Chuyên gia: Lý do để không tin vào số liệu kinh tế mà Trung Quốc công bố

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc luôn có 2 “bộ sổ sách khác nhau” về tình hình kinh tế đất nước. Một bộ được tạo ra từ dữ liệu giả, sao cho phù hợp với đường lối chính trị của Đảng Cộng sản cầm quyền. Bộ sổ sách này thường được công khai ở trong nước và quốc tế. Bộ còn lại chứa dữ liệu thực nhưng chỉ có quan chức Đảng mới có thể truy cập, hoặc phải mua trên thị trường chợ đen.

Đó là nhận định của ông Christopher Balding, người đã dạy kinh tế tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học Bắc Kinh ở Thâm Quyến trong 9 năm. Năm 2018, ông Balding bị đuổi khỏi trường sau khi bày tỏ lo ngại về các hoạt động kiểm duyệt của Bắc Kinh. Sau đó, ông đã rời Trung Quốc với lý do bảo vệ an toàn cho bản thân.

Ông Balding, người hiện đang sống tại Mỹ, nói với chương trình “Các nhà lãnh đạo tư tưởng Hoa Kỳ (American Thought Leaders)” của EpochTV rằng: Trong khi hầu hết mọi người đều biết về hệ thống kiểm duyệt từ trên xuống dưới nhằm thắt chặt quyền tự do ngôn luận và quyền tiếp cận thông tin của người dân, thì lại ít có người nhận ra sự kiểm duyệt trong chính bộ máy quan liêu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)”.

“Bên cạnh đó, còn có sự kiểm duyệt rất lớn… về cách thông tin được truyền tải từ dưới lên trên. Sẽ không có ai nói với lãnh đạo của họ rằng: ‘Báo cáo sếp, chúng ta đã có một năm thật tồi tệ’”.

Theo ông Balding, “có những bộ sổ sách hoàn toàn khác nhau” về dữ liệu kinh tế ở Trung Quốc.

Các nhà chức trách địa phương của Trung Quốc thậm chí đã nhiều lần thừa nhận như vậy trong những năm gần đây. Vào tháng 01/2017, chính quyền tỉnh Liêu Ninh thừa nhận đã thổi phồng dữ liệu kinh tế của tỉnh từ năm 2011 - 2014. Một năm sau, một thành phố ở Nội Mông đã sửa đổi dữ liệu kinh tế năm 2017 sau khi thừa nhận rằng họ đã đưa thêm vào các “dữ liệu giả”.

Ông Balding kể một câu chuyện hồi ông còn sống ở Trung Quốc. Một quan chức của quốc gia này đã nói với ông rằng một quan chức khác làm việc tại một chi nhánh địa phương của Cục thống kê quốc gia đã bị bắt vì bán dữ liệu thực tế của nền kinh tế.

Ông Balding đã hỏi là liệu người kia có bị buộc tội tham nhũng hay các tội liên quan đến an ninh quốc gia hay không. Vị quan chức kể chuyện cho ông trả lời rằng: “Ồ, an ninh quốc gia ư, chúng tôi không thể công khai thông tin đó”.

“Khi có người xác nhận về việc có dữ liệu thật và dữ liệu giả, tôi đã rất ngạc nhiên”, ông Balding cho hay.

Hệ thống hai loại dữ liệu của Trung Quốc đã tạo ra một “thị trường dữ liệu chợ đen phát triển mạnh”.

Tuy nhiên, trò chơi gian lận dữ liệu này ngày càng khó thực hiện hơn. Cụ thể, chế độ Bắc Kinh khó có thể khớp ‘dữ liệu giả’ với những ‘con số thực tế’ đến từ những nguồn khó bị làm giả, chẳng hạn như chất lượng không khí và cường độ ánh sáng.

Ông Balding nói: Việc đối chiếu các số liệu hoạt động công nghiệp trong một khu vực với dữ liệu chất lượng không khí có thể để lộ ra sự thật. Dữ liệu kinh tế của một tỉnh có cơ sở sản xuất thép quy mô lớn có thể được kiểm tra chéo bằng cách phân tích chất lượng không khí của tỉnh đó. Nếu tỉnh đó có chất lượng không khí tốt, nhiều khả năng là các nhà sản xuất thép đã đốt ít than hơn. Do đó, thật khó để tin rằng khu vực này đạt tăng trưởng kinh tế cao.

A surveillance camera is seen near the logo of the China Evergrande Group at the Evergrande Center in Shanghai, China, September 24, 2021. REUTERS/Aly Song
Một camera giám sát gần tòa nhà China Evergrande ở Thượng Hải hôm 24/09/2021. (Ảnh: Aly Song/Reuters)

Evergrande

Mặc dù có nhiều dự đoán về việc Bắc Kinh giải cứu hay không giải cứu nhà phát triển bất động sản (BĐS) Evergrande đang gặp khó khăn, ông Balding tin rằng câu trả lời khá đơn giản.

ĐCSTQ “hoàn toàn có thể giải quyết vấn đề này rất dễ dàng” bởi khoản nợ 300 tỷ USD của Evergrande chỉ bằng một phần nhỏ so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước này.

Tuy vậy, điều quan trọng ở đây là cuộc khủng hoảng của ông lớn BĐS này sẽ di căn như thế nào sang các lĩnh vực khác của nền kinh tế Trung Quốc, chẳng hạn như ngành bán lẻ và ngân hàng.

Theo ông Balding, vấn đề thực sự là Bắc Kinh có thể giải quyết ổn thỏa để mọi người không mất niềm tin vào các khu vực khác của nền kinh tế Trung Quốc không, cho dù đó là bất động sản, là ngành nhôm, xi măng, hay ngân hàng.

Hôm 24/10, Evergrande thông báo rằng tập đoàn này đã tiếp tục các hoạt động xây dựng tại hơn 10 dự án BĐS ở 6 thành phố khác nhau của Trung Quốc. Dù vậy, công ty không tiết lộ số lượng dự án đã bị đình chỉ trong số khoảng 1.300 dự án của họ trên cả nước.

Ông Balding đã chỉ ra những rắc rối tiềm ẩn tại ngân hàng Ping An có trụ sở chính ở thành phố Thâm Quyến, miền nam Trung Quốc.

Theo Reuters, báo cáo lợi tức công bố hôm 20/10 của Ngân hàng Ping An cho thấy, các khoản nợ cần chú ý đặc biệt (special mention loan) của ngân hàng này đã tăng 37,3% trong quý III/2021 so với hồi cuối năm 2020. Nguyên nhân được cho là đến từ những khó khăn thanh khoản của tập đoàn Baoneng Thâm Quyến, một doanh nghiệp BĐS và dịch vụ tài chính.

Ông Balding nói thêm: “Người dân có niềm tin vào ngân hàng vì họ có thể đến đó và rút tiền của mình. Nếu niềm tin ấy mất đi, ngay cả khi ngân hàng vẫn có bảng cân đối kế toán tốt, thì ngân hàng đó sẽ sụp đổ vì mọi người đều muốn lấy hết tiền của họ về”.

Tuy nhiên, theo nhà kinh tế học này, hầu hết rắc rối bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng Evergrande sẽ chỉ giới hạn trong phạm vi Trung Quốc.

“Không có nhiều dòng tài chính chảy từ bên ngoài Trung Quốc vào BĐS và vào các công ty nhôm của Trung Quốc. Tuy nhiên, các lĩnh vực hoặc công ty có liên quan trực tiếp ở nước ngoài sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều”.

Các công ty này bao gồm các nhà sản xuất quặng ngoại quốc, vì các nhà sản xuất thép Trung Quốc sẽ giảm mua nguyên liệu thô.

Empty apartment developments stand in the city of Ordos, Inner Mongolia on September 12, 2011. The city which is commonly referred to as a "Ghost Town" due to it's lack of people, is being built to house 1.5 million inhabitants and has been dubbed as the "Dubai of China" by locals. AFP PHOTO/Mark RALSTON (Photo credit should read MARK RALSTON/AFP via Getty Images)
Các dự án bất động sản không có người ở thuộc thành phố Ordos, Nội Mông, hôm 12/09/2011. (Ảnh: Mark Ralston/AFP qua Getty Images)

Nền Kinh tế Trung Quốc

Theo ông Balding, Evergrande không phải là trường hợp duy nhất ở Trung Quốc tăng trưởng dựa trên nợ và đang bị gậy ông đập lưng ông. Đây là vấn đề trên toàn Trung Quốc.

Trung Quốc là một “quốc gia mắc nợ cao”, “các hộ gia đình Trung Quốc mắc nợ nhiều hơn các hộ gia đình Hoa Kỳ”.

“Nếu quý vị so sánh nợ của hộ gia đình Trung Quốc với Nga hoặc Mexico, so sánh với thu nhập bình quân đầu người, thì hộ gia đình Trung Quốc mắc nợ nhiều hơn những hộ gia đình ở các nước khác”, lưu ý rằng phần lớn khoản nợ này gắn liền với BĐS, ông Balding cho biết.

Theo South China Morning Post, nợ hộ gia đình ở Trung Quốc tính theo % thu nhập sau thuế đã đạt mức cao kỷ lục là 130,9% vào cuối năm 2020, và ở mức 61,3% GDP trong quý I/2021.

“Một nền kinh tế không thể vận hành với mức nợ như chúng ta đang thấy”, ông Balding nhận xét.

Mức nợ cao như vậy sẽ gây ra “sự hạn chế rất lớn” đối với khả năng chi tiêu trong tương lai, làm giảm mức tiêu thụ hàng hóa xa xỉ, hoặc dịch vụ giáo dục quốc tế, cùng những thứ khác.

Trong khi nhiều người đưa ra lập luận rằng cuộc khủng hoảng Evergrande và các xu hướng khác đang đẩy kinh tế Trung Quốc vào vùng nguy hiểm, thì theo ông Balding, bất kỳ đánh giá nào về khả năng xảy ra khủng hoảng tài chính ở Trung Quốc cũng phải tính đến yếu tố hệ thống chính trị của nước này.

‘Khi nào Trung Quốc sẽ đối mặt với khủng hoảng tài chính?” - đó là một “câu hỏi chính trị” hơn là một “câu hỏi kinh tế hoặc tài chính”.

Các chế độ độc tài như ĐCSTQ không thể cho phép tình trạng hỗn loạn kinh tế như vậy.

Ông Balding nói: “Nếu cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra ở các quốc gia độc tài… thì điều đó sẽ không mang lại kết quả tốt đẹp cho giới lãnh đạo”. Do đó, đây là vấn đề “tồn tại” của chế độ cộng sản. Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có thể sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng.

Theo ông Balding, “Sẽ không có chi phiếu nào quá lớn mà ông ấy không ký. Sẽ không có gói cứu trợ nào quá lớn mà ông ấy không đưa ra”, bởi vì ông Tập “không muốn lãnh đạo sự sụp đổ của Trung Quốc”.

Bài viết trên của 2 tác giả: Frank Fang và Jan Jekielek.

Ông Frank Fang là nhà báo người Đài Loan, chuyên đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Ông có bằng thạc sĩ ngành khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.

Ông Jan Jekielek là Biên tập viên cấp cao của The Epoch Times và là người dẫn chương trình “Các Nhà Lãnh Đạo Tư Tưởng Hoa Kỳ” của EpochTV. Ông Jan có nhiều năm kinh nghiệm ở các lĩnh vực học thuật, truyền thông, và nhân quyền quốc tế. Năm 2009, ông làm việc toàn thời gian tại The Epoch Times và đã đảm nhận nhiều vai trò khác nhau, bao gồm cả vị trí Tổng biên tập trang web. Ông là nhà sản xuất của bộ phim tài liệu đạt giải thưởng về thảm sát Holocaust có tên “Đi tìm Manny”.

Đức Duy

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Lý do để không tin vào số liệu kinh tế mà Trung Quốc công bố