Chính sách tiền tệ của SBV không khởi tác dụng như kỳ vọng?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tháng 9 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (SBV) đã giảm 0,25% lãi suất điều hành nhưng lãi suất huy động và cho vay của các Ngân hàng Thương mại (NHTM) không giảm được như kỳ vọng. 18/11 vừa qua, SBV tiếp tục ra chính sách yêu cầu các NHTM hạ lãi suất ngắn hạn, áp trần lãi suất huy động và cho vay. Dù vậy, thị trường không có dấu hiệu chuyển biến tích cực…

Nền tảng vĩ mô và điều kiện tài chính quốc tế đang trong giai đoạn lý tưởng để SBV theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng - vốn còn nhiều dư địa

Kể từ sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 và đặc biệt là sau giai đoạn căng thẳng ngân hàng 2011-2012 của hệ thống tài chính trong nước, điều kiện giảm lãi suất cho khu vực doanh nghiệp hiện đang là lý tưởng nhất. Trên thế giới, xu hướng hạ lãi suất điều hành diễn ra trên diện rộng, nhiều ngân hàng trung ương (NHTW) theo đuổi chính sách lãi suất âm để hỗ trợ tăng trưởng đã phần nào tạo điều kiện cho dòng vốn giá rẻ FDI, FII thuận lợi chảy vào Việt Nam. Trong nước, lạm phát kiềm chế ở mức hợp lý (ước tính khoảng 3,5% năm 2019), tăng trưởng khá, lãi suất trái phiếu chính phủ giảm, tỷ giá đi ngang, lãi suất thực dương được cho là ở mức cao so với các nước trong khu vực…

Nguồn: SSI

Với các điều kiện lý tưởng như vậy, việc SBV nhanh chóng thuận theo trào lưu của chính sách tiền tệ thế giới để nới lỏng tiền tệ trong nước - vốn còn nhiều dư địa - sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn giá rẻ và tăng thêm năng lực cạnh tranh. Hiện nay, GDP tăng cao, dự báo cả năm 2019 tăng trưởng GDP có thể đạt trên 7,1%. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP phần lớn dựa vào khu vực doanh nghiệp FDI và xuất khẩu tăng mạnh. Bản thân doanh nghiệp phi tài chính có kết quả kinh doanh trong quý 3 vừa qua không khả quan (trừ khu vực ngân hàng thương mại có kết quả kinh doanh khởi sắc). Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp phi tài chính phát đi tín hiệu xấu cho thấy việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn giá rẻ hơn là cần thiết trong thời điểm hiện tại.

SBV đã hạ lãi suất điều hành, giảm trần lãi suất huy động cho vay bằng mệnh lệnh hành chính nhưng hiệu quả chính sách thấp…

Mức lãi suất huy động và cho vay của các NHTM đã không giảm như kỳ vọng trong lần SBV giảm lãi suất điều hành hồi tháng 9 vừa qua. Để tăng thêm áp lực giảm lãi suất, tuần trước (18/11), SBV đã áp chính sách giảm trần lãi suất huy động và cho vay tại các ngân hàng thương mại (NHTM). Bản thân các NHTM đã ngay lập tức tuân thủ chính sách này trong ngày 19/11 vừa qua. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán - hàn thử biểu của chính sách tiền tệ và tổng cầu - lại phản ứng ngược lại. Chỉ số VnIndex rớt xuống dưới mức bình quân 200 ngày là 980 điểm trong 5 ngày giao dịch gần đây. Chưa kể lãi suất qua đêm của hệ thống NHTM đột ngột tăng mạnh trong các phiên giao dịch tuần trước.

Nguồn: SSI

Kênh truyền dẫn của chính sách tiền tệ tới tổng cầu của nền kinh tế sẽ mất khoảng 3-6 tháng, thậm chí dài hơn. Tuy nhiên, để truyền dẫn được, chính sách tiền tệ của SBV phải có hiệu quả biểu hiện ở bề mặt lãi suất huy động, lãi suất cho vay (trên thị trường chính thức) và lãi suất liên ngân hàng. Trong trường hợp này là giảm lãi suất huy động và cho vay, thanh khoản của NHTM dồi dào dẫn tới cung tín dụng tăng, thị trường chứng khoán tăng do kỳ vọng với khu vực doanh nghiệp tăng cao hơn...

Tại sao chính sách nới lỏng tiền tệ của SBV không hữu hiệu như kỳ vọng?

Không chỉ SBV, nhiều NHTW trên thế giới hiện nay cũng rơi vào tình cảnh việc nới lỏng chính sách tiền tệ không còn tạo ra các phản ứng tích cực của thị trường. Nguyên nhân của việc này là do năng lực hấp thụ vốn và tiêu dùng của thị trường có giới hạn. Trong khi đó, chính sách tiền tệ đã nới lỏng suốt 1 thập kỷ qua kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Ví dụ như Trung Quốc, dù dư địa chính sách tiền tệ còn nhiều, nhưng nền kinh tế này khó tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ vì điều kiện vĩ mô không thuận lợi: lạm phát tăng cao do giá thịt lợn tăng, tỷ giá đồng CNY giảm mạnh,... Dù vậy, để “an ủi” thị trường, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới gần đây đã hạ lãi suất điều hành ở mức cực thấp 0,05% của một loạt các kỳ hạn như một liều thuốc an thần cho nhà đầu tư, giữ chân dòng vốn FDI, FII ở lại. Chính sách tiền tệ, trong trường hợp này, được sử dụng như một liệu pháp tâm lý hơn là một công cụ chính sách vĩ mô ngắn hạn.

Với SBV hiện nay, phản ứng thị trường không tích cực với các động thái nới lỏng chính sách tiền tệ gần đây có thể xuất phát từ các nguyên nhân sau:

Thứ nhất, liều lượng nới lỏng của hai lần hạ lãi suất gần đây còn thấp - mang dáng dấp của “liệu pháp tâm lý”

Mức hạ lãi suất điều hành 0,25% là quá thấp. Thực tế, lãi suất điều hành của SBV đi ngang trong nhiều năm. SBV hiếm khi sử dụng công cụ chính sách này để điều tiết thị trường tiền tệ ngay cả khi hệ thống NHTM căng thẳng thanh khoản và khó khăn như giai đoạn 2011-2012. Thêm vào đó, đây là các loại lãi suất mang tính kỹ thuật, hỗ trợ thanh khoản trong ngắn hạn, chủ yếu tác động đến chi phí vốn của ngân hàng khi thiếu hụt vốn. Đối với một vài ngân hàng nhỏ, đang gặp khó khăn về thanh khoản, lãi suất điều hành giảm cũng hỗ trợ họ nguồn vốn với chi phí rẻ hơn. Tuy nhiên, đa số các ngân hàng thương mại trong hệ thống tài chính hiện nay không quá cần thiết sử dụng các công cụ này. Nhu cầu vốn trung và dài hạn của NHTM thực tế lớn hơn và cần thiết hơn, biểu hiện ở chỗ lãi suất tiền gửi trung và dài hạn đang trong tình thế chực chờ tăng.

Với mức giảm trần lãi suất huy động và cho vay ngắn hạn, mức giảm 0,2% - 0,5% cho các kỳ hạn ngắn (dưới 6 tháng), đối tượng doanh nghiệp được hưởng mức lãi suất giảm với khoản vay ngắn hạn cũng rất hạn chế vì các NHTM được phép lựa chọn đối tượng, thời gian giảm lãi suất… Bởi vậy, việc các doanh nghiệp ngoài quốc doanh vừa và nhỏ - vốn không có nhiều lợi thế tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng - lại càng khó có thể trở thành đối tượng thụ hưởng lần này của chính sách tiền tệ nới lỏng.

Mặt khác, việc hạ lãi suất theo mệnh lệnh hành chính mà không tuân theo quy luật cung - cầu của thị trường có thể phát huy tác dụng tích cực trong các trường hợp đặc thù và trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trong dài hạn, chính sách này khó có thể duy trì vì sẽ làm méo mó thị trường và giảm tính cạnh tranh, công bằng của môi trường kinh doanh trong nước.

Thứ hai, chất lượng tài sản xấu không được xử lý triệt để tại các NHTM nhỏ sẽ là rào cản làm giảm tính hữu hiệu của chính sách tiền tệ

Khi lãi suất huy động và cho vay “trơ lì” với động thái nới lỏng tiền tệ của NHTW, thì nguyên nhân lớn có thể là do tồn tại các NHTM chạy đua lãi suất huy động trên thị trường do yếu kém về thanh khoản. Thực tế, sự tồn tại của các ngân hàng 0 đồng cùng với việc không cho phá sản ngân hàng và khu trú khối nợ xấu tại VAMC trong nhiều năm qua đã khiến hệ thống NHTM phải chịu thêm gánh nặng về sự tồn tại của các NHTM nhỏ có năng lực tài chính yếu. Khi các NHTM tăng lãi suất huy động, các NHTM lớn và tốt khó có thể duy trì mức lãi suất tiền gửi quá thấp nếu không muốn mất lợi thế cạnh tranh.

Do vậy, chất lượng tài sản các NHTM nhỏ và yếu có thể là nguyên nhân chính dẫn đến lãi suất khó hạ theo nguyên tắc thị trường và mong muốn của Chính phủ. Thực tế, kết quả thực hiện Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu tại các NHTM sau 2 năm triển khai được báo cáo với thành tích đáng khích lệ. Tuy nhiên, Nghị quyết này chỉ hỗ trợ xử lý được nợ xấu có tài sản đảm bảo (TSĐB) tốt: TSĐB có thể thanh khoản, không bị đánh giá quá cao so với giá trị thị trường và với khoản vay mà nó đảm bảo. Những TSĐB này phần lớn đều thuộc về các NHTM lớn có uy tín. Trong khi đó, các NHTM nhỏ (chiếm tới 45 - 50% nợ xấu của hệ thống) thì TSĐB khó xử lý bởi nhiều nguyên nhân: chất lượng tài sản đảm bảo thấp; TSĐB hình thành từ vốn vay còn dở dang và khó thanh khoản, thậm chí mất hẳn tính thanh khoản; tính pháp lý khi nhận TSĐB cho khoản vay không được thẩm định tốt…

Khi TSĐB không được xử lý, NHTM nhỏ tiếp tục phải trích Dự phòng rủi ro (DPRR) đầy đủ cho các khoản nợ xấu không xử lý được, không có dòng tiền quay trở lại NHTM cho hoạt động kinh doanh, chi phí vốn của NHTM sẽ tăng cao, thanh khoản giảm và họ buộc phải tăng cường huy động từ dân cư và doanh nghiệp để duy trì hoạt động kinh doanh của mình. Do vậy, nhiều NHTM không thể cắt giảm lãi suất bất chấp các điều kiện vĩ mô và nỗ lực quản trị hành chính của Chính phủ, NHNN. Sự phân hóa về lãi suất trong hệ thống NHTM khó giải quyết trong thời gian qua, và dự báo tình trạng này còn có thể tiếp tục kéo dài. Sự phân hóa này dẫn tới các NHTM lớn dù không gặp vấn đề về thanh khoản, nhưng để duy trì lợi thế cạnh tranh cũng buộc phải tăng lãi suất huy động và lãi suất cho vay tương ứng.

Hiển nhiên, việc không cho phá sản ngân hàng yếu kém giai đoạn 2011-2012, cùng với sự tồn tại của các NHTM 0 đồng và khối nợ tại VAMC dường như là một sai lầm chính sách khá lớn: nó không chỉ tác động tới tính hữu hiệu của chính sách tiền tệ mà còn trực tiếp khiến khu vực doanh nghiệp phải trả chi phí vốn cao hơn so với các đối thủ khác của họ trong khu vực và trên thế giới.

Đâu đó, chúng ta có thể nhìn thấy bóng dáng bài học “hai thập kỷ mất mát” của Nhật Bản do họ đã không xử lý dứt điểm nợ xấu phát sinh trong thập kỷ 1980.

Trà Nguyễn



BÀI CHỌN LỌC

Chính sách tiền tệ của SBV không khởi tác dụng như kỳ vọng?