Khó khăn kinh tế khiến giọng điệu của Trung Quốc trở nên mềm mỏng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tình hình tồi tệ về kinh tế và những lo ngại về việc bị cô lập đang khiến giọng điệu của Trung Quốc trở nên mềm mỏng và khiêm tốn. Chính quyền Bắc Kinh có lẽ đang muốn Mỹ và các đồng minh bớt cảnh giác trước âm mưu bành trướng của mình.

Tân Ngoại trưởng Tần Cương của Trung Quốc đang thể hiện trước công chúng một phong cách ngoại giao “mềm mỏng” hoàn toàn trái ngược với giọng điệu diều hâu của những người tiền nhiệm gần đây của ông.

Các nhà phê bình cho rằng sự thay đổi mạnh mẽ trong cách tiếp cận chính sách đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể là một nỗ lực của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình nhằm thoát khỏi tình trạng suy thoái hiện tại và thể hiện vị thế “thấp và yếu ớt” khi đối mặt với Mỹ để tránh sự bối rối khi bị hoàn toàn bị cô lập về lĩnh vực kinh tế và công nghệ.

Ông Tạ Điền (Frank Tian Xie), Giáo sư về Kinh doanh tại Đại học Nam Carolina Aiken, nói với The Epoch Times vào ngày 28/01 rằng nền kinh tế Trung Quốc từ lâu đã bị đảng cầm quyền đẩy vào tình thế tiến thoái lưỡng nan và hiện đã chạm tới điểm thấp nhất.

“ĐCSTQ không có cách nào để thoái lui ngoài việc thay đổi chính sách ngoại giao chiến lang của mình”, ông Tạ nói, trích dẫn tình hình địa chính trị và kinh tế hiện nay. Sự ủng hộ của ĐCSTQ đối với cuộc xâm lược Ukraine của Nga là đi ngược lại với cộng đồng quốc tế, ông nói.

Tân ngoại trưởng 56 tuổi sẽ được đề bạt làm lãnh đạo cấp nhà nước khi ông vào Hội đồng Nhà nước tại hai kỳ họp của đảng vào tháng 3 tới, theo một bài báo ngày 21/01 của tờ báo Sing Tao Daily có trụ sở tại Hong Kong.

Ông Tần Cương được bầu vào Ủy ban Trung ương tại Đại hội Đảng lần thứ 20 vào tháng 10/2022, khi ông Tập tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là lãnh đạo ĐCSTQ. Hai tháng sau, ông Tần kế nhiệm ông Vương Nghị làm ngoại trưởng mới của Trung Quốc vào ngày 30/12.

Giọng điệu ngoại giao mới

Trong một bước ngoặt đột ngột so với chính sách ngoại giao gây chiến trước đây của ĐCSTQ, màn trình diễn của ông Tần dường như được thiết kế để thúc đẩy một giọng điệu thân thiện hơn, với “sự khiêm tốn” và “sự mềm mỏng”, như truyền thông nước ngoài đã nhận xét vào cuối năm ngoái.

Vào ngày 04/01, The Washington Post đã đăng một bài báo của ông Tần khi ông sắp rời chức vụ Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ và trở về Trung Quốc với tư cách là Bộ trưởng ngoại giao mới. Ông Tần nói rằng ông đã xây dựng “mối quan hệ làm việc tốt đẹp” với các quan chức Mỹ để xử lý các vấn đề nhức nhối như Đài Loan.

Việc ĐCSTQ đứng về phía Nga khi nước này phát động cuộc chiến với Ukraine và các động thái hiếu chiến của nước này đối với Đài Loan đã gây ra những lo ngại nghiêm trọng trong cộng đồng quốc tế về an ninh của Đài Loan.

Ông Tần đã viết rằng “Mối quan hệ Trung - Mỹ không nên là một trò chơi có tổng bằng không, trong đó một bên cạnh tranh so với bên kia, hoặc một quốc gia phát triển thịnh vượng trong khi quốc gia kia phải gánh chịu thiệt hại. Thế giới đủ rộng để Trung Quốc và Mỹ cùng phát triển và thịnh vượng”.

Cách tiếp cận mềm mỏng của ông Tần cũng được thể hiện trong một trận đấu NBA, khi giải đấu này phát một đoạn video được quay sẵn với lời chúc mừng năm mới của vị quan chức Trung Quốc, khiến thông điệp của ông đến được với hàng trăm nghìn người vào ngày 21/01. Theo ông Tạ, điều này là một ví dụ về ảnh hưởng của ĐCSTQ đối với các tổ chức như NBA để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Đối mặt với nhiều tai ương trong, ngoài nước và kinh tế, ông Tập cần hạ nhiệt căng thẳng với Mỹ và các đồng minh với hy vọng các nước này hạ thấp cảnh giác trước các mục tiêu bành trướng của ĐCSTQ, ông Tạ nói.

Chính sách ngoại giao uyển chuyển và những cử chỉ mềm mỏng của ông Tần là nhằm để đạt được điều này. “[ĐCSTQ] phải hạ mình xuống để giảm bớt áp lực từ Mỹ”, ông nói thêm.

Ông Tần kế nhiệm ông Thôi Thiên Khải với tư cách là đại sứ thứ 11 của Trung Quốc tại Mỹ vào tháng 07/2021.

Tuy nhiên, cách thức ngoại giao “mềm mỏng” của ông Tần không báo hiệu bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào trong chính sách đối ngoại của ĐCSTQ.

Khi được hỏi về việc thay đổi công tác của cựu phát ngôn viên Triệu Lập Kiên, Bộ Ngoại giao cho biết vào ngày 10/01 rằng đó là để “phù hợp với nhu cầu công việc của ông ấy”, nhắc lại rằng chính sách đối ngoại của Trung Quốc vẫn không thay đổi.

Là một người gắn liền với chính sách ngoại giao chiến lang của ĐCSTQ, ông Triệu đã không xuất hiện trước công chúng kể từ đầu tháng 12 năm ngoái.

Chuyên gia: Khó khăn kinh tế khiến giọng điệu của Trung Quốc trở nên mềm mỏng
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên trả lời câu hỏi tại cuộc họp báo hàng ngày ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 08/04/2020. (Ảnh: AFP qua Getty Images)

Sự mềm mỏng do kinh tế yếu kém

Ngoài ông Tần, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cũng tuyên bố tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới vào ngày 17/01 rằng “Cánh cửa của Trung Quốc sẽ ngày càng mở rộng hơn” và chào đón “nhiều khoản đầu tư nước ngoài hơn”.

Ông Tạ tin rằng suy giảm kinh tế của Trung Quốc có thể là một trong những lý do chính khiến ĐCSTQ áp dụng thái độ mềm mỏng hơn đối với Mỹ.

“Nền kinh tế trì trệ của Trung Quốc, cùng với chiến tranh Nga - Ukraine và việc Mỹ phong tỏa các sản phẩm công nghệ cao của Trung Quốc, đã khiến ĐCSTQ gặp phải những cơn gió ngược chiều chưa từng có trong môi trường quốc tế”, ông Tạ nói.

Một yếu tố quan trọng khác có liên quan là các chính sách phi lý “zero-COVID” của ĐCSTQ, thứ đã đẩy nền kinh tế Trung Quốc thụt lùi 20 năm, trở lại mức trước khi Trung Quốc gia nhập WTO.

“Trong trường hợp này, ĐCSTQ rất cần vốn và thị trường của Mỹ”, ông Tạ nói thêm.

Kinh tế lao dốc

Nền kinh tế Trung Quốc đang tiếp tục vòng xoáy đi xuống. Theo dữ liệu do Cục Thống kê Trung Quốc công bố vào ngày 18/01, tổng doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng xã hội đã giảm 0,2% vào năm 2022 so với năm trước, bao gồm mức giảm 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 12/2022.

Ngoài ra, lĩnh vực bất động sản, động lực chính của nền kinh tế quốc gia, vẫn chìm trong suy yếu vào năm 2022. Dữ liệu chính thức được công bố vào ngày 17/01 cho thấy năm 2022 chứng kiến đầu tư vào bất động sản giảm 10% và đầu tư vào nhà ở giảm 9,5%.

Hoạt động xây dựng nhà ở đã giảm 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái vào năm 2022. Khu vực xây dựng nhà ở mới phát triển thậm chí còn giảm hơn nữa, 39,4% so với năm trước, cùng với xây dựng khu dân cư giảm 39,8%. Về doanh số bán hàng, doanh số bán bất động sản thương mại giảm 26,6% vào năm 2022, trong khi doanh số bán bất động sản nhà ở giảm 28,3%.

Tuy nhiên, nhiều người tin rằng dữ liệu chính thức của Trung Quốc không đáng tin, do ĐCSTQ có lịch sử làm sai lệch các con số để đánh lừa công chúng. Tại thời điểm này, có khả năng dữ liệu chính thức đang che lấp thực tế rằng toàn bộ nền kinh tế đang suy thoái.

Một ví dụ gần đây là GDP của Trung Quốc đã tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý IV năm 2022, dữ liệu do Cục Thống kê Trung Quốc công bố. Con số này cao hơn 0,4% so với quý II.

Nhưng chuyên gia Trung Quốc Ji Da làm việc tại Mỹ đã nghi ngờ tính chính xác của dữ liệu chính thức, nói với The Epoch Times vào ngày 25/01 rằng trong quý II năm 2022, chỉ có thành phố Thượng Hải bị cách ly, trong khi vào tháng 10, về cơ bản đã có sự luân phiên phong tỏa trên khắp Trung Quốc kéo dài cho đến ngày 07/12 khi Đảng Cộng sản dỡ bỏ chính sách zero-COVID.

Nhiều doanh nghiệp hơn ở các thành phố và khu vực cũng ngừng hoạt động trong quý IV.

“Làm sao điều này có thể xảy ra [với GDP cao hơn, như các số liệu chính thức cho thấy]?”, chuyên gia Ji nói, kết luận rằng dữ liệu đã bị thao túng.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Kathleen Li đã đóng góp cho The Epoch Times từ năm 2009 và tập trung vào các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Bà là một kỹ sư, làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật dân dụng và kết cấu ở Úc.



BÀI CHỌN LỌC

Khó khăn kinh tế khiến giọng điệu của Trung Quốc trở nên mềm mỏng