Cử tri Mỹ nghĩ gì về khủng hoảng trần nợ?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong khi phe Cộng hòa và Dân chủ đang đối đầu gay gắt về vấn đề trần nợ, người dân Mỹ chỉ đơn giản là muốn vấn đề được giải quyết.

Bế tắc chính trị về việc tăng trần nợ liên bang hiện đang ở vào tháng thứ 4, và khiến Mỹ có nguy cơ không trả được nợ sau khoảng 1 tháng nữa. Sự bế tắc đã trở thành một bài thực hành chiến thuật 'bên miệng hố chiến tranh' trong chính trị [theo đuổi mục tiêu bằng việc đẩy việc đàm phán tới bờ vực nguy hiểm]. Trong khi đó, cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ dường như đang đánh cược rằng dư luận đang đứng về phía họ.

Theo các cuộc thăm dò dư luận gần đây, họ vừa đúng vừa sai.

Trong khi công chúng có các quan điểm mạnh mẽ và đôi khi trái ngược về trần nợ và chi tiêu liên bang, đại đa số người Mỹ tin rằng các bên nên đàm phán, thỏa hiệp và nâng trần nợ để tránh vỡ nợ. Dữ liệu cho thấy, nếu việc vỡ nợ xảy ra, tất cả các bên sẽ bị quy trách nhiệm.

Bế tắc

Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng hòa - California) đã mâu thuẫn về mức trần nợ kể từ tháng 1 khi Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cảnh báo rằng quốc gia này đã gần chạm mức trần vay theo luật định.

Giới hạn trần nợ, do Quốc hội Mỹ đặt ra, hạn chế tổng số nợ mà chính phủ có thể nắm giữ tại bất kỳ thời điểm nào. Vì Mỹ thường hoạt động với ngân sách thâm hụt, nên việc vay mượn là cần thiết để trang trải cho các hoạt động đang diễn ra và trả lãi cho khoản nợ quốc gia trị giá 31,4 nghìn tỷ USD.

Khi gần đạt trần nợ, Quốc hội thường đơn giản là tăng trần nợ. Nhưng trong những năm gần đây, sự kiện này đã được sử dụng như một cơ hội để đảng kiểm soát Quốc hội tìm cách buộc đảng còn lại cắt giảm chi tiêu hoặc tăng chi tiêu.

Cử tri Mỹ nghĩ gì về khủng hoảng trần nợ?
Tổng thống Joe Biden trong cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc ở Washington, Mỹ, vào ngày 26/04/2023. (Ảnh: Madalina Vasiliu /The Epoch Times)

Khi điều đó xảy ra, chính phủ có khả năng chậm thanh toán hóa đơn hoặc bỏ lỡ hạn thanh toán. Theo bà Yellen, khó khăn trong thanh toán có thể diễn ra ngay vào ngày 01/06.

Ông McCarthy sẽ không đồng ý xem xét tăng trần cho đến khi Tổng thống đồng ý hạn chế chi tiêu trong tương lai. Ông Biden khẳng định Quốc hội phải thông qua việc tăng trần nợ mà không cần điều kiện.

Cả hai người cùng với các nhà lãnh đạo Quốc hội khác sẽ thảo luận về vấn đề này vào ngày 09/05. Tuy nhiên, Tòa Bạch Ốc khẳng định Tổng thống sẽ không đàm phán. Thay vào đó, ông sẽ nhắc nhở Quốc hội về nghĩa vụ thanh toán các hóa đơn của Mỹ. Đồng thời, ông dự kiến sẽ mở một cuộc đối thoại riêng về chi tiêu trong tương lai.

Trong khi các nhà lãnh đạo của đất nước trình bày quan điểm của mình, các cuộc thăm dò cho thấy người dân Mỹ chỉ đơn giản muốn vấn đề được giải quyết.

Hãy giải quyết vấn đề

Ông McCarthy cho biết người Mỹ muốn thấy đàm phán và thỏa hiệp. Ông nói với các phóng viên vào ngày 26/04: “Ngay cả những đảng viên Đảng Dân chủ cánh tả cũng nói rằng Tổng thống cần ngồi xuống và đàm phán". “Hơn 70% người Mỹ nghĩ rằng chúng ta nên ngồi xuống và đàm phán”.

Về phần mình, ông Biden khẳng định rằng, nước Mỹ không thể vỡ nợ dù thế nào đi nữa, vì vậy mức trần nên được nâng lên ngay lập tức.

Người Mỹ đồng ý với cả hai bên.

Khoảng 70% người dân, bao gồm đa phần người của phe Cộng hòa, cho biết họ muốn các đại diện của họ thỏa hiệp và tìm giải pháp cho vấn đề, theo một cuộc thăm dò hồi tháng 2 do NPR, PBS NewsHour và Marist thực hiện.

Một cuộc thăm dò vào tháng 4 của Echelon Insights cho thấy 74% cử tri, bao gồm đa số là người của phe Dân chủ, đồng ý với tuyên bố rằng, “Tổng thống Biden nên đồng ý đàm phán và cố gắng tìm điểm chung xung quanh trần nợ, bao gồm cả việc cắt giảm một số khoản chi tiêu của chính phủ”.

Có lẽ điều đáng nói nhất là 70% số người được hỏi nói rằng Quốc hội nên tăng trần nợ nếu cần thiết để tránh vỡ nợ, theo một cuộc thăm dò hồi tháng 4 của CBS.

Khi câu hỏi được đưa ra mà không đề cập đến khả năng vỡ nợ, chỉ có 46% cho rằng nên nâng trần nợ.

Cái nào nên làm trước, tăng trần nợ hay thỏa thuận cắt giảm chi tiêu? Khoảng 58% người Mỹ đồng ý với ý kiến của ông Biden rằng việc nâng trần nợ nên được xử lý tách biệt với các cuộc thảo luận về cắt giảm chi tiêu. Con số đó bao gồm 48% người của phe Cộng hòa, theo một cuộc thăm dò của The Washington PostABC News kết thúc vào ngày 03/05.

Cử tri Mỹ nghĩ gì về khủng hoảng trần nợ?
Một người đàn ông chờ đợi ở trạm xe buýt hiển thị nợ quốc gia chính thức của Mỹ ở Washington, Mỹ, vào ngày 19/06/2020. (Ảnh: Olivier Douliery /AFP qua Getty Images)

Điểm chung của các khảo sát là hầu hết người Mỹ, bất kể theo đảng phái chính trị nào, đều muốn đàm phán và thỏa hiệp thay vì để nước Mỹ vỡ nợ.

Họ cũng nghĩ rằng chính phủ chi quá nhiều tiền. Nhưng theo dữ liệu, suy nghĩ của họ về lĩnh vực có thể cắt giảm chi tiêu là hơi mù mờ.

Lĩnh vực cắt giảm chi tiêu

Hầu hết người Mỹ, 60% nghĩ rằng chính phủ chi quá nhiều tiền, theo một cuộc thăm dò do Associated PressNORC thực hiện vào tháng 3.

Tỷ lệ những người nghĩ rằng Washington chi tiêu quá nhiều là cao nhất trong số các cử tri Cộng hòa với 88%. Khoảng 60% cử tri độc lập nghĩ như vậy, trong khi chỉ 34% cử tri Dân chủ cho rằng chính phủ đang chi tiêu quá mức.

Tuy nhiên, khi được yêu cầu đánh giá mức chi tiêu phù hợp của chính phủ trong các lĩnh vực cụ thể, cũng những người đó chỉ chỉ ra một trong số 16 hạng mục mà chính phủ chi tiêu quá nhiều: hỗ trợ cho các quốc gia khác. Hơn 2/3 số người được hỏi cho biết mức hỗ trợ này quá cao.

Đối với mỗi hạng mục còn lại, phần lớn số người được hỏi cho biết mức chi tiêu là “quá ít” hoặc “vừa phải”.

Đa số cho rằng chính phủ chi quá ít cho giáo dục, chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội, cơ sở hạ tầng, hỗ trợ người nghèo, Medicare, an ninh biên giới, hỗ trợ chăm sóc trẻ em và cai nghiện ma túy.

Một cuộc thăm dò do Pew Research thực hiện vào năm 2019 đã cho thấy những kết quả gần như giống hệt.

Vì vậy, trong khi phần lớn người Mỹ rõ ràng tin rằng chính phủ chi tiêu quá nhiều xét trên tổng thể, thì có rất ít sự đồng thuận về lĩnh vực cần cắt giảm chi tiêu.

Đổ lỗi

Trong vụ tranh cãi về trần nợ, ông McCarthy cho biết ngay từ đầu: “Việc vỡ nợ không phải là một lựa chọn". Ông đã liên tục khẳng định rằng đảng Cộng hòa sẽ không cho phép đất nước bỏ lỡ một nghĩa vụ thanh toán. Ông đã nói rằng mục đích của mọi việc là buộc các bên phải thảo luận về cái mà ông gọi là chi tiêu mất kiểm soát của chính phủ.

Trong trường hợp không mong muốn là bế tắc không được giải quyết và đất nước rơi vào tình trạng vỡ nợ, dữ liệu lịch sử và các cuộc thăm dò hiện tại đều cho thấy cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều bị đổ lỗi ở mức gần ngang nhau.

Nếu vỡ nợ xảy ra, 39% người dân chủ yếu sẽ đổ lỗi cho đảng Cộng hòa trong Quốc hội và 36% sẽ đổ lỗi cho ông Biden. 16% khác cho biết họ đổ lỗi cho cả hai bên ở mức tương đương, theo cuộc thăm dò của The Washington PostABC News.

Trong quá khứ, đó chính xác là những gì đã xảy ra. Sau các cuộc đàm phán năm 2011 về trần nợ giữa Tổng thống Barack Obama và các đảng viên đảng Cộng hòa tại Quốc hội, tỷ lệ ủng hộ đảng Cộng hòa đã giảm từ 41% xuống 33% chỉ trong một tháng. Tỷ lệ tán thành ông Obama giảm xuống 40%, mức thấp nhất trong nhiệm kỳ của ông. Tổng thống Donald Trump và các đảng viên đảng Dân chủ trong quốc hội cũng chứng kiến mức độ ủng hộ họ giảm xuống sau một cuộc đối đầu tương tự vào năm 2019.

Cử tri Mỹ nghĩ gì về khủng hoảng trần nợ?
Lãnh đạo thiểu số tại Hạ viện (tại thời điểm lúc bấy giờ) Kevin McCarthy (Cộng hòa - California) tại một cuộc họp báo ở Điện Capitol vào ngày 09/01/2020. (Ảnh: Charlotte Cuthbertson/The Epoch Times)

Lịch sử cho thấy người Mỹ không thích đấu đá chính trị lan sang kinh tế.

“Nhưng người Mỹ có thể không trừng phạt đảng Cộng hòa tại các cuộc bầu cử vì điều đó”, ông Nathaniel Rakich, một nhà phân tích bầu cử tại FiveThirtyEight, cho biết. “Đó là bởi vì tác động chính trị của những cuộc khủng hoảng này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn; luôn có một chu kỳ tin tức khác thay thế nó”.

Sau các cuộc đàm phán nợ vào năm 2011 và 2019, xếp hạng mức độ ủng hộ cuối cùng cũng đã tăng trở lại.

Giải pháp khả thi: trì hoãn

Khi đồng hồ đang điểm, cuộc đấu tranh trần nợ đã trở nên cấp bách hơn. Lưu ý rằng thời gian có thể hết vào thời điểm cuối tháng, bà Yellen đã viết thư cho các nhà lãnh đạo Quốc hội vào ngày 01/05: “Tôi trân trọng kêu gọi Quốc hội bảo vệ toàn vẹn niềm tin [vào nước Mỹ] và uy tín của Mỹ bằng cách hành động càng sớm càng tốt”.

Trong khi cả ông McCarthy và Tòa Bạch Ốc đều từ chối giải pháp tăng trần nợ trong ngắn hạn, ngày càng có nhiều chuyên gia cho rằng đó có thể là lựa chọn tốt nhất trong thời điểm hiện tại.

“Tôi nghĩ có một con đường phía trước, một con đường chính trị khả thi. Và tôi nghĩ điều đầu tiên cần làm là giới hạn nợ cần phải được đình chỉ”, ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody's Analytics, nói với Ủy ban Ngân sách Thượng viện vào ngày 04/05.

“Không có thời gian để hoàn thành [đàm phán] này trước ngày đến hạn”, ông nói. “Và tôi khuyên nên tạm đình chỉ trần nợ đến cuối năm tài chính hiện tại, vào cuối tháng 9”.

Với tình trạng hỗn loạn hiện nay trong ngành ngân hàng, mức lãi suất tăng cao và khả năng rơi vào suy thoái, ông Desmond Lachman, thành viên cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), cũng đưa ra đánh giá tương tự.

“Một sự khởi đầu hợp lý có thể liên quan đến việc tăng trần nợ trong một vài tháng để dành thêm thời gian cho các cuộc đàm phán thực chất về một chương trình kinh tế có thể mang lại lợi ích kinh tế dài hạn cho đất nước”, ông Lachman viết trong một bài bình luận ngày 03/05 cho AEI.

“Một sự thỏa hiệp như vậy có thể là bước khởi đầu để chấm dứt tình trạng rối loạn chức năng chính trị hiện tại của Washington và cứu đất nước khỏi thảm họa về kinh tế và thị trường tài chính”.

Theo The Epoch Times

Thủy Tiên - Bảo Nguyên



BÀI CHỌN LỌC

Cử tri Mỹ nghĩ gì về khủng hoảng trần nợ?