đốc Phòng rà soát và Phát triển Chính sách của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF bình luận: "Đạo lý của câu chuyện dường như là nếu một người muốn thắng cuộc bầu cử, người ta cần phải nắm bắt đúng thời điểm của các chính sách kinh tế của mình. Bằng cách nhanh chóng thông qua Quốc hội Kế hoạch giải cứu người Mỹ trị giá 1,9 nghìn tỷ USD quá lớn vào tháng 3/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thành công trong việc tạo ra một sự bùng nổ kinh tế mạnh mẽ vào năm ngoái. Tuy nhiên, ông cũng đã giúp đẩy lạm phát lên mức cao nhất trong bốn mươi năm. Điều đó dường như đang thiết lập cho Mỹ một cuộc hạ cánh kinh tế khó khăn vào trước thềm cuộc bầu cử tháng 11/2022 tới đây", theo 19fortyfive.

Bản thân Fed, bất chấp thông tin tốt đẹp trên thị trường lao động, đã hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ xuống còn 2,8% từ mức dự báo trước đó là 4%. Việc đột ngột mạnh tay hạ dự báo tăng trưởng của Fed, tổ chức luôn kiên trì với niềm tin lạm phát là tạm thời và không nguy hiểm, cho thấy một niềm tin tương tự: suy thoái đang đến gần.

Trà Nguyễn



BÀI CHỌN LỌC

Chính quyền ông Biden đang đối diện với một cuộc khủng hoảng kế tiếp: Suy thoái kinh tế