Chuyên gia: Thế giới đang bước vào giai đoạn cực kỳ tồi tệ về kinh tế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Do sự kết hợp của nhiều yếu tố, thế giới đang hướng tới cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất kể từ những năm 1930. Các giai đoạn của cuộc khủng hoảng được phác họa bao gồm: Khởi phát, Phản công, Tràn ngập, Thảm họa và Phục hồi. Hiện tại, thế giới đang bước vào 2 giai đoạn kinh tế cực kỳ tồi tệ là Tràn ngập và Thảm họa.

Tình hình kinh tế thế giới thật sự đáng lo ngại

Nhiều người bắt đầu tự hỏi, nền kinh tế sẽ hạ cánh như thế nào - cứng hay mềm? (Chỉ việc nền kinh tế có rơi vào khủng hoảng hay không) Thông thường, mọi người sẽ có xu hướng cảm thấy khó chịu về nền kinh tế trước khi một cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra. Bằng cách nào đó, người dân nhận ra rằng mọi thứ đang 'có vấn đề' một cách nghiêm trọng, nhưng không thể thực sự xác định rõ vấn đề đó.

Với lạm phát tăng vọt, thực trạng nền kinh tế đã thúc đẩy người dân tìm hiểu về kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên những thông tin về vĩ mô hiện nay lại là những tin tức khá đáng buồn (có lẽ người dân đáng lẽ đã phải tìm hiểu nhiều hơn về kinh tế vĩ mô) .

Khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, hay GFC, xảy ra vào tháng 09/2008 với sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư có tiếng Lehman Brothers, mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng đã được tiết lộ cho đa số người dân. Một số nhà kinh tế, như tôi, đã theo dõi những diễn biến trên thế giới chứng khoán hóa (chỉ việc đóng gói các tái sản như khoản thế chấp, sau đó bán lại dưới dạng chứng khoán) đầy u ám và sự căng thẳng ngày càng gia tăng trong lĩnh vực ngân hàng với một trái tim nặng trĩu kể từ, ít nhất là vào mùa thu năm 2007. Thực ra, vào cuối năm 2006, tôi đã cảnh báo các đồng nghiệp đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ rằng, có điều gì đó ‘đang phát triển’ trong nền kinh tế thế giới. Vào tháng 01/2008, tôi đã thực hiện bán khống trên thị trường chứng khoán Mỹ với từng xu tôi có và có thể vay được.

Chuyên gia: Thế giới đang bước vào giai đoạn cực kỳ tồi tệ về kinh tế
Các nhân viên của nhà đấu giá Christie di chuyển logo của công ty Lehman Brothers, ước tính được bán với giá 3000 GBP (bảng Anh) và được giới thiệu trong buổi bán các tác phẩm thuộc sở hữu của ngân hàng đầu tư bị sụp đổ Lehman Brothers vào ngày 24/09/2010 tại London, Anh. (Ảnh: Oli Scarff / Getty Images)

Giờ đây, một số người đã bắt đầu quan sát xung quanh và tự hỏi, liệu lĩnh vực nhà ở, nơi chứng kiến bước nhảy vọt về giá kể từ năm 2019, sắp tới sẽ thế nào. Những người khác đang suy nghĩ về tình trạng của khu vực doanh nghiệp, những người khác là về các ngân hàng và một số đang theo dõi sự tăng cao mạnh mẽ của lợi suất trái phiếu chính quyền ở châu Âu với sự lo lắng. Điều thực sự đáng lo ngại là tất cả họ đều đang lo lắng một cách chính đáng.

Chúng ta đang hướng tới không chỉ là một cuộc suy thoái hay một cuộc khủng hoảng kinh tế “bình thường”. Rất có thể, nó sẽ là sự kết hợp tàn khốc của các cuộc khủng hoảng chồng chéo, một quá trình mà chúng tôi đặt tên là 'khủng hoảng kinh tế trên nhiều phương diện'.

Cuộc khủng hoảng thế giới lớn nhất kể từ năm 1930

Chúng tôi đã cảnh báo về sự mong manh của nền kinh tế toàn cầu kể từ tháng 03/2017. Sau đó, chúng tôi phát hiện ra rằng nền kinh tế thế giới chưa bao giờ thực sự phục hồi từ GFC. Trong báo cáo dự đoán của chúng tôi vào tháng 12/2017, chúng tôi đã viết:

“Bởi vì về cơ bản, tất cả sự mất cân bằng đều đang hội tụ tạo nên một xu hướng ngày càng gia tăng, cuộc khủng hoảng sắp xảy ra sẽ là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà thế giới từng chứng kiến ​​kể từ những năm 1930. Chúng tôi gọi nó là một ‘cơn bão hoàn hảo’”.

'Cơn bão hoàn hảo' là sự kết hợp của năm yếu tố: bong bóng ở khắp mọi nơi, thây ma hóa nền kinh tế thế giới (chỉ việc cho các tổ chức kinh doanh yếu kém vay tiền để duy trì sự tồn tại), tình trạng nợ nần nghiêm trọng của Trung Quốc, sự lung lay của lĩnh vực ngân hàng ở châu Âu, việc chấm dứt QE (nới lỏng định lượng - nới lỏng chính sách tiền tệ) và bắt đầu QT (thắt chặt định lượng - thắt chặt chính sách tiền tệ).

Trong báo cáo, chúng tôi cũng kết luận rằng:

“Nếu các Ngân hàng Trung ương và Trung Quốc thực sự thực hiện các kế hoạch của họ [thắt chặt tiền tệ và giảm đòn bẩy tài chính], lưu ý rằng Trung Quốc cũng có thể không còn lựa chọn nào khác, năm 2018 có thể sẽ là năm xuất hiện những tín hiệu đầu tiên của cuộc khủng hoảng. Chúng bao gồm sự hỗn loạn nghiêm trọng của thị trường, sự sụp đổ của ngân hàng và các phản ứng hoảng loạn có thể xảy ra từ các chính quyền trung ương. Vào năm 2019, cuộc khủng hoảng sẽ lên đến đỉnh điểm sau những nỗ lực kiệt quệ cuối cùng của các chính quyền trung ương nhằm bảo vệ bong bóng tài sản toàn cầu".

Cuối năm 2018 là khoảng thời gian thị trường hỗn loạn khá nghiêm trọng, chẳng hạn như DJIA (chỉ số chứng khoán Trung bình Công nghiệp Dow Jones) ghi nhận mức sụt giảm lớn nhất từ ​​trước đến nay trong đêm Giáng sinh. Chúng ta không thấy các ngân hàng sụp đổ, nhưng lưu ý rằng Trung Quốc đã bắt đầu bơm một lượng lớn thanh khoản vào lĩnh vực ngân hàng của nước này vào đầu tháng 12/2018 do căng thẳng trong lĩnh vực này ngày càng gia tăng.

Vào đầu năm 2019, có sự thay đổi lớn về chính sách của Fed và vào giữa tháng 9, các thị trường repo (thị trường vay tiền ngắn hạn với tài sản đảm là các chứng khoán như trái phiếu chính phủ) đã đổ vỡ. Về cơ bản, sai lầm duy nhất trong dự báo của chúng tôi là việc các nhà chức trách sẽ không thể duy trì thị trường đến hết năm 2019. Giờ đây, chúng ta biết rằng họ vẫn còn rất nhiều công cụ để duy trì thị trường.

Vào tháng 12/2018, chúng tôi tiếp tục đưa ra những cảnh báo nghiêm trọng về hướng đi của nền kinh tế toàn cầu. Báo cáo dự đoán được đặt tên là: Đi và Quay lại: Báo cáo đặc biệt về Quá trình bước vào thời kỳ suy thoái và phục hồi toàn cầu. Trong báo cáo, chúng tôi đã phác thảo ba tình huống có thể xảy ra đối với nền kinh tế thế giới: Suy thoái toàn cầu, Sụp đổ hệ thống và Câu chuyện cổ tích.

Kịch bản Suy thoái toàn cầu đã trình bày chi tiết lộ trình dẫn đến một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Sụp đổ hệ thống mô tả một kịch bản về sự sụp đổ (tan rã) của lĩnh vực tài chính toàn cầu. Câu chuyện cổ tích là kịch bản về 'gói cứu trợ toàn cầu'. Trong đó, chúng tôi giả định rằng các Ngân hàng Trung ương sẽ cứu trợ nền kinh tế thế giới, tức là họ sẽ cung cấp hỗ trợ thanh khoản (tiền) gần như không giới hạn cho các chính quyền, hộ gia đình, tập đoàn và tiến hành “trưng dụng” thị trường vốn.

Thế giới đang bước vào giai đoạn cực kỳ tồi tệ về kinh tế

Vào tháng 12/2019, chúng tôi tiếp tục đưa ra 'lời tiên tri' về sự sụp đổ của nền kinh tế. Báo cáo dự đoán của chúng tôi là “Báo cáo Đặc biệt về Suy thoái Kinh tế giai đoạn 2020-2023”. Trong báo cáo năm 2019, chúng tôi đã phác họa các giai đoạn của sự sụp đổ kinh tế đang đến gần. Chúng được đặt tên là Khởi phát, Phản công, Tràn ngập, Thảm họa và Phục hồi.

Giai đoạn Khởi phát mô tả một 'cú sốc' có thể khiến cuộc khủng hoảng bắt đầu. Chúng tôi đưa ra giả thuyết rằng cú sốc có thể bắt nguồn từ lĩnh vực ngân hàng châu Âu hoặc từ thị trường tín dụng. Nó xuất hiện dưới dạng một loại virus, có nguy cơ làm sụp đổ thị trường tín dụng và khu vực ngân hàng châu Âu.

Chúng tôi dự báo rằng một cuộc phản công (giai đoạn Phản công) của các nhà chức trách sẽ được thực hiện như một nỗ lực ngăn chặn sự hoảng loạn trên thị trường tài chính lan sang nền kinh tế. Chúng tôi đã viết:

“Những nỗ lực này có khả năng bao gồm việc bắt đầu lại và tăng tốc các chương trình QE, kích thích tài khóa, gia tăng chủ nghĩa bảo hộ và thậm chí có thể kêu gọi huy động tiền trực tiếp từ nợ.” [chỉ việc nhà nước mượn tiền của Ngân hàng Trung ương để phục vụ chi tiêu công thay cho việc bán trái phiếu cho nhà đầu tư tư nhân hay tăng thuế. Ngân hàng Trung ương sẽ mua trái phiếu của chính quyền và cung cấp tiền cho chính quyền]

Chuyên gia: Thế giới đang bước vào giai đoạn cực kỳ tồi tệ về kinh tế
Tòa nhà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vào ngày 22/01/2008 tại Washington, DC. (Ảnh: Chip Somodevilla / Getty Images)

Về cơ bản, đây chính là những gì đã xảy ra trên thế giới thời gian vừa qua.

Sau khi những nỗ lực cứu vãn nền kinh tế thế giới thất bại, hoặc các nỗ lực sẽ buộc phải bị rút lại, một loạt các sụp đổ kinh doanh sẽ xảy ra (giai đoạn Tràn ngập). Trong giai đoạn đó, chúng tôi cho rằng, việc thắt chặt quản lý thị trường tài sản và tín dụng sẽ dẫn đến một cơn hồng thủy tạo thành bởi sự sụp đổ của các tập đoàn thây ma. Sau đó sẽ là một thảm họa kinh tế. Mô tả của chúng tôi về giai đoạn Thảm họa đó có thể khiến người ta rùng mình:

“Do thị trường vốn sụp đổ và đồng thời lĩnh vực ngân hàng phá sản, tình trạng thất nghiệp và nghèo đói có khả năng sẽ bùng nổ. Các chính quyền sẽ cố gắng cứu các ngân hàng đặc biệt quan trọng, điều này yêu cầu lượng tiền tài trợ mà nhiều quốc gia, chẳng hạn như các quốc gia trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu, không thể đáp ứng. Điều này làm cho việc cắt giảm nợ đối với người gửi tiền [các khoản tiền mà ngân hàng nợ người gửi tiền sẽ bị xóa bỏ một phần] là lựa chọn duy nhất. Đối mặt với thực tế tài khóa mới và khắc nghiệt, lương hưu và các chương trình an sinh xã hội khác có thể phải đối mặt với việc cắt giảm nghiêm trọng bởi các chính quyền tuyệt vọng”.

Chúng tôi cũng dự báo rằng cuộc suy thoái toàn cầu sẽ kết thúc trong vòng 4-5 năm với giai đoạn bùng phát mạnh mẽ nhất của cuộc khủng hoảng kéo dài trong ba năm, sau đó chúng ta bước vào giai đoạn Phục hồi.

Hiện nay, do lạm phát tăng vọt, rõ ràng là chúng ta đang ở vào thời kỳ cuối của giai đoạn Phản công, có nghĩa là chúng ta đang tiến vào một thời kỳ kinh tế cực kỳ tồi tệ với giai đoạn Tràn ngập và Thảm họa trước mặt. Hai giai đoạn này sẽ tạo ra khủng hoảng kinh tế trên nhiều mặt.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả ​​Tuomas Malinen là Giám đốc điều hành và Phó Giáo sư kinh tế. Ông đã dành 10 năm để nghiên cứu về tăng trưởng kinh tế, bất bình đẳng thu nhập và các cuộc khủng hoảng kinh tế. Hiện tại, ông Tuomas làm việc tại GnS Economics, một công ty tư vấn kinh tế vĩ mô có trụ sở tại Helsinki, chuyên về dự báo kịch bản và phân tích, giáo dục cộng đồng về các rủi ro khác nhau đối với nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính toàn cầu.

Bảo Nguyên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Thế giới đang bước vào giai đoạn cực kỳ tồi tệ về kinh tế