Chuyên gia: 3 lý do Mỹ sẽ tiếp tục chính sách phi toàn cầu hóa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính quyền Biden tỏ ra chống lại toàn cầu hóa mạnh mẽ hơn chính quyền Trump, và đang đưa lập trường chống toàn cầu hóa vào trong chính sách dài hạn của Mỹ. Bất chấp được lợi từ quá trình toàn cầu hóa, Mỹ sẽ không đẩy mạnh nó vì 3 lý do.

Nhà phân tích và tác giả địa chính trị Peter Zeihan tin rằng Mỹ đang thúc đẩy quá trình phi toàn cầu hóa và xu hướng này sẽ không sớm được dừng lại.

Ông Zeihan đã chỉ ra ba lý do tại sao Mỹ, mặc dù đã được hưởng lợi từ quá trình toàn cầu hóa trong thời gian rất dài, nhưng sẽ không đẩy mạnh nó ngay cả khi hệ thống hiện nay bị đe dọa. Lý do đầu tiên liên quan tới lý do tại sao Mỹ lại thúc đẩy ý tưởng toàn cầu hóa ngay từ đầu. Đối với Mỹ, toàn cầu hóa “chưa bao giờ là về kinh tế… hoặc ít nhất không phải về kinh tế theo nghĩa truyền thống”, ông nói trên kênh YouTube của mình.

Mỹ có nền kinh tế lớn nhất thế giới trước Thế chiến II. Trong chiến tranh, Mỹ có một nền kinh tế có quy mô tương đương với tất cả các đối thủ, các quốc gia hợp tác, bạn bè, đồng minh và kẻ thù cộng lại, ông Ziehan lưu ý.

Khi Mỹ đối mặt với Nga ở châu Âu, người Mỹ nhận ra rằng “không có cách nào” họ có thể hỗ trợ về mặt kinh tế và chính trị cho một cuộc xung đột cách xa cả đại dương.

“Vì vậy, giải pháp là mua chuộc tất cả mọi người, sử dụng hải quân của chúng ta để tuần tra các đại dương trên toàn cầu để bất kỳ đồng minh nào của chúng ta có thể đi bất cứ đâu vào bất kỳ lúc nào và tương tác với bất kỳ người chơi nào khác, tiếp cận bất kỳ nguồn nguyên liệu nào và đặc biệt là tiếp cận thị trường Mỹ”, ông Zeihan lưu ý.

“Vấn đề là bạn phải để người Mỹ viết ra chính sách an ninh cho bạn. Vì vậy, đừng bao giờ quên rằng ngay từ đầu, chính khái niệm toàn cầu hóa của Mỹ đã không bao giờ là về kinh tế hay thương mại. Đó là về an ninh. Chúng tôi trả tiền để bạn đứng về phía chúng tôi”.

Hệ thống này đã hoạt động trong vài thập kỷ. Ông nói, sau 40-45 năm, Chiến tranh Lạnh kết thúc vì hệ thống của Liên Xô “không thể cạnh tranh” với hệ thống của Mỹ, thứ đã tạo ra một liên minh kinh tế và an ninh rộng lớn.

Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi kể từ đó. Nhiều quốc gia đã đi lên về kinh tế trong những thập kỷ qua. Kết quả là, nền kinh tế Mỹ không “lớn như mọi nền kinh tế khác gộp lại”.

Trên thực tế, phần còn lại của thế giới có diện tích “gấp ba hoặc bốn lần” diện tích của Mỹ. Do đó, việc thực hiện “trợ cấp kinh tế gián tiếp” cho các quốc gia khác đã trở nên không hợp lý, ông Zeihan nói.

Chuyên gia: 3 lý do Mỹ sẽ tiếp tục chính sách phi toàn cầu hóa
Tân sinh viên Hải quân Hoa Kỳ đến để tham gia buổi lễ Tuyên thệ và kết thúc Ngày giới thiệu của họ tại Học viện Hải quân Hoa Kỳ vào ngày 30/06/2022 ở Annapolis, Maryland, Mỹ. (Ảnh: Anna Moneymaker/Getty Images)

Ủng hộ chính trị cho toàn cầu hóa giảm

Lý do thứ hai là sự ủng hộ về chính trị của Mỹ đối với toàn cầu hóa đã giảm. “Trong 35 năm qua, Chiến tranh Lạnh đã kết thúc, siêu toàn cầu hóa phát triển, siêu toàn cầu hóa xuống dốc, thế hệ Bùng nổ trẻ em trải qua thời kỳ đỉnh cao, thế hệ Bùng nổ trẻ em hiện đang nghỉ hưu, chúng ta đã có cuộc cách mạng thông tin, chúng ta đã có phương tiện truyền thông xã hội. [Vì vậy], tất nhiên, chúng ta sẽ xử lý [chính sách] chính trị của mình theo cách khác”, ông Zeihan nói.

Các phe phái tạo nên hệ thống chính trị đang thay đổi. Các đảng chính trị có “rất nhiều phe phái luôn đấu tranh để giành quyền thống trị và ảnh hưởng. Khi chính trị thay đổi, những liên minh phe phái đó không còn ý nghĩa nữa. Và vì vậy, họ phải phát triển”.

Các công đoàn phần lớn đã rời khỏi liên minh dân chủ, với liên minh của ông Trump “khá thành công trong việc lôi kéo họ ra”. Ông Zeihan lưu ý rằng chính quyền Trump cũng đã loại cộng đồng doanh nghiệp và những người bảo thủ quan tâm tới an ninh quốc gia ra khỏi liên minh của Đảng Cộng hòa - hai phe ủng hộ mạnh mẽ toàn cầu hóa vì lý do kinh tế và an ninh.

“Và vì vậy, bây giờ, chúng ta có chính quyền Biden và liên minh Cộng hòa do Trump lãnh đạo, về cơ bản đang có một cuộc chiến tranh giành các công đoàn. Vì vậy, nó giống như việc chúng ta không thể nói chuyện về vấn đề nhập cư ở Mỹ bởi vì các công đoàn không muốn có nó [cuộc nói chuyện]”, ông Zeihan nói.

“Không ai ở Washington muốn nói về toàn cầu hóa theo hướng tích cực bởi vì vấn đề với các công đoàn về sự liên kết chính trị mà họ sẽ ủng hộ. Và hai nhóm từng thích toàn cầu hóa, những người bảo thủ quan tâm tới an ninh quốc gia và trong kinh doanh, họ thậm chí không còn là một phần liên quan nữa”.

Lý do lớn nhất: Nhân khẩu học

Lý do thứ ba và là “lý do lớn nhất” khiến ông Zeihan tin rằng không thể ngừng phi toàn cầu hóa là vấn đề nhân khẩu học. Khi các nền kinh tế đô thị hóa và công nghiệp hóa, mọi người rời khỏi các trang trại và định cư ở các thị trấn.

“Thay vì làm việc trong một hệ thống nông nghiệp tự cung tự cấp, giờ đây bạn đang nhận một công việc dịch vụ, sản xuất hoặc công nghiệp. Và điều đó có nghĩa là bạn đang sống trong những căn hộ chung cư, hoặc những ngôi nhà dành cho một gia đình, hoặc những ngôi nhà trong thị trấn chen chúc nhau. Và trong môi trường như vậy, bọn trẻ từ chỗ là lao động tự do trở thành mối đau đầu tốn kém và bạn có ít chúng hơn”.

Kết quả là thế giới hiện đang “cạn kiệt theo nghĩa đen" những người từ 40 tuổi trở xuống. Toàn bộ ý tưởng về toàn cầu hóa là phải có người mua những thứ được sản xuất.

Thế giới hiện đang bước vào thời kỳ mà những người “theo truyền thống đã tiêu dùng nhiều nhất”, những người từ 45 tuổi trở xuống có con và mua nhà và ô tô không tồn tại với “số lượng cần thiết” để duy trì hệ thống.

Ông Zeihan tuyên bố, người Mỹ không còn cơ sở kinh tế để đảm bảo hệ thống toàn cầu hóa mà họ đã ủng hộ cho đến nay tiếp tục hoạt động.

“Chúng ta không có đủ thanh niên để tiêu thụ, và người Mỹ đang dừng lại một chút do vấn đề chính trị. Tình hình sẽ kéo dài thêm vài năm nữa để xử lý bất cứ điều gì sắp xảy ra với các công đoàn… [và] đó là quá đủ thời gian để tiêu diệt bất kỳ tàn dư nào của hệ thống toàn cầu hóa”.

Trường hợp duy nhất mà Mỹ thực sự muốn “quay lại trò chơi này” là nếu một mối lo ngại về an ninh phát triển khiến người Mỹ sợ hãi hơn phần còn lại của thế giới và Washington cảm thấy rằng họ cần phải trả chi phí cho một liên minh mới. “[Cuộc chiến] Ukraine không phải là một mối lo như thế”.

Ông Zeihan chỉ ra rằng tất cả các thỏa thuận mà chính quyền Biden đang cân nhắc là để đảm bảo an ninh. “Không có chuyện trao đổi giữa an ninh và dân sự”. Mọi cuộc chiến thương mại, mọi mức thuế mà chính quyền Trump đưa ra, đều được chính quyền Biden tăng cường gấp đôi, gấp ba, ngoại trừ thỏa thuận hàng không vũ trụ với châu Âu.

Ông Zeihan tin rằng chính quyền Biden “chống lại toàn cầu hóa nhiều hơn” so với chính quyền Trump hoặc ít nhất là đang đưa lập trường chống toàn cầu hóa vào chính sách dài hạn của Mỹ.

“Vì vậy, ngay cả khi Tổng thống tiếp theo tình cờ là một người theo chủ nghĩa toàn cầu hóa mạnh mẽ, thì họ cũng sẽ phải gỡ bỏ tám năm chống toàn cầu hóa hiện đã ăn sâu vào chính sách của Mỹ và tám năm nữa dưới thời [Barack] Obama với sự lãnh đạm chiến lược. Bạn sẽ không làm được điều đó trong bốn năm”, ông Zeihan dự đoán.

“Vì vậy, chúng ta đang nói về tình huống tốt nhất. Nếu bạn muốn tham gia vào một hệ thống toàn cầu hóa, sáu năm nữa người Mỹ mới có thể quay trở lại. Đến lúc đó, Trung Quốc sẽ biến mất”.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: 3 lý do Mỹ sẽ tiếp tục chính sách phi toàn cầu hóa