Chính sách cấp tiến 2 năm qua đã đẩy người dân Mỹ vào thảm cảnh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hai năm đại dịch vừa qua cũng là thời gian người dân Mỹ có cơ hội nhìn ra hậu quả của chính sách cấp tiến tại Mỹ. Sự gia tăng can thiệp của chính quyền vào nền kinh tế khiến người dân phải chịu đựng những biện pháp chống dịch cực đoan, các chính sách giải cứu kinh tế không hiệu quả, tình trạng khan hiếm các mặt hàng cơ bản và mức lạm phát kỷ lục trong 40 năm.

Các chính sách cấp tiến tại Mỹ đang gia tăng sự can thiệp của chính quyền vào nền kinh tế. Trên tờ The Epoch Times, tác giả Mark Hendrickson, một chuyên gia kinh tế Mỹ, đã có bài phân tích về những hậu quả của việc gia tăng can thiệp như vậy.

Người dân Mỹ chứng kiến điều gì trong 2 năm qua?

Theo ông Hendrickson, chính quyền ở Washington thực sự khó có thể kêu gọi quốc hữu hóa hoàn toàn tất cả các doanh nghiệp lớn. Khả năng cao hơn nhiều là phiên bản phát xít của Đức Quốc xã. Biến thể phát xít cho phép các doanh nghiệp vẫn thuộc sở hữu tư nhân, nhưng chính quyền sẽ yêu cầu họ phải sản xuất cái gì. Đó ít nhiều là điều mà các nhà chính trị cánh tả cấp tiến tại Mỹ đang hướng tới ngày nay. Do đó, họ tìm cách làm suy yếu quyền sở hữu tư nhân, trao cho chính quyền liên bang quyền chỉ đạo việc sản xuất, và điều phối việc phân phối của cải bình đẳng hơn.

Trong tác phẩm rất được yêu thích của Charles Dickens “A Christmas Carol” (Bài hát đêm Giáng Sinh), nhân vật chính Ebenezer Scrooge đã được báo trước về kết cục bi thảm của mình nếu không thay đổi bản thân. Người Mỹ cũng đang có cơ hội nhìn trước tương lai. Trong khoảng 2 năm gần đây, người Mỹ đã có nhiều lần “xem trước” cuộc sống sẽ ra sao khi chính quyền lớn kiểm soát những hoạt động kinh tế khổng lồ của nước Mỹ và thực hiện quy hoạch kinh tế tập trung một cách "khéo léo". Chúng ta hãy cùng xem xét những diễn biến trong 2 năm qua tại Mỹ.

Chính sách chống dịch của Mỹ mang lại nhiều rủi ro

Ông Hendrickson cho rằng, người Mỹ gần như đã tuân thủ những gì chính quyền yêu cầu trong đại dịch COVID-19. Nhiều chính quyền tiểu bang đã áp đặt các đợt phong tỏa. Chính quyền nghĩ rằng họ hiểu đại dịch nhất. Tuy nhiên, thật không may, như nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, các chính quyền không biết rõ hơn người dân chút nào về cách thức đối phó với đại dịch. Kết quả chống dịch thật tồi tệ.

Một nghiên cứu của Rand Corporation cho thấy, “việc phong tỏa làm tăng tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân ở mức đáng kể về thống kê”, theo Ủy ban Phát triển Thịnh vượng. Một bài báo trên The Lancet - tạp chí y khoa uy tín, được đánh giá cao của Anh - cho thấy các lệnh phong tỏa của chính quyền “không liên quan đến sự suy giảm đáng kể về thống kê của số ca nguy kịch hoặc tử vong nói chung”. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Frontiers of Public Health cũng đưa ra kết luận tương tự. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Tel Aviv cho biết: “Chúng ta hẳn sẽ dự đoán có ít trường hợp tử vong do Covid-19 hơn ở các quốc gia được phong tỏa chặt chẽ hơn, nhưng dữ liệu cho thấy không phải như vậy”. Nghiên cứu của Đại học Oxford cho thấy “rất ít mối tương quan giữa mức độ kiểm soát dịch của một quốc gia và việc hạn chế số ca tử vong cao quá mức của quốc gia đó”, Bloomberg đưa tin.

Các đợt phong tỏa và sự cô lập xã hội đi kèm với chúng đã làm gia tăng tình trạng sử dụng thuốc trầm cảm quá liều, tự tử; làm gia tăng đáng kể tỷ lệ và mức độ nghiêm trọng của bạo lực gia đình. Ngoài ra, khi COVID-19 mới bắt đầu trở thành mối đe dọa, nhiều bệnh viện đã được lệnh tạm thời đình chỉ các cuộc kiểm tra, xét nghiệm, điều trị… không liên quan đến COVID. Thật không may, những chỉ thị đó đã khuấy động nỗi sợ hãi đến mức nhiều người bị ung thư, sa sút trí tuệ, bệnh tim, v.v. đã tránh xa những nhân viên y tế, khiến một số người trong số họ phải trả giá bằng mạng sống của mình.

Có thể là chúng ta không thể thực sự đổ lỗi cho những chính trị gia đã áp đặt các lệnh phong tỏa vì COVID-19 là một loại virus mới và không có cách thức sẵn có để ứng phó với virus này. Tuy nhiên, điều rất rõ ràng là việc trông đợi vào chính quyền và các “chuyên gia” mà chính quyền dựa vào là rất rủi ro.

Kết quả của các kế hoạch giải cứu kinh tế

Theo ông Hendrickson, cơ sở quan trọng của việc gia tăng can thiệp của chính quyền vào nền kinh tế là việc nhà nước được cho là có thể định hướng một cách khôn ngoan nền kinh tế của xã hội. Hãy cùng xem xét các kế hoạch kinh tế đã được sử dụng để “giúp đỡ” nền kinh tế trong thời kỳ đại dịch.

Đã có ít nhất tám chương trình liên bang được thông qua để cố gắng giúp người Mỹ đối phó với biến động kinh tế mà đại dịch gây ra. Nổi bật nhất là ba đạo luật bao gồm các khoản tiền được trao trực tiếp cho người nộp thuế Mỹ — Đạo luật CARES tháng 3 năm 2020 (chi phiếu kích thích 1.200 USD), Đạo luật Consolidated Appropriations (Phân bổ Hợp nhất) tháng 12 năm 2020 (chi phiếu kích thích 600 USD) và Đạo luật Kế hoạch Giải cứu Mỹ năm 2021 (chi phiếu kích thích 1.400 USD). Những đạo luật này là kết quả của những nỗ lực lưỡng đảng trong việc quản lý kinh tế của chính quyền.

Dưới đây là một số kết quả của các kế hoạch kinh tế này (ngoài những sự gian lận và lãng phí, vốn không thể tránh khỏi trong các chương trình đắt đỏ như vậy của chính quyền):

Tình trạng mất việc làm: Một nghiên cứu của Harvard cho thấy việc phong tỏa có tác động tiêu cực rất lớn đối với những người Mỹ nghèo. Trong năm đầu tiên của việc phong tỏa, tỷ lệ có việc làm đã giảm 23,6% đối với những người có thu nhập dưới 27.000 USD một năm, giảm 4,5% đối với những người kiếm được từ 27.000 đến 60.000 USD, trong khi tỷ lệ có việc làm thực sự tăng nhẹ đối với những người kiếm được hơn 60.000 USD. Theo MIT, các hạn chế từ phong tỏa có liên quan đến sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp. Khi nước Mỹ thiếu hụt lao động trầm trọng và bị gián đoạn chuỗi cung ứng, việc “ít nhất 1,8 triệu người Mỹ” quyết định không quay trở lại làm việc do những trợ cấp của chính quyền là một điều không có lợi.

Doanh nghiệp nhỏ đóng cửa: Trong một bài báo được xuất bản bởi Viện Nghiên cứu Chính sách Kinh tế Stanford, ông Robert Fairlie đã tính toán rằng những chính sách đối phó với đại dịch đã khiến số lượng chủ doanh nghiệp đang hoạt động giảm hơn 22% trong hai tháng đầu tiên của đại dịch. Nhiều doanh nghiệp trong số đó vẫn đang đóng cửa. Sự sụt giảm này có ảnh hưởng rất lớn trong các doanh nghiệp do các cộng đồng thiểu số sở hữu. Một cuộc khảo sát khác cho thấy khoảng 100.000 doanh nghiệp nhỏ đã đóng cửa hoạt động vĩnh viễn trong sáu tháng đầu phong tỏa.

Ảnh hưởng kinh tế đến trẻ em: Ngoài việc bị tụt hậu trong việc học tập và chịu đựng những ảnh hưởng về mặt cảm xúc do đeo khẩu trang, xa cách xã hội và học tập từ xa, nghiên cứu của McKinsey ước tính rằng các biện pháp chính sách được dùng để đối phó với đại dịch sẽ khiến “học sinh K – 12 (từ mẫu giáo tới lớp 12) ở Mỹ trung bình mất đi… 61.000 đến 82.000 USD trong thu nhập suốt đời (tính theo giá trị tiền năm 2020), hoặc tương đương với một năm làm việc toàn thời gian, chỉ vì những tổn thất về học vấn liên quan đến COVID-19”. Giống với việc đóng cửa các doanh nghiệp nhỏ, các thiệt hại đối với các nhóm người thiểu số là rất lớn.

Sự thiếu hụt hàng hóa cơ bản

Hiện nay, Mỹ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu sữa bột trẻ em nghiêm trọng. Đối với ông Hendrickson, điều này hoàn toàn là do sự quản lý quan liêu đầy vụng về tại FDA (cơ quan của Mỹ quản lý thực phẩm và thuốc), cùng với việc chương trình WIC (chương trình hỗ trợ dinh dưỡng cho phụ nữ, trẻ sơ sinh và trẻ em) do liên bang tài trợ không cho phép các bà mẹ tham gia “chuyển sang sử dụng một nhãn hiệu khác nếu nhãn hiệu của nhà cung cấp đã ký hợp đồng với nhà nước hết hàng”, Wall Street Journal đưa tin. Để đối phó với sự thiếu hụt, chính quyền đã sử dụng máy bay quân sự để vận chuyển thêm nguồn cung cấp từ châu Âu. Điều này có khả năng khiến những khẩu phần sữa bột trẻ em đó trở thành những khẩu phần đắt nhất trong lịch sử. Các chính quyền vốn không có nhiều uy tín về mặt hiệu quả làm việc.

Và hãy nhìn vào lĩnh vực năng lượng. Giá xăng dầu tăng vọt là kết quả đau lòng của việc chính quyền Biden nhiệt tình theo đuổi chương trình nghị sự chống lại nhiên liệu hóa thạch và làm giảm nguồn cung. Sự can thiệp sâu rộng của chính quyền vào hoạt động kinh doanh điện ở California đã dẫn đến tình trạng hạn chế dùng điện định kỳ và việc mất điện gần như đã trở thành thông lệ. Thật là một điều đáng kinh ngạc. Vào những năm 1950, tình trạng mất điện hầu như không được biết đến ở Mỹ. Tình trạng đó chỉ có ở các nước thuộc thế giới thứ ba. Khi việc hoạch định chính sách của chính quyền gia tăng giống như ở California, các thành phố của Mỹ sẽ có nguồn cung cấp điện thất thường tương tự như những gì tệ hại đang diễn ra tại các thành phố ở các nước nghèo, đang phát triển.

Lạm phát tồi tệ nhất trong 40 năm

Có lẽ không cần nói nhiều về vấn đề này. Mức lạm phát tồi tệ nhất trong 40 năm đang tràn ngập khắp nước Mỹ, bòn rút túi tiền của người Mỹ mỗi khi cần đổ đầy xăng hoặc đến cửa hàng tạp hóa.

Nhân vật Ebenezer Scrooge đã xem trước được tương lai và sửa chữa kịp thời để tránh được thảm họa. Liệu người dân Mỹ có rút ra được bài học và kịp thời thay đổi hướng đi của chính thể Mỹ để cứu chính họ và con cái của họ? Thời gian sẽ cho ta câu trả lời cho điều đó.

Bảo Nguyên



BÀI CHỌN LỌC

Chính sách cấp tiến 2 năm qua đã đẩy người dân Mỹ vào thảm cảnh