Có nên đánh giá các trường đại học dựa trên hiệu quả kinh tế?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tư tưởng của Thánh Newman, người đã qua đời hơn một thế kỷ, về giáo dục bậc cao vẫn tiếp tục soi sáng cho giới hàn lâm hiện nay. Tại sao một người đề cao sự thuần khiết của việc học tập lại có ảnh hưởng lớn tới hệ thống giáo dục bậc cao hiện nay - vốn đang chìm trong xu thế chung của xã hội kim tiền?

Vào tối ngày 14/04/1912, cô Marion Wright tới từ Somerset (Vương quốc Anh) đã hát một bài thánh ca trong buổi lễ tôn giáo diễn ra trên một con tàu hơi nước đang hướng về New York. Bài thánh ca được trích từ bài thơ của John Henry Newman, "Cột trụ làm bằng những đám mây" (The Pillar of the Cloud).

Dẫn đầu, Ánh sáng tốt bụng, giữa bóng tối bao trùm,

Hãy dẫn tôi đi!

Đêm tối, và tôi xa nhà

Hãy dẫn tôi đi!

Những lời này giống như những lời tiên tri một cách kỳ lạ. Ngay khi cô Marion hát xong, tàu Titanic đã va phải một tảng băng trôi.

Ngày nay, các trường đại học đang vật lộn trong “bóng tối bao trùm”, và có những lúc có vẻ như các trường đại học đang sắp va phải một tảng băng trôi.

Liệu những suy nghĩ của Thánh John Henry Newman, người đã qua đời hơn một thế kỷ, có thể cung cấp cho các trường đại học lời khuyên định hướng nào không? Nhìn bề ngoài, đây có vẻ là một câu hỏi kỳ lạ.

Cách nhìn của Thánh Newman về sự thuần khiết của việc học, rằng việc học chỉ vì mục đích tự thân của nó, có vẻ không liên quan gì lắm tới những vấn đề hiện nay trong các trường đại học. Tuy nhiên, thực tế mọi cuốn sách viết về giáo dục bậc cao đều trích dẫn lời ông. Điều gì khiến tư tưởng của ông tồn tại lâu như thế?

Tư tưởng về giáo dục bậc cao của Thánh Newman

Cuốn sách nổi tiếng của Thánh Newman, "Ý tưởng về một trường đại học" (The Idea of a University), bắt đầu bằng một loạt bài giảng của ông ở Dublin (Ireland) vào năm 1852.

Thánh Newman tin rằng các trường đại học không nên dạy các kỹ năng việc làm thực tế. Điều này không được đồng tình bởi các bậc cha mẹ vốn lo lắng về cách con cái họ sẽ tự nuôi bản thân.

Ông công kích cái nhìn thực dụng về giáo dục - vốn coi trọng các thành quả thực tế của trường đại học: những sinh viên tốt nghiệp sẵn sàng cho công việc, các khám phá khoa học và các ý tưởng khởi nghiệp. Ông không phủ nhận giá trị của những thứ này, nhưng ông xem chúng chỉ là thứ yếu.

Đối với Thánh Newman, mục đích thực sự của một trường đại học là đào tạo những “quý ông”, những người “nâng cao tầm hiểu biết của xã hội” (phụ nữ không được ông nhắc đến).

Trường đại học theo ý tưởng của ông sẽ bãi bỏ việc học một cách thực dụng, cấm việc nghiên cứu của các học viện riêng biệt và cho phép đạo Công giáo được giảng dạy ở tất cả các môn học.

Giới hàn lâm ngày nay theo đuổi rất ít các giá trị như của Thánh Newman. Ví dụ, họ không coi tôn giáo là trọng tâm của việc giảng dạy, họ sẽ không bao giờ loại bỏ các khóa học chuyên môn, và họ tin chắc rằng nghiên cứu là quan trọng đối với một trường đại học. Tuy nhiên, giới hàn lâm vẫn tiếp tục tham khảo các lời khuyên của Thánh Newman về sứ mệnh và các biện pháp thực tế cho giáo dục bậc cao trong thế kỷ 21.

Giáo dục bậc cao trong thời đại kim tiền

Chúng ta đang sống trong thời đại mà mọi thứ được đo lường bằng tiền bạc, bao gồm cả giáo dục bậc cao. Muốn kiếm sống tốt? Bạn đã tham khảo khóa học của chúng tôi về quản lý sân gôn chưa? Thế còn khoa học lướt sóng? Quan tâm đến một nghề nghiệp thời thượng? Không vấn đề gì! Các trường đại học rất chú trọng theo đuổi các mốt thời thượng.

Thánh Newman là một trong những người đầu tiên nhìn thấy mọi thứ đang diễn ra như thế nào:

“[Một số vĩ nhân] lập luận như thể mọi thứ, và mọi người, đều có giá của nó; và khi đã bỏ ra một chi phí lớn, họ có quyền mong đợi sự đáp trả tương xứng… Với nguyên tắc cơ bản này, họ rất dễ dàng đặt câu hỏi, người ta nhận được gì khi bỏ ra chi phí cho một trường đại học. Giá trị thực tế trên thị trường của cái được gọi là "Giáo dục Khai phóng" là gì, trong khi nó rõ ràng không dạy chúng ta cách cải tiến việc sản xuất của chúng ta, hoặc cải thiện đất đai của chúng ta, hoặc cải thiện nền kinh tế dân sự của chúng ta".

Nhưng ngay cả Thánh Newman cũng không thể đoán trước được lối suy nghĩ đó sẽ đi xa đến mức nào. Từng được biện minh bởi mong muốn hiểu biết về thế giới và vị trí của con người trong đó, giờ đây chúng ta đánh giá nghiên cứu khoa học qua “tác động” thương mại của nó.

Nghệ thuật và khoa học nhân văn từng phục vụ sự phát triển của tinh thần con người. Trong thời đại tiền tệ, chúng đã trở thành các kế hoạch kinh doanh cho “các ngành công nghiệp sáng tạo”, được đánh giá bằng lợi nhuận mà chúng tạo ra.

Có nên đánh giá các trường đại học dựa trên hiệu quả kinh tế?, Tư tưởng của Thánh Newman về giáo dục bậc cao vẫn tiếp tục soi sáng cho giới hàn lâm hiện nay, giáo dục bậc cao trong thời đại kim tiền
Kính và các vật dụng cá nhân của Đức Hồng Y John Henry Newman nằm trên bàn viết của ông trong khu sinh hoạt của ông, không được chạm tới kể từ khi ông qua đời vào năm 1890, được thấy ở Birmingham, Anh, ngày 11/08/2010. (Ảnh: Christopher Furlong / Getty Images)

Để phục vụ cho ước muốn dễ dàng kiếm được tiền, không có gì ngạc nhiên khi các trường đại học tiếp thị các khóa học của họ bằng cách khoe khoang về số tiền mà các sinh viên tốt nghiệp của họ kiếm được. Không chỉ các trường đại học và sinh viên là coi trọng mặt tài chính của giáo dục; chính quyền Úc cũng vậy.

Theo các báo cáo về ngân sách liên bang của Úc, mục đích của các trường đại học là “phát triển nền kinh tế dựa trên tri thức", cứ như thể ở đâu đó trên trái đất, tồn tại một nền kinh tế dựa trên sự thiếu hiểu biết.

Một số trường đại học đã tìm cách tính toán "giá trị" chính xác của họ quy ra tiền. Theo KPMG, một công ty kế toán, mỗi đô la chi tiêu cho giáo dục bậc cao tạo ra lợi nhuận 15%, điều này làm cho mọi người trong xã hội đều trở nên khá giả hơn. Nghe có vẻ kỳ diệu.

Không nên đánh giá thành quả giáo dục dựa trên khía cạnh kinh tế

Thật không may, như Alison Wolf đã cho thấy trong cuốn sách của bà: “Giáo dục có quan trọng không?”, không tồn tại một mối quan hệ đơn giản, trực tiếp giữa mức độ giáo dục trong một xã hội và tốc độ tăng trưởng trong tương lai của nó.

Thụy Sĩ là một quốc gia giàu có, nhưng nước này đầu tư vào giáo dục bậc cao với tỷ lệ thấp hơn so với Ba Lan. Pháp, một quốc gia phát triển, đầu tư ít hơn Chile, một quốc gia đang phát triển. Vương quốc Anh là nơi có nhiều trường đại học hàng đầu thế giới, nhưng nền kinh tế của nước này đang chịu nhiều áp lực.

Đánh giá giá trị của các trường đại học theo đóng góp của họ vào GDP là cái mà các nhà triết học gọi là “lỗi phạm trù”. Tất nhiên, các trường đại học có đóng góp vào nền kinh tế; giống như Shakespeare vậy. Khách du lịch đến thị trấn Stratford-upon-Avon - quê hương của Shakespeare - chi hàng triệu USD mỗi năm cho phòng khách sạn, bữa ăn và cốc cà phê có chứa những câu trích dẫn từ Hamlet. Số rượu được bán tại Nhà hát Globe (nhà hát vinh danh Shakespeare) lên tới hơn một trăm nghìn USD. Chúng ta có nên kết luận rằng Shakespeare có giá trị vì ông ấy giúp bán sách, cốc cà phê và rượu không? Dĩ nhiên là không.

Câu nói của Oscar Wilde nên được nhắc lại: chúng ta dường như biết giá cả của mọi thứ nhưng lại không biết được giá trị của bất cứ thứ gì.

Thánh Newman vẫn được chú ý đến bởi vì ông đã phản đối một cách hùng hồn ý tưởng rằng chúng ta nên đo lường giáo dục bậc cao qua khía cạnh tài chính. Thay vào đó, ông ủng hộ một mục đích cao hơn: “Đào tạo đại học là phương tiện thông thường lý tưởng để đạt được một mục đích tuyệt vời nhưng bình thường; nó nhằm mục đích nâng cao trình độ dân trí của xã hội, trau dồi tâm trí công chúng,... và tinh chỉnh những giao thiệp trong cuộc sống riêng tư".

Chúng ta có thể nhận thấy điều đó mà không cần những lời của Thánh Newman. Các nghiên cứu được thực hiện cẩn thận đã phát hiện ra rằng sinh viên tốt nghiệp đại học có nhiều khả năng tham gia bỏ phiếu hơn những người không tốt nghiệp ở các quốc gia không bắt buộc bỏ phiếu, ít phạm tội hơn và có nhiều khả năng tình nguyện tham gia vào các cuộc tranh luận công khai hơn. Họ cũng khoan dung hơn với người thiểu số và người di cư so với người dân bình thường.

Các trường đại học đã hạ thấp giá trị và giảm bớt công việc của họ khi hiểu mục tiêu của họ chỉ là kiếm tiền. Đó là lý do tại sao tư tưởng của Thánh Newman vẫn phổ biến.

Các trường đại học không nên chỉ dừng ở kỹ năng nghề nghiệp

Dù có tài hùng biện, Thánh Newman đã sai về vấn đề kiến ​​thức thực tế. Các trường đại học có quyền quan tâm đến việc chuẩn bị cho sinh viên để làm việc được trả lương — một sự nghiệp viên mãn là một phần của một cuộc sống tốt đẹp.

Nhưng có một vấn đề; những kỹ năng cần thiết cho công việc hiện nay không hẳn là những kỹ năng mà xã hội sẽ cần trong tương lai. Lứa sinh viên rời trường đại học năm nay sẽ nghỉ hưu vào khoảng năm 2065. Chúng ta không biết thế giới sẽ như thế nào vào năm kế tiếp, chứ chưa nói đến năm 2065.

Để chuẩn bị cho sinh viên tốt nghiệp trước một tương lai luôn thay đổi, các trường đại học cần phải làm nhiều hơn việc dạy sinh viên một bộ kỹ năng nghề hạn hẹp. Các trường đại học cần giúp sinh viên tốt nghiệp phát triển các phẩm chất cho phép sinh viên tiếp tục học tập sau này.

Theo cách nói của Thánh Newman, mục tiêu của giáo dục bậc cao là:

“Mở rộng tâm trí, để sửa chữa nó, để tinh chỉnh nó, cho phép nó biết, và hiểu thấu, nắm vững, làm chủ và sử dụng kiến ​​thức, cho nó sức mạnh làm chủ các năng lực của chính nó, khả năng ứng dụng, tính linh hoạt, các phương pháp, độ chính xác cao, sự thông minh, tài nguyên, cách nói năng, cách diễn đạt hùng hồn".

Trái ngược với các kỹ năng liên quan đến công việc, các kỹ năng của Thánh Newman không bao giờ trở nên lỗi thời.

Các trường đại học cần tìm lại linh hồn đã mất

Các trường đại học đã không hoàn thành trách nhiệm của họ đối với sinh viên khi chỉ tập trung vào tiền. Nếu các trường đại học thực hiện đúng công việc của họ, sinh viên tốt nghiệp sẽ có được nhiều hơn những kỹ năng công việc. Họ hiểu về bản thân họ. Họ biết được những gì họ cho là cần thiết và những gì là tầm thường; họ biết được những gì là đáng chế nhạo và những gì là quan trọng, cần sống cho điều gì và chết cho điều gì.

Thật không may, giáo dục bậc cao đã mất đi nhiều thứ trong thời đại kim tiền. Một số nhà văn hiện đại cho rằng giáo dục đã đánh mất linh hồn. “Linh hồn đã mất của giáo dục bậc cao" (The Lost Soul of Higher Education) của Ellen Schrecker và "Tài năng thiếu đi linh hồn" (Excellence Without a Soul) của Harry R. Lewis là hai ví dụ gần đây. Tác giả chưa từng nghe thấy bất kỳ đồng nghiệp hàn lâm nào nói đến từ linh hồn, ít nhất trong bối cảnh liên quan tới việc học ở trường đại học.

Tuy nhiên, linh hồn là từ rất chính xác. Các trường đại học của chúng ta đã thực hiện một giao dịch như của Faust (một nhân vật hư cấu trong một vở kịch của Goethe, người đã bán linh hồn của mình cho quỷ dữ) và đánh đổi linh hồn để lấy tiền. Các giao dịch như vậy hiếm khi trở thành đôi bên cùng có lợi.

Vẫn chưa muộn để xoay chuyển tình thế; Thánh Newman đã chỉ ra con đường để các trường đại học lấy lại linh hồn.

Trường đại học của ông có thể thất bại, và thái độ của ông đối với nghiên cứu và kiến ​​thức thực tiễn thuộc về một thời đại khác. Tuy nhiên, tư tưởng của John Henry Newman đối với nền giáo dục khai phóng vẫn còn phù hợp cho đến ngày nay, một ánh sáng nhân văn tốt đẹp giữa bóng tối đang bao trùm.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả - Giáo sư danh dự Steven Schwartz - từng là Phó hiệu trưởng của Đại học Macquarie (Úc), Đại học Murdoch và Đại học Brunel (Vương quốc Anh). Ông đã cố vấn và điều hành nhiều cơ quan giáo dục bao gồm Cơ quan Báo cáo và Đánh giá Chương trình giảng dạy của Úc (ACARA). Các nghiên cứu của ông Schwartz thuộc nhiều chủ đề: tâm lý học lâm sàng, tâm thần học và sức khỏe cộng đồng. Ông đã xuất bản hơn 100 bài báo trên các tạp chí khoa học và 13 cuốn sách.

Bảo Nguyên

Theo The Epoch Times

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Có nên đánh giá các trường đại học dựa trên hiệu quả kinh tế?