Chủ tịch và Thủ tướng Trung Quốc đưa ra bình luận mâu thuẫn nhau về kinh tế: Đấu đá chính trị bị phơi bày?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đưa ra những bình luận trái ngược nhau về tình hình kinh tế của đại lục. Các học giả đưa ra suy đoán rằng phải chăng điều này đang ám chỉ một cuộc đấu đá công khai trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc giữa phe cánh ông Tập và ông Lý?

Trong một chuyến thanh tra gần đây đến các ngôi làng trong khu vực Ninh Hạ, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh mục tiêu của ông là Trung Quốc sẽ trở thành “một xã hội khá giả”. Câu khẩu hiệu này đã được đặt ra ngay sau khi ông lên nắm quyền vào năm 2012 và là chính sách kinh tế hàng đầu của ông.

Ông Tập cũng đã viết một bài báo ngày 31/5 trên tờ Qiushi, tạp chí chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), rằng Trung Quốc đang tiến tới đạt được mục tiêu đó với “400 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu”.

Tiêu chuẩn của ông đối với tầng lớp trung lưu là: thu nhập hộ gia đình hàng năm từ 100.000 đến 500.000 nhân dân tệ (14.160 - 70.810 USD). Nhưng ở Trung Quốc, các hộ gia đình nhiều thế hệ sống chung dưới một mái nhà không phải là hiếm.

Trong khi đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường gần đây đã nhấn mạnh về thực trạng thất nghiệp và cuộc khủng hoảng đói nghèo ở nước này, đang bị làm trầm trọng thêm bởi đại dịch virus corona Vũ Hán.

Ông Lý nói trong cuộc họp của cơ quan lập pháp bù nhìn của Trung Quốc ngày 28/5 rằng 600 triệu người Trung Quốc chỉ kiếm được 1.000 nhân dân tệ (140 USD) mỗi tháng, không đủ để trả tiền thuê hàng tháng cho một căn hộ một phòng ngủ ở một thành phố cỡ trung của Trung Quốc.

Sau đó, ông Lý đã thúc đẩy ý tưởng thành lập một “nền kinh tế bán hàng rong trên phố” để giảm bớt tình trạng thất nghiệp đang gia tăng do hậu quả của đại dịch.

Ngày 1/6, ông Lý một lần nữa phát biểu tại một cuộc hội thảo kinh tế ở thành phố Thanh Đảo rằng: “Những thách thức mà [Trung Quốc] đang phải đối mặt là khó khăn chưa từng thấy”. Ông Lý nhấn mạnh rằng hàng trăm triệu người Trung Quốc cần được hỗ trợ tài chính.

Sau bài phát biểu của ông Lý, truyền thông nhà nước lần đầu tiên đã khuyến khích nền kinh tế bán hàng rong, tuy nhiên lại bắt đầu chạy các bài báo phê bình ý tưởng này vào ngày 5/6.

Kể từ đó, mỗi chính quyền tỉnh và thành phố lại đưa ra những thông tin mâu thuẫn nhau về việc người bán hàng rong trên phố có được phép bán sản phẩm của họ hay không.

Các nhà quan sát đã diễn giải các thông điệp mâu thuẫn công khai gần đây như là một dấu hiệu của cuộc đấu đá quyền lực giữa phe phái chính trị của ông Tập và ông Lý.

“Cuộc đấu đá lẫn nhau một cách công khai giữa Tập và Lý chắc chắn đã gây khó khăn cho các quan chức cấp thấp hơn trong việc xác định lập trường của họ”, ông Tang Jingyuan, nhà bình luận về vấn đề Trung Quốc sống tại Mỹ cho biết.

Đấu đá công khai

Ông Frank Tian Xie, giáo sư kinh doanh tại Đại học Nam Carolina Aiken, cũng cho là những bình luận của ông Lý như một lời quở trách trực tiếp ông Tập. “Nó cho thấy rằng các quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang giữ những ý kiến ​​khác nhau và đấu đá với nhau”, ông Xie chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn.

Nhà bình luận Jiang Feng sống tại Hoa Kỳ cho biết trên chương trình YouTube của mình rằng lời bình luận của ông Lý về 600 triệu người sống với thu nhập hàng tháng dưới 1.000 nhân dân tệ là “một cú tát vào mặt ông Tập Cận Bình. Ông Tập cho biết Trung Quốc sẽ hiện thực hóa một xã hội khá giả vào năm 2020”.

Ông Tang phân tích rằng do ông Lý là quan chức hàng đầu của Đảng về chính sách kinh tế, nên ông sẽ bị đổ lỗi về thảm họa kinh tế của đất nước.

Khi nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục xuống dốc, ông Tang nói rằng ông Lý không có lựa chọn nào khác ngoài việc thừa nhận với người dân Trung Quốc rằng tình hình là rất nghiêm trọng.

“Rõ ràng, ông Lý không muốn nhận trách nhiệm nói dối công chúng. Đây là lý do chính tại sao ông Lý tuyên bố có tồn tại một số lượng lớn người nghèo như vậy ở Trung Quốc”, ông Tang nói.

Kinh tế Trung Quốc

Ông He Junjiao, một nhà kinh tế người Trung Quốc sống tại tỉnh Hồ Nam, nói với The Epoch Times phiên bản tiếng Trung rằng: nền kinh tế Trung Quốc đang trong tình trạng nguy cấp, và ngay cả nền kinh tế bán hàng rong trên phố cũng không thể cứu được nó.

“Nếu một quốc gia phụ thuộc vào ‘nền kinh tế bán hàng rong trên phố’ để hỗ trợ sinh kế của người dân thì quốc gia này đang đứng trước bờ vực phá sản... Phía sau nền kinh tế bán hàng rong trên phố của ông Lý là thất nghiệp hàng loạt”, ông He chia sẻ.

Trong cơn tuyệt vọng, chế độ Trung Quốc đang kêu gọi mọi người trở thành các doanh nhân nhỏ. “Nếu không họ sẽ chết đói, hoặc thậm chí bạo loạn nếu họ không có gì để ăn”, ông He nói.

Trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh đã thực hiện một cuộc khảo sát gần đây làm sáng tỏ hơn về thu nhập trung bình của người dân Trung Quốc.

Tạp chí Caixin có trụ sở tại Thượng Hải đã đưa tin vào ngày 3/6 rằng trường đại học này đã đưa ra các ước tính sau khi khảo sát 70.000 người.

“Thu nhập hàng tháng của 547 triệu người Trung Quốc, chiếm 39,1% dân số, chưa đến 1.000 nhân dân tệ. Thu nhập hàng tháng của 52,5 triệu người Trung Quốc nằm trong khoảng từ 1.000 đến 1.090 nhân dân tệ (154 USD). Điều đó có nghĩa là 42,85% dân số Trung Quốc kiếm được ít hơn 1.090 nhân dân tệ mỗi tháng”, báo cáo cho biết.

Trong số những người đó, 5,46 triệu người Trung Quốc không có thu nhập; 216 triệu người Trung Quốc kiếm được ít hơn 500 nhân dân tệ (70 USD) mỗi tháng; và thu nhập hàng tháng của 200 triệu người Trung Quốc khác thấp hơn 800 nhân dân tệ (113 USD).

Chủ tịch của China Fuyao Glass, một nhà sản xuất kính ô tô đa quốc gia, đã từng nói với truyền thông Trung Quốc rằng Trung Quốc có dưới 300 triệu người có khả năng dư dả để mua những sản phẩm không thiết yếu.

Theo dữ liệu mới nhất do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, thu nhập khả dụng trung bình là 26.523 nhân dân tệ (3.753 USD) cho năm 2019. Truyền thông Trung Quốc lưu ý rằng số tiền này chỉ có thể đủ để hỗ trợ chi phí sinh hoạt cơ bản ở Trung Quốc.

Thủy Tiên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Chủ tịch và Thủ tướng Trung Quốc đưa ra bình luận mâu thuẫn nhau về kinh tế: Đấu đá chính trị bị phơi bày?