Chính sách lãi suất thấp: Thất bại của các ngân hàng trung ương

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cục Dự trữ Liên bang (Fed) - ngân hàng trung ương Mỹ - được thành lập đã khiến nỗi lo xã hội hóa nền kinh tế trở thành sự thực. Sự can thiệp của Fed đã gây ra các vấn đề lớn đối với nền kinh tế. Hiện tại, chúng ta đang chứng kiến hậu quả từ chính sách lãi suất rất thấp của các ngân hàng trung ương.

Một điều mà các ngân hàng trung ương không bao giờ nên làm là kiểm soát các nền kinh tế. Thật không may, điều này đã xảy ra. Tất cả bắt đầu với việc thành lập Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, hay Fed, vào năm 1914.

Sự kiện dẫn đến việc thành lập Fed

Đã có một số nỗ lực nhằm thành lập ngân hàng quốc gia trong những thập kỷ trước đó, nhưng những nỗ lực ấy đều đã thất bại vì nhiều lý do. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng năm 1907 - cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ đầu tiên trong thế kỷ 20 - đã thay đổi hoàn toàn tình hình.

Cuộc khủng hoảng bắt đầu sau khi các ngân hàng bị thiệt hại nặng nề do các khoản vay của F. Augustus Heinze và Charles W. Morse trong một nỗ lực đầu cơ bất thành đối với cổ phiếu United Copper Company. Hiện tượng rút tiền hàng loạt khỏi ngân hàng xảy ra sau đó vì người gửi tiền muốn chuyển tiền từ các ngân hàng đáng ngờ và thua lỗ liên quan tới Heinze sang các ngân hàng đáng tin cậy hơn. Mặc dù Trung tâm Thanh toán Bù trừ New York đã có thể ngăn chặn việc rút tiền hàng loạt khỏi ngân hàng bằng cách công bố một kết quả kiểm toán, trong đó chỉ ra rằng các ngân hàng liên quan đến Heinze "còn khả năng thanh toán"; nhưng tin đồn về các mối liên kết của các công ty tín thác - vốn là các trung gian tài chính không được kiểm soát bên ngoài hệ thống ngân hàng - với các ngân hàng đáng ngờ đã dẫn tới việc rút tiền hàng loạt khỏi các công ty tín thác đó. Sau sự sụp đổ của Knickerbocker Trust, một cuộc khủng hoảng tài chính toàn diện đã xảy ra; và thị trường chứng khoán New York đã sụt giảm gần 50% trong vài tuần. Để ngăn chặn cơn hoảng loạn, chủ ngân hàng J. Pierpont Morgan đã đích thân bảo lãnh cho các công ty chủ chốt của hệ thống ngân hàng Mỹ.

Tuy nhiên, bất chấp thành công của Morgan, cuộc khủng hoảng đã củng cố quan điểm rằng sự ổn định của hệ thống ngân hàng Mỹ đòi hỏi một tổ chức thường trực, đóng vai trò như là một giải pháp cuối cùng để cung cấp thanh khoản cho hệ thống tài chính khi cần.

Fed đã kiểm soát nền kinh tế như thế nào

Sự thành lập hệ thống Dự trữ Liên bang đi cùng với lo lắng rằng nó sẽ dẫn đến việc “xã hội hóa” nền kinh tế. Nỗi sợ hãi này nhanh chóng trở thành hiện thực.

Fed bắt đầu các "hoạt động thị trường mở" (việc mua bán chứng khoán của Fed trên thị trường mở nhằm tác động tới nền tài chính) gần như ngay lập tức vào những năm 1920. Fed mua hoặc bán chứng khoán Kho bạc Mỹ từ hoặc cho các ngân hàng để kiểm soát lãi suất ngắn hạn (chính xác hơn là “lãi suất Fed", được sử dụng trong các hoạt động cho vay qua đêm giữa các ngân hàng) và để tác động đến lượng tín dụng trong nền kinh tế. Fed trên thực tế đã bắt đầu một thử nghiệm để tìm hiểu xem liệu tổ chức này có thể gây ảnh hưởng đến lãi suất trong nền kinh tế bằng cách thao túng lãi suất của các cơ sở cho vay qua đêm của mình hay không; và Fed đã thành công.

Trong chế độ bản vị vàng, mà hầu hết các nước trên thế giới đã sử dụng vào những năm 1920, dự trữ vàng quốc gia và nhu cầu về vàng ảnh hưởng đến nguồn tiền và lạm phát. Quá trình ảnh hưởng này rất đơn giản. Cung vàng tăng làm tăng dự trữ vàng và do đó làm tăng cung tiền và tín dụng trong nền kinh tế. Để vô hiệu hóa, hoặc trung hòa sự gia tăng này, ngân hàng trung ương có thể để tỷ lệ dự trữ vàng trên tiền giấy trong lưu thông tăng lên, hoặc có thể tăng lãi suất để thắt chặt nguồn cung tín dụng ngắn hạn, từ đó làm giảm nhu cầu tiền của công chúng. Vào những năm 1920, Fed đã cho phép tỷ lệ dự trữ vàng trên tiền giấy tăng lên, làm vô hiệu hóa mọi hoạt động mua vàng từ nước ngoài một cách hiệu quả. Đây được coi là cách thức chính để giữ cho lạm phát giá tiêu dùng ở mức thấp ở Mỹ. Tuy nhiên, dòng chảy của vàng sang Mỹ và việc vô hiệu hóa cũng xuất khẩu giảm phát sang các nước khác - những nước không sẵn sàng để dự trữ vàng của họ giảm mạnh, và do đó đã chọn cách cắt giảm nguồn cung tín dụng trong nước.

Nguồn tiền của Mỹ đã được kiểm soát bằng cách để cho tỷ lệ vàng dự trữ tăng lên - cũng có nghĩa là lãi suất được giữ ở mức tương đối thấp - từ khoảng năm 1922 đến 1928. Do đó, đầu cơ vào thị trường tài sản và bất động sản khi đó đã gia tăng. Bùng nổ tín dụng gia tăng; lần đầu tiên đạt đến đỉnh điểm vào năm 1925 và một lần nữa vào năm 1927. Ngành công nghiệp cho vay phi ngân hàng cũng phát triển trong những năm 1920, qua đó thúc đẩy sự bùng nổ của các mặt hàng tiêu dùng lâu bền, thị trường bất động sản thương mại, ngành công nghiệp ô tô và tất nhiên là cả thị trường chứng khoán. Thực tế là sự can thiệp vào thị trường của Fed đã thúc đẩy tín dụng mở rộng với cường độ cao, mà sự sụp đổ mang tính giảm phát sau đó, bắt đầu từ ‘Đại đổ vỡ’ (Great Crash) vào tháng 10/1929, đã góp phần dẫn đến cuộc Đại khủng hoảng những năm 1930.

Kể từ những năm 1930, “chính sách tiền tệ” đã phát triển từ một chính sách chủ yếu nhằm vào kiểm soát lạm phát và ổn định tài chính trở thành một công cụ kinh tế đa năng, đặc biệt thích hợp để chống lại các cuộc suy thoái. Năm 1987, Chủ tịch Fed lúc bấy giờ, ông Alan Greenspan, đã mở rộng can thiệp bằng cách cứu trợ thị trường tài chính khi ông cắt giảm lãi suất và cung cấp hàng tỷ USD thanh khoản (đây là rất nhiều tiền vào thời điểm đó!) sau sự sụp đổ của thị trường chứng khoán ngày 19/10. Việc đảm bảo thanh khoản này được biết đến là “Greenspan Put”.

Sau cuộc Khủng hoảng Tài chính Toàn cầu 2007–2008, mà Fed đã làm trầm trọng thêm thông qua mức lãi suất thấp, sự can thiệp của ngân hàng trung ương đã trở nên quá đà với việc nhiều ngân hàng trung ương đặt ra mức lãi suất thấp, hoặc thậm chí âm.

Viễn cảnh đau buồn của nền kinh tế do lãi suất thấp gây ra

Khi một người cho vay hoặc đi vay tiền, lãi suất anh ta nhận được hoặc phải trả là cái giá của sự không chắc chắn, về cơ bản là giá của thời gian. Mọi người đều hiểu rằng, tương lai là không chắc chắn, do đó giá của thời gian không thể bằng 0 hoặc âm. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã đẩy lãi suất xuống âm vào ngày 11/06/2014 và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã làm điều đó vào ngày 29/01/2016.

Phần lớn lợi nhuận của các ngân hàng vẫn đến từ chênh lệch lãi suất giữa cho vay và đi vay (nhận tiền gửi). Chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi xác định khả năng sinh lời của ngân hàng. Với lãi suất rất thấp, sự chênh lệch này gần như không tồn tại; và với lãi suất âm, nó đảo ngược hoàn toàn. Khi một ngân hàng trung ương giảm lãi suất xuống âm, các ngân hàng thương mại cần phải trả lãi cho khoản dự trữ của họ tại ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, họ thường không được miễn trừ nghĩa vụ trả lãi tiền gửi của khách hàng; và khách hàng thì đương nhiên không muốn trả lãi cho khoản tiền mà họ gửi tại ngân hàng. Do đó, nếu các ngân hàng buộc phải trả lãi cho các khoản vay từ ngân hàng trung ương và nhận lãi từ các khoản tiền gửi của khách hàng, thì toàn bộ logic về thu nhập của họ sẽ trở nên rối loạn.

Khi tỷ suất lợi nhuận của các ngân hàng bị thu hẹp, họ sẽ bắt đầu cắt giảm cho vay; điều này càng làm tổn hại đến lợi nhuận của ngân hàng. Hơn nữa, vì các chính sách lãi suất thấp và âm làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng, họ có xu hướng nhắm mục tiêu tới các công ty có độ rủi ro cao (và thường không tạo ra lợi nhuận), còn gọi là “các công ty thây ma”, trong hoạt động cho vay của họ để tránh chịu thêm tổn thất. Do đó, lãi suất rất thấp cung cấp tín dụng lãi suất thấp cho các công ty làm ăn thua lỗ.

Các ngân hàng trung ương, với mức lãi suất cực thấp hoặc thậm chí âm của họ, đã làm cho cả khu vực ngân hàng và nền kinh tế trở nên mong manh chưa từng thấy. Rõ ràng là một viễn cảnh đau đớn đang chờ đợi nền kinh tế khi lãi suất được điều chỉnh tăng lên.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả ​​Tuomas Malinen là Giám đốc điều hành và Phó Giáo sư kinh tế. Ông đã dành 10 năm để nghiên cứu về tăng trưởng kinh tế, bất bình đẳng thu nhập và các cuộc khủng hoảng kinh tế. Hiện tại, ông Tuomas làm việc tại GnS Economics, một công ty tư vấn kinh tế vĩ mô có trụ sở tại Helsinki, chuyên về dự báo kịch bản và phân tích, giáo dục cộng đồng về các rủi ro khác nhau đối với nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính toàn cầu.

Bảo Nguyên

The The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Chính sách lãi suất thấp: Thất bại của các ngân hàng trung ương