Chuyên gia: Kết quả thử sức căng của Fed với 23 ông lớn phố Wall là 'trò trẻ con'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Fed để cho các ông lớn Phố Wall dùng tiền đi vay để trả cổ tức và mua lại cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu (giống như thời các NHTM Việt dùng tiền vay lẫn nhau để tăng vốn điều lệ), chưa kể Fed bơm tiền 0% lãi cho các ông lớn này để đảm bảo bảng cân đối tài chính của họ 'lành mạnh'. Cơ quan giám sát Phố Wall gọi đó là 'trò trẻ con' và kêu gọi sự thức tỉnh của Chính quyền Biden. Nhưng chính quyền Biden lại là chính quyền có mối quan hệ rất sâu sắc với Phố Wall và Fed...

Vừa qua, thị trường khá bất ngờ trước báo cáo kết quả bài kiểm tra sức căng của Ngân hàng dự trữ liên bang Fed dành cho 23 ông lớn ngân hàng thương mại của Mỹ. Theo kết quả này, ngay cả khi giá thị trường chứng khoán mất 55%, thất nghiệp leo lên 2 con số, thì tổng tổn thất của 23 ông lớn Phố Wall chỉ ở mức 480 tỷ USD, mức an toàn với chính họ và với an ninh của hệ thống tài chính Hoa Kỳ.

Ngay khi kết qủa này công bố ra, 23 NHTM lớn của Mỹ được phép chia cổ tức, nới rộng thêm dư địa tín dụng (cho vay thêm ra thị trường). Điều ngạc nhiên là kết quả này có được khi khối tài sản tài chính phái sinh của 23 NHTM lớn này gấp 8 lần GDP của Mỹ, đạt kỷ lục mọi thời đại, được cho là do nhóm này đã đầu cơ, đánh bạc vào sự sụp đổ của thị trường. Nhưng không chỉ vậy, nhìn sâu vào kết quả

Ông Dennis Kelleher, người đồng sáng lập, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của cơ quan giám sát Phố Wall không đảng phái, Better Markets, đã đưa ra lời chỉ trích gay gắt về cái gọi là “bài kiểm tra sức căng” của Cục Dự trữ Liên bang đối với các ngân hàng lớn trên Phố Wall, gọi chúng là “trò trẻ con”.

Những lời chỉ trích của ông Kelleher xoay quanh 2 điểm chính, nhấn mạnh rằng thực chất Fed đã thao túng trước kết quả của các cuộc kiểm tra, nói cách khác là ấn định kết quả kiểm tra sức căng bằng cách:

(1) Bơm vốn của các ngân hàng bằng các khoản tài chính trước khi thực hiện bài kiểm tra sức căng;
(2) Loại bỏ các khía cạnh có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả của các cuộc kiểm tra này;

Ông Kelleher cho rằng khoản hỗ trợ “chưa từng có” của Fed đối với thị trường tài chính và nền kinh tế kể từ tháng 3 năm ngoái là 4 nghìn tỷ USD và “đã giúp tăng cường sức khỏe bảng cân đối tài chính cũng như mức an toàn vốn cho các NHTM được liên bang bảo lãnh này”. Nhưng ông Kelleher đang xem xét khoản vay repo tích lũy hơn 9 nghìn tỷ USD mà Fed đã cho các đơn vị giao dịch của các ngân hàng lớn ở Phố Wall này, ở mức thấp hơn nhiều so với lãi suất thị trường, từ ngày 17 tháng 9 năm 2019 đến đầu tháng 7 năm 2020, tháng mà Fed chỉ đơn giản là ngừng báo cáo số liệu này về các NHTM mà Fed đang quản lý.

Khối tài sản của siêu ngân hàng (megabanks) của Mỹ tăng mạnh song hành cùng với mức độ mở rộng bảng cân đối của Fed. Fed đã bơm tiền rẻ cho các NHTM lớn trước khi tiến hành thử sức căng của họ.
Fed càng mở rộng bảng cân đối của họ ra bao nhiêu, tổng tài sản của NHTM Mỹ tăng bấy nhiêu. (Nguồn: Trading Economics, ngày 20/6/2021)

Kelleher viết “Chương trình kiểm tra căng thẳng đã bị suy yếu nghiêm trọng dưới sự chủ trì của ông Powell, chủ tịch của FED, với việc loại bỏ 2 thành phần chính [cực kỳ quan trọng]: khoản tiền chi trả cổ tức [đang tạm giữ lại như vốn chủ sở hữu] và bảng cân đối kế toán được thổi phồng nhờ hỗ trợ của chính Fed. Nếu những yếu tố đó được đề cập trong cuộc kiểm tra này như thông lệ thì các ngân hàng sẽ có tỷ lệ an toàn vốn sau giả định cú sốc thấp hơn nhiều so với kết quả mà Fed báo cáo".

Nói cách khác, nếu Fed làm đúng quy trình và tính chất của thử sức căng, loại bỏ phần cổ tức mà các NHTM lớn phải trả (hiện chưa được trả do lo ngại rủi ro Covid-19) và loại bỏ phần vốn rẻ mà Fed bơm vào cho các NHTM mà không phải do các NHTM này tự huy động trên thị trường vốn thì các ông lớn này sẽ không đạt tiêu chuẩn mức đủ vốn theo quy định để hoạt động khi có cú sốc giảm 55% giá chứng khoán và thất nghiệp lên tới 10%.

Ông Kelleher nói rằng Fed đã “thổi phồng” việc tất cả các ngân hàng đều vượt qua các bài kiểm tra sức căng để biện minh cho việc để các ông lớn Phố Wall đã tung tiền ra mua lại cổ phiếu của chính họ, trả cổ tức; tổng số tiền này vượt quá 167% thu nhập ròng của chính các ông lớn này.”

Điều này tương tự như trường hợp ở Việt Nam, các ông lớn NHTM tăng vốn điều lệ bằng vốn vay vậy. Vốn điều lệ phải được tăng từ góp vốn tự có [nguồn tiền tích lũy của mỗi cổ đông], từ nguồn thu nhập ròng để lại sau khi trừ đi cổ tức. Nhưng các ông lớn NHTM ở Mỹ đã chia cổ tức rồi mua lại cổ phần (thực chất là tăng vốn chủ sở hữu) bằng tiền đi vay, vì tổng hai khoản này đã vượt quá 67% thu nhập ròng của họ.

Khi các ngân hàng chi tiêu nhiều hơn số tiền họ kiếm được, điều đó ngụ ý “giảm vốn, làm cho hệ thống ngân hàng kém an toàn hơn”, như Better Markets lưu ý trong một báo cáo dài 5 trang liên quan. Báo cáo này cảnh báo cho Powell như sau:

“Lịch sử có thể đánh giá các quyết định của Fed trong việc bãi bỏ quy định và làm suy yếu các cuộc kiểm tra căng thẳng vì cho phép NHTM thực hiện các khoản chi tiêu lớn [vượt quá cả thu nhập ròng của NHTM đó khiến các NHTM] cạn kiệt vốn như nhiều hành động của Fed trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu (GFC - Global Financial Crisis) năm 2008, khiến cho hệ thống tài chính sụp đổ tồi tệ hơn so với tình hình thực tế, nếu không muốn nói là không thể tránh khỏi, và tất cả đều nhằm đảm bảo rằng người đóng thuế sẽ phải cứu trợ các ngân hàng lớn nhất Phố Wall”.

Đây không phải là lần đầu tiên các ngân hàng lớn ở Phố Wall trả cổ tức và mua lại cổ phiếu nhiều hơn thu nhập ròng của họ. Trên thực tế, họ đã làm điều đó trong nhiều năm dưới con mắt tinh tường của cơ quan quản lý đã tự biến mình thành tay sai của các tài phiệt phố Wall - Fed.

Các phóng viên của Bloomberg là News Lisa Lee và Shahien Nasiripour vào tháng 6 năm ngoái đã tiết lộ rằng Bank of America, Citigroup, JPMorgan Chase và Wells Fargo, kể từ năm 2017, đã chi cho cổ tức và mua lại cổ phiếu nhiều hơn số tiền họ kiếm được. Các phóng viên này cho biết:

“Từ đầu năm 2017 đến tháng 3 năm nay, 4 ngân hàng đã tích lũy trả lại khoảng 1,26 USD cho các cổ đông cho mỗi 1 USD mà họ báo cáo thu nhập ròng, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp. Theo dữ liệu, Citigroup đã trả lại gần gấp đôi số tiền cho các cổ đông mà họ kiếm được, bao gồm cả cổ tức trên cổ phiếu ưu đãi. Các ngân hàng từ chối bình luận về việc này".

Theo một cuộc kiểm toán được thực hiện bởi Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ (GAO), bốn ngân hàng có tên ở trên đang trả cho cổ đông nhiều hơn số tiền họ kiếm được đã nhận các khoản sau đây trong các khoản vay bí mật tích lũy từ Fed, với lãi suất gần như bằng không, từ 2007 đến 2010: (Xem biểu đồ bên dưới.)

  • Citigroup 2,5 nghìn tỷ USD
  • Ngân hàng Mỹ 1,3 nghìn tỷ USD
  • JPMorgan Chase 391 tỷ USD
  • Wells Fargo 159 tỷ USD

Chính xác thì tất cả những khoản cứu trợ hàng nghìn tỷ USD này cho các ngân hàng lớn ở Phố Wall đến từ đâu?

Nguồn tiền đến từ một chi nhánh khu vực của Cục Dự trữ Liên bang, Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York (Fed New York), đã cứu trợ các ngân hàng này và các đối tác nước ngoài của họ trong cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua. Fed ở New York được Quốc hội cho phép tạo ra số tiền điện tử này. Fed đã phát hành một video với Cố vấn cấp cao, Steve Meyer, giải thích cách thực hiện: (Xem 3:42 phút trên video.) Trong ví dụ này, ông Meyer đang nói về cách Fed tạo ra tiền để mua trái phiếu QE từ các ngân hàng của Phố Wall. Nó hoạt động theo cách tương tự đối với các khoản vay thế chấp của Fed cho Phố Wall.

Ông Meyer giải thích:

“Bạn có thể tự hỏi làm thế nào Fed thanh toán cho trái phiếu và các chứng khoán khác mà nó mua. Fed không thanh toán bằng tiền giấy. Thay vào đó, Fed thanh toán cho ngân hàng của người bán bằng cách sử dụng các quỹ điện tử mới được tạo và ngân hàng thêm các khoản tiền đó vào tài khoản của người bán. Người bán có thể tiêu tiền hoặc đơn giản có thể để lại trong ngân hàng. Nếu tiền vẫn ở trong ngân hàng, thì ngân hàng có thể tăng cho vay, mua thêm tài sản hoặc tích lũy các khoản dự trữ mà họ nắm giữ khi gửi tại Fed. Nói rộng hơn, việc mua chứng khoán của Fed làm tăng tổng lượng dự trữ mà hệ thống ngân hàng giữ tại Fed.

"Liệu việc mua trái phiếu của Fed có dẫn đến việc tăng lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế hay không phụ thuộc vào những gì các ngân hàng làm với nguồn dự trữ mới và những gì người bán làm với số tiền họ nhận được".

Những gì mà các ngân hàng lớn đang làm với rất nhiều khoản tiền rẻ, không ràng buộc này từ Fed là cho các quỹ đầu cơ mượn bảng cân đối kế toán của họ để thực hiện các giao dịch đòn bẩy điên cuồng đối với các cổ phiếu và công cụ phái sinh rủi ro.

Và chính xác thì cấu trúc của Fed New York là gì? Đây là một trong 12 Ngân hàng Dự trữ Liên bang khu vực nhưng thuộc sở hữu tư nhân của các ngân hàng lớn mà nó đang hỗ trợ tất cả các khoản vay hàng nghìn tỷ USD này.

Các chủ sở hữu cổ phần lớn nhất của Fed New York là 5 ngân hàng Phố Wall sau: JPMorgan Chase, Citigroup, Goldman Sachs, Morgan Stanley và Bank of New York Mellon. Năm ngân hàng này đại diện cho 2/3 trong số 8 ngân hàng quan trọng có hệ thống toàn cầu (G-SIB) ở Mỹ. 3 G-SIB khác là Bank of America, một cổ đông sở hữu cổ phần trong Richmond Fed; Wells Fargo, một cổ đông của Fed San Francisco; và State Street, một cổ đông trong Fed Boston.

Yếu tố cuối cùng của thương vụ Faustian này là Fed New York ký hợp đồng vận hành các chương trình cứu trợ của mình cho chính các ngân hàng nhận tiền từ các gói cứu trợ.

Những gì đang xảy ra giữa các ngân hàng lớn ở Phố Wall ngày nay và Fed là sự tái hiện lại các động lực dẫn đến cuộc khủng hoảng năm 2008. Câu hỏi đặt ra là, liệu chính quyền Biden có hành động kịp thời để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng kinh tế khác mà Mỹ không đủ khả năng gánh chịu?

Câu trả lời là rất khó hi vọng vào chính quyền ông Biden khi toàn bộ của nội các của ông Biden đều là người của Phố Wall hoặc có mối quan hệ mật thiết, có thu nhập khủng từ Phố Wall.

Mộc Trà
Theo Wall Street on Parade

Kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Kết quả thử sức căng của Fed với 23 ông lớn phố Wall là 'trò trẻ con'