Chúng ta sắp phải trả giá bằng cuộc khủng hoảng nợ công toàn cầu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nền kinh tế của thế giới đã đi theo con đường không bền vững trong hơn một thập kỷ, và giờ là lúc chúng ta phải trả giá khi lãi suất tăng nhanh chóng. Chỉ còn là vấn đề thời gian khi các nạn nhân như Vương Quốc Anh xuất hiện. Trong khi đó, các giải pháp đối phó khi khủng hoảng nợ công xảy ra cũng không thể thảm hại hơn.

Đã có ba đợt khủng hoảng nợ quốc gia lớn trong suốt 200 năm qua. Đợt đầu tiên xảy ra sau cuộc chiến tranh Napoléon từ năm 1827 đến năm 1860. Đợt thứ hai xảy ra trong và sau cuộc Đại khủng hoảng và Thế chiến thứ hai, và đợt thứ ba diễn ra trong thời kỳ khủng hoảng giá hàng hóa và ngân hàng từ khoảng năm 1987 đến khoảng năm 2000. Giờ đây, chúng ta đang tiếp cận đợt khủng hoảng thứ 4.

Hình dưới đây trình bày mức nợ của chính phủ trung ương tính theo tỷ trọng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Nó vẽ nên một bức tranh gây sốc.

Chúng ta sắp phải trả giá bằng cuộc khủng hoảng nợ công toàn cầu
Một biểu đồ thể hiện nợ chính phủ trung ương tính theo GDP ở Trung Quốc, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Mỹ từ quý IV năm 1947 đến quý I năm 2022. Đường màu xanh: Mỹ. Đường màu da cam: Nhật Bản. Đường màu xám: Trung Quốc. Đường màu vàng: Vương Quốc Anh. (Ảnh: GnS Economics / Ngân hàng Thế giới)

Rõ ràng là tỷ lệ nợ của Nhật Bản cao hẳn lên so với các nước khác, nhưng điều đáng chú ý, nhưng không có gì đáng ngạc nhiên, là nợ chính phủ về cơ bản đã bùng nổ ở tất cả các quốc gia kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 - 09. Hiện tượng này đã được ghi nhận trong số tháng 03/2017 trong loạt bài Q-Review của GnS Economics, trong đó các tác giả đã viết:

“Cuộc khủng hoảng 2007–2008 đã đảo ngược xu hướng toàn cầu hóa tài chính, vốn đã làm suy yếu tăng trưởng toàn cầu. Sự kéo lùi trong toàn cầu hóa tài chính đã bị che lấp bởi tính thanh khoản do Ngân hàng Trung ương tạo ra và sự kích thích liên tục từ các chính phủ đã tạo ra sự phục hồi giả tạo và đẩy các định giá tài sản khác nhau lên đến mức không bền vững. Điều này ngụ ý rằng chúng ta đang sống trong bong bóng 'các Ngân hàng Trung ương'".

Nói một cách chính xác hơn, bài đăng giải thích rằng các Ngân hàng Trung ương đã đẩy lợi suất trái phiếu xuống mức thấp nhất trong lịch sử, điều này khiến các chính phủ có thể gánh được những khoản nợ lớn bất thường. Điều này cũng trùng hợp với một hiện tượng toàn cầu đáng lo ngại khác: sự sụp đổ của tăng trưởng năng suất toàn cầu.

Việc tăng trưởng năng suất toàn cầu trì trệ là điều vô cùng đáng lo ngại vì nó ngụ ý rằng các doanh nghiệp không thể tăng năng suất của mình, đồng nghĩa với việc họ cũng sẽ không có lãi. Và khi họ gia tăng mắc nợ, nhưng khả năng sinh lời bị đình trệ hoặc giảm, khả năng trả nợ của họ cũng sẽ giảm dần theo thời gian.

Điều này, khá đơn giản, ngụ ý rằng khả năng tăng năng lực sinh lời và trang trải nghĩa vụ nợ, ở cấp quốc gia, cũng đã giảm trong vài năm, trong khi các chính phủ đang tăng nợ với tốc độ kỷ lục. Các nền kinh tế của chúng ta khá đơn giản đã đi trên một con đường hoàn toàn không bền vững trong hơn một thập kỷ, và giờ đây là lúc phải trả giá khi lãi suất tăng nhanh chóng.

Trả giá

“Nạn nhân” đầu tiên là Vương quốc Anh, nơi mà các chính sách tài khóa liều lĩnh, đặc biệt là trong cuộc khủng hoảng COVID, đã đẩy đất nước này đến bờ vực nợ nần và cuộc khủng hoảng tài chính chỉ có thể được cứu vào phút chót bởi Ngân hàng Trung ương Anh. Cuộc khủng hoảng cũng buộc Thủ tướng mới được bổ nhiệm Liz Truss phải từ chức, khiến bà trở thành Thủ tướng tại vị ngắn nhất trong lịch sử Anh, chỉ với 45 ngày cầm quyền.

Nhưng chắc chắn sẽ có nhiều nạn nhân tiếp theo.

Chúng ta sắp phải trả giá bằng cuộc khủng hoảng nợ công toàn cầu
Cựu Thủ tướng của Vương quốc Anh Liz Truss có bài phát biểu đầu tiên tại Phố Downing vào ngày 06/09/2022 ở London, Anh. (Ảnh: Leon Neal / Getty Images)

Các cuộc khủng hoảng tài khóa hoặc nợ xuất hiện khi một quốc gia mắc nợ quá nhiều đánh mất lòng tin của các nhà đầu tư vào khả năng trả nợ của mình. Có rất nhiều ví dụ về các giai đoạn như vậy trong lịch sử. Trong các thời kỳ nói trên, gần một nửa số quốc gia trên thế giới rơi vào tình trạng vỡ nợ ở mức độ nào đó đối với các nghĩa vụ nợ nước ngoài của họ.

Giải quyết các cuộc khủng hoảng tài khóa cũng không hề dễ dàng hay dễ chịu.

Khủng hoảng tài khóa (hoặc nợ) bao gồm các giai đoạn thâm hụt nghiêm trọng trong tài chính công và / hoặc các giai đoạn mà chính phủ không đáp ứng được các nghĩa vụ nợ trong nước hoặc nước ngoài. Gerling và cộng sự (2017) xác định một cuộc khủng hoảng tài khóa theo bốn tiêu chí: sự kiện tín dụng (một sự vỡ nợ đối với nợ phát hành bằng đồng tiền nước ngoài); tài trợ chính thức đặc biệt (ví dụ, từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế); vỡ nợ ngầm trong nước (ví dụ: xuất hiện việc tiền hóa nợ hoặc quá hạn nợ trong nước của chính phủ); và mất khả năng tiếp cận thị trường.

Nếu một chính phủ không trả được các nghĩa vụ nợ nước ngoài hoặc trong nước (tức là trả lãi và / hoặc trả gốc cho trái phiếu của mình), thì điều đó làm giảm gánh nặng nợ của một quốc gia, nhưng có xu hướng dẫn đến bị loại khỏi thị trường vốn vì các nhà đầu tư sẽ không sẵn sàng cho quốc gia đó vay, ít nhất là trong một thời gian. Việc bị loại trừ khỏi các nguồn tài chính ngoài nguồn thu từ thuế khiến chính phủ chỉ có hai lựa chọn: hoặc phải sống bằng tiền của mình, nghĩa là phải cắt giảm chi tiêu để có thể trang trải bằng nguồn thu suy giảm, hoặc có thể tiền tệ hóa thâm hụt ngân sách thông qua một Ngân hàng Trung ương. Vì vậy, trên thực tế, các chính phủ cần phải lựa chọn giữa việc tự áp đặt tình trạng thắt lưng buộc bụng hoặc tình trạng lạm phát mất kiểm soát sau khi vỡ nợ.

Kể từ đầu những năm 1950, các nước cũng có thể xin hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong thời kỳ kinh tế khó khăn. Các chương trình của IMF đi kèm với các biện pháp thắt lưng buộc bụng, vốn là điều kiện để chương trình được chấp nhận trên thực tế là ngay từ thời kỳ đầu. Các biện pháp này bao gồm dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát giá đối với các doanh nghiệp kinh tế nhà nước và xóa bỏ các khoản trợ cấp. Trong thời gian bắt đầu chương trình, hầu như luôn có một thỏa thuận về mức trần thâm hụt tài khóa và tín dụng trong nước. Ngoài ra, các khoản nợ công và nợ tư nhân thường được cơ cấu lại và chế độ tỷ giá hối đoái danh nghĩa được thay đổi (tức là loại bỏ bất kỳ việc neo tiền tệ nào - neo đồng tiền theo đồng tiền khác).

Giờ đây khi các Ngân hàng Trung ương đang tăng, và nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng, lãi suất để chống lại lạm phát tăng cao, chi phí trang trải nghĩa vụ nợ của các chính phủ sẽ tiếp tục tăng cao. Vì vậy, chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi có thêm nhiều chính phủ thậm chí của các nền kinh tế tiên tiến sẽ đánh mất lòng tin của các nhà đầu tư, giống như Vương Quốc Anh.

Như đã chỉ ra ở trên, tại thời điểm đó, chính phủ của chúng ta (và các Ngân hàng Trung ương) chỉ còn hai lựa chọn: “thắt lưng buộc bụng” đáng kể hoặc tiền tệ hóa “mọi thứ”. Than ôi, chúng ta (thế giới) đang ở trên bờ vực của thời kỳ thắt lưng buộc bụng lớn nhất trong lịch sử hoặc khả năng xảy ra siêu lạm phát toàn cầu .

Những lựa chọn của chúng ta hôm nay không thể thảm hại hơn, nhưng sự vô trách nhiệm về tài khóa, thứ mà chúng ta đã cho phép xảy ra, sẽ gây ra đau khổ dưới hình thức này hay hình thức khác. Có vẻ như chúng ta cần phải học lại bài học đó.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Cát Duyên

Theo Tuomas Malinen - The Epoch Times

Tác giả ​​Tuomas Malinen là Giám đốc điều hành và nhà kinh tế trưởng tại GnS Economics, một công ty tư vấn kinh tế vĩ mô có trụ sở tại Helsinki, và là Phó Giáo sư kinh tế. Ông đã nghiên cứu về tăng trưởng kinh tế và các cuộc khủng hoảng kinh tế trong 10 năm. Trong bản tin của mình (MTMalinen.Substack.com), ông Malinen nói về các dự báo và cách để chuẩn bị cho suy thoái và khủng hoảng sắp tới.



BÀI CHỌN LỌC

Chúng ta sắp phải trả giá bằng cuộc khủng hoảng nợ công toàn cầu