Cùng tìm hiểu về ‘thước đo sợ hãi’ phố Wall hiện đã vượt ngưỡng an toàn - VIX

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Thước đo sự sợ hãi” của Phố Wall - VIX (CBOE Volatility Index) - đã phá vỡ ngưỡng an toàn 30, một dấu hiệu của sự bất ổn lớn và nỗi sợ hãi của nhà đầu tư. Vậy VIX là gì? Tại sao VIX lại phản ánh nỗi sợ hãi của thị trường? Và VIX nói với các nhà đầu tư điều gì?

Gần đây, khi thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu đỏ lửa, TTCK Mỹ rung lắc mạnh vì virus Corona, chỉ số VIX - chỉ số đo lường nỗi sợ hãi của TTCK Mỹ - tăng mạnh, vượt ngưỡng rủi ro cảnh báo (30 điểm) trong thời gian ngắn. VIX duy trì đà tăng liên tục kể từ ngày 10/2/2020 khi các thông tin tiêu cực về virus Corona bùng phát trên toàn cầu, hiện ở mức 40,11 điểm. Mức điểm của VIX đã vượt qua ngưỡng an toàn 30, vượt quá ngưỡng này thị trường được xem là có bất ổn lớn và nỗi sợ của nhà đầu tư gia tăng.

Tại sao chỉ số biến động CBOE - VIX lại có thể “đo lường nỗi sợ hãi”?

Được tạo bởi Sàn giao dịch quyền chọn Chicago Board (CBOE), Chỉ số biến động, viết tắt là VIX, là một chỉ số đo lường kỳ vọng của thị trường về biến động trong tương lai 30 ngày. VIX xuất phát từ đầu vào là giá của các hợp đồng tùy chọn (Option) trong nhóm các cổ phiếu của S&P 500. Như vậy, VIX đo lường kỳ vọng tăng, giảm giá cổ phiếu thông qua “quyền chọn” của thị trường trong 30 ngày, sau đó phản ánh mức độ tin cậy, cảm nhận rủi ro về thị trường của nhà đầu tư trong tương lai.

Bởi thế, biến động của VIX về giá tương lai của cổ phiếu cung cấp thước đo rủi ro thị trường và tâm lý của nhà đầu tư. VIX cũng được biết đến bởi các tên khác như "thước đo nỗi sợ hãi" hoặc "chỉ số sợ hãi". Các nhà đầu tư, nhà phân tích nghiên cứu và quản lý danh mục đầu tư tìm đến các giá trị VIX như một cách để đo lường rủi ro thị trường, nỗi sợ hãi và căng thẳng trước khi họ đưa ra quyết định đầu tư.

Nhiệm vụ chính của VIX

  • Chỉ số biến động CBOE, hay VIX, là chỉ số đại diện cho biến động kỳ vọng của thị trong 30 ngày tới;
  • Các nhà đầu tư sử dụng VIX để đo lường mức độ rủi ro, sợ hãi hoặc căng thẳng trên thị trường khi đưa ra quyết định đầu tư;
  • Các thương nhân cũng có thể sử dụng các giá trị VIX để phái sinh giá.

Mối tương quan của VIX với các chỉ số chứng khoán của Phố Wall

Biến động chỉ số VIX trong mối tương quan với Dow Jones và S&P 500 trong 30 năm qua

Trong 30 năm qua, chỉ số VIX cho thấy khi VIX giảm thì chỉ số chứng khoán cơ bản như Dow Jones, S&P 500 tăng và ngược lại. Kết quả giao dịch quá khứ cũng phản ánh ngưỡng an toàn của VIX là 30 điểm; vượt quá mức này thị trường được xem là có bất ổn lớn, nỗi sợ hãi của nhà đầu tư lan rộng.

Trước khủng hoảng 2008 - 2009, VIX đạt đỉnh ở mức 45 điểm. Tháng 9/2008, VIX đã leo đến thang điểm này. Việc VIX đạt đỉnh được nhiều nhà đầu tư xem như là dấu hiệu thị trường đạt đáy và mua vào. Tuy nhiên, VIX đã vượt qua mọi kỷ lục trước đó và tăng đến 90 điểm sau đó một tháng (10/2008).

Lần này, VIX duy trì đà tăng trong suốt 20 ngày qua. Đâu mới là đỉnh của VIX và VIX có báo trước một cuộc tháo chạy của nhà đầu tư do hoảng loạn vì đại dịch hay không? Vẫn còn quá sớm để có câu trả lời chắc chắn. Nhưng các nhà đầu tư và những người quan tâm tới thị trường hẳn sẽ không quên VIX trong bảng tin tài chính cần theo dõi của mình.

Trà Nguyễn

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Cùng tìm hiểu về ‘thước đo sợ hãi’ phố Wall hiện đã vượt ngưỡng an toàn - VIX