Chuyên gia: Mỹ sẽ khó có được sự đồng thuận quốc tế nếu kêu gọi trừng phạt Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc là một trường hợp rất khác so với Nga. Nước này cũng tự tin rằng mình quá lớn để có thể bị trừng phạt. Trong khi đó, tác giả của các bài báo chính sách tại Trung Quốc không muốn các công ty Trung Quốc rơi vào danh sách trừng phạt thứ cấp của Mỹ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã dành gần một thập kỷ để phát triển chiến lược “Pháo đài nước Nga” trước khi phát động cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 02/2022. Mục đích là để giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với nước Nga và các tổ chức tài chính của nước này.

Chiến lược đó, bao gồm nỗ lực “phi đô la hóa” được đẩy nhanh kể từ năm 2014, đã thất bại trước các biện pháp trừng phạt cứng rắn do Mỹ và các đồng minh áp đặt. Các biện pháp này không chỉ chưa từng có về quy mô và phạm vi mà còn chưa từng có tiền lệ về sự thống nhất của các quốc gia. Hơn 300 tỷ USD tài sản của Nga trong các ngân hàng đã bị đóng băng sau cuộc xâm lược.

Tuy nhiên, điều đó khó có thể xảy ra trong trường hợp Mỹ cố gắng tập hợp cộng đồng quốc tế để áp đặt các biện pháp trừng phạt trên mọi phương diện đối với các tổ chức tài chính, ngân hàng và tập đoàn ở Trung Quốc. Điều này đã được các thành viên hội đồng tại hội thảo của diễn đàn Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ngày 16/05 đồng tình.

"Có một sự khác biệt lớn. Trung Quốc tự tin rằng nước này quá lớn để có thể bị trừng phạt và nước này dựa dẫm vào điều đó", bà Maria Shagina, nhà nghiên cứu cấp cao về Chế tài, Tiêu chuẩn và Chiến lược Kinh tế tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London, cho biết.

Ông Barry Naughton, chủ tịch So Kwan Lok về các vấn đề quốc tế của Trung Quốc tại Trường Chiến lược và Chính sách Quốc tế tại đại học California San Diego, cho biết: “Họ chắc chắn coi [hệ thống] thương mại khổng lồ và sự thống trị của họ đối với các chuỗi cung ứng quan trọng là thứ hỗ trợ họ về căn bản trong việc ngăn chặn các lệnh trừng phạt trong trường hợp Mỹ áp đặt chúng".

“Có rất nhiều lĩnh vực hàng hóa mà Mỹ và các nước phương Tây khác phụ thuộc rất, rất nhiều vào Trung Quốc”, ông Naughton nói. Ông Naughton là đồng tác giả của một báo cáo tháng 1 của CSIS có tựa đề "Công ty ĐCSTQ [Đảng Cộng sản Trung Quốc]: Định hình lại hệ thống tư bản nhà nước của Trung Quốc”.

“Tôi nghĩ rằng họ [Trung Quốc] đang ở trong thời kỳ mà họ nói, 'Thực ra, chúng ta nên tăng cường sự phụ thuộc của các quốc gia khác vào chúng ta trong các lĩnh vực hàng hóa này để họ [phương Tây] không có khả năng tự do bắt đầu thực hiện các biện pháp trừng phạt'”, ông nói.

Chuyên gia: Mỹ sẽ khó có được sự đồng thuận quốc tế nếu trừng phạt Trung Quốc
Logo của tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga tại một trong những trạm xăng dầu của hãng này ở Moscow vào ngày 11/05/2022. (Ảnh: NATALIA KOLESNIKOVA/AFP qua Getty Images)

Hậu quả của việc trừng phạt Trung Quốc

ĐCSTQ có thể gia tăng sự đe dọa và xâm lược Đài Loan. Lúc đó, yêu cầu “tách rời khỏi Trung Quốc” đối với toàn thế giới, một điều Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ kêu gọi trong một sắc lệnh hành pháp, có thể sẽ không có được một phản ứng thống nhất như khi Nga xâm lược Ukraine, theo ông Martin Chorzempa, một thành viên cao cấp tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) có trụ sở tại Washington.

“Nếu các ngân hàng Trung Quốc thực sự nằm trong danh sách trừng phạt, chẳng hạn do hậu quả của cuộc xâm lược Đài Loan, thì đó sẽ là thảm họa đối với nhiều ngân hàng. Ngay bây giờ, có rất ít lựa chọn thay thế, và điều đó khiến họ rất, rất lo lắng về điều này”, ông nói.

Mặt khác, ông Chorzempa cho biết, “Do… tác động lan tỏa toàn cầu có thể có, chi phí [của các biện pháp trừng phạt] sẽ rất lớn đối với Mỹ trong việc trừng phạt các ngân hàng lớn của Trung Quốc - chứ không phải như Ngân hàng Quinlan nhỏ bé, Ngân hàng Đan Đông hoặc các lệnh trừng phạt lên Bắc Triều Tiên [đối với] các tổ chức chuyên biệt - nhưng nếu bạn đưa Ngân hàng Trung Quốc và ICBC [Ngân hàng Công thương Trung Quốc] vào các danh sách đó, thì bạn sẽ tạo ra những tác động lan tỏa to lớn trên khắp thế giới.

“Điều đó không có nghĩa là nó sẽ không xảy ra”, ông tiếp tục. “Điều đó không có nghĩa là Quốc hội [Mỹ] sẽ không thông qua một luật nào đó yêu cầu [trừng phạt] họ, ngay cả khi những người trong Bộ Tài chính biết điều đó sẽ tạo ra những thiệt hại như thế nào”.

Do đó, khi đánh giá hiệu quả của các biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia khác, Bắc Kinh “nhận ra ở mức độ quan trọng cao nhất rằng họ phải làm cho việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính lớn đối với Trung Quốc trở nên quá tốn kém và quá rủi ro, và nếu bạn nhìn vào phản ứng chính sách của Mỹ đối với tất cả các vấn đề được nhận thức về Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ và các lĩnh vực khác, bạn sẽ thấy rằng các biện pháp trừng phạt là một thứ thực sự không được sử dụng nhiều”.

Ông Naughton cho biết Mỹ chắc chắn sẽ không nhận được sự thống nhất từ các nước châu Âu trong việc trừng phạt Trung Quốc như điều đã xảy ra với Nga.

“Cảm giác về mối đe dọa chung tồn tại trong vụ Nga - Ukraine chắc chắn không tồn tại trong trường hợp Trung Quốc, vì vậy nếu tôi suy nghĩ từ quan điểm của một quan chức Trung Quốc, tôi sẽ quan tâm nhiều hơn đến các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ” hơn là từ châu Âu và thậm chí một số quốc gia Tây Thái Bình Dương như Singapore, ông nói.

Nhưng Trung Quốc thực sự có những điểm yếu, hội thảo được điều hành bởi Thành viên cấp cao của Chương trình Kinh tế CSIS, ông Gerard DiPippo, lưu ý. Trong khi Trung Quốc có thể thống trị về sản xuất và thương mại, Mỹ vẫn duy trì sự thống trị sau Thế chiến thứ hai đối với “cơ sở hạ tầng tài chính toàn cầu”.

Đánh giá của phía Trung Quốc

Cuộc thảo luận kéo dài một giờ xoay quanh “Đánh giá của phía Trung Quốc về các chiến lược đối phó với lệnh trừng phạt” tập trung vào ba bài báo chính sách được đăng trên phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, được viết vào tháng 08/10, và đã được các nhân viên CSIS nghiên cứu. Hai trong số các bài báo được viết bởi các tác giả làm việc cho Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và một bài được viết bởi thành viên của Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải.

Ông Chorzempa cho biết ít nhất một trong số các bài báo tuyên bố “việc vũ khí hóa hàng hóa công toàn cầu” của Mỹ “có thể được kích hoạt dựa vào vị trí bá chủ của đồng đô la Mỹ và các tổ chức tài chính của Mỹ. Hiện tại không có nhiều lựa chọn thay thế cho đồng đô la Mỹ”.

Cả ba tham luận viên đều chỉ ra những giả định không chính xác trong các bài báo.

Đánh giá các lệnh trừng phạt đối với Iran, một tác giả viết rằng “Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt để khiến mọi người ngừng đầu tư vào Iran và thay vào đó chuyển sang sử dụng đồng đô la Mỹ nhằm thu hút vốn và khiến mọi người tránh xa các quốc gia khác”, ông Chorzempa nói. “Tôi không nghĩ điều đó chính xác. Nó cho thấy rằng có một cái nhìn khá đen tối ở Trung Quốc… về những động cơ của Mỹ khi áp đặt các biện pháp trừng phạt”.

“Một số điều là đúng, chúng ta đang ở trong thời đại vũ khí hóa tài chính, nhưng một số bức tranh quá cực đoan”, bà Shagina nói. Bà Shagina bình luận về việc đề cập đến các lệnh trừng phạt Nga trong bài viết, rằng Mỹ là quốc gia “duy nhất” có liên quan, rằng nó "là chủ mưu cho các lệnh trừng phạt của phương Tây, EU hoặc Vương quốc Anh hoàn toàn bị động" trong khi cả EU và Anh đã áp đặt các lệnh trừng phạt lên Nga độc lập với Mỹ.

Các bài báo viết rằng do các biện pháp trừng phạt, châu Âu đang phải đối mặt với “các kịch bản đen tối và u ám” bao gồm “cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất từ trước đến nay” và rằng có một “phản ứng dữ dội mà việc vũ khí hóa tài chính đã kích hoạt, đó là xu hướng phi đô la hóa'”. Những điều này vốn là một sự phóng đại, bà Shagina nói.

“Hiện tại chúng ta biết rằng châu Âu không ở trong cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất từ trước đến nay. Giá đã giảm, kho chứa khí đốt ở trong trạng thái tốt hơn so với trước đây”, bà Shagina nói, trước khi cảnh báo về mùa đông kế tiếp: “Chúng ta chưa thoát khỏi nguy hiểm”.

Bà cho biết, các tác giả đã trích dẫn chương trình thanh toán khí đốt bằng RUB (đồng rúp của Nga) như một “ví dụ thành công”. “Chà, điều đó đã không thành công. Nhiều nước châu Âu chỉ đơn giản là bỏ hợp đồng với Gazprom [của Nga], và bây giờ chúng ta biết rằng khí đốt của Nga đã giảm giá 70%”.

Bà Shagina cho biết, một bài báo đã thảo luận về cách Nga và Ấn Độ đàm phán về trao đổi thanh toán bằng tiền tệ quốc gia. Bà nói: “Các cuộc đàm phán đã bị hủy bỏ vì cả Nga và Ấn Độ đều không cần đồng tiền của nhau".

Ông Chorzempa cho biết, các bài báo “thực ra phân tích vấn đề của Nga”. “Họ nói rằng Nga đã thất bại trong chiến lược ‘Pháo đài nước Nga’ và… nói rằng, ‘Chúng ta cần cải thiện, nắm giữ tài sản của nhau với số lượng ngang nhau’”, và tiếp tục tích cực hội nhập thay vì rút khỏi thương mại và tài chính toàn cầu.

Các bài báo thảo luận về việc “chi phí trừng phạt một công ty phụ thuộc vào mức độ của các mối liên kết thương mại và các mối liên kết tài chính khác” giữa các công ty, nhà đầu tư và ngân hàng. Ông nói: “Vì vậy, theo một nghĩa nào đó, Nga đã gặp rắc rối trong năm 2014 [vụ thâu tóm bán đảo Crimea]” khi cố gắng tự cô lập mình khỏi các biện pháp trừng phạt bằng chiến dịch phi đô la hóa.

“Tôi nghĩ điều rất, rất thú vị là họ hiểu rất rõ rằng Mỹ có sức mạnh này và họ không thể làm gì nhiều về điều đó trong thời gian tới”, ông Chorzempa nói.

“Vì vậy, câu hỏi lớn đối với Trung Quốc”, bà Shagina nói, “là làm thế nào để cơ cấu lại dự trữ ngoại hối của mình. Trung Quốc đã tăng cường dự trữ vàng, nhưng làm thế nào để bạn xoay trục sang các loại tiền tệ không của phương Tây khác nếu không sử dụng nhân dân tệ?” Và ngay bây giờ, không có sự thay thế thực tế nào cho đồng USD.

Lời khuyên bất ngờ

Ông Chorzempa nói, không nên ngạc nhiên, mặc dù các thành viên hội đồng hội thảo thừa nhận rằng họ đã ngạc nhiên, trước lời khuyên trong các bài báo, đó là “hãy củng cố bộ phận tuân thủ của bạn và tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp Mỹ để tránh bị trừng phạt thứ cấp”.

Ông cho biết chủ đề trong các bài báo là “thực sự thừa nhận… rằng điều chính yếu mà Trung Quốc phải làm vào thời điểm này không phải là phát triển e-CNY [đồng nhân dân tệ kỹ thuật số] và đa dạng hóa các nguồn lực của mình. Nhưng thực sự, điều trước mắt là, đừng rơi vào danh sách trừng phạt của OFAC [U.S. Văn phòng kiểm soát tài sản nước ngoài]”.

Chuyên gia: Mỹ sẽ khó có được sự đồng thuận quốc tế nếu trừng phạt Trung Quốc
Tấm biển về đồng tiền kỹ thuật số của Trung Quốc, đồng nhân dân tệ điện tử của Trung Quốc (e-CNY), tại một trung tâm mua sắm ở Thượng Hải, Trung Quốc, hôm 08/03/2021. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Bà Shagina cũng nói đến “sự nhấn mạnh thực sự mạnh mẽ vào việc chỉ đơn giản là tuân thủ luật pháp Mỹ” để tránh bị trừng phạt.

Bà nói: “Khu vực tư nhân [Trung Quốc] thực sự không muốn bước vào một lĩnh vực có thể kích hoạt các biện pháp trừng phạt thứ cấp". “Đây là suy nghĩ ngày càng phổ biến kể từ khi lệnh trừng phạt lên Nga [được áp đặt], rằng Trung Quốc cần phải tăng cường vị thế phòng thủ, tăng cường sự vững chắc trong nước… Sự phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng tài chính, sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ, đó là điều mà họ rất ý thức được”.

Bà Shagina cho biết, Trung Quốc có một số điểm mạnh có thể giúp nước này né tránh hoặc ngăn cản các biện pháp trừng phạt nếu chúng được áp đặt.

Bà Shagina nói: “Việc sử dụng chính sách quốc gia là nơi họ nhìn thấy lợi thế của mình". Nó có thể bao gồm các mối quan hệ, dàn xếp, hối lộ và các mánh khóe “không chính thức” khác.

“Tôi nghĩ rằng Trung Quốc đang cố gắng nắm bắt lợi thế đối với việc họ có thể điều phối các tác nhân trong nội bộ và, như [Shagina] đã nói, có sự phủ nhận hợp lý”, ông Naughton cho biết. “Họ có kinh nghiệm, dù không nhất thiết là thành công [trong việc né tránh các biện pháp trừng phạt]… nhưng tôi nghĩ mọi người trên thế giới đều biết rằng Trung Quốc có thể trả đũa một cách không chính thức bằng mọi cách thức khó nắm bắt đối với hành vi mà họ coi là thù địch. Tôi nghĩ rằng họ có một hộp đồ nghề gồm các công cụ không chính thức và có thể phủ nhận [trừng phạt], những thứ mà họ sẽ dựa vào đầu tiên".

Ông Chorzempa cho biết, chỉ một số lượng "rất nhỏ" các công ty Trung Quốc bị cáo buộc và thậm chí còn ít hơn nữa bị trừng phạt vì cung cấp thiết bị quân sự cho Nga. Một số tập đoàn lớn ở nước này, chẳng hạn như China UnionPay, đã "rất công khai" cho biết họ không muốn tham gia vào việc giúp đỡ các ngân hàng Nga bị trừng phạt.

Ông cho biết gã khổng lồ điện tử Trung Quốc Huawei “thậm chí đã rút khỏi Nga ở quy mô lớn vì sợ bị đưa vào danh sách [trừng phạt]”.

Ông Chorzempa, người từng làm việc cho Diễn đàn Tài chính Trung Quốc 40 ở Bắc Kinh, cho biết, các bài báo tán thành hành vi giống như “một cái ôm chặt đối với hệ thống tài chính toàn cầu” hơn là một nỗ lực để tự cô lập mình khỏi nó.

“Họ thực sự dường như không đi theo chiến lược ‘Pháo đài Trung Quốc’”, ông nói, trích dẫn một đoạn trích từ một bài báo có nội dung: “Chúng ta cần tăng cường trao đổi học thuật với Viện Kinh tế Quốc tế Peterson”.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

 



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Mỹ sẽ khó có được sự đồng thuận quốc tế nếu kêu gọi trừng phạt Trung Quốc