Chuyên gia: Thương chiến Mỹ-Trung chưa thể 'hóa giải'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Để ngăn chặn công nghệ của Mỹ lọt vào tay Trung Quốc, hôm thứ Sáu tuần trước (7/10), Mỹ đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu mới đối với chất bán dẫn tiên tiến và thiết bị sản xuất chip. Các nhà phân tích tin rằng Mỹ và Trung Quốc đã bước vào một cuộc chiến kinh tế kể từ thời điểm đó, và 'thương chiến Mỹ-Trung đến nay vẫn chưa thể 'hóa giải'.

Tờ Reuters dẫn lời trợ lý Bộ trưởng Thương mại về quản lý xuất khẩu Mỹ, Thea D. Rozman Kendler cho biết, Trung Quốc đã dồn nguồn lực vào phát triển siêu máy tính và tìm cách trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo (AI) vào năm 2030. Đồng thời, Bắc Kinh cũng tận dụng các khả năng theo dõi và giám sát người dân Trung Quốc cũng như hiện đại hóa quân đội nước này. Bộ Thương mại Mỹ sẽ tiếp tục mở rộng các hạn chế đối với danh sách đen hiện có của 28 thực thể Trung Quốc có liên quan đến ngành công nghiệp siêu máy tính của nước này.

Siêu máy tính đóng một vai trò khoa học quan trọng trong việc nghiên cứu và phát triển vaccine ngừa COVID-19 và phát triển năng lượng xanh. Siêu máy tính Frontier của Mỹ được mệnh danh là máy tính nhanh nhất thế giới, nhưng một số nhà khoa học tin rằng tốc độ của Tianhe-3 của Trung Quốc có thể rất sớm sẽ "soán ngôi" Frontier của Mỹ.

Tờ Wall Street Journal dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, Washington tin rằng khả năng tính toán tiên tiến dựa vào chip, phần mềm, công cụ và công nghệ của Mỹ đang thúc đẩy quá trình hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc, bao gồm cả việc phát triển vũ khí hủy diệt quy mô lớn cũng như các công nghệ hỗ trợ hoạt động giám sát hàng loạt, tạo điều kiện cho vi phạm nhân quyền.

"Việc cho phép Trung Quốc và quân đội của họ tiếp cận với các thiết bị sản xuất chip và chip hiện đại sẽ gây ra rủi ro an ninh quốc gia Mỹ", quan chức này cho biết thêm.

Tính toán trí tuệ nhân tạo tiên tiến và siêu máy tính là những công nghệ then chốt để xây dựng các hệ thống vũ khí hiện đại. Theo các quy định mới, các nhà sản xuất chip của Mỹ phải xin phép Bộ Thương mại trước khi xuất khẩu một số chip nhất định được sử dụng trong máy tính trí tuệ nhân tạo tiên tiến và siêu máy tính. Các quy tắc mới mở rộng các hạn chế xuất khẩu hiện có để bao gồm việc xuất khẩu các thiết bị và chip tiên tiến quan trọng không có sẵn ở nơi khác, đồng thời cho phép Mỹ cấm xuất khẩu chip do nước ngoài sản xuất bằng công nghệ của Mỹ.

Hạ nghị sĩ Michael McCaul, lãnh đạo đảng Cộng hòa trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, tin rằng các quy tắc mới cần được thực thi nghiêm túc.

Mỹ cũng đang kiểm soát nhiều dự án mà Trung Quốc có thể sử dụng để phát triển ngành sản xuất thiết bị của riêng mình.

Ngoài các hạn chế đối với chip và thiết bị chip, Bộ Thương mại Mỹ sẽ mở rộng các hạn chế đối với công dân Mỹ, thường trú nhân và các công ty hỗ trợ một số cơ sở sản xuất chip của Trung Quốc.

Nhà phân tích: Không thể hòa giải trong Chiến tranh kinh tế Mỹ-Trung

Ông Dylan Patel, nhà phân tích trưởng của công ty phân tích ngành bán dẫn SemiAnalysis, nói với tờ Bloomberg rằng Mỹ và Trung Quốc đã chính thức bước vào một “cuộc chiến kinh tế”. Tờ Bloomberg cho hay, các hạn chế của Mỹ đối với xuất khẩu công nghệ mới sang ĐCSTQ đã tác động không nhỏ đến nỗ lực của ĐCSTQ trong việc xây dựng nền tảng của ngành công nghiệp chip địa phương và các nhà phân tích tin rằng không có khả năng hòa giải.

Vào hôm 7/10, Bộ Thương mại Mỹ cũng đã thêm 31 công ty và tổ chức nghiên cứu Trung Quốc vào “danh sách chưa được xác minh” (có nghĩa là có những lo ngại về các công ty của họ nhưng không có kế hoạch bị đưa vào danh sách đen), nhằm hạn chế khả năng của họ trong việc tiếp cận một số công nghệ được quản lý của Hoa Kỳ.

Danh sách 31 thực thể được công bố sáng thứ Sáu (7/10) gồm các cơ quan nghiên cứu quan trọng của Trung Quốc, như các đơn vị của Học viện Khoa học Trung Quốc và Công ty Công nghệ Yangtze Memory (Trường Giang). Đây là nhà sản xuất bộ nhớ flash NAND chính mà Apple từng xem xét, khi tìm nguồn cung cấp cho một số sản phẩm sử dụng cho iPhone được bán ở Trung Quốc.

Nếu không hợp tác trong việc giảm bớt lo ngại, Bộ Thương mại cho biết các thực thể có thể bị chuyển vào danh sách đen, bao gồm Huawei và SMIC.

Ông Dan Wang, nhà phân tích công nghệ ở Công ty tư vấn Gavekal Dragonomics ở Hong Kong, coi các quy tắc mới là tín hiệu về hướng chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc.

Nhà phân tích Gu Wenjun của Xinmou Research nhận định rằng Mỹ đã xác định sử dụng chip như một công cụ để kiềm chế Trung Quốc và không có khả năng hòa giải.

Các hạn chế đối với sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc bắt đầu dưới thời cựu Tổng thống Trump và chính quyền ông Biden phần lớn vẫn tiếp tục các biện pháp kiểm soát thời chính quyền ông Trump.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 9/8 ký thông qua đạo luật đầu tư 280 tỷ USD vào ngành bán dẫn và các lĩnh vực sản xuất công nghệ cao khác nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước, giảm sự lệ thuộc vào các chuỗi cung ứng nước ngoài và tăng cường cạnh tranh với Trung Quốc.

Ông Biden cho hay, “Nhiều thập niên tới kể từ bây giờ, người dân sẽ nhìn lại tuần này cùng tất cả những gì chúng ta đã thông qua với tất cả những gì đang thăng tiến, điều đó cho thấy rằng thấy rằng chúng ta đã đón lấy thời cơ tại khúc quanh này trong lịch sử".

Đạo luật Khoa học và CHIPS có tổng giá trị 280 tỷ USD được lưỡng viện Hoa Kỳ vừa thông qua vào cuối tháng trước. Trong đó dành 52 tỷ USD nhằm hỗ trợ cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Lam Giang

Theo Visiontimes

Kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Thương chiến Mỹ-Trung chưa thể 'hóa giải'