Chủ nghĩa tư bản đã cứu chính quyền Trung Quốc như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Làm thế nào mà Trung Quốc - là một trong những quốc gia từng nghèo nhất thế giới sau cuộc nội chiến năm 1949 – lại trở thành một trong những quốc gia giàu nhất thế giới trong vòng 30 năm? Câu trả lời chỉ gồm một danh từ duy nhất: chủ nghĩa tư bản.

Năm 1949, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đánh bại Quốc dân đảng trong một cuộc nội chiến tàn khốc. Lãnh đạo của chính quyền này là ông Mao Trạch Đông, đã hứa với người dân Đại Lục rằng ông sẽ tạo ra một đất nước Trung Hoa mới, một thiên đường xã hội chủ nghĩa, nơi nhà nước nhân đạo sẽ thỏa mãn mọi nhu cầu của người dân từ nhà cửa, học hành đến việc làm.

Không còn kinh doanh bóc lột với lòng tham vô đáy. Các nhà máy đều thuộc quyền sở hữu của giai cấp công nhân. Không còn địa chủ, nhà nước sẽ thay mặt nhân dân sở hữu tất cả tài sản. Sẽ không một ai nếm mùi đói khát nữa. Mọi người có thể ăn bao nhiêu tùy thích tại các nhà ăn công cộng.

Để biến Đại Lục thành thiên đường này, Mao đã tiến hành những cải cách xã hội triệt để: các ngành công nghiệp bị quốc hữu hóa, các doanh nghiệp tư nhân bị loại bỏ, và đất đai bị tịch thu. Nhưng những chính sách này đã không thành công trong việc biến Trung Quốc thành thiên đường trên mặt đất (như đã hứa).

Đối với việc chăm sóc sức khỏe, tình trạng bác sĩ và bệnh viện thiếu thốn trầm trọng; thêm vào đó nền y khoa lạc hậu so với các nước tiên tiến. Không ai thất nghiệp vì nhà nước chỉ định cho mỗi người một công việc nhất định. Nhưng không một ai dám lên tiếng phàn nàn về công việc, vì việc làm mà nhà nước giao phó lại gắn liền với khẩu phần ăn của người đó.

Nói về lương thực, không lâu sau khi Mao Trạch Đông lên nắm quyền, tình trạng thiếu lương thực trên toàn Đại Lục bắt đầu xảy ra. Từ năm 1958 đến năm 1962, Trung Quốc trải qua một nạn đói tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại. Ước tính có khoảng 45 triệu người Trung Quốc chết đói.

Mao Trạch Đông, lãnh tụ đầu tiên của ĐCSTQ, đã từng nói: “đấu với trời là niềm vui vô tận, đấu với đất là niềm vui vô tận, và đấu với người là niềm vui vô tận”.
Mao Trạch Đông, lãnh tụ đầu tiên của ĐCSTQ, đã từng nói: “đấu với trời là niềm vui vô tận, đấu với đất là niềm vui vô tận, và đấu với người là niềm vui vô tận”. (Getty)

Vào thời điểm Mao qua đời năm 1976, hơn 90% dân số Đại Lục sống dưới mức nghèo khổ, thu nhập dưới 2 USD/ngày. Một sự bình đẳng duy nhất mà chính quyền này mang lại chính là phân chia sự khốn khổ đều cho toàn dân.

Người kế nhiệm của Mao, Đặng Tiểu Bình, nhận ra rằng điều này không thể kéo dài lâu hơn nữa. Cách duy nhất để cứu vãn chính quyền này là phải xây dựng nền kinh tế phát triển. Nhưng bằng cách nào? Ông Đặng không có một khái niệm nào về phương cách xây dựng kinh tế.

May mắn cho ông, một nhóm nhỏ nông dân đã làm được. Vào năm 1978, 18 nông dân ở làng Xiaogang đã thỏa thuận bí mật với ông trưởng làng. Thỏa thuận đó là sau khi hoàn thành nghĩa vụ đóng góp cho nhà nước, họ được phép giữ lại bất kỳ khoản thặng dư nào cho gia đình và được phép bán đi những thứ không cần.

Thỏa thuận như vậy thật mạo hiểm, vì đây chính là sự phủ nhận trắng trợn các chính sách của ĐCSTQ. Nhưng kết quả thật kỳ diệu. Năm đầu tiên sau cuộc thỏa thuận, 18 nông dân đó đã sản xuất nhiều ngũ cốc hơn - so với toàn bộ nông dân làng Xiaogang sản xuất trong 10 năm trước đó.

“Mô hình Xiaogang” bắt đầu lan sang các làng khác. Khi ông Đặng Tiểu Bình nghe nói về điều đó, thay vì trừng phạt những người nông dân, ông cảm thấy hứng khởi khi nhận ra chính những nông dân chất phác này đã chỉ cho ông cách vực dậy nền kinh tế Trung Quốc.

Lập tức, ông Đặng công bố những cải cách kinh tế sâu rộng. Ông mở cửa Trung Quốc với thế giới bên ngoài, mời gọi đầu tư từ nước ngoài, và quan trọng nhất, nới lỏng sự kìm kẹp của nhà nước đối với người dân.

Kết quả thật đáng kinh ngạc. Nền kinh tế Trung Quốc càng tự do, người dân càng trở nên giàu có. Trong khoảng thời gian 3 thập niên, 800 triệu người Trung Quốc đã thoát khỏi cảnh nghèo đói. Hiện nay, các thành phố ở nước này sánh ngang hoặc vượt xa các thành phố lớn nhất của phương Tây, từ cao ốc đến các tòa nhà chọc trời đều mọc lên như nấm.

Chính quyền Trung Quốc thường vỗ ngực tự hào về phép lạ kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, công trạng thực sự phải thuộc về chủ nghĩa tư bản thị trường tự do, và 18 nông dân đầu tiên đã dũng cảm “liều mạng” thử nghiệm nền kinh tế tự do.

Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại, chính vì ĐCSTQ quyết định quay trở lại mô hình dưới thời Mao: nền kinh tế phải đặt dưới sự kiểm soát của nhà nước nhiều hơn. Đất nước ngày càng trở nên ít tự do hơn. Chính quyền này sử dụng công nghệ như nhận dạng khuôn mặt, camera giám sát và kiểm soát Internet để theo dõi “nhất cử nhất động” của người dân.

Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy ĐCSTQ đang quay trở lại quá khứ kinh hoàng thời Mao. Thật bất hạnh cho Trung Quốc. Và tệ hại cả cho thế giới.

Tác giả: Helen Raleigh là một tác giả và là chuyên gia quản lý tài sản. Cô có hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành dịch vụ tài chính. Helen là người sáng lập Red Meadow Advisors, LLC với sứ mệnh giúp những người Mỹ khác đạt được tự do tài chính trong cuộc sống của họ.

Thanh Vân

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Chủ nghĩa tư bản đã cứu chính quyền Trung Quốc như thế nào?