Chủ nghĩa tư bản thức tỉnh: Trò lừa đảo được vũ khí hóa để chống lại tự do

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những người ủng hộ tư tưởng đầu tư và kinh doanh theo hướng thức tỉnh đang nỗ lực gắn những tiêu chuẩn độc đoán theo hướng cánh tả lên thị trường tự do, và gọi đó là chủ nghĩa tư bản thức tỉnh. Thực sự thì, ESG, thước đo của chủ nghĩa tư bản thức tỉnh, là một trò lừa đảo được vũ khí hóa để chống lại tự do và nền kinh tế tư bản truyền thống của Mỹ.

Phe cánh tả thức tỉnh ở Mỹ có vẻ là một fan hâm mộ lớn của chủ nghĩa tư bản thị trường tự do (thức tỉnh là các phong trào chống phân biệt chủng tộc, bình đẳng giới, LGBTQ…). Đó là điều mà ông Andrew Petillon từ tờ Slate muốn tất cả chúng ta tin vào trong bài báo gần đây của ông, “Cuộc chiến của Đảng Cộng Hòa chống lại Chủ nghĩa Tư bản Thức tỉnh thật ra là một cuộc chiến chống lại chủ nghĩa tư bản”.

Đây là một lời nói dối tinh vi, không hơn không kém.

Thước đo ESG của chủ nghĩa tư bản thức tính

Theo The Economist, "chủ nghĩa tư bản thức tỉnh" bao gồm các chiến dịch vận động công chúng thu hút những người thuộc thế hệ thiên niên kỷ (thế hệ Y - những người sinh từ đầu năm 1980 đến giữa những năm 1990), những người thường có quan điểm tự do hơn về mặt xã hội và rõ ràng là có ít thông tin về chủ nghĩa tư bản thị trường tự do hơn so với các thế hệ trước.

Cái gọi là “chủ nghĩa tư bản thức tỉnh” đôi khi còn được gọi là “đầu tư ESG”, trong khi bản thân thuật ngữ này có nhiều nghĩa khác nhau. ESG là viết tắt của “môi trường, xã hội và quản trị”. Đó là một sự phân loại hoặc tiêu chuẩn mơ hồ được áp dụng cho các công ty và nhà đầu tư để xác định xem họ "thức tỉnh" hay không "thức tỉnh" đến mức độ nào (có lẽ sẽ khó tìm được từ phù hợp hơn từ "thức tỉnh" để sử dụng trong trường hợp này).

Chủ nghĩa tư bản thức tỉnh: trò lừa đảo được vũ khí hóa để chống lại tự do
Các nhà hoạt động vì khí hậu đốt khói khi họ biểu tình phản đối tại Phòng Thương mại Mỹ vào ngày 14/10/2021 tại Washington, DC. (Ảnh: Kevin Dietsch / Getty Images)

Tại nước Mỹ, ESG là một thước đo cho chủ nghĩa tư bản thức tỉnh. Một số khái niệm chính bao trùm ESG là biến đổi khí hậu, tính bền vững, công nghệ xanh, các vấn đề công bằng xã hội như quyền của người lao động, điều kiện làm việc, thay đổi chuẩn mực xã hội, bóc lột người thiểu số, v.v. Ngoài ra ESG còn bao gồm khía cạnh giám sát hoặc ủng hộ của chính quền đối với những vấn đề đó. Xếp hạng ESG của một công ty hoặc nhà đầu tư có thể là yếu tố quyết định đầu tư hoặc thậm chí dẫn đến tẩy chay.

Tính phát xít trong chủ nghĩa tư bản thức tỉnh

Chủ nghĩa tư bản thức tỉnh bao hàm ý tưởng về “chủ nghĩa tư bản của các bên liên quan”. Chủ nghĩa tư bản của các bên liên quan, vốn là điều mà Hội nghị Bàn tròn Kinh doanh và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) kêu gọi, yêu cầu các công ty phải tuân theo đường lối ESG và các tiêu chuẩn thức tỉnh theo hướng xã hội chủ nghĩa. Những tiêu chuẩn này bao gồm bình đẳng về kết quả (việc mọi người sẽ có được lợi ích ngang nhau), các vấn đề về quyết định tuyển dụng, yêu cầu về tính đa dạng, bình đẳng thu nhập, v.v.

Chủ nghĩa tư bản thức tỉnh: trò lừa đảo được vũ khí hóa để chống lại tự do
Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói trước hội nghị bên cạnh người sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới, ông Klaus Schwab, trong cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos hôm 26/05/2022. (Ảnh: Fabrice Coffrini / AFP qua Getty Images)

Rõ ràng, ESG có chứa ý thức hệ chính trị cánh tả, kết hợp kinh doanh với việc hoạch định chính sách của chính quyền, không chỉ đơn thuần vì lợi ích kinh doanh và cổ đông. Nhân tiện cũng cần nói đó chính là chủ nghĩa phát xít.

Lời nói dối về chủ nghĩa tư bản thức tỉnh

Trên bình diện quốc tế, ESG đánh giá và xếp hạng các công ty và nhà đầu tư để xét xem họ có tiến hành kinh doanh với các nước bị cho là không đúng đắn về mặt chính trị, hay thiếu các giá trị ESG, hoặc có thể là cả hai. Xếp hạng ESG xấu cũng có thể dẫn đến hình ảnh tiêu cực trước công chúng, thoái vốn hoặc bị tẩy chay bởi các nhà đầu tư Phố Wall và nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Theo ông Petillon, ESG hay chủ nghĩa tư bản thức tỉnh bằng cách nào đó có liên quan trực tiếp và là một khía cạnh của chủ nghĩa tư bản thị trường tự do. Trên thực tế, với tư cách là một thước đo, việc sử dụng các yếu tố ESG trong phân tích tài chính được coi là để bổ sung cho trách nhiệm ủy thác của một công ty đối với các nhà đầu tư và cổ đông.

Nhưng liệu cả hai khẳng định này có đúng?

Và các tiêu chí ESG có thực sự là một phần của trách nhiệm ủy thác mà một công ty đại chúng phải có đối với cổ đông của mình? Trong một số trường hợp, điều đó là đúng. Ví dụ, một số nhà đầu tư không muốn đầu tư vào các công ty sản xuất rượu, thuốc lá hoặc súng. Những nhà đầu tư đó được tự do lựa chọn không đầu tư vào những công ty đó.

Việc áp đặt các tiêu chí cánh tả cho một công ty có trách nhiệm đối với cổ đông của nó không mang tính chất của chủ nghĩa tư bản thị trường tự do. Thực sự thì, nó là các yêu cầu bắt buộc được tạo ra bởi một phe phái không thông qua bầu cử. Tất nhiên, có những luật mà tất cả các công ty phải tuân theo, nhưng những luật đó thay đổi tùy theo cơ sở pháp luật của tiểu bang và liên bang. ESG là một thứ khác, hay ít ra, ESG đã từng như vậy (ESG đang được đưa vào luật).

Nhưng đối với những người cánh tả, ESG hay chủ nghĩa tư bản thức tỉnh cũng là chủ nghĩa tư bản có đạo đức vì họ tin rằng các công ty phải hành xử, đầu tư và sản xuất những gì mà đám đông thức tỉnh xác định là đúng. Những công ty không tuân thủ phải bị trừng phạt và nếu có thể sẽ bị buộc dừng hoạt động kinh doanh. Khi xu hướng ESG và ảnh hưởng chính trị gia tăng, nó sẽ đạt được nhiều quyền kiểm soát hơn - về mặt hành vi và chính trị - đối với tất cả các công ty, dù là đại chúng hay tư nhân (các công ty tư nhân là công ty trách nhiệm hữu hạn không được bán cổ phần ra công chúng). Đó là mục tiêu cuối cùng cho chủ nghĩa tư bản thức tỉnh.

Gắn tư tưởng độc đoán lên thị trường tự do

Điều gì đằng sau những ngôn từ về chủ nghĩa tư bản thức tỉnh?

Những người ủng hộ chủ nghĩa tư bản thức tỉnh đã thêm từ "chủ nghĩa tư bản" vào để tăng thêm tính hợp lệ cho tư tưởng thức tỉnh.

Ông Petillon khẳng định, thị trường tự do đang đòi hỏi các công ty đại chúng, và thậm chí cả các công ty tư nhân, phải tuân thủ các yêu cầu của ESG. Ông nói thêm rằng để chống lại việc áp đặt các tiêu chuẩn ESG cho các công ty là chống lại thị trường tự do.

Có một vấn đề lớn đối với với lập luận về thị trường tự do đối với ESG. ESG không đến từ thị trường tự do. Nó là sản phẩm của Sáng kiến ​​Chương trình Môi trường Liên hợp quốc trong Báo cáo Freshfields vào tháng 10/2005 .

Sự khôn khéo của những người đề xướng ESG là một khi ESG được đề ra như một mục tiêu đạo đức, thì vấn đề đơn giản chỉ còn là xây dựng sự ủng hộ để hiện thực hóa nó. Sự hỗ trợ đó tới từ các chính trị gia cánh tả, phương tiện truyền thông, các tổ chức học thuật và các tổ chức tài chính toàn cầu. Tất cả cùng nỗ lực phối hợp để biến ESG trở thành một phần trong hành vi doanh nghiệp Mỹ và công khai bôi nhọ những doanh nghiệp không tuân thủ ESG.

Hãy xem quá trình đó diễn ra như thế nào.

Những người đề xướng ESG đã tận dụng các phương tiện truyền thông dòng chính, các trường đại học hàng đầu thiên tả và các đồng minh xã hội ủng hộ cánh tả công khai khác, và thúc đẩy tư tưởng thức tỉnh như thể nó là một vấn đề cơ sở của thị trường tự do.

Chủ nghĩa tư bản thức tỉnh: trò lừa đảo được vũ khí hóa để chống lại tự do
Một bức tranh tường vẽ tiểu thuyết gia người Anh George Orwell với dòng chữ “Tự do là quyền được nói với mọi người những gì họ không muốn nghe” ở Belgrade, Serbia, hôm 08/05/2018. (Ảnh: Oliver Bunic / AFP qua Getty Images)

Tóm lại, chương trình đầu tư ESG là một nỗ lực của Liên Hiệp Quốc và WEF, hai tổ chức siêu quốc gia, nhằm áp đặt ý chí độc đoán của họ lên các công ty tư nhân và đại chúng. Mục tiêu là buộc các công ty phải tuân thủ các tiêu chuẩn thức tỉnh của họ, chứ không phải luật pháp Mỹ, để xác định cách các công ty nên hoạt động, họ nên có chính sách gì, họ nên kinh doanh với ai và họ nên thúc đẩy chương trình chính trị và xã hội nào trong tổ chức của mình, thậm chí quyết định cả những người mà các công ty có thể bầu vào Hội đồng Quản trị của họ.

Quan điểm độc hại này theo cánh tả này yêu cầu các doanh nghiệp tuân thủ về mặt chính trị, đối với những mục tiêu không liên quan gì đến thị trường tự do.

Một trò lừa đảo được vũ khí hóa

Nhưng chủ nghĩa tư bản thức tỉnh không thực sự ủng hộ thị trường tự do hay thậm chí là chủ nghĩa tư bản chân chính. Ông Petillon và những người còn lại của giới thức tỉnh và Tái lập Vĩ đại biết điều này; họ chỉ là sẽ không thừa nhận điều đó. Cuối cùng, vấn đề ở đây là các công ty cần tuân theo các tiêu chuẩn độc đoán.

Như CEO Elon Musk của Tesla đã viết trên Twitter: “ESG là một trò lừa đảo. Nó đã được vũ khí hóa bởi những chiến binh công bằng xã hội giả mạo”.

Rõ ràng là, ông Musk đã đúng.

Đầu tư 'công bằng xã hội' là một phần trong kế hoạch Tái lập Vĩ đại nhằm thay thế chủ nghĩa tư bản cổ đông bằng chủ nghĩa tư bản của các bên liên quan.

ESG thực sự là một vũ khí được sử dụng để tấn công quyền tự do của người Mỹ, nền kinh tế tư bản truyền thống của Mỹ và hàng triệu doanh nghiệp lớn và nhỏ của nó. ESG cần phải bị phá hủy trước khi nó phá hủy chúng ta.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Đức Duy

Theo The Epoch Times

Tác giả James R. Gorrie sống tại Nam California. Ông cũng là tác giả của cuốn sách The China Crisis (Cuộc khủng hoảng Trung Quốc) và của nhiều bài đăng trên blog: TheBananaRepublican.com.



BÀI CHỌN LỌC

Chủ nghĩa tư bản thức tỉnh: Trò lừa đảo được vũ khí hóa để chống lại tự do