Công ty cho vay P2P Trung Quốc trị giá hàng tỷ đô la phá sản chỉ 2 tuần sau khi nộp đơn xin IPO tại New York

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tairan - công ty cho vay ngang hàng (P2P) lớn của Trung Quốc đã phá sản chỉ vài tuần sau lần xét duyệt cuối cùng để triển khai đợt chào bán công khai lần đầu (IPO) tại sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq của Hoa Kỳ...

Tairan, công ty vận hành dưới sự giám sát của tổ chức Xiaotai International Investment, đã ngừng hoạt động sau khi người sáng lập Pan Baofeng bị cảnh sát Hàng Châu tỉnh Chiết Giang bắt vào ngày 1/11 vừa qua do nghi ngờ liên quan đến việc gây quỹ bất hợp pháp.

Vụ việc này đã sớm trở thành tiêu điểm của dư luận bởi chỉ hai tuần trước đó, Tairan đã tuyên bố rằng họ đang chuẩn bị IPO trên thị trường chứng khoán Nasdaq ở New York.

Nền tảng cho vay ngang hàng P2P tại Trung Quốc hiện rất thu hút các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận cao. Người đi vay (khách hàng mục tiêu của họ) là các cá nhân thiếu tiền mặt, các doanh nghiệp nhỏ; và người cho vay không cần tài sản đảm bảo, các khoản vay ngắn hạn trả trong tháng.

Ngày 3/11, chính quyền Hàng Châu ra tuyên bố rằng cảnh sát đã bắt giữ 13 nhân viên Tairan, bao gồm ông Pan là chủ sở hữu, các giám đốc điều hành và kế toán viên. 27 tài khoản ngân hàng của công ty bị đóng băng và hai chiếc xe bị tịch thu tính đến thời điểm hiện tại. Cảnh sát cũng đã thu thập các sổ sách kế toán và dữ liệu phụ trợ của công ty.

Theo trang web của Tairan, công ty này bắt đầu kinh doanh cho vay trực tuyến vào tháng 9 năm 2014. Đến ngày 1/11 năm nay, họ đã thực hiện 4,05 triệu giao dịch, với tổng giá trị khoản vay đạt 53,98 tỷ nhân dân tệ (7,71 tỷ USD) và thu hút 3,14 triệu người dùng.

Trong số những người dùng đã đăng ký, có hơn 19.900 người hiện đã cho vay. Khi một công ty P2P ở Trung Quốc ngừng hoạt động, những người cho vay thường không thu hồi lại được vốn hoặc thu hồi được rất ít. Trong trường hợp của Tairan, số dư hiện tại là 3,72 tỷ nhân dân tệ (530 triệu USD), và giá trị hiện tại của khoản lãi chưa trả là 197 triệu nhân dân tệ (28,15 triệu USD), có thể sẽ không bao giờ được thu hồi.

Nộp đơn IPO tại sàn Nasdaq

Tairan đã cố gắng bảo đảm đáp ứng yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ để có thể IPO thành công.

Theo cổng thông tin Trung Quốc, Sina News, Tairan đã nộp đơn lên sàn giao dịch chứng khoán Hoa Kỳ vào tháng 11 năm ngoái, dự định vốn tới 20 triệu USD, nhưng đã bị từ chối.

Vào tháng 1 và tháng 4 năm nay, Tairan đã cập nhật bản cáo bạch hai lần. Theo bản cáo bạch, tổng thu nhập của Tairan, năm 2018 là 43,43 triệu USD và lợi nhuận ròng là 7,31 triệu USD, tương ứng giảm 32,42% và 35,46% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh là một dấu hiệu cho thấy sự gia tăng của nợ xấu, đã tăng từ 1,74% trong năm 2016 lên 3,17% vào năm 2017 và 6,47% vào năm 2018. Tuy nhiên, Tairan đã biện hộ rằng số liệu này phù hợp với tỷ lệ trung bình ngành.

Vào tháng 6, sau một loạt các vụ làm ăn thất bại, Tairan đã cố gắng phát hành cổ phiếu thông qua sáp nhập ngược bằng cách mua lại công ty niêm yết của Nasdaq iFresh, một chuỗi cửa hàng tạp hóa thuộc sở hữu của Trung Quốc với giá trị thị trường là 20 triệu USD, mặc dù iFresh đang kinh doanh thua lỗ nặng nề.

Vào ngày 15/10, Tairan tuyên bố rằng việc sáp nhập đã được Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ chấp thuận và đang trong quá trình giải quyết các thắc mắc của Nasdaq, như một phần của bước cuối cùng để bảo đảm IPO tại Hoa Kỳ.

Trong khi nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đang mong chờ Tairan trở thành một công ty Trung Quốc nữa có thể huy động vốn tại Hoa Kỳ thì cảnh sát địa phương đã thông báo tin xấu. Đây cũng là một lời nhắc nhở nghiêm túc đối với các nhà đầu tư Hoa Kỳ rằng một số công ty Trung Quốc có thể đã cung cấp số liệu kế toán gian lận để IPO tại Hoa Kỳ nhằm mục đích tăng vốn để bù lỗ kinh doanh.

Doanh nghiệp kinh doanh P2P đầu tiên của Trung Quốc bắt đầu hoạt động vào năm 2011. Ngay sau đó hình thức kinh doanh này đã sớm trở nên phổ biến. Vào thời kỳ đỉnh cao năm 2015, có khoảng 3.500 doanh nghiệp Fintech kinh doanh P2P ở Trung Quốc.

Ngành công nghiệp P2P của Trung Quốc đã trải qua một làn sóng vỡ nợ kể từ tháng 6 năm 2018. Các tổ chức P2P bắt đầu ngừng hoạt động sau khi các nhà đầu tư biết được rằng họ bị lừa đảo. Nguyên nhân là do chính quyền Trung Quốc thiếu các quy định và sự giám sát cần thiết đã dẫn đến gian lận tràn lan.

Hàng triệu nhà đầu tư đã mất tiền tiết kiệm cả đời vì các tổ chức cho vay này. Nhiều người đã tìm cách kháng cáo lên chính quyền trung ương, nhưng điều mà họ nhận được chỉ là sự im lặng.

Mộc Trà (biên dịch)

Tác giả: Olivia Li

Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Công ty cho vay P2P Trung Quốc trị giá hàng tỷ đô la phá sản chỉ 2 tuần sau khi nộp đơn xin IPO tại New York