CPI tháng 1 tại Mỹ tăng 7,5% - ông Biden trấn an lạm phát sẽ hạ nhiệt vào cuối năm 2022

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ, lạm phát tại nước này tiếp tục ở mức cao khi mức tăng CPI tháng 01/2022 đạt 7,5% - mức tăng cao nhất trong vòng 40 năm. Các thành viên Đảng Cộng Hòa cho rằng đây là hậu quả của các chính sách dưới thời Tổng thống Biden. Trong khi đó, ông Biden khẳng định đang làm mọi biện pháp để giải quyết vấn đề, và lạm phát sẽ hạ nhiệt vào cuối năm 2022.

Tình trạng lạm phát hiện tại ở Mỹ

Theo báo cáo ngày 10/02/2022 của Bộ Lao động Mỹ, CPI chung của tháng 01/2022 tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng cao nhất trong 40 năm. Chỉ số giá cơ bản trong tháng 1 (không bao gồm lương thực và năng lượng) tăng 0,6%, gấp đôi mức tăng vào hè năm ngoái và tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Giá lương thực trong tháng 1 tăng 0,9% so với tháng trước và 7% so với cùng kỳ năm trước. Báo cáo của Bộ Lao động đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường tài chính với việc giá cổ phiếu giảm và lợi suất trái phiếu tăng.

Ô tô đã qua sử dụng đang có mức giá vừa phải, nhưng điều này không có nhiều ý nghĩa khi không bù đắp nổi cho mức tăng cao trong giá các loại hàng hóa và dịch vụ khác bao gồm xăng dầu, hàng tạp hóa và nhiên liệu sưởi ấm. Giá quần áo tương đối ít biến động trong thời gian đại dịch khi người dân chủ yếu ở nhà, nhưng cũng đã tăng 1,1% trong tháng 1 vừa qua và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Giá vé máy bay tăng 2,3% bất chấp làn sóng đại dịch gây ra bởi biến thể Omicron.

Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã dự đoán giá các mặt hàng sẽ hạ xuống sau khi tăng cao trong thời gian phong tỏa. Fed đồng thời từng dự đoán lạm phát sẽ giảm khi tiêu dùng tập trung vào dịch vụ thay vì hàng hóa. Cả hai điều này đều không xảy ra. Người dân Mỹ đang dùng nhiều dịch vụ hơn, đẩy giá cả của lĩnh vực du lịch, chăm sóc y tế và giặt khô tăng cao. Chỉ số giá dịch vụ đã tăng 4,6% so với một năm trước.

Mức giá cả tăng cao đã làm tiền lương thực (real wage) của người lao động (sau khi điều chỉnh theo lạm phát) giảm xuống. Tiền lương thực trung bình mỗi giờ tăng 0,1% vào tháng 1 nhưng giảm 1,7% so với năm ngoái.

Tổng thống Biden khẳng định Mỹ sẽ vượt qua khó khăn lạm phát

Tổng thống Joe Biden hôm thứ Năm (10/02) thừa nhận lạm phát gia tăng đang tạo ra "căng thẳng tại từng bàn bếp", đồng thời tin rằng áp lực giá cả sẽ giảm bớt vào cuối năm 2022.

Ông Biden nói: “Đối với vấn đề giá cả tăng cao, chúng tôi đã sử dụng mọi biện pháp có thể, và mặc dù tình hình hiện nay cho thấy túi tiền của người Mỹ đang bị kéo căng và căng thẳng thực sự xuất hiện tại từng bàn bếp, cũng có những dấu hiệu cho thấy chúng ta sẽ vượt qua thử thách này".

Tổng thống nói rằng "trong khi báo cáo hiện tại cho thấy lạm phát tăng cao, các nhà dự báo vẫn dự đoán lạm phát sẽ giảm đáng kể vào cuối năm 2022". Ông Biden đã nhắc đến sự tăng trưởng trong tiền lương của người lao động và mức giá vừa phải của ô tô.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc nhằm hạ chi phí của các lĩnh vực vốn đã gây khó khăn cho nhiều gia đình và người lao động từ hàng thập kỷ, từ thuốc kê đơn, chăm sóc trẻ em và chăm sóc người già cho đến chi phí năng lượng. Và chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy cạnh tranh để làm cho thị trường của chúng ta cạnh tranh tốt hơn, mang đến cho người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn hơn", ông Biden nói thêm.

Khoảng 7 tháng trước, ông Biden tuyên bố rằng giá cả tăng cao "được dự đoán ​​chỉ là tạm thời" và có liên quan đến "tác động nhất thời" của Covid-19.

CPI tháng 1 tại Mỹ tăng 7,5% trong khi ông Biden khẳng định lạm phát sẽ hạ nhiệt vào cuối năm 2022, chính sách của chính quyền Biden đã thúc đẩy lạm phát tăng cao tại Mỹ
Một khách hàng đang bơm xăng tại một trạm xăng Arco ở Mill Valley, California, ngày 03/03/2015. (Ảnh: Justin Sullivan / Getty Images)

Chính sách của chính quyền Biden đã thúc đẩy lạm phát

Trong một sự kiện ở Virginia vào thứ Năm (10/02), ông Biden một lần nữa thúc đẩy Quốc hội thông qua gói chi tiêu 2 nghìn tỷ USD của mình mặc dù Thượng nghị sĩ Joe Manchin (Đảng Dân Chủ, West Virginia) đã nhiều lần tuyên bố ông sẽ không ủng hộ kế hoạch của Tổng thống Biden. Cùng ngày, ông Manchin đã đưa ra một cảnh báo khác rằng chi tiêu quá mức sẽ làm trầm trọng thêm lạm phát.

Ông Manchin cảnh báo: “Quốc hội và chính phủ phải rất thận trọng trước khi tiếp thêm nhiệt cho nền kinh tế vốn đang rất nóng”. Vào hồi đầu tháng 2, ông Manchin tuyên bố dự luật trị giá 2 nghìn tỷ USD “đã chết”.

Trong khi đó, Đảng Cộng hòa đã viện dẫn báo cáo của Bộ Lao động hôm thứ Năm và cho biết các chính sách của ông Biden là lý do chính dẫn đến lạm phát phi mã.

Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Đảng Cộng hòa, Kentucky), trong bài phát biểu tại Thượng viện hôm thứ Năm (10/02), khẳng định rằng “các chuyên gia đã dự đoán về một mức lạm phát cao khác, khoảng 7%” nhưng “ngay cả con số này cũng cho thấy chúng ta vẫn đang mắc kẹt trong mức lạm phát tồi tệ nhất trong 40 năm”.

Ông McConnell nói thêm: “Nhưng thực tế còn tồi tệ hơn thế. Hóa ra lạm phát năm nay không ở mức 7%. Nó là 7,5%". “Nói cách khác, nếu quý vị không được tăng lương từ 8% trở lên trong năm ngoái, thì các chính sách của Đảng Dân chủ đã khiến tiền lương của quý vị bị cắt giảm".

Khó khăn vì lạm phát tăng cao chắc hẳn sẽ không nghiêm trọng như hiện tại nếu chính quyền Biden không lạm dụng các chính sách thúc đẩy kinh tế, hay nếu Fed không tiến hành quá mức chính sách nới lỏng tiền tệ trong đại dịch. Tuy vậy, chính quyền Washington đã tin rằng đây là thời kỳ của chi tiêu không mất phí và lãi suất thấp. Các quy luật tiền tệ và tài chính truyền thống không được coi trọng. Những người cảnh báo về các mối nguy liên quan đến lạm phát đã được xem là những người lạc hậu. Sự thực thì cái giá để học được bài học từ cuộc khủng hoảng hiện tại là tương đối lớn. Trong khi đó, người chịu thiệt thòi nhất đang là những người lao động Mỹ.

Bảo Nguyên



BÀI CHỌN LỌC

CPI tháng 1 tại Mỹ tăng 7,5% - ông Biden trấn an lạm phát sẽ hạ nhiệt vào cuối năm 2022