Có khi nào biển lửa Toà thị chính Kazakhstan sẽ thắp lửa trong tim người Trung Quốc?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kazakhstan - quốc gia tiểu nhược giàu tài nguyên - kẹp giữa Trung Quốc và Nga, đang chìm trong hỗn loạn vì biểu tình phản đối chính quyền chuyên chế, tham nhũng, lờ đi mọi vấn đề môi trường khi bán tài nguyên cho Trung Quốc. Với dòng tiền khổng lồ từ bẫy nợ ‘Vành đai - Con đường’ đã đổ vào Kazakhstan, Bắc Kinh ủng hộ chính quyền láng giềng đàn áp người biểu tình. Dòng tiền của chế độ Bắc Kinh tới đâu, thế giới bị đầu độc và hỗn loạn tới đó. Nhưng có khi nào, biển lửa ở toà thị chính Kazakhstan sẽ tiếp thêm nguồn sáng mạnh mẽ hơn cho người Trung Quốc?

Toà thị chính Kazakhstan chìm trong biển lửa

Khi tòa thị chính ở Almaty, thành phố lớn nhất của Kazakhstan, chìm trong biển lửa và những người biểu tình kéo tượng Tổng thống đầu tiên của đất nước Nursultan Nazarbayev xuống. Hình ảnh của đất nước thời hậu Xô Viết như một ngọn hải đăng về sự ổn định trong khu vực đầy biến động đã tan rã.

Ở Kazakhstan ít khi xảy ra biểu tình, và năm mới là thời điểm khó có thể biểu tình hơn vì mọi người tận dụng những ngày nghỉ lễ để ở bên gia đình và nhiệt độ vào ban đêm có thể giảm xuống dưới 0 độ.

Tuy nhiên, năm nay, ngày 2/1/2022 đánh dấu sự khởi đầu của các cuộc biểu tình lớn nhất ở Kazakhstan kể từ khi đất nước độc lập vào năm 1991.

Ngày hôm đó, một cuộc biểu tình đã diễn ra ở thị trấn phía tây Zhanaozen phản đối việc tăng gấp đôi giá khí hóa lỏng (LPG), loại khí mà hầu hết người Kazakhstan sử dụng làm nhiên liệu ô tô.

Trong những ngày tiếp theo, các cuộc biểu tình đã kéo dài đến các thị trấn và làng mạc khác của Kazakhstan - gây ra cuộc biểu tình lan rộng nhất về mặt địa lý trong lịch sử đất nước này - và có thêm nhiều bất bình hơn.

Kể từ khi giành được độc lập, Kazakhstan là một trong số ít những câu chuyện thành công của quá trình chuyển đổi thời hậu Xô Viết. Giàu tài nguyên thiên nhiên, bao gồm dầu mỏ, khí đốt, đồng, than đá và uranium, và với mật độ dân số thấp nhất trên thế giới, đất nước này đã có vị trí thuận lợi để phát triển mà không cần đến sự bảo trợ của Liên Xô trước đây.

Tuy nhiên chính phủ đã cắt giảm các quyền tự do cá nhân và quyền công dân. Các nhà báo và các đối thủ chính trị đã bị im lặng hoặc bỏ tù, trong khi chính phủ tiến hành các chiến dịch bôi nhọ những người chỉ trích mình, sử dụng biện pháp giam giữ tùy tiện và sử dụng Interpol để truy lùng những người rời bỏ đất nước.

Marius Fossum, một đại diện khu vực của Ủy ban Helsinki Na Uy có trụ sở tại Almaty cho biết: “Giá nhiên liệu là chất xúc tác gây ra nhiều cuộc biểu tình phản đối của quần chúng về những bất bình kéo dài ở một đất nước chìm trong tham nhũng, thiếu sự lựa chọn chính trị và quyền tự do dân sự và là nơi người dân thường phải vật lộn để kiếm sống trong khi tầng lớp thượng lưu có cuộc sống xa hoa”.

“Các nhóm nhân quyền đã cảnh báo về những diễn biến như vậy trong nhiều năm - cuộc khủng hoảng này một phần là do chế độ này tiếp tục không lắng nghe và giải quyết những bất bình chính đáng của người dân.

“Ngược lại, chế độ đã đàn áp quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp ôn hòa và đã đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến, dẫn đến một loại tình trạng căng thẳng trong nước”.

Đặc biệt, sự bất bình đối với những hiện diện thường xuyên của Trung Quốc, nhất là với dự án Vành đai và Con đường (BRI) cũng đang chia rẽ đất nước này.

Những quốc gia chuyên chế, chính phủ tham nhũng luôn thích ‘Vành đai- Con đường’: Kazakhstan cũng thế

Thông qua Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, Bắc Kinh đang tìm cách dưới chiêu bài hồi sinh Con đường Tơ lụa Hiện đại hóa để truyền bá ảnh hưởng của Trung Quốc tại các quốc gia tham gia sáng kiến, bao gồm một mạng lưới giao thông và hậu cần, năng lượng, thương mại và tài chính rộng lớn.

Trung Quốc đang tìm cách thay thế vị trí bá chủ của Mỹ trong không gian địa chính trị toàn cầu bằng cách lôi kéo càng nhiều quốc gia Á-Âu và các lục địa khác vào quỹ đạo của mình thông qua các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn.

Các khoản đầu tư nhiều tỷ USD của Trung Quốc vào các dự án kinh tế trên lãnh thổ của các nước Vành đai và Con đường sẽ tăng cường sự phụ thuộc kinh tế và chính trị của họ vào Bắc Kinh, và một số nước này phải đối mặt với viễn cảnh trở thành vệ tinh của Trung Quốc khi phải đồng ý với sự hiện diện của lực lượng quân sự Trung Quốc dọc theo các tuyến đường vận chuyển để đảm bảo an ninh cho cơ sở hạ tầng đã được thiết lập.

Tuy nhiên, chính phủ Kazakhstan vẫn tin rằng hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc trong khuôn khổ BRI mang lại nhiều lợi thế và cuối cùng sẽ làm tăng ý nghĩa địa chính trị của toàn bộ khu vực Trung Á.

Đánh giá này phù hợp với quan điểm của Tổng thống thứ nhất Elbasy Nursultan Nazarbayev, người đã nhiều lần lưu ý rằng Kazakhstan là quốc gia đầu tiên và chủ chốt của Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa, một loại cửa ngõ địa kinh tế của Trung Quốc với phương Tây.

Ở cấp cao nhất, hai nước đã xác định các phương hướng làm việc chung về lồng ghép chương trình “Nurly Zhol” của Kazakhstan với Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường. Sự hài hòa của Nurly Zhol và BRI được xác định bởi thực tế là cả hai siêu dự án đều ưu tiên giao thông, hậu cần, công nghiệp, năng lượng, xuất khẩu nông sản, nhà ở, cơ sở hạ tầng xã, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đặc biệt quan trọng đối với Kazakhstan là việc tạo ra các hành lang vận tải “Trung Quốc - Kazakhstan - Nga - Tây Âu”, “Trung Quốc - Kazakhstan - Tây Á”, “Trung Quốc - Kazakhstan - Nam Caucasus / Thổ Nhĩ Kỳ - Châu Âu” trong BRI.

Mô hình Trung Quốc xuất khẩu thành công sang Trung Á với bàn đạp là Kazakhstan

Kể từ khi Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) được công bố vào năm 2013, sự hiện diện kinh tế, địa chính trị và kinh doanh ngày càng mở rộng của Trung Quốc trên khắp thế giới đã thể hiện rằng nước này muốn đóng một vai trò quan trọng hơn trong hệ thống quản trị và luật pháp quốc tế, đặc biệt, Trung Á và Kazakhstan có liên quan chiến lược với BRI.

Trái ngược với phương Tây, mô hình của Trung Quốc tập trung vào tăng cường tăng trưởng kinh tế nhưng ít chú ý đến những cải cách thị trường, tự do ngôn luận, quản trị tốt, và minh bạch trong khu vực. Họ xem những lời kêu gọi cho các nguyên tắc này là tạo khả năng gây hại và phá hoại đối với hiện trạng chính trị hiện có.

Trung Quốc, mạnh hơn về kinh tế, là một trong những nhà đầu tư và đối tác thương mại nổi bật nhất ở Trung Á. Sự can dự kinh tế sâu rộng này cho phép Bắc Kinh gây một số áp lực lên các chính phủ Trung Á để làm đồng minh với các kế hoạch và chính sách của mình.

Giống như Trung Quốc, các nước Trung Á, ở một mức độ lớn, là các quốc gia độc tài. Họ chia sẻ các giá trị chính trị tương tự và tìm cách bảo vệ mình khỏi những chỉ trích về quyền con người và nhân quyền cũng như lời kêu gọi cải cách chính trị mà họ thường gán cho là can thiệp vào các vấn đề đối nội.

Đối với các chính phủ Trung Á, bao gồm Kazakhstan, Bắc Kinh và mô hình kinh tế thị trường do nhà nước thúc đẩy, với xã hội dân sự yếu kém và quyền bá chủ chính trị của một đảng cầm quyền duy nhất, là một điểm tham chiếu mạnh mẽ giúp bảo vệ tính hợp pháp của chế độ.

Mặc dù BRI có khả năng cải thiện cơ sở hạ tầng vật chất ở Trung Á, nhưng BRI ít chú ý đến nhu cầu ngày càng tăng để giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội và thể chế, bao gồm môi trường tốt hơn, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, xã hội dân sự, bình đẳng và pháp quyền.

Bất chấp lo ngại của các nhà đầu tư Trung Quốc về quy định yếu kém và tham nhũng cao ở Trung Á, một số học giả cho rằng mức độ tham nhũng cao và cơ quan hành pháp không đủ kiểm tra sẽ tạo ra ít ràng buộc dân chủ hơn cho Trung Quốc trong việc đạt được các mục tiêu chính sách của mình.

Để bảo vệ các công ty của mình và khuyến khích đầu tư theo BRI, chính phủ Trung Quốc muốn dựa vào các cuộc đàm phán kín và các mối quan hệ chính trị và tài chính với giới lãnh đạo của các nước chủ nhà. Sự thành công hay thất bại của các khoản đầu tư của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến quan hệ chính trị song phương và dòng vốn từ Trung Quốc trong tương lai.

Kể từ những năm 1990, nhiều khía cạnh trong quan hệ Trung Quốc - Kazakhstan, bao gồm biên giới chung, thương mại và tài nguyên dầu khí, đã bị bàn kín không để công chúng xem xét. Việc không công bố thông tin công khai đã trở thành một trong những mối quan tâm chính của người dân Kazakhstan, dẫn đến tranh cãi về bản chất không rõ ràng trong các giao dịch của chính quyền địa phương với Trung Quốc.

Sự phẫn nộ của người Kazakhstan trước sự bành trướng, vơ vét tài nguyên tham lam của Trung Quốc

Ngày 27/3/2021, hàng nghìn người Kazakhstan đã tham gia các cuộc tuần hành phản đối ở các thành phố như Almaty, Nur-Sultan, Oral, Shymkent và Aqtobe, đồng thời tố cáo sự gia tăng ảnh hưởng và sức mạnh kinh tế của Trung Quốc tại quốc gia Trung Á này.

Họ nêu ra các khẩu hiệu chống lại chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc và việc bắt giam hàng loạt thành viên của các cộng đồng nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ bản địa ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc, bao gồm cả người Kazakhstan và người Duy Ngô Nhĩ.

Trên thực tế, trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Astana (nay được gọi là Nur-Sultan) vào tháng 9/2013, BRI đã được đưa ra và cùng với đó là việc Bắc Kinh bắt đầu khai thác Kazakhstan.

Nhân danh cơ sở hạ tầng, Trung Quốc đầu tư mạnh vào phát triển các tuyến đường sắt, sân bay, đường bộ và các dự án điện. Tuy nhiên, trong tổng số 56 dự án mà Trung Quốc đã bơm tiền, gần một nửa trong số đó là các dự án dầu khí.

Các chuyên gia cho rằng ý định thực sự của Trung Quốc ở Kazakhstan chưa bao giờ là để cải thiện điều kiện kinh tế của quốc gia Trung Á này bằng cách phát triển cơ sở hạ tầng.

Thay vào đó, mục tiêu duy nhất của Trung Quốc là khai thác tối đa dầu và khí đốt từ nước láng giềng phía nam của mình và thỏa mãn cơn đói ngày càng gia tăng về năng lượng và khoáng sản.

Kazakhstan có trữ lượng uranium lớn thứ hai thế giới sau Australia.

Dưới cái gọi là mô hình phát triển BRI, Trung Quốc tập trung vào tăng trưởng và thịnh vượng của chính mình hơn là cho các nước đối tác. Người Kazakhstan tức giận vì Bắc Kinh không cho người dân địa phương tham gia vào các dự án ngay cả khi họ đang làm việc bên ngoài lãnh thổ của họ.

Hầu hết các công việc cổ trắng và xanh được giao cho người Trung Quốc đưa từ biên giới sang.

Ngay cả những người đã có việc làm trong các nhà máy Trung Quốc cũng đang nhận được mức lương thấp hơn nhiều so với đồng nghiệp Trung Quốc của họ.

Họ cũng rất thất vọng về những hiểm họa môi trường mà các dự án do Trung Quốc dẫn dắt đang gây ra cho đất nước của họ. Người dân địa phương cho biết chỉ riêng tại thành phố Zhanaozen giàu dầu mỏ, hàng chục công ty Trung Quốc đang vận hành các nhà máy lỗi thời và gây ô nhiễm.

Người Kazakhstan khó chịu vì chính phủ của họ không xem xét những mưu toan của Trung Quốc một cách trọng yếu ngay cả khi quốc gia này đang tham gia vào việc khai thác tài nguyên của đất nước họ và làm tổn hại nền văn hóa của họ.

Họ coi tham nhũng và thói quen hối lộ chính quyền của người Trung Quốc là nguyên nhân chính dẫn đến vụ việc, đã để lại dấu ấn khó phai mờ trong ký ức người dân địa phương.

Những người nhập cư Trung Quốc đang di chuyển đến đất nước của họ theo từng đám và buộc người dân địa phương phải bán đất cho họ với giá thấp.

Do đó, người Kazakhstan đã nói rằng nếu chính phủ của họ không có hành động có ý nghĩa đối với những người Trung Quốc đang bị cho là phá hủy đất nước xinh đẹp của họ, họ sẽ nêu vấn đề này tại nhiều diễn đàn quốc tế khác nhau.

Các chuyên gia cho rằng ngày mà Kazakhstan biến thành Myanmar không còn xa nữa khi sự bất mãn ngày càng gia tăng.

Bởi thế, Trung Quốc đã khuyến khích chính phủ Kazakhstan đàn áp người biểu tình

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Wang Wenbin cho biết Trung Quốc sẽ hỗ trợ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải - một khối an ninh bao gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Pakistan và 4 quốc gia Trung Á khác - đóng vai trò giải quyết cuộc khủng hoảng.

Trung Quốc đã đầu tư hơn 17 tỷ USD vào các dự án ở Kazakhstan, theo Công cụ Theo dõi Đầu tư Toàn cầu Trung Quốc của Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ. Trong 10 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và Kazakhstan đạt 20,8 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, Jiang Wei, Tổng lãnh sự của nước này tại Almaty, nói với hãng tin nhà nước Tân Hoa xã hôm Chủ nhật (2/1).

Jiang cũng cho biết Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Kazakhstan và lần đầu tiên trở thành điểm đến xuất khẩu lớn nhất của nước này vào năm ngoái.

Vì vậy, Trung Quốc sẵn sàng tăng cường hợp tác "thực thi pháp luật và an ninh" với nước láng giềng Kazakhstan và giúp người biểu tình nhân danh chống lại sự can thiệp của "các thế lực bên ngoài", Ngoại trưởng Trung Quốc cho biết hôm thứ Hai (10/1), sau các cuộc biểu tình bạo lực ở quốc gia Trung Á này.

Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc lo ngại sự bất ổn ở nước láng giềng có thể đe dọa nhập khẩu năng lượng và các dự án Vành đai và Con đường ở đó cũng như an ninh ở khu vực phía tây Tân Cương, nơi có đường biên giới dài 1.770 km (1.110 dặm) với Kazakhstan.

Yang Jin, thành viên nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nga, Đông Âu và Trung Á thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết tình trạng bất ổn là mối đe dọa đối với các khoản đầu tư của Trung Quốc, ít nhất là trong ngắn hạn : "Nếu tình hình bất ổn tiếp tục mở rộng, sẽ có nhiều tác động và mối đe dọa hơn. Chúng ta phải cảnh giác với các dự án của mình với Kazakhstan, chẳng hạn như cơ sở hạ tầng đường ống dẫn dầu và khí đốt và các dự án lớn khác có thể bị phá hủy".

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ Sáu (7/1) nói với Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev rằng : "Trung Quốc sẵn sàng cung cấp hỗ trợ cần thiết cho Kazakhstan để giúp Kazakhstan vượt qua khó khăn. Bất kể rủi ro và thách thức gặp phải, Trung Quốc là người bạn và đối tác đáng tin cậy của Kazakhstan". Trung Quốc kiên quyết phản đối bất kỳ lực lượng nước ngoài nào gây bất ổn cho Kazakhstan và sắp đặt một "cuộc cách mạng màu", hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã cho biết.

Trung Quốc và Nga tin rằng "các cuộc cách mạng màu" là các cuộc nổi dậy do Hoa Kỳ và các cường quốc phương Tây khác xúi giục nhằm thay đổi chế độ.

Li Mingjiang, phó giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết: “Nếu một cuộc cách mạng màu ở một quốc gia gần đó dẫn đến dân chủ hóa chính trị, nó có thể khuyến khích tầng lớp trí thức theo khuynh hướng tự do ở Trung Quốc thử một điều gì đó tương tự”.

Có khi nào, biển lửa toà thị chính ở Kazakhstan sẽ thắp lửa trong trái tim người Trung Quốc thiện lương và còn đầy khát vọng? Có thể, nếu nền dân chủ hóa chính trị của Kazakhstan thành công. Có lẽ đây mới là lý do lớn hơn cả lợi ích từ BRI khiến Bắc Kinh vội vã khuyến khích chính quyền Kazakhstan đàn áp người biểu tình, đàn áp ngôn luận.

Câu chuyện của Kazakhstan cho thấy một minh chứng sinh động nữa cho nhận định: dòng tiền của Bắc Kinh đi tới đâu, thế giới bị đầu độc và bất ổn tới đó.

Thuỷ Tiên

NGUỒN TIN THAM KHẢO

  1. https://astanatimes.com/2020/06/chinas-belt-and-road-initiative-kazakhstan-and-geopolitics/
  2. https://thediplomat.com/2020/07/how-is-chinas-belt-and-road-changing-central-asia/
  3. https://www.aljazeera.com/news/2022/1/5/explainer-what-is-behind-the-protests-rocking-kazakhstan
  4. https://finance.yahoo.com/news/xi-jinping-sends-message-support-093000449.html?fr=sycsrp_catchall
  5. https://finance.yahoo.com/news/china-offers-kazakhstan-security-support-104051181.html
  6. https://www.msn.com/en-ae/news/world/what-is-happening-in-kazakhstan-and-why-are-people-protesting/ar-AASsRp6
  7. https://thetaiwantimes.com/anti-chinese-sentiment-grips-kazakhstan-kyrgyzstan-bri-plans-in-limbo/

 



BÀI CHỌN LỌC

Có khi nào biển lửa Toà thị chính Kazakhstan sẽ thắp lửa trong tim người Trung Quốc?