Chuyên gia: Cấm Micron bán chip, Trung Quốc ngày càng tách rời thế giới tự do

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc có lẽ muốn tìm cách đe dọa các quốc gia G-7 với lệnh cấm Micron bán chip. Lệnh cấm đã khiến các công ty nước ngoài tại Trung Quốc lo lắng.

Trung Quốc gần đây đã cấm Micron bán chip cho các nhà vận hành cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng do các vấn đề về an ninh công nghệ thông tin. Nó được đưa ra sau khi những nền kinh tế đầy quyền lực của thế giới thể hiện sự ủng hộ đối với các chuỗi cung ứng thay thế và an toàn. Cùng lúc đó, Micron đã công bố khoản đầu tư vào Nhật Bản.

Một chuyên gia cho biết, lệnh cấm của Trung Quốc sẽ chỉ làm gia tăng rủi ro cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc và có thể thúc đẩy sự tách rời giữa Trung Quốc và thế giới tự do.

Sự chuẩn bị của Micron

Trong khi cuộc chiến công nghệ giữa hai cường quốc kinh tế là Mỹ và Trung Quốc đang leo thang, “Micron có thể đã nhận thức và chuẩn bị một cách đầy đủ”, Phó giáo sư Shen Rongqin tại Đại học York, Canada, cho biết.

Cục quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã bắt đầu cuộc đánh giá an ninh đối với Micron vào ngày 31/03. Cùng lúc đó Micron cũng đang trong quá trình tăng cường hoạt động sản xuất chip bán dẫn tại Mỹ.

Micron đã thừa nhận trong báo cáo hàng quý gần đây vào tháng 3 rằng chính quyền Trung Quốc “có thể hạn chế chúng tôi tham gia vào thị trường Trung Quốc hoặc có thể ngăn chúng tôi cạnh tranh một cách hiệu quả với các công ty Trung Quốc”.

Chuyên gia: Cấm Micron bán chip, Trung Quốc ngày càng tách rời thế giới tự do
Tổng thống Mỹ Joe Biden lắng nghe Giám đốc điều hành Micron Sanjay Mehrotra cùng với Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mỹ Chuck Schumer (trái), Thượng nghị sĩ New York Kirsten Gillibrand (thứ 2 từ phải sang) và Thống đốc New York Kathy Hochul (phải) khi họ tham quan cơ sở của Micron ở Syracuse, New York, Mỹ, vào ngày 27/10/2022. (Ảnh: MANDEL NG N/AFP qua Getty Images)

Tình hình chuỗi cung ứng chip

Khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol chuẩn bị có chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ vào tháng 4, Tòa Bạch Ốc được cho là đã yêu cầu Hàn Quốc thúc giục Samsung Electronics và SK Hynix - hai công ty thống trị khác trong mảng chip bộ nhớ Dram, không lấp đầy trong khoảng trống thị trường ở Trung Quốc nếu Bắc Kinh cấm Micron bán chip.

Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Ahn Duk-geun cho biết mọi quyết định sẽ do chính các công ty riêng lẻ quyết định. Ông ấy nói, “Thật khó để chính phủ có thể ra lệnh cho một công ty nên làm gì hoặc không nên làm gì”, Wall Street Journal đưa tin.

Tuy nhiên, chỉ hai ngày trước khi Trung Quốc công bố lệnh cấm, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã gặp giám đốc điều hành của các công ty chip toàn cầu vào ngày 18/05, bao gồm TSMC, Micron, Intel, IBM, Applied Materials, Samsung và IMEC. Chính phủ Nhật Bản đã cố gắng đảm bảo nguồn cung cấp ổn định đối với các thành phần quan trọng mà không bị phụ thuộc vào Trung Quốc và thúc đẩy an ninh kinh tế của khu vực.

Kể từ năm 2021, chính phủ Nhật Bản đã tập trung vào phát triển ngành công nghiệp chip. Điều này đã mang lại hơn 2 nghìn tỷ JPY (đồng Yên) (14 tỷ USD) trong các kế hoạch đầu tư đã được công bố.

Gần như đồng thời, Micron thông báo rằng họ sẽ giới thiệu công nghệ cực tím (EUV) đến Nhật Bản, đầu tư tới 500 tỷ JPY vào phát triển công nghệ 1-gamma để sản xuất thế hệ Dram tiếp theo của mình.

Samsung Electronics cũng có kế hoạch thành lập cơ sở nghiên cứu và phát triển (R&D) trung tâm tại Viện nghiên cứu Yokohama và có khả năng sẽ xây dựng dây chuyền thử nghiệm đóng gói chất bán dẫn tại Nhật Bản.

Ông Yueh-Chung Chu, Phó giáo sư của Khoa Tài chính, Đại học Tài chính và Công nghệ Nam Đài Loan, cho biết: “Đây là điều chưa từng có đối với các công ty lớn như Micron, Intel, TSMC và Samsung, khi mà họ đều gia tăng đầu tư vào Nhật Bản".

Đặc biệt, việc Samsung đặt dây chuyền sản xuất bao bì tiên tiến tại Yokohama đã làm thay đổi việc phong tỏa lẫn nhau giữa Nhật Bản và Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghệ. Ông nói: “Đối với Nhật Bản, nó có ý nghĩa to lớn".

Xu hướng tách rời

Ông Chu nói rằng, Bắc Kinh đã chọn buổi tối vào lúc hội nghị thượng đỉnh G-7 ở Hiroshima vừa kết thúc cuộc họp kéo dài ba ngày để công bố lệnh cấm chip Micron. Điều đó nhằm cảnh báo Mỹ và các quốc gia tham gia G-7 về hoạt động đầu tư vào Trung Quốc.

Tuy nhiên, lệnh cấm đã gây lo ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc.

Ông Michael Hart, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc (AmCham Trung Quốc) có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết, các doanh nghiệp Mỹ đang lo lắng về việc “trở thành mục tiêu tiếp theo trong cuộc rà soát an ninh của Trung Quốc”.

Theo một bài báo của Đài tiếng nói Hoa Kỳ, các công ty châu Âu tại Trung Quốc cũng đang lo lắng, đặc biệt là về tác động có thể xảy ra đối với chuỗi cung ứng chất bán dẫn.

Ông Shen nói rằng, cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ không dịu đi trong tương lai gần. Ông cho biết, ông tin rằng Tòa Bạch Ốc đang tìm cách tách rời Trung quốc trong công nghệ cao cấp và các sản phẩm cao cấp, nhưng việc tách rời không phải là đơn phương.

“Kể từ khi Huawei bị trừng phạt, Trung Quốc đã xem xét toàn diện dòng sản phẩm của mình cả thượng nguồn và hạ nguồn, đồng thời tìm kiếm sự thay thế. Nếu không có giải pháp thay thế, họ sẽ xem xét phát triển tự lực”, ông nói.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Cấm Micron bán chip, Trung Quốc ngày càng tách rời thế giới tự do