Chính sách cấp tiến chỉ mang đến hủy diệt, không mang lại thịnh vượng: Nhà kinh tế học Robert Genetski

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau nhiều năm thu thập và phân tích dữ liệu, nhà kinh tế học hàng đầu của Mỹ, ông Robert Genetski, nhận thấy rằng các chính sách cấp tiến hoặc các chính sách xã hội chủ nghĩa đều có tính hủy diệt, đưa nước Mỹ và các quốc gia khác rời xa sự thịnh vượng. Ông cũng đánh giá các chính sách kinh tế hiện tại của chính quyền Biden là "hoàn toàn" cấp tiến hoặc mang màu sắc xã hội chủ nghĩa.

Ông Genetski là “một trong những nhà dự báo lãi suất hàng đầu của nước Mỹ”, theo lời giới thiệu của Viện Heartland. Ông cũng là nhà tư vấn, giảng viên, tác giả và diễn giả nổi tiếng.

Trong một cuộc nói chuyện gần đây với The Epoch Times, ông Genetski nói: “Các chính sách thị trường tự do truyền thống mang đến hiệu quả và tác động mạnh mẽ hơn nhiều so với những gì tôi tưởng tượng; và sự dịch chuyển ra khỏi các chính sách truyền thống, cụ thể là kinh tế học cấp tiến và chủ nghĩa xã hội, có sức tàn phá to lớn”. “Tôi đã không bao giờ nghĩ rằng trong 52 năm, chúng ta không có sự tăng trưởng nào trong mức lương thực tế của người lao động phổ thông”. Lương thực tế là khoản thu nhập ròng của một cá nhân sau khi khấu trừ thuế, các khoản phúc lợi và đóng góp tự nguyện.

Ông Genetski cho biết, sau nhiều năm nghiên cứu, so sánh tác động của các chính sách cấp tiến và các chính sách thị trường tự do, ông đã rất ngạc nhiên trước kết quả thu được.

“Tôi muốn tìm ra câu trả lời, và điều đầu tiên tôi phát hiện ra là chúng ta không có nguồn dữ liệu đủ tốt và liên tục”, ông Genetski nói.

Ông Genetski giải thích, chúng ta có dữ liệu về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm trong hơn một thế kỷ, nhưng đó không nhất thiết là một chỉ số tốt. Ví dụ, GDP sẽ bùng nổ trong thời chiến nhưng người dân lại phải chịu đựng nhiều đau khổ.

“Tôi muốn đào sâu hơn vào nguồn dữ liệu và tôi đã mất vài năm để xây dựng lại dữ liệu cho Hoa Kỳ; dữ liệu này không chỉ thể hiện GDP mà còn cho thấy người dân mua bao nhiêu, họ kiếm được bao nhiêu, thu nhập thực tế của họ là bao nhiêu, và do đó, mức độ thịnh vượng của họ là như thế nào”, ông Genetski chia sẻ. “Tôi đã dành rất nhiều thời gian để xây dựng dữ liệu”.

Ông Genetski đã dành 4 năm để thực hiện nghiên cứu, những phát hiện của ông được ghi lại trong cuốn sách “Quốc gia giàu, Quốc gia nghèo” (Rich Nation, Poor Nation).

Sau khi thu thập tất cả dữ liệu về thu nhập và tiền lương thực tế, điều thứ hai mà ông Genetski làm là xem xét các chính sách kinh tế của Mỹ trong từng năm, kể từ năm 1900 đến nay.

“Điều gì đã xảy ra với thuế của người Mỹ? Điều gì đã xảy ra với chi tiêu chính phủ? Nó tăng nhanh hơn hay chậm hơn so với chi tiêu trong phần còn lại của nền kinh tế? Chúng ta đã làm gì với các quy định? Chúng ta đang can thiệp vào thị trường hay chúng ta đang giải phóng thị trường sau khi đã can thiệp? Vì vậy, tôi đã xem xét các chính sách trong hơn một thế kỷ qua”.

Ông Genetski nhận thấy rằng lương thực tế của người lao động phổ thông đều tăng trong thời gian 50 năm khi các chính sách tuân theo nguyên tắc thị trường tự do truyền thống.

“Chỉ có 50 năm trong khoảng thời gian từ 1900 đến 2015 là chúng ta chuyển hướng rõ ràng sang việc cắt giảm thuế, giảm chi tiêu chính phủ, giảm các quy định, không can thiệp vào thị trường, hay tháo gỡ các hạn chế thị trường. Và trong 50 năm đó, tôi thấy rằng chúng ta đã tạo ra 87% lượng của cải trong khoảng thời gian 115 năm”.

Ông Genetski cho biết thêm, phần còn lại của lượng của cải đến từ năm 1940 đến 1953, khi các chính sách đổi qua đổi lại vì Chiến tranh Thế giới thứ hai và Chiến tranh Triều Tiên.

“Và sau đó những gì tôi đã làm — và là điều tạo ra cú sốc lớn nhất đối với tôi — là nhìn vào những giai đoạn mà chúng ta theo đuổi cái gọi là những chính sách cấp tiến — những chính sách theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tôi thấy rằng có 5 giai đoạn rõ ràng khi chúng ta đi theo hướng đó. Trong suốt 52 năm đó, thu nhập thực tế của người lao động phổ thông không tăng một chút nào”.

Ông Genetski chia sẻ, khi lần đầu tiên nhìn thấy kết quả, ông đã không thể tin nổi. Vì vậy, ông đã lật lại và làm lại các con số “hết lần này đến lần khác”.

“Phản ứng đầu tiên của tôi là ‘Ôi trời ơi’”. “Giờ đây, chúng ta đã biết cách làm thế nào để xóa bỏ đói nghèo, xóa bỏ tình cảnh bần cùng trên thế giới”, ông Genetski nói.

Nhà kinh tế học người Mỹ cho biết thêm, ông không chỉ phân tích dữ liệu ở Mỹ mà còn ở 40 quốc gia khác. Trong suốt quá trình nghiên cứu, ông đã sử dụng các công cụ đo lường tự do kinh tế cho mỗi quốc gia được phát triển bởi Viện Fraser, một tổ chức tư vấn nổi tiếng thế giới có trụ sở tại Canada.

Theo ông Genetski, ngay cả một quốc gia nhỏ ở châu Phi, được bao quanh bởi các quốc gia nghèo khác ở khu vực cận Sahara, cũng chứng minh tính hiệu quả của nguyên tắc thị trường tự do truyền thống.

Ông Genetski cho biết, đất nước Botswana “đã thực hiện các biện pháp tự do kinh tế với mức độ trên mức trung bình của thế giới. Và 10 năm sau, thu nhập của họ đã vượt trên mức trung bình của thế giới”. Các nước Bắc Âu và các nước châu Âu khác cũng vậy.

“Bạn không thể chỉ nhìn vào một quốc gia và nói: 'Đây là xã hội chủ nghĩa, và đây là thị trường tự do'. Bạn phải xem xét theo thời gian các chính sách mà họ theo đuổi, và tác động của những chính sách đó. Và, một lần nữa, khi tôi đánh giá các quốc gia, khi họ tuân theo các nguyên tắc thị trường tự do truyền thống, họ đã làm rất tốt. Và khi họ đi theo hướng ngược lại, họ làm rất kém, rất giống như Mỹ đã làm trong lịch sử”.

Chính sách cấp tiến và chủ nghĩa xã hội chỉ mang đến hủy diệt và không mang lại thịnh vượng
Tờ 100 USD mới thiết kế lại được in tại Cục Khắc và In tiền ở Washington, ngày 20/05/2013. (Ảnh: Mark Wilson / Getty Images)

Chính sách kinh tế của ông Biden hoàn toàn cấp tiến, mang màu sắc xã hội chủ nghĩa

Ông Genetski cho biết các chính sách kinh tế hiện tại của chính quyền Biden là “hoàn toàn” cấp tiến, hoặc thậm chí mang tính xã hội chủ nghĩa. Theo ông, sự khác biệt giữa cấp tiến và xã hội chủ nghĩa chỉ là “vấn đề về mức độ”, và điều quan trọng là phương hướng.

Ông Genetski nói: “Bất kỳ động thái nào theo hướng trao cho chính phủ nhiều quyền lực hơn, kiểm soát nền kinh tế nhiều hơn, kiểm soát người dân nhiều hơn, kiểm soát thị trường nhiều hơn, chắc chắn là một động thái hướng tới chủ nghĩa xã hội. Câu hỏi duy nhất là mức độ của mỗi động thái".

Chính quyền Biden cho đến nay đã thực hiện một số bước đi hướng xa khỏi các nguyên tắc thị trường tự do truyền thống trong lịch sử nước Mỹ. Ông Genetski cho biết, trước đây nước Mỹ từng có 2 lần như vậy. Một là từ năm 1913 đến 1920 dưới thời Tổng thống Woodrow Wilson.

“Tổng thống Wilson là người cấp tiến đầu tiên. Về cơ bản, ông ấy nói rằng ông không đồng ý với các nguyên tắc mà dựa vào đó, Hoa Kỳ được thành lập. Ông ấy nghĩ rằng chúng ta có thể làm tốt hơn nhiều nếu chính phủ kiểm soát nhiều hơn diễn biến kinh tế, kiểm soát nhiều hơn trong việc làm cho thu nhập của người dân bình đẳng hơn, và ông ấy nói rằng chúng ta sẽ trở nên tốt hơn và hiệu quả hơn rất nhiều”, ông Genetski nói.

“Và nền kinh tế đã bị phá hủy trong những năm đó. Năm 1920, chúng ta có một cuộc bầu cử, và công chúng đã loại bỏ tất cả chính trị gia đã đưa chúng ta theo đuổi hướng đi khủng khiếp đó, xét về mức sống của người dân”.

Động thái “cấp tiến” lớn lần thứ hai diễn ra từ năm 1965 đến 1981.

“Dưới thời Tổng thống [Jimmy] Carter, họ đã thực hiện một chính sách đầy bi kịch — cố gắng kiểm soát giá dầu. Và chuyện gì đã xảy ra? Người dân phải xếp hàng chờ đổ xăng. Quan chức tăng chi tiêu chính phủ lên mức đáng kể. Họ đã tạo ra rất nhiều tiền mới trong nền kinh tế, và đó cũng là những gì chúng ta đang làm hiện nay. Và kết quả vào năm 1981 thật tồi tệ, quan chức đã bị đuổi khỏi văn phòng”.

Nhà kinh tế học Genetski nói thêm rằng, với một chút chi tiêu quá mức của chính phủ, nền kinh tế sẽ lấy đi từng đấy tự do của người dân. Với một chút kiểm soát thị trường, như luật tiền lương tối thiểu, chính phủ gây ra thiệt hại lớn hơn nhiều so với mức có thể xảy ra nếu để thị trường tự điều chỉnh. Tiền lương nên được ấn định bởi các lực lượng kinh tế, chứ không phải bởi chính phủ.

“Điều tôi phát hiện ra khi thực hiện tất cả các nghiên cứu của mình là khi chúng ta rời xa thị trường tự do chỉ một chút, thì mức sống của chúng ta sẽ suy giảm ở mức tương đương. Và phong trào đi lên chủ nghĩa xã hội càng diễn biến mạnh mẽ thì thiệt hại càng lớn”.

Tháng 9 năm ngoái, 17 người đoạt giải Nobel Kinh tế đã viết thư ngỏ ủng hộ chương trình nghị sự Xây dựng lại tốt hơn của Tổng thống Joe Biden.

Ông Genetski nói: “Chỉ vì chúng tôi có bằng cấp trong một số môn học hoặc chúng tôi có được một số kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực nào đó, không có nghĩa là chúng tôi đột nhiên biết điều gì đó về chủ nghĩa xã hội hoặc chủ nghĩa cộng sản. Và vâng, có rất nhiều nhà kinh tế học tin tưởng vào hệ thống kinh tế cấp tiến này".

“Phản ứng của tôi là nhìn vào bằng chứng, nhìn vào dữ liệu. Nếu tôi đã thao tác sai, hãy chỉ cho tôi biết".

Ông Genetski nhắc đi nhắc lại rằng, sau khi ông chỉ trích các chính sách cấp tiến và cung cấp bằng chứng của mình, nhiều người không bao giờ nhìn nhận lại để tranh luận về bằng chứng. “Họ thích bỏ qua [các bằng chứng] và chỉ khẳng định những gì họ nói là đúng. Và đối với tôi, đó không phải là cách bạn nên thử để khám phá sự thật cũng như khám phá những gì hiệu quả và những gì không hiệu quả”.

Bình đẳng vs Thịnh vượng

Kể từ khi nhậm chức, chính quyền Biden đã theo đuổi cách tiếp cận toàn diện để tăng cường “bình đẳng”. Theo ông Genetski, bình đẳng không mang lại thịnh vượng.

Ông Genetski nói với The Epoch Times: “Họ sẽ không thành công vì bản chất con người và vì bằng chứng [đã chỉ ra như vậy]. Chúng ta có rất nhiều bằng chứng”.

Nhà kinh tế học người Mỹ lưu ý rằng Viện Fraser, nơi nghiên cứu về tự do kinh tế trên khắp thế giới, “đã xem xét về công bằng, bình đẳng theo khía cạnh ai là người kiểm soát phần lớn thu nhập trên thế giới. Họ có phải là 10% dưới cùng không? Họ có phải ở tầng lớp ở giữa không? Họ có phải là 10% trên cùng không? Và những gì Viện Fraser tìm ra là: sự bình đẳng là khá giống nhau, cho dù bạn đang ở một quốc gia mà chính phủ có nhiều quyền kiểm soát; hay bạn đang ở một quốc gia có nhiều tự do hơn, nơi thực thi các chính sách kinh tế truyền thống”.

Ông Genetski cho biết không có quốc gia nào trên thế giới thông qua chủ nghĩa xã hội đạt được bình đẳng - khi người nghèo có nhiều của cải bằng người giàu.

“Ngay cả ở những nước nghèo nhất, những gì bạn thấy là người nghèo có mức thu nhập rất, rất thấp. Và những người nắm quyền kiểm soát — những người đang điều hành chính phủ và đưa ra các quy tắc cho mọi người — họ sống rất tốt. Và những người thân thiết với họ cũng sống rất tốt”, ông Genetski nói.

“Vì vậy, bạn thực sự không thể nhận được sự bình đẳng như đã được hứa hẹn [bởi các nhà chủ nghĩa xã hội] trong thế giới thực. Cách duy nhất bạn có được nó là trong thế giới lý thuyết, nơi mọi người tưởng tượng rằng điều này sẽ xảy ra”.

Bản chất con người

“Adam Smith đã viết về điều này cách đây hơn 200 năm. Ông ấy nói rằng, bản chất con người là vậy. Nếu ai đó có được điều gì đó mà không phải đánh đổi thứ gì thì họ chỉ nằm trên giường, nghỉ ngơi và làm bất cứ điều gì họ muốn. Con người có bản chất tự nhiên như vậy. Họ sẽ không dậy sớm vào buổi sáng, làm việc chăm chỉ, cố gắng cải thiện bản thân”, ông Genetski nói.

Adam Smith, nhà kinh tế học và triết học nổi tiếng người Scotland, được coi là “cha đẻ của kinh tế học”.

“Vì vậy, chúng ta có nên thực sự hy vọng vào một tình huống mà tất cả mọi người đều giống nhau không? Câu trả lời của tôi là không”, ông Genetski nói. “Tôi không nghĩ điều đó xảy ra. Chúng ta phải tính đến bản chất con người. Đó là một điều mà tôi tin rằng những người theo chủ nghĩa xã hội - những người được gọi là cấp tiến, những người muốn kiểm soát mọi thứ - thực sự không nghĩ đến”.

“Và đó là một trong những lý do tại sao khi chính phủ nắm quyền kiểm soát mọi thứ, chúng ta không có được thịnh vượng. Chúng ta gặp khó khăn trong việc tạo ra loại của cải mà mọi người thực sự muốn có”.

Chính sách cấp tiến và chủ nghĩa xã hội chỉ mang đến hủy diệt và không mang lại thịnh vượng
Những người tuần hành trong cuộc biểu tình May Day vào ngày 01/05/2018 tại thành phố New York. (Ảnh: Spencer Platt / Getty Images)

Tại sao nhiều người trẻ lại ủng hộ chủ nghĩa xã hội?

Theo ông Genetski, trường học đóng một vai trò quan trọng trong việc khiến học sinh hiểu sai về chủ nghĩa xã hội.

Vào tháng 6/2021, một cuộc thăm dò của Axios/Momentive cho thấy 51% thanh niên từ 18 đến 24 tuổi nhìn nhận chủ nghĩa xã hội với quan điểm tích cực, trong khi 54% số người được hỏi trong nhóm tuổi này nhìn nhận chủ nghĩa tư bản với con mắt tiêu cực.

“Đó là những gì họ được dạy ở trường”, ông Genetski nói. “Thật không may, trường học đã không dạy mọi người cách suy nghĩ. Họ không dạy quy trình tư duy phản biện. Những gì họ đã và đang dạy mọi người là những gì mà giáo viên tin rằng người học nên biết. Nó mang tính truyền bá tư tưởng nhiều hơn bất cứ điều gì khác”.

Ông Genetski cho biết ông đã tận mắt chứng kiến ​​điều ấy trong gia đình mình. Các cháu của ông không được dạy để đi tìm bằng chứng xem những gì giáo viên nói với chúng có đúng không.

Nhà kinh tế học nói: “Điều tồi tệ nhất là giáo viên, những người đứng trên bục giảng, không có kiến ​​thức nền tảng về chủ nghĩa xã hội. Họ không biết về lịch sử của nó. Họ không đến các quốc gia đã áp dụng các chính sách đàn áp người dân. Họ chỉ đơn giản chấp nhận ‘bình đẳng’, rằng đây là điều tốt hơn cho người khác”.

“Những đứa trẻ này, thật may mắn, biết quan tâm đến người khác. Tuy nhiên, khi chúng nghĩ rằng chủ nghĩa xã hội tốt cho tất cả mọi người, rằng nó sẽ mang lại lợi ích cho mọi người — làm cho mọi người bình đẳng hơn, làm cho mọi người có nhiều thứ hơn — thì chúng sẽ bám vào nó [chủ nghĩa xã hội]. Và điều đó làm tôi rất đau lòng, làm những người quan tâm đến bằng chứng cảm thấy thất vọng”.

Theo ông Genetski, đó là một "tội ác thực sự" khi trường học chỉ dạy lý thuyết một chiều.

“Tôi không có vấn đề gì với việc giảng dạy các nguyên tắc kinh tế cấp tiến và sự tiến lên chủ nghĩa xã hội. Điều đó cần được dạy. Mọi người nên tiếp xúc với nó”, ông Genetski nói. “Nhưng hãy chắc chắn rằng mọi người nhận thức được có cả hai hướng đi và họ có thể tự suy nghĩ xem cái nào hợp lý: cái nào hiệu quả và cái nào thất bại?”.

“Hiển nhiên là tôi có câu trả lời. Nhưng một lần nữa, hãy để mọi người đánh giá xem họ có thích dữ liệu mà tôi thu thập được hay không. Hãy bình luận về dữ liệu. Cho tôi biết nếu có điều gì sai. Hãy làm phân tích của riêng bạn. Và sau đó chúng ta hãy đánh giá".

Hy vọng

Ông Genetski vẫn hy vọng vào tương lai của nước Mỹ.

“Có hy vọng nào không? Có. Khi thu nhập của mọi người bị ảnh hưởng, khi thị trường chứng khoán không hoạt động tốt, khi họ không có công việc mang lại thu nhập — và những điều này luôn xảy ra mỗi khi chúng ta theo đuổi các chính sách cấp tiến — thì mọi người sẽ mất niềm tin vào tương lai. Họ mất niềm tin. ‘Nền kinh tế sẽ không phục hồi. Thật là kinh khủng’”.

Nhưng khi mất niềm tin, họ sẽ tìm kiếm sự thay đổi.

“Tôi cho rằng mọi người sẽ trở nên rất thất vọng. Họ không nhất thiết phải hiểu kinh tế học, nhưng họ biết nó ảnh hưởng gì đến thu nhập của họ. Họ không quan tâm đến kinh tế học. Họ chỉ muốn thay đổi và hy vọng rằng điều gì đó sẽ tốt hơn”.

“Ví dụ, chúng ta có cuộc bầu cử vào tháng 11 sắp tới. Nếu có một sự chuyển đổi lớn để loại bỏ những người tin rằng chính phủ nên kiểm soát nhiều hơn và người dân đưa những người khác vào [chính phủ], điều đó sẽ làm chậm xu hướng và có thể dừng toàn bộ xu hướng trong 2 năm tới cho đến cuộc bầu cử Tổng thống”, ông Genetski nói.

“Đó là một quá trình. Không ai biết mọi chuyện sẽ diễn ra như thế nào. Nhưng lịch sử cho thấy rằng khi chính sách di chuyển quá đột ngột theo một hướng, người dân sẽ nhìn thấy thiệt hại; và mọi người nhận ra rằng, các cuộc bầu cử sẽ có thể chuyển chính sách sang hướng khác”.

Chi Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Chính sách cấp tiến chỉ mang đến hủy diệt, không mang lại thịnh vượng: Nhà kinh tế học Robert Genetski