Chứng khoán BĐS của Trung Quốc tiếp tục lao dốc sau kỳ nghỉ vì hiệu ứng Evergrande

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giá cổ phiếu, trái phiếu Bất động sản (BĐS) trên sàn giao chứng khoán Trung Quốc sụt giảm mạnh ngay trong phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghĩ lễ dài vì hiệu ứng Evergrande. Thực tế, rủi ro của BĐS Trung Quốc không chỉ có Evergrande, ngày các nhiều doanh nghiệp BĐS khốn đốn khi lượng giao dịch thành công trên thị trường suy giảm, giá cả lao dốc, bong bóng nợ BĐS kỷ lục…

Tâm lý lo ngại trước vụ vỡ nợ của Evergrande cũng ảnh hưởng đến giá cổ phiếu đại lục, kéo chỉ số chứng khoản BĐS giảm 1,75% trong phiên giao dịch buổi chiều ngày thứ Sáu. Trong khi đó cổ phiếu Blue -chip vẫn tăng 1%.

Tại Hong Kong, chỉ số Bất động sản và Xây dựng Hang Seng (.HSCIPC) giảm hơn 0,6%, so với mức giảm 0,1% của chỉ số Hang Seng mở rộng (.HSI).

Trái phiếu BĐS phát hành trong nước của các công ty BĐS Trung Quốc như Xiamen Yuzhou Grand Future Real Estate Development, Yango Group (000671.SZ) và Guangzhou R&F Properties (2777.HK) cũng sụt giảm vào thứ Sáu.

Tập đoàn BĐS Aoyuan Trung Quốc (3883.HK) hôm thứ Sáu cho biết rằng họ đã ký quỹ để thanh toán một trái phiếu trong nước đáo hạn vào ngày 12/10, sau khi một trái phiếu trong nước khác của họ giảm hơn 7,5% trong giao dịch buổi sáng.

Giá trái phiếu, cổ phiếu do các công ty phát triển BĐS Trung Quốc phát hành đã tiếp tục sụt giảm mạnh ngay trong phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ dài. Tình trạng này được cho là do các nhà đầu tư tháo chạy vì lo sợ hiệu ứng vỡ nợ của Evergrande cũng như quá nhiều tin xấu về thị trường BĐS đã xuất hiện tại Trung Quốc.

Evergrande (3333.HK), cổ phiếu này vẫn bị đình chỉ kể từ khi bị yêu cầu tạm dừng giao dịch chờ thông báo trước kỳ nghỉ lễ của Trung Quốc. Công ty này đang phải đối mặt với vụ vỡ nợ kỷ lục, lớn nhất Trung Quốc, khoảng hơn 300 tỷ USD.

Vào tháng trước, Evergrande đã không thể thanh toán lãi suất cho các trái chủ nắm giữ trái phiếu phát hành bằng đồng USD. Trong tuần tới, Evergrande cũng phải đối mặt với 3 đợt thanh toán nữa, tổng nợ đến hạn phải trả lên tới 150 triệu USD và công ty hoàn toàn không có khả năng thanh toán. Sự sụp đổ có thể xảy ra với một trong những công ty phát triển BĐS lớn nhất Trung Quốc khiến các nhà đầu tư lo lắng rủi ro lây nhiễm trong nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu. Trong thị trường BĐS Trung Quốc, không chỉ Evergrande, khả năng trả nợ và khối nợ của các công ty BĐS khác cũng đang trở thành vấn đề rất nhức nhối.

Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải đã đình chỉ giao dịch 2 trái phiếu phát hành bởi một công ty BĐS khác là Fantasia Group China. Một trái phiếu của công ty này đã giảm hơn 50% sau khi công ty không thể thanh toán đúng hạn khoản nợ của họ trên thị trường quốc tế là 206 triệu vào hôm thứ Hai vừa qua.

Cửa văn phòng của Fantasia ở Causeway Bay (Hong Kong). (Ảnh: Ku Gong / The Epoch Times)

Thông thường, một công ty nhỏ vỡ nợ không phải là vấn đề lớn, đó là vấn đề riêng lẻ. Tuy nhiên, do ngày càng có nhiều công ty BĐS Trung Quốc gặp khó khăn trong thanh toán nợ khiến các nhà đầu tư trên TTCK Trung Quốc lo lắng đặt câu hỏi liệu đây có phải là tiền đề cho loạt chuỗi vỡ nợ domino trên thị trường BĐS hay không, khi mà hầu hết các công ty này đều có các khoản nợ dài hạn không bền vững.

Trong một tuyên bố vào tối thứ Năm, Tập đoàn BĐS Fantasia cho biết hoạt động của họ vẫn bình thường và họ đang duy trì liên hệ chặt chẽ với các nhà đầu tư. Họ cũng cho biết họ đang "tích cực thúc đẩy các biện pháp đảm bảo đáp ứng tốt khả năng trả nợ".

Các nhà quản lý Trung Quốc đã không đưa ra bất kỳ bình luận cụ thể nào về Evergrande trong kỳ nghỉ lễ kéo dài một tuần kể từ ngày 1/10, mặc dù ngân hàng trung ương Trung Quốc vào thứ Tư tuần trước đã thúc giục các tổ chức tài chính hợp tác với các bộ phận liên quan và chính quyền địa phương để duy trì sự phát triển "ổn định và lành mạnh" của thị trường BĐS và bảo vệ quyền lợi của người mua nhà ở.

Trong một bài bình luận vào cuối ngày thứ Năm, tờ Thời báo Hoàn cầu, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, đưa tin rằng việc các nhà chức trách đưa ra "ba lằn ranh đỏ" cho thấy "Trung Quốc có những ưu tiên riêng và duy trì sự tập trung vào việc làm xẹp bong bóng BĐS và giảm thiểu rủi ro".

Trong khi việc bán tài sản sẽ tạm thời giảm bớt lo ngại về dòng tiền của Evergrande, các nhà phân tích cũng cho rằng khoản nợ của Evergrande và một số công ty BĐS khác của Trung Quốc là quá lớn và vì thế sẽ không thể giải quyết nhanh chóng.

Trà Nguyễn

Theo Reuters



BÀI CHỌN LỌC

Chứng khoán BĐS của Trung Quốc tiếp tục lao dốc sau kỳ nghỉ vì hiệu ứng Evergrande