Chuyên gia: Twitter cần Elon Musk nhiều hơn nhiều so với Elon Musk cần Twitter

Giúp NTDVN sửa lỗi

Twitter đang ngày càng bộc lộ nhiều vấn đề. Ngoài các vụ kiểm duyệt nội dung: chặn nội dung từ The Epoch Times, cấm cựu Tổng thống Trump, máy tính xách tay của Hunter Biden…, một người tố giác cấp cao mới đây đã tố cáo về vấn đề an ninh đáng lo ngại tại Twitter. Thực tế thì, sức hấp dẫn của Twitter đã bị giảm sút không chỉ bởi vấn đề tài khoản giả mạo, mà còn là vấn đề kiểm duyệt vốn có từ lâu của nền tảng này.

Cổ đông Twitter chấp thuận đề nghị mua lại của ông Musk

Các cổ đông của Twitter vào chiều ngày 13/09 cho thấy rằng họ chấp thuận đề nghị mua lại trị giá 44 tỷ USD của Elon Musk, nhưng điều này diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến pháp lý ngày càng gay gắt đang nổ ra khi ông Musk tìm cách rút khỏi thương vụ. Thỏa thuận này có vẻ ngày càng kém hấp dẫn vì một thời gian dài quản lý yếu kém và việc kiểm duyệt các quan điểm trên nền tảng truyền thông mạng xã hội này, theo các nhà quan sát.

Thông báo về sự chấp thuận của cổ đông được đưa ra khi xuất hiện lời khai 'thảm họa' của một người tố giác cấp cao trong Twitter tại phiên điều trần của Ủy ban Tư pháp Thượng viện. Giám đốc điều hành Twitter Parag Agrawal từ chối xuất hiện tại sự kiện, được cho là do mối lo ngại về việc lời khai của ông ấy có thể ảnh hưởng như thế nào đó đến vụ kiện đang diễn ra với ông Musk.

Trong phiên điều trần này, ông Peiter Zatko, một Giám đốc điều hành về an ninh, người bị Twitter đã sa thải vào tháng 1, tuyên bố rằng an ninh tại nền tảng truyền thông mạng xã hội rất lỏng lẻo, và chỉ ra rằng ông và các nhân viên an ninh khác tại Twitter đã nhận được thông tin về việc ít nhất một nhân viên của Twitter đang là một nhân viên của Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc, cơ quan tình báo hàng đầu của chính quyền Trung Quốc.

Chuyên gia: Twitter cần Elon Musk nhiều hơn nhiều so với Elon Musk cần Twitter
Ông Peiter “Mudge” Zatko, cựu Giám đốc an ninh của Twitter, điều trần trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện về bảo mật dữ liệu tại Twitter, trên Đồi Capitol ở Washington, vào ngày 13/09/2022. Ông Zatko tuyên bố rằng các lỗi bảo mật phổ biến của Twitter gây ra rủi ro bảo mật đối với quyền riêng tư và thông tin của người dùng và có thể gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia. (Ảnh: Kevin Dietsch / Getty Images)

Ngoài những lo ngại trên, việc Twitter gần đây đã tạm thời chặn nội dung từ The Epoch Times, cấm cựu tổng thống Donald Trump vào tháng 01/2021, cấm tác giả James Lindsay vào tháng trước, ngăn chặn câu chuyện về máy tính xách tay Hunter Biden được New York Post đưa tin , và các biện pháp kiểm duyệt khác đã làm tổn hại danh tiếng của công ty và làm suy yếu giá trị của nó đến mức Twitter cần Elon Musk hơn nhiều so với ông Musk cần Twitter, các chuyên gia nói với The Epoch Times.

Một thỏa thuận đầy rắc rối

Elon Musk, Giám đốc điều hành đầy thú vị của Tesla và SpaceX, từ lâu đã là chủ đề của những tin đồn về một thương vụ mua lại đang được xem xét với nền tảng này. Twitter theo báo cáo có 396,5 triệu người dùng trên toàn cầu, một phần đáng kể trong tổng dân số 7,75 tỷ người của thế giới.

Vào ngày 14/04, ông Musk, khi đó là cổ đông lớn nhất của Twitter, đã chính thức đưa ra lời đề nghị mua lại nền tảng truyền thông mạng xã hội này với giá 44 tỷ USD, với lý do mong muốn khôi phục quyền tự do ngôn luận trên nền tảng này. Tuy nhiên, các dấu hiệu cho thấy thỏa thuận gặp rắc rối nghiêm trọng xuất hiện vào tháng 5, khi ông Musk gửi một dòng tweet nói rằng thỏa thuận đang tạm thời bị hoãn, do lo ngại về số lượng tài khoản spam (chương trình gửi nội dung tới nhiều người) hoặc "bot" (chương trình tự động) trên Twitter, và cổ phiếu của Twitter đã giảm giá trị hơn 10%.

Trước những tuyên bố từ Twitter rằng các tài khoản giả chỉ chiếm không quá 5% tổng số người dùng hoạt động hàng ngày có thể tạo ra tiền trên nền tảng, ông Musk đã yêu cầu Twitter tiến tới và tiết lộ cơ sở tính toán đằng sau các số liệu chính thức. Trong một tweet tiếp theo, ông Musk nói rằng ông “vẫn cam kết mua lại”, nhưng thỏa thuận được đề xuất không bao giờ lấy lại được động lực nó từng có trước đây. Vào tháng 7, có thông tin rằng ông Musk muốn rút khỏi thỏa thuận và Twitter đã nhanh chóng tiến hành hành động pháp lý, kiện ông Musk lên tòa án Delaware vì đã vi phạm thỏa thuận sáp nhập và bị cáo buộc có hành động thiếu thiện chí.

Ông Musk kể từ đó đã kiện ngược lại, cáo buộc Twitter đã trình bày sai số lượng bot và tài khoản spam trên nền tảng này. Một thẩm phán Delaware đã ra phán quyết vào tuần trước rằng ông Musk có thể bao gồm cả các tuyên bố của người tố giác Zatko trong vụ kiện chống lại Twitter. Vụ việc sẽ được đưa ra xét xử vào tháng 10.

Chuyên gia: Twitter cần Elon Musk nhiều hơn nhiều so với Elon Musk cần Twitter
Một màn hình điện thoại hiển thị logo Twitter trên nền trang Twitter, ở Washington, DC, vào ngày 26/04/ 2022. (Ảnh: OLIVIER DOULIERY / AFP qua Getty Images)

Kiểm duyệt và tài khoản giả mạo trên Twitter

Các chuyên gia nói rằng bản chất gây tranh cãi của các cuộc trao đổi giữa Twitter và ông Musk đã đầu độc môi trường cho việc sáp nhập, và mọi thứ đã trở nên tồi tệ hơn nhiều do hậu quả của những tiết lộ tại phiên điều trần của Ủy ban Tư pháp Thượng viện. Các chuyên gia lập luận rằng, thật thuận tiện khi đổ lỗi cho phiên điều trần công khai rộng rãi là thứ đã gây ra sự thận trọng của ông Musk trước thương vụ, nhưng nếu thỏa thuận không thành công, nó cũng sẽ là hậu quả của việc Twitter cấm phát ngôn không phổ biến.

“Không nghi ngờ gì khi các chính sách về quyền tự do ngôn luận của Twitter, hay có lẽ chính xác hơn là thiếu quyền tự do ngôn luận, đã làm giảm giá trị của Twitter cả về mặt tài chính và danh tiếng. Twitter chưa bao giờ thực sự minh bạch về các cách thức vận hành của nó và sự tín nhiệm của nó đã bị ảnh hưởng bởi sự thiên vị và đàn áp rõ ràng”, ông Jeffrey McCall, giáo sư truyền thông tại Đại học DePauw ở Greencastle, Indiana, nói với The Epoch Times.

Ông McCall và những người khác đã tin rằng, mặc dù về lý thuyết, nền tảng này tồn tại như một diễn đàn hoặc “quảng trường thành phố” nơi mọi người có thể thảo luận và tranh luận về các vấn đề, Twitter có vẻ hành động tùy tiện và chuyên quyền khi cấm các nguồn và nội dung đi ngược lại quan điểm và hệ tư tưởng của các giám đốc điều hành.

“Nói tóm lại, Twitter đã tạo ra cái gọi là diễn đàn công khai, sau đó cố gắng thao túng diễn đàn đó để ủng hộ các mục đích ý thức hệ một cách rõ ràng”, ông McCall tiếp tục.

Các chính sách về quyền tự do ngôn luận của trang web không phải là lý do duy nhất khiến thỏa thuận của ông Musk gặp rắc rối. Chúng chỉ là một phần của chuỗi tin xấu leo thang, điều có thể khiến ông Musk phải suy nghĩ lại khi nhận ra tính quản lý yếu kém của thực thể mà ông đã đề xuất mua.

Trong một đơn khiếu nại dài 84 trang được gửi đến các cơ quan quản lý vào tháng 7, ông Zatko nói rằng Twitter đã “nói dối về bot với Elon Musk”. Đơn khiếu nại nói rằng các giám đốc điều hành có rất ít động lực để thực hiện các phép đo chính xác về số lượng tài khoản giả mạo và chương trình tự động spam trên nền tảng, nói thêm rằng con số thực có lẽ "cao hơn một cách đáng kể" so với mức 5% do Twitter đưa ra.

“Những cáo buộc gần đây của người tố giác càng cho thấy một tổ chức đã khá lỏng lẻo trong việc quản lý các tài khoản giả mạo và thông tin sai lệch theo sau đó. Không có gì ngạc nhiên khi ông Musk muốn chấm dứt hợp đồng mua lại của mình. Twitter không có giá trị như những gì mọi người từng nghĩ, và việc giá cổ phiếu của Twitter giảm trong năm ngoái dường như ủng hộ quan điểm đó”, ông McCall nói.

Ông McCall tin rằng vấn đề ở đây không phải là các nỗ lực thúc đẩy các nguyên tắc cộng đồng hợp lý và các tiêu chuẩn thảo luận và tranh luận là nhất thiết sai, mà là Twitter đã quá mâu thuẫn và thiên vị trong việc áp dụng các giao thức thiếu rõ ràng.

“Có một số ví dụ đáng chú ý về việc Twitter đang cố gắng thay đổi lĩnh vực hùng biện [trên nền tảng], với câu chuyện của New York Post về Hunter Biden là một vấn đề quan trọng, cùng với các lệnh trừng phạt đối với ông Trump, trong khi đồng thời cho phép một loạt các phần tử cực đoan quốc tế hoạt động trên Twitter", ông McCall cho biết, ám chỉ quyết định của Twitter cho phép chế độ Bắc Triều Tiên sử dụng miễn phí một tài khoản.

“Tất nhiên, thế giới truyền thông mạng xã hội cần có trọng tài, nhưng Twitter và các trang mạng khác tiến hành việc thực thi chính sách có chọn lọc và ít giải thích về cách thức hoạt động của các cơ chế thực thi của họ”, ông nói thêm.

Chuyên gia: Twitter cần Elon Musk nhiều hơn nhiều so với Elon Musk cần Twitter
Hunter Biden đi bộ đến Marine One trên đường Ellipse bên ngoài Tòa Bạch Ốc ở Washington vào ngày 22/05/2021. (Ảnh: Brendan Smialowski / AFP qua Getty Images)

Ông McCall tin rằng, thay vì cố gắng phân loại các câu chuyện tin tức hợp pháp, như báo cáo của New York Post về máy tính xách tay của Hunter Biden, là nằm ngoài giới hạn, và thay vì cố gắng cấm các nhân vật chính trị đối lập như Donald Trump, Twitter nên làm tốt việc thực hiện một số tự kiểm điểm để hiểu rõ hơn lý do tại sao nó lại đang bị chao đảo.

“Twitter cần thực hiện một số hành động soi gương để tự đánh giá xem nó đã cho phép thương hiệu của mình giảm sút như thế nào. Là một thực thể tư nhân, nó có thể thao túng cuộc đối thoại công khai theo cách mà nó thích, nhưng công chúng không nhất thiết phải tôn trọng tổ chức này. Để xây dựng lại một số uy tín, Twitter cần phải công bố về cách những sai lầm trong quá khứ của nó đã xảy ra và giải thích cách nó sẽ điều chỉnh nền tảng với sự cân bằng hơn”, ông nói thêm.

Quan điểm của McCall phản ánh cái nhìn nhận được sự đồng thuận rộng rãi trong những người quan sát các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Ông John Pavlik, giáo sư nghiên cứu báo chí và truyền thông tại Rutgers, Đại học Bang New Jersey, nói với The Epoch Times rằng những tranh cãi gần đây và đang diễn ra đã nêu bật ra những câu hỏi về cách thức hoạt động của Twitter, danh tiếng của nó và tình trạng của quyền tự do ngôn luận trên nền tảng này. Cuối cùng, những tranh cãi có thể giúp thúc đẩy sự rõ ràng hơn về Twitter, nhưng không phải theo cách mà các giám đốc điều hành của công ty này có thể hy vọng.

“Những tiết lộ về vấn đề này sẽ giúp bất kỳ nhà đầu tư tiềm năng nào đưa ra quyết định sáng suốt hơn. Đó là một điều tốt. Ví dụ, hiểu thêm về bot hoặc phạm vi về các tài khoản hoặc tweet tự động là một chút thông tin có giá trị", ông Pavlik nói.

Đối với vụ kiện tụng của ông Musk và tình trạng của vụ sáp nhập có thể xảy ra, những rắc rối của Twitter còn lâu mới kết thúc, ông gợi ý.

“Đưa ra dự đoán hầu như luôn là một vấn đề khó khăn. Nhưng tôi sẽ mạo hiểm khi đề xuất rằng chúng ta có thể sẽ chứng kiến sự xem xét kỹ lưỡng hơn về Twitter và cách nó hoạt động trong những tuần tới. Sự minh bạch được cải thiện sẽ giúp tất cả các nhà đầu tư, Elon Musk hay bất kỳ ai khác, đưa ra quyết định tốt hơn liên quan đến Twitter và giá trị của nó”, ông Pavlik nói.

Ý kiến trái ngược về kiểm duyệt trên Twitter

Một quan điểm khác đến từ ông S. Shyam Sundar, giáo sư nghiên cứu truyền thông và Giám đốc Hiệp hội Trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm với xã hội tại Đại học Bang Pennsylvania. Sundar không tin rằng Twitter nhất thiết đã hành động thiếu thiện chí khi cố gắng thực thi các quy định về phát biểu và thảo luận, nhưng ngay cả như vậy, những nỗ lực này không nhất thiết phục vụ lợi ích của những người mua lại tiềm năng.

“Tôi không chắc liệu việc hạn chế tự do ngôn luận và kêu gọi minh bạch hoạt động có làm tổn hại đến uy tín của Twitter hay không, bởi vì những biện pháp này hướng tới việc đảm bảo một môi trường mạnh mẽ hơn và ít độc hại hơn. Về lâu dài, họ thực sự có thể cải thiện chất lượng ngôn từ trên nền tảng và làm cho nó được tôn trọng rộng rãi hơn”, ông Sundar nói.

“Tuy nhiên, những hạn chế này khiến Twitter trở thành mục tiêu mua lại ít được mong muốn hơn đối với những người muốn chuyển nó thành nền tảng công khai của họ và tung ra phiên bản sự thật của riêng họ, đầy những phóng đại và thông tin sai lệch", ông nói thêm.

Ông Sundar lập luận rằng vô số vấn đề xung quanh quyền tự do ngôn luận trên nền tảng và các cơ chế quản lý xung đột của châu Âu và các khu vực khác trên thế giới có thể là hơi quá nhiều đối với ông Musk và đã khiến ông Musk phải suy nghĩ lại về việc thực thi thỏa thuận.

“Có vẻ như ông Musk đã không hiểu toàn bộ về sự vận hành hoặc những thách thức của Twitter khi ông ấy đưa ra giá mua lại ban đầu. Khi tìm hiểu thêm, ông ấy nhận ra rằng Twitter không phải là dành cho tất cả, mà có những quy tắc và chính sách cần phải tuân theo và những quy định hạn chế hơn sẽ có trong tương lai, đặc biệt là từ châu Âu. Nếu ông ấy không hợp tác với các cơ quan quản lý ở các nơi khác trên thế giới, thị phần của Twitter sẽ giảm đi nhanh chóng. Ông ấy có lẽ đã quyết định rằng điều đó không xứng với những rắc rối", ông Sundar nói.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Bảo Nguyên

Theo Michael Washburn - The Epoch Times

Tác giả Michael Washburn là một phóng viên ở New York chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Mỹ và Trung Quốc. Ông có nền tảng về báo chí pháp lý và tài chính, đồng thời cũng viết về nghệ thuật và văn hóa. Ngoài ra, anh ấy còn là người dẫn chương trình podcast hàng tuần Reading the Globe (Đọc Trái đất). Các cuốn sách của ông bao gồm “Những câu chuyện đã được nhổ bật gốc rễ và những câu chuyện khác” (The Uprooted and Other Stories), “Khi chúng ta trưởng thành” (When We're Grownups) và “Người lạ, người lạ” (Stranger, Stranger).



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Twitter cần Elon Musk nhiều hơn nhiều so với Elon Musk cần Twitter