Chuyên gia: Làn sóng cắt giảm nhân sự công nghệ phản ánh sự thất vọng về mạng xã hội

Giúp NTDVN sửa lỗi

Làn sóng cắt giảm nhân sự trong lĩnh vực công nghệ có thể không đơn thuần bắt nguồn từ tình trạng suy thoái kinh tế hay sự trục trặc tạm thời. Có thể chúng ta đang ở giai đoạn cuối của bong bóng công nghệ kéo dài hơn một thập kỷ.

Việc cắt giảm nhân sự hàng loạt làm rung chuyển lĩnh vực công nghệ trong những ngày gần đây đã trở thành chủ đề được đồn đoán rộng rãi trên các phương tiện truyền thông chính thống, với một số nguồn tin trong ngành và phương tiện truyền thông cho rằng các vụ sa thải và tuyên bố cắt giảm nhân sự bắt nguồn từ các yếu tố kinh tế bất lợi, chẳng hạn như lạm phát và tăng lãi suất. Nhưng những lý do thực sự sâu xa hơn nhiều so với tình trạng suy thoái kinh tế tạm thời hoặc các vụ "trục trặc”, các chuyên gia trong ngành đã nói với The Epoch Times.

Bên cạnh việc đối mặt với mối đe dọa kiểm duyệt ngày càng tăng đối với “lời nói căm thù”, thứ được định nghĩa một cách lỏng lẻo (như là những lời nói thể hiện sự phân biệt đối xử), ngành công nghiệp này có thể đã đạt đến một bước ngoặt khi người tiêu dùng trở nên vỡ mộng với trải nghiệm trực tuyến và những gì từng được coi là dịch vụ và sản phẩm phổ biến một cách lâu dài đã mất đi sức thu hút, các chuyên gia nói.

Việc cắt giảm đã ảnh hưởng nặng nề đến lực lượng lao động công nghệ, với các công ty từ lâu được coi là vững chắc, ít bị ảnh hưởng bởi những cơn gió ngược về kinh tế hơn những công ty khác, đã ra tuyên bố về cắt giảm theo cách chưa từng có trong lịch sử của họ. Tháng trước, chẳng hạn, Amazon đã tuyên bố cắt giả 18.000 nhân viên, vượt xa các dự đoán được đưa ra vào tháng 11 về việc cắt giảm 10.000 nhân viên. Vào ngày 18/01, Microsoft cho biết họ có kế hoạch cắt giảm 10.000 nhân viên trong bối cảnh doanh thu sụt giảm.

Vào thứ 3 (31/01), PayPal đã đăng một thông báo trên trang web của mình về “Cập nhật về quá trình chuyển đổi của chúng ta”, trong đó Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Dan Schulman chia sẻ “một tin khó khăn rằng chúng ta sẽ cắt giảm khoảng 2.000 nhân viên toàn thời gian trong lực lượng lao động toàn cầu của mình”, và trích dẫn nhu cầu điều chỉnh cấu trúc chi phí của công ty và dành nhiều nguồn lực hơn cho “các ưu tiên chiến lược cốt lõi của chúng ta”.

Giám đốc điều hành Meta, ông Mark Zuckerberg, người đã cắt giảm hơn 11.000 việc làm, tương đương 13% lực lượng lao động của công ty, vào tháng 11/2022 trong một động thái quyết liệt bắt nguồn từ sự khó khăn của nền kinh tế, được cho là đã ám chỉ đến khả năng cắt giảm thêm trong cuộc gọi báo cáo lợi nhuận vào đầu tuần này.

Đợt cắt giảm hàng loạt vào tháng 11 là đợt cắt giảm đầu tiên thuộc loại này tại công ty kể từ khi thành lập Facebook vào năm 2004.

Chuyên gia: Làn sóng cắt giảm nhân sự công nghệ phản ánh sự thất vọng về mạng xã hội
Logo của Google, Facebook, Snapchat, Twitter, Instagram và Tiktok trên màn hình máy tính ở Lille, Pháp, vào ngày 21/10/2020. (Ảnh: DENIS CHARLET/AFP qua Getty Images)

Vấn đề kinh tế vĩ mô

Ông Lee Vinsel, giáo sư tại Khoa Khoa học, Công nghệ và Xã hội tại Đại học Công nghệ Virginia ở Blacksburg, Virginia, tin rằng điều quan trọng là phải hiểu bối cảnh của những con số này và không vội kết luận về lĩnh vực công nghệ hoặc nền kinh tế.

“Microsoft đã cắt giảm 10.000 người, nhưng họ đã thuê 40.000 người trong năm trước, vì vậy chúng tôi không nhận thấy sự sụt giảm lớn trở về số lượng cơ sở trước đại dịch”, ông Vinsel nói với The Epoch Times.

“Bây giờ, điều đó có thể sẽ đến. Chúng ta sẽ phải quan sát xem. Phần lớn nguyên nhân thúc đẩy điều này tại Facebook, Google và các công ty khác là do có một số suy thoái kinh tế vào cuối năm 2022 và điều đó đã dẫn đến việc giảm chi tiêu cho quảng cáo”, ông nói.

Ông Vinsel chỉ ra rằng các nền tảng công nghệ hàng đầu phụ thuộc rất nhiều vào quảng cáo như là nguồn thu nhập chính và lưu ý rằng trong thời kỳ suy thoái, chi tiêu cho quảng cáo là một trong những điều đầu tiên mà các công ty có xu hướng thu hẹp quy mô. Ông nhận xét rằng đợt tuyển dụng rầm rộ tại một số công ty công nghệ vào năm ngoái có thể đã được thực hiện trong những thời điểm lạc quan thái quá.

“Tôi nghĩ rằng phần lớn nguyên nhân thúc đẩy sự hưng phấn là tiền rẻ và dễ kiếm trôi nổi xung quanh, được đưa vào những ý tưởng tồi không mang lại lợi nhuận, và ngay khi Cục Dự trữ Liên bang bắt đầu tăng lãi suất, nó đã truyền một mức độ tỉnh táo vào trong ngành. Họ đang bắt đầu thức tỉnh và đối mặt với thực tế", ông Vinsel bình luận.

Thất vọng

Trong khi thừa nhận các điều kiện vĩ mô bất lợi đang ảnh hưởng đến lĩnh vực công nghệ và khiến lĩnh vực này phải lùi bước một chút sau sự tự tin thái quá dẫn đến việc tuyển dụng tràn lan, ông Vinsel đã đề cập đến các yếu tố văn hóa rộng lớn hơn, thứ mà các công ty công nghệ có thể không muốn nghĩ đến. Sự nhiệt tình dành cho mạng xã hội có thể đơn giản là đã qua đỉnh điểm.

“Ngày nay, chúng ta thấy rất nhiều sự hoài nghi về mạng xã hội và dù chỉ là một suy nghĩ, nhưng khi tôi đăng nhập vào Facebook và cả Twitter, có vẻ như mọi người đang bị thất vọng. Facebook đã trở thành một nơi rất nhàm chán. Tôi nghĩ rằng một số người đã bỏ lại nó, vì chúng ta đang ở giai đoạn cuối của bong bóng công nghệ đã kéo dài hơn một thập kỷ. Một phần nguyên nhân giết chết những bong bóng như vậy là do sự quá khích về công nghệ cốt lõi của chúng đã kết thúc”, ông Vinsel tiếp tục.

Đồng tình với ông Vinsel về sự cần thiết phải nhìn xa hơn các yếu tố kinh tế ngắn hạn để giải thích cho việc loại bỏ nhân viên là ông Jeffrey McCall, giáo sư khoa truyền thông tại Đại học DePauw ở Greencastle, Indiana.

“Theo cảm nhận của tôi, đây không chỉ đơn giản là một 'trục trặc' ngắn hạn. Có vẻ như lý do rõ ràng cho việc cắt giảm nhân viên là sự suy thoái nói chung đáng lo ngại của nền kinh tế và các giám đốc điều hành muốn đối phó với tình trạng thắt lưng buộc bụng cần thiết có khả năng sẽ đến. Tuy nhiên, ngoài điều đó ra, dường như còn có những yếu tố khác đang tác động”, ông McCall nói với The Epoch Times.

“Tôi tin rằng hiện nay có cảm giác rằng lĩnh vực công nghệ đã phát triển quá nhanh trong những năm gần đây và theo một ý nghĩa nào đó, 'vượt ra ngoài phạm vi của nó'. Đã từng có niềm tin rằng công nghệ sẽ là lĩnh vực phát triển không bao giờ dừng lại, và quan niệm đó hiện đang được thử thách. Do đó, ngành công nghệ phải tìm kiếm sự hiệu quả và các nhà quản lý đã nhận ra rằng các hoạt động có thể được sắp xếp một cách hợp lý”, ông nói thêm.

Ông McCall cho biết, ngay cả những người không hào hứng ủng hộ thương vụ mua Twitter trị giá 44 tỷ USD của ông Elon Musk vào năm ngoái cũng phải thừa nhận rằng ông Musk đã cho thấy cách nền tảng này có thể hoạt động với ít nhân viên hơn. Ông McCall nhận xét rằng những người khác trong ngành không thể không chú ý đến sự nhấn mạnh của ông Musk về tính hiệu quả và vai trò của tự động hóa trong không gian công nghệ.

Chuyên gia: Làn sóng cắt giảm nhân sự công nghệ phản ánh sự thất vọng về mạng xã hội
Một chiếc điện thoại di động hiển thị ảnh của Elon Musk được đặt trên màn hình máy tính có đầy các biểu tượng Twitter ở Washington, DC, Mỹ, vào ngày 05/08/2022. (Ảnh: SAMUEL CORUM/AFP qua Getty Images)

Một yếu tố khác, và là một yếu tố có thể có ảnh hưởng quyết định đến tương lai của ngành nhiều hơn nhiều so với sự biến động của lãi suất, là một vấn đề có bản chất văn hóa. Ông McCall tin rằng sự phô trương mà theo đó ông Zuckerberg đã quảng bá cho Metaverse có thể đã không tính đến sự vỡ mộng ngày càng tăng với loại trải nghiệm này.

“Có thể là một sự thay đổi văn hóa đang diễn ra liên quan đến các gã khổng lồ công nghệ. Công chúng có thể bắt đầu cảm thấy rằng việc sống trên mạng xã hội và các nền tảng công nghệ khác có lẽ là không thỏa mãn đến như vậy. Công nghệ chiếm rất nhiều thời gian của mọi người và người tiêu dùng đang nhận thức ra lời hứa hẹn sai lầm về việc sống trong thế giới công nghệ”, ông McCall nói.

Ông gợi ý rằng những lo ngại mà một số người đã bày tỏ trước đây về Instagram và vai trò của nó trong việc thúc đẩy tính tự yêu bản thân quá mức và sự lo lắng đối với một bộ phận người dùng trẻ tuổi đã không tính đến toàn bộ mức độ tàn phá và việc làm méo mó các mối quan hệ xã hội của mạng xã hội trong thời kỳ đương đại.

“Mạng xã hội tạo ra cảm giác méo mó về thế giới và nhìn chung gây ra lo lắng. Có những thông tin sai lệch trôi nổi ngoài kia và rất nhiều nội dung quái lạ khác cuối cùng khiến chúng ta trở nên ít con người hơn. Công nghệ có thể đang mất đi sự thu hút trước công chúng về những khía cạnh này", ông McCall nói thêm.

Ông McCall suy đoán rằng những gì có thể đang xảy ra đơn giản là một trường hợp kiệt sức về công nghệ. Nhiều người dùng đã có trải nghiệm tồi tệ trên các nền tảng trực tuyến và họ không thể thoát khỏi hậu quả.

“Những hạn chế vốn có của các phương tiện truyền thông này không thể hiện rõ ràng trong nhiều năm, nhưng cái giá phải trả về mặt văn hóa - sự lo lắng, lãng phí thời gian, mất quyền riêng tư, thông tin sai lệch, quấy rối, v.v. - của những người đắm mình trong mạng xã hội hiện đang trở nên rõ ràng. Hơn nữa, tại một thời điểm nhất định, mọi người, ngay cả những người trẻ tuổi, sẽ cảm thấy mệt mỏi khi liên tục cung cấp thông tin cho mạng xã hội của họ. Nó kém thú vị hơn và trở nên khó chịu hơn”, ông ấy tiếp tục.

Chuyên gia: Làn sóng cắt giảm nhân sự công nghệ phản ánh sự thất vọng về mạng xã hội
Mark Zuckerberg phát biểu tại Thành phố New York, Mỹ, vào ngày 25/10/2019. (Ảnh: Drew Angerer / Getty Images)

Làn sóng phá sản

Ông Vinsel cảnh báo không nên đưa ra kết luận vội vàng, nhưng không loại trừ khả năng các công ty công nghệ lớn phải đối mặt với tình trạng mất khả năng thanh toán trong những tháng tới.

“Tôi rất muốn xem điều gì sẽ xảy ra trong khoảng sáu tháng tới. Có những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế có thể sẽ có một cú hạ cánh nhẹ nhàng và nếu điều đó xảy ra, bạn có thể hình dung việc chi tiêu cho quảng cáo sẽ quay trở lại, và có thể những công ty này sẽ ổn, nhưng chúng ta cũng thấy các dấu hiệu cho thấy nguồn vốn đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon đang bị thắt chặt”, ông nói.

“Rất có khả năng là chúng ta sẽ thấy một làn sóng phá sản. Tôi nghĩ rằng rất nhiều công ty khởi nghiệp hiện đang gặp khó khăn và nếu điều này tiếp tục trong sáu tháng tới hoặc trở nên tồi tệ hơn, chúng ta sẽ chứng kiến một đợt tuyệt chủng nào đó”, ông Vinsel nói thêm.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Làn sóng cắt giảm nhân sự công nghệ phản ánh sự thất vọng về mạng xã hội