Chuyên gia: Trung Quốc có thể sẽ thống trị cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khái niệm “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” bắt nguồn từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2015. Kể từ đó, nó đã được Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng, đưa vào đường lối chính sách.

Theo ông David Goldman, cây viết của các hãng truyền thông Asia TimesPJ Media, Trung Quốc đặt mục tiêu và đang nỗ lực hết mình để giành vị trí thống trị cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói trong một bài phát biểu năm 2018 như sau: “Từ “cơ giới hóa’ trong cách mạng công nghiệp lần thứ nhất vào thế kỷ 18, đến ‘điện khí hóa’ trong cách mạng công nghiệp lần thứ hai thế kỷ 19, đến ‘thông tin hóa’ trong cách mạng công nghiệp lần thứ ba thế kỷ 20, mỗi một vòng 'đổi mới công nghệ mang tính đột phá' này đã định hình nên lịch sử”.

Theo ông Tập, thập kỷ tới sẽ quyết định nước nào sẽ lãnh đạo cuộc cách mạng công nghiệp tiếp theo. “Mười năm tới sẽ là một thập kỷ quan trọng”, ông Tập khẳng định. “Một vòng mới về cách mạng công nghệ và thay đổi công nghiệp — gồm trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, thông tin lượng tử và công nghệ sinh học — đang chuẩn bị bùng nổ”.

Ông Goldman cho biết, các phương tiện truyền thông do chính quyền Trung Quốc kiểm soát không ngừng tuyên bố rằng “Trung Quốc sẽ ‘đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư’”. Đây là tham vọng của Bắc Kinh.

“Trung Quốc nói rằng họ muốn trở thành nước dẫn đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Họ muốn dẫn đầu về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào công nghệ thông tin - điều này sẽ không chỉ giúp phát trực tuyến video hay chơi trò chơi, mà còn có thể giúp lái xe, dỡ hàng, vận hành nhà máy, v.v.”, ông Goldman nói trong chương trình “China in Focus” (Trung Quốc tiêu điểm) của đài truyền hình NTD.

Ông nhấn mạnh rằng “nếu Trung Quốc thống trị cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thì thế giới sẽ xuất hiện một chế độ chuyên chế liên minh với các chế độ chuyên chế khác để trở thành cường quốc kinh tế thống trị thế giới, từ đó gây bất lợi cho các nền dân chủ”.

Theo ông Goldman, nếu điều ấy xảy ra thì “chúng ta [các nền dân chủ] sẽ nghèo đi, chúng ta sẽ kém an toàn hơn, chúng ta sẽ phải chịu ơn các quốc gia khác nhiều hơn, tương lai của con cái chúng ta sẽ mờ mịt hơn”.

Ông Goldman đánh giá rằng Trung Quốc thua xa Hoa Kỳ về chế tạo vi mạch, trên một số phương diện là từ 10 đến 20 năm.

“Tuy nhiên, trong nhiều ứng dụng sử dụng chip, Trung Quốc tiên tiến hơn nhiều — đặc biệt là những ứng dụng liên quan đến băng thông rộng 5G và ứng dụng của nó đối với những thứ như xe tự hành, nhà máy, bến cảng, v.v.. Vì vậy, đây là một tình huống rất mất cân bằng”, ông nói thêm.

Do đó, theo ông, nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ có “hai quốc gia mạnh về chất bán dẫn cạnh tranh với nhau. Điều đó sẽ làm cho cuộc sống trở nên đắt đỏ hơn rất nhiều. Nó sẽ kìm hãm Trung Quốc trong một khoảng thời gian, nhưng không phải là mãi mãi”.

Cuộc chiến chip Mỹ - Trung

Tháng 10 năm ngoái, chính phủ Hoa Kỳ đã ban hành các biện pháp mới về kiểm soát xuất khẩu (pdf), trong đó ngăn chặn công ty Mỹ bán chất bán dẫn tiên tiến và thiết bị sản xuất chất bán dẫn tiên tiến cho một số nhà sản xuất Trung Quốc. Chỉ một số công ty Mỹ có giấy phép đặc biệt mới nằm ngoài lệnh cấm này. Đến tháng 12, chính phủ Mỹ đã mở rộng lệnh cấm lên 36 nhà sản xuất chip khác của Trung Quốc.

Washington cũng đã cấm công dân Hoa Kỳ hỗ trợ Trung Quốc sản xuất hay phát triển các con chip thuộc phạm vi hạn chế. Công dân Mỹ tham gia các công ty chip của Trung Quốc sẽ phải nghỉ việc tại doanh nghiệp Trung Quốc hoặc từ bỏ quyền công dân Mỹ.

Ngày 21/03/2023, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã tiến thêm một bước bằng cách đề xuất một loại quy định nhằm ngăn Mỹ tài trợ hàng tỷ USD cho các nghiên cứu và các hoạt động sản xuất chất bán dẫn vốn bị Trung Quốc lợi dụng.

Theo ông Goldman, những cách tiếp cận này của Washington có thể kìm hãm hoạt động sản xuất chip của Bắc Kinh trong một khoảng thời gian, nhưng sẽ không hiệu quả về lâu dài. Nguyên nhân là những điều này sẽ đẩy Trung Quốc xây dựng ngành công nghiệp của riêng họ.

Ông Goldman nói: “Trung Quốc có nguồn nhân lực lành nghề rất lớn, họ có rất nhiều kỹ sư; nếu họ nỗ lực hết sức, thì cuối cùng họ sẽ tăng tốc, và chúng ta sẽ phải đối mặt với một đối thủ cạnh tranh đáng gờm - một đối thủ sẽ cố gắng hết mình để loại các công ty của chúng ta ra khỏi cuộc chơi”, “giống như cách mà Trung Quốc đã phá hủy ngành công nghiệp pin mặt trời của Mỹ”.

Do đó, chuyên gia này gợi ý rằng Hoa Kỳ nên thúc đẩy ngành công nghiệp của riêng họ: “Tôi thực sự nghĩ rằng chúng ta cần tập trung nhiều hơn vào các ứng dụng … của 5G. Đạo luật CHIPS là một điều tốt. Chất bán dẫn là nguồn tài nguyên quan trọng. Vì an ninh quốc gia, chúng ta cần có năng lực sản xuất chúng trong nước”.

Theo The Epoch Times

Chi Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Trung Quốc có thể sẽ thống trị cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư