Cơn bĩ cực trong đại dịch: Giá dầu thô và lương thực cao nhất trong gần một thập kỷ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giá dầu thế giới chốt tuần qua vượt lên ngưỡng cao nhất nhiều năm và được dự báo tiếp tục tăng đến cuối năm 2021. Giá lương thực thế giới cũng đạt kỷ lục trong một thập kỷ trở lại đây. Sự kết hợp của hai nhân tố này khiến tương lai phục hồi hậu đại dịch trở nên u ám. Việt Nam hiện chịu áp lực kép về lạm phát giá nhà sản xuất…

Trong phiên thứ Sáu 08/10, hợp đồng dầu WTI vọt hơn 2% lên mức cao 80,09 USD/thùng, trước khi rớt khỏi mức này và kết phiên ở mức 79,35 USD/thùng, tăng 4,57% so với phiên cuối tuần trước đó và tăng mạnh 63,54% so với cuối 2020. Giá dầu chạm mức cao nhất kể từ năm 2014, ghi nhận tuần tăng giá thứ 7 liên tiếp, chuỗi leo dốc dài nhất kể từ tháng 12/2013.

Giá dầu thô tăng cao nhất trong 7 năm qua và sẽ tiếp tục tăng vào cuối năm 2021

Theo báo cáo từ MSB, các chuyên gia đã chỉ ra một số nguyên nhân làm giá dầu tăng trong thời gian qua. Sự phục hồi nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu từ đại dịch đã diễn ra nhanh hơn so với dự báo. Tiếp theo, giá khí đốt tăng bùng nổ gần đây, khiến nhiều nhà máy phát điện chuyển từ dùng khí đốt sang dùng dầu, là một nguyên nhân quan trọng khác khiến giá dầu tăng mạnh. Bên cạnh đó, trong ngắn hạn, giá dầu cũng chịu áp lực khi một mùa đông ở bán cầu Bắc có thể dẫn tới sự thiếu hụt nguồn cung năng lượng ở nhiều trung tâm sản xuất công nghiệp như Bắc Mỹ, châu Âu. Trong khi đó, nguồn cung dầu lại bị thắt chặt, một phần bởi OPEC+ hạn chế khai thác, mặt khác do mưa bão trên Vịnh Mexico, và mức đầu tư thấp của các công ty dầu khí. Trong cuộc họp vào hôm 04/10, OPEC đã quyết định giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 11. OPEC+ lo ngại rằng một làn sóng Covid thứ tư trên toàn cầu có thể khiến nhu cầu tiêu thụ dầu lại yếu đi trong quý 4 năm nay.

Năm 2020, khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu, OPEC+ cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày để cứu giá dầu. Khi kinh tế toàn cầu hồi phục, liên minh này nâng dần sản lượng. Đến hiện tại, sản lượng dầu của OPEC+ vẫn đang thấp hơn 5,8 triệu thùng/ngày so với trước đại dịch.

Đà tăng của giá dầu cũng được củng cố khi OPEC và EIA đều dự báo tích cực về nhu cầu tiêu thụ dầu thô trong năm 2021 và năm 2022. Trong báo cáo hàng tháng tháng 9, OPEC dự báo nhu cầu dầu thô toàn cầu sẽ vượt mức trước đại dịch Covid-19 vào năm 2022 nhờ nỗ lực tiêm vắc xin và sự phục hồi kinh tế. Nhu cầu dầu thô sẽ tăng trung bình 4,2 triệu thùng/ngày trong năm 2022, cao hơn 0,9 triệu thùng/ngày so với các dự báo trước đó, đưa nhu cầu dầu thô toàn cầu trung bình lên 100,83 triệu thùng/ngày vào năm 2022.

Tương tự, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ EIA cũng dự báo nhu cầu dầu toàn cầu có thể tăng 5 triệu thùng/ngày trong năm nay, lên mức trung bình 97,4 triệu thùng/ngày, trái chiều với mức giảm 8,6 triệu thùng/ngày trong năm 2020. Theo EIA, nhu cầu dầu toàn cầu có thể đạt mức trung bình 101 triệu thùng/ngày vào năm 2022, gần tương đương nhu cầu dầu thô trước đại dịch. Ngược lại, sự giảm tốc của hoạt động sản xuất công nghiệp ở một số quốc gia, nguy cơ đổ vỡ của công ty bất động sản Trung Quốc Evergrande, áp lực lạm phát tăng và những gián đoạn do Covid-19 gây ra trên khắp thế giới có thể khiến nhu cầu tiêu thụ dầu tăng chậm lại trong 12 tháng tới, kìm chế đà tăng của giá dầu.

Giá dầu thô thế giới tăng cao nhất kể từ 2014. (Nguồn: Trading Economics)

Trên thực tế, có thể thấy, áp lực đòi hỏi OPEC+ tăng sản lượng nhanh hơn đang ngày càng lớn. Trước phiên họp của OPEC+, một số nước tiêu thụ dầu lớn như Mỹ và Ấn Độ đã hối thúc OPEC+ tăng sản lượng nhiều hơn trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu tăng tốc cùng với sự phục hồi của nền kinh tế. Vì vậy, các chuyên gia nhận định, việc OPEC+ từ chối tăng sản lượng trong phiên họp tháng 10 đồng nghĩa thị trường sẽ tiếp tục thiếu dầu trong quý 4, giá dầu sẽ còn cao ít nhất trong thời gian còn lại của năm nay. Bank of America Global Research dự báo, mức giá mục tiêu 100 USD/thùng dầu có thể đến vào các tháng cuối năm nay, nếu nhiệt độ mùa đông năm nay xuống thấp hơn dự báo. Ngân hàng Goldman Sachs cũng nâng dự báo giá dầu Brent cho thời điểm cuối năm nay lên 90 USD/thùng, từ mức 80 USD/thùng trước đó, trên cơ sở nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu tăng nhanh hơn dự báo.

Việt Nam chịu áp lực kép: giá dầu thế giới tăng và nhập khẩu lạm phát từ Trung Quốc

Trong nước, Bộ Công thương nhận định, việc giá dầu thế giới tăng tác động 2 mặt đến kinh tế Việt Nam. Ở mặt tích cực, giá dầu tăng sẽ giúp tăng thu ngân sách nhà nước từ xuất khẩu dầu thô. Bên cạnh đó, nguồn thu gián tiếp từ các loại thuế từ xăng, dầu như thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt cho ngân sách cũng sẽ tăng. Doanh nghiệp (DN) trong nước có thể tận dụng thời điểm này để tăng khối lượng khai thác, tăng cường xuất khẩu. Ở chiều ngược lại, giá dầu tăng sẽ tác động đến các ngành sản xuất vì đây là nhiên liệu đầu vào.

Giá dầu thô tăng kéo theo giá xăng dầu thành phẩm đi lên, làm tăng chi phí đầu vào của nền kinh tế, gia tăng áp lực lên giá cả. Đặc biệt, đây là nhân tố tác động đến chỉ số giá tiêu dùng CPI. Về phía DN, DN sẽ đối mặt với khó khăn khi giá nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào tăng; giá dầu thô tăng còn đẩy giá các loại vật tư, nguyên liệu khác leo thang. Về vấn đề này, đại diện Bộ Công thương khẳng định, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính cũng như các cơ quan, đơn vị liên quan để điều hành giá xăng dầu phục vụ tốt nhất cho nền kinh tế, bảo đảm hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.

Hôm nay 11/10, Liên bộ Công Thương - Tài chính sẽ thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Trước đà tăng nhanh của giá nhiên liệu thế giới thời gian gần đây, các chuyên gia dự báo giá xăng trong nước sẽ được điều chỉnh tăng kể cả khi các cơ quan điều hành thay đổi các mức chi, trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Thực tế, từ cuối tháng 2 đến nay, mỗi lít xăng RON 95 đã tăng khoảng 4.700 đồng, còn xăng E5 RON 92 tăng khoảng 4.400 đồng.

Không chỉ áp lực lạm phát từ giá dầu quốc tế, lạm phát trong nước còn bị đe doạ bởi nhập khẩu lạm phát giá nhà sản xuất từ Trung Quốc. Trước sức ép giá dầu thô tăng cao và để kiềm chế lạm phát, Trung Quốc đã buộc phải sử dụng dầu dự trữ chiến lược lần đầu tiên.

Theo số liệu từ Tổng cục thống kê Việt Nam (TCTK), tính chung 9 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 242,65 tỷ USD, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 81,3 tỷ USD, tương đương với 33,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nền kinh tế.

Cũng theo số liệu của TCTK, hàng nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu là nhóm hàng tư liệu sản xuất. Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, ước tính nhập khẩu tư liệu sản xuất đạt 227,65 tỷ USD, chiếm 93.8% nhu cầu nhập khẩu của toàn nền kinh tế.

Dữ liệu lịch sử cho thấy giá nhà sản xuất của Việt Nam và Trung Quốc có biến động thuận chiều. (Nguồn: Trading Economics, NTDVN tổng hợp).

Hiện tại, giá nhà sản xuất của Trung Quốc đang tăng kỷ lục và không cách nào kiềm chế trong bối cảnh giá nguyên nhiên vật liệu hàng hóa quốc tế tăng cao như hiện nay. Lạm phát giá nhà sản xuất đã tăng cao nhất trong 12 năm trở lại đây.

Dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 9/9 cho thấy, CPI (chỉ số giá tiêu dùng) và PPI (chỉ số giá sản phẩm công nghiệp 8 Yuefen) đã tăng trở lại, trong đó, giá thịt lợn giảm. Chỉ số PPI, được thúc đẩy bởi giá hàng hóa liên tục tăng và nguồn cung nguyên liệu thô công nghiệp thắt chặt, đã đạt mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 13 năm qua.

Gần đây nhất, để kiểm soát lạm phát giá nhà sản xuất, Trung Quốc lần đầu tiên phải bán dầu thô từ nguồn dự trữ dầu chiến lược của quốc gia.

Các dữ liệu lịch sử cho thấy, giá nhà sản xuất của Việt Nam luôn có biến động thuận chiều với giá nhà sản xuất từ Trung Quốc. Điều này hợp lý khi hơn 30% kim ngạch nhập khẩu (chủ yếu là đầu vào cho sản xuất) đến từ Trung Quốc. Tình trạng phụ thuộc đầu vào cho khu vực sản xuất từ Trung Quốc đã kéo dài nhiều thập kỷ. Do đó, khi Trung Quốc có vấn đề về lạm phát, đặc biệt lạm phát giá nhà sản xuất, nền kinh tế nhỏ bé và phụ thuộc như Việt Nam sẽ chịu tác động tiêu cực nhất.

Không chỉ giá dầu, giá lương thực thế giới đạt kỷ lục mới

Chỉ số giá lương thực của FAO (Food and Agriculture Organization) là chỉ số để đo lường giá thực phẩm thế giới. Tính đến tháng Chín năm nay, trong vòng 12 tháng, chỉ số này đã tăng 32,8%; đạt gần mức 130 điểm - mức chưa từng thấy kể từ năm 2011. Nếu tính mức tăng theo tháng, chỉ số này đã tăng 1,2%.

Tác động chính lên sự gia tăng của chỉ số này là sự lên giá của hầu hết các loại ngũ cốc và dầu thực vật. Chỉ số giá dầu thực vật của FAO đã tăng 60% trong tháng Chín so với một năm trước đó, và tăng 1,7% so với tháng Tám. Mức giá ngũ cốc đã tăng 27,3% so với năm ngoái và 2% so với tháng Tám. Giá sữa và đường cũng tăng trong tháng Chín, lần lượt tăng 15,2% và 53,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi chỉ số giá thịt tăng 26,3% so với mức của một năm trước.

Trong khi hầu hết các tin tức về lạm phát tập trung vào chi phí năng lượng tăng cao và các sản phẩm bị ảnh hưởng bởi sự thiếu hụt chip bán dẫn, như ô tô đã qua sử dụng, thì tín hiệu chi phí thực phẩm tăng đang ngày càng ở mức báo động.

Khi nền kinh tế Mỹ phục hồi, các công ty thực phẩm đóng gói đang phải vật lộn với lạm phát. Hôm 7/10, Conagra Brands cho biết sẽ tăng giá một lần nữa đối với các bữa ăn và đồ ăn nhẹ đông lạnh của mình. Công ty Conagra nói thêm, họ đang phải đối mặt với chi phí nguyên liệu gia tăng bao gồm dầu ăn, protein và ngũ cốc. Vấn đề này buộc họ phải tăng giá hàng đông lạnh lên 3,5% và các bữa ăn chính lên 3,3%.

Các nhà sản xuất thực phẩm General Mills, Campbell Soup và J.M. Smucker cũng đã tăng giá bán sỉ để đáp ứng với chi phí vận chuyển và nguyên liệu tăng.

Giá thịt lợn và thịt bò đã tăng trong vài tháng qua, trong khi báo cáo lạm phát tháng Tám của Bộ Lao động Mỹ cho thấy thịt, gia cầm, cá và trứng đã tăng 8% so với năm ngoái và 15,7% so với giá vào tháng 8/2019, thời điểm trước đại dịch. Giá thịt bò tăng 12,2% trong năm qua và thịt xông khói tăng 17% trong cùng thời kỳ.

Các chuyên gia cho rằng, chi phí năng lượng ngày càng tăng trên toàn thế giới có thể làm trầm trọng thêm vấn đề.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Bloomberg, nhà kinh tế cấp cao Abdolreza Abbassian tại Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc giải thích: “Chính sự kết hợp của những điều này đang bắt đầu trở nên rất đáng lo ngại. Đó không chỉ là những con số mức giá cho từng thực phẩm riêng biệt, mà là tất cả chúng cùng hợp lại. Tôi không nghĩ rằng có ai cách đây 2 hoặc 3 tháng lại mong đợi giá năng lượng sẽ tăng mạnh như vậy”.

Trước sự kết hợp không mong muốn của giá năng lượng và lương thực, các tổ chức tài chính toàn cầu, các chuyên gia kinh tế - tài chính đồng loạt cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu nói chung cũng như của các nền kinh tế hàng đầu thế giới nói riêng.

Trà Nguyễn



BÀI CHỌN LỌC

Cơn bĩ cực trong đại dịch: Giá dầu thô và lương thực cao nhất trong gần một thập kỷ