Coi đất hiếm là vũ khí trừng phạt các quốc gia khác: Trung Quốc nhận về quả đắng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc gần đây đã đe dọa cắt nguồn cung đất hiếm cho Mỹ, Nhật Bản và Úc. Động thái này không giúp Trung Quốc đạt được mục đích mà còn đẩy mạnh nỗ lực ‘thoát’ Trung và đe dọa đến vị thế gần như độc quyền về đất hiếm của Bắc Kinh.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và những người khác trong giới lãnh đạo Bắc Kinh thích nhắc nhở thế giới về di sản văn hóa của Trung Quốc, đặc biệt là cách nước này coi trọng sự kiên nhẫn và có tầm nhìn xa. Ví dụ kinh điển là một bình luận của cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình. Khi đại sứ Pháp tại Trung Quốc hỏi liệu ông ấy có nghĩ rằng Cách mạng Pháp năm 1789 đã thành công hay không, Đặng Tiểu Bình trả lời “vẫn còn quá sớm để nói”.

Tuy nhiên, hành vi của Bắc Kinh cho thấy Trung Quốc dường như đã ‘đánh mất’ những đức tính này, chuyển sang bắt nạt và gây áp lực để đạt được các mục tiêu trước mắt. Bắc Kinh sẽ trở nên tốt hơn nếu họ quay trở lại văn hóa truyền thống thực sự của dân tộc Trung Hoa, vì sự thiếu kiên nhẫn và bắt nạt không đưa Trung Quốc đến đâu, đồng thời còn làm tổn hại đến triển vọng phát triển dài hạn của quốc gia này.

Cụ thể, Bắc Kinh gần đây đã đả kích Mỹ, Nhật Bản và đặc biệt là Úc khi đe dọa cắt nguồn cung nguyên tố đất hiếm cho các nước này. Vì Trung Quốc kiểm soát tới hơn 2/3 sản lượng đất hiếm toàn cầu và đất hiếm rất quan trọng đối với các ngành công nghiệp hiện đại, việc cắt nguồn cung như vậy sẽ gây tác hại đáng kể lên các nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Nhưng về lâu dài, động thái của Bắc Kinh sẽ khuyến khích người mua tìm kiếm các nguồn cung khác. Những nguồn cung thay thế này vẫn tồn tại trên thế giới. Trung Quốc sẽ mất một phần lớn các thỏa thuận thương mại sinh lợi trong khi thu về sự thù địch và mất niềm tin của không chỉ 3 quốc gia kể trên.

Thật vậy, thật kỳ lạ khi Trung Quốc lại sử dụng chính sách như vậy, dù là với nguyên tố đất hiếm hay với bất kỳ hàng hóa nào khác. Tất cả những nỗ lực tương tự trong quá khứ không những không giúp Bắc Kinh đạt được các mục tiêu của họ, mà còn thúc đẩy sự dịch chuyển ra khỏi thương mại với Trung Quốc, ra khỏi việc nhập hàng từ Trung Quốc.

Trung Quốc nhiều lần đột ngột ngừng bán hàng cho đối tác và phải nhận về quả đắng

Một ví dụ đáng chú ý là nỗ lực năm 2010 của Bắc Kinh trong tranh chấp lâu dài về quyền kiểm soát các đảo không có người ở tại Biển Hoa Đông - Senkaku trong tiếng Nhật hay Điếu Ngư trong tiếng Trung. Bắc Kinh đã ngừng bán đất hiếm cho người Nhật sau khi xảy ra vụ va chạm nóng bỏng giữa lực lượng tự vệ hải quân Nhật Bản và các tàu đánh cá Trung Quốc.

Sự nhượng bộ duy nhất của Nhật Bản là làm giảm sức nóng trong tranh chấp. Nhật đã không từ bỏ tuyên bố chủ quyền của họ đối với quần đảo và hiện đang tích cực cảnh báo các quốc gia khác về mức độ không đáng tin cậy của đối tác thương mại Trung Quốc, trong đó có cảnh báo gần đây của Đại sứ Nhật tại Úc - ông Yamagami Shingo.

Gần đây hơn, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thử các chiến thuật mang tính bắt nạt như vậy với Úc, nhưng cũng không có kết quả. Tức giận khi Úc muốn điều tra nguyên nhân của đại dịch Covid-19, Trung Quốc đã áp đặt một loạt hạn ngạch và mức thuế khổng lồ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Úc vào Trung Quốc, đặc biệt là kim loại, năng lượng và các sản phẩm nông nghiệp. Một phần của nỗ lực đó bao gồm mức thuế 80% đối với lúa mạch của Úc.

Nhưng không một nỗ lực nào trong số đó giúp Bắc Kinh đạt được điều mà họ mong muốn. Chính phủ ở Canberra đã từ chối lùi bước trong việc tìm ra nguồn gốc của đại dịch; và các nhà sản xuất của Úc đã chuyển sang khai thác nhiều thị trường khác một cách tương đối nhanh chóng.

Hiện nay, với việc thế giới mất nguồn cung ngũ cốc từ Ukraine và Nga, nông sản của Úc dường như không còn chút nhu cầu nào đối với thị trường Trung Quốc. Những gì Bắc Kinh thu về là sự thù địch của người Úc và việc mất lòng tin nói chung đối với Trung Quốc với tư cách là một đối tác thương mại.

Trong năm nay, Bắc Kinh vẫn đang thử lại chiến thuật này. Để phản ứng lại mối hợp tác quân sự giữa Mỹ, Vương quốc Anh, Úc và Nhật Bản, ĐCSTQ đã đe dọa cắt nguồn cung các nguyên tố đất hiếm. Những cảnh báo của Washington đối với Bắc Kinh về việc giúp Nga né tránh các lệnh trừng phạt cũng góp phần khiến Trung Quốc muốn làm tổn thương Mỹ. Trung Quốc sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề chuỗi cung ứng vốn đang rắc rối.

Tuy nhiên, về lâu dài, hành động của Bắc Kinh sẽ khuyến khích các bên mua hàng ‘thoát’ Trung và mang một nguồn sinh lợi khổng lồ ra khỏi Trung Quốc.

Có những lựa chọn thay thế cho đất hiếm từ Trung Quốc. Thực tế là các nguyên tố đất hiếm không hiếm lắm. Chúng tồn tại ở nhiều nơi trên địa cầu. Lý do duy nhất khiến ĐCSTQ hiện nay gần như độc quyền là việc tinh chế các nguyên tố này ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Do vậy, các nền kinh tế giàu có hơn thích trút bỏ hành động tàn phá môi trường sang cho Trung Quốc.

Nhưng nếu Bắc Kinh kiên quyết thực hiện những gì họ đe dọa, các bên mua hàng sẽ buộc phải thay đổi. Trung Quốc sẽ đánh mất vị thế gần như độc quyền hiện tại, trong khi thu về sự ngờ vực và thù địch từ nhiều quốc gia khác.

Thay vì bào chữa cho sai lầm của chính mình bằng cách chỉ ra sai lầm của Mỹ, Bắc Kinh có thể học hỏi từ những sai lầm của người khác và của chính họ trong vấn đề này. Tuy vậy, hành vi của Bắc Kinh trong những năm gần đây cho thấy giới lãnh đạo Trung Quốc dường như không rút ra bài học nào.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Milton Ezrati là biên tập viên của The National Interest - một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Vốn Nhân lực tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested - một công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Trước khi gia nhập Vested, ông từng là nhà chiến lược thị trường và nhà kinh tế trưởng cho Lord, Abbett & Co. Ông cũng thường xuyên viết bài cho City Journal và viết blog cho Forbes. Cuốn sách mới nhất của ông có tựa đề là: Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live (Ba thập kỷ tiếp theo của toàn cầu hóa, nhân khẩu học, và cách chúng ta sinh sống).

Chi Anh

Theo The Epoch Times

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Coi đất hiếm là vũ khí trừng phạt các quốc gia khác: Trung Quốc nhận về quả đắng