Cuộc chiến cam go chống lại văn hóa thức tỉnh trong doanh nghiệp Mỹ (Phần 2)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Không chỉ ông lớn BlackRock, chính quyền Biden cũng rất tích cực ủng hộ cho trào lưu thức tỉnh trong doanh nghiệp Mỹ. Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi cuộc chiến của Nga với Ukraine đặt ra mối lo về an ninh năng lượng cho các nước phương Tây. Trong lúc đó, lại một doanh nghiệp lớn nữa ở Mỹ ngả theo xu thế thức tỉnh.

Mời độc giả đọc: Cuộc chiến cam go chống lại văn hóa thức tỉnh trong doanh nghiệp Mỹ (Phần 1).

Sự ủng hộ to lớn của chính quyền Biden cho phong trào thức tỉnh trong doanh nghiệp

Ảnh hưởng của BlackRock vươn tới tận Washington, D.C.. Lịch sử phối hợp của BlackRock với Cục Dự trữ Liên bang đã khiến một học giả gán cho công ty này là “nhánh thứ tư của chính quyền”. Một chính quyền Biden có cùng chí hướng, cùng với các nhân sự cũ của BlackRock ở cấp cao có thể đẩy mạnh hơn nữa xu hướng của công ty này, bất chấp cam kết của một số quan chức sẽ tránh xa các vấn đề liên quan đến BlackRock.

Cuộc chiến cam go chống lại văn hóa thức tỉnh trong doanh nghiệp Mỹ (Phần 2)
Tổng thống Joe Biden, cùng với Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson và Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö (ngoài khung hình), phát biểu tại Vườn Hồng sau cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc ở Washington vào ngày 19/05/2022. (Ảnh: Mandel Ngan / AFP qua Getty Images)

Bộ Lao động của Tổng thống Biden, cơ quan quản lý các chương trình nghỉ hưu của khu vực tư nhân, đã đề xuất một quy tắc cho phép người được ủy thác của các chương trình cân nhắc “bất kỳ yếu tố nào trong việc đánh giá một khoản đầu tư hoặc hành động đầu tư… được coi là quan trọng trong phân tích lợi nhuận - rủi ro”, trái ngược với các yếu tố đơn thuần về tiền. Tiêu chuẩn cũ được một số người coi là chống ESG. Tiêu chuẩn mới có thể được coi là ủng hộ ESG, khi khẳng định rằng nhiệm vụ của người được ủy thác có thể thường bao gồm việc đánh giá tác động của biến đổi khí hậu. Các nhà phê bình cho rằng quy tắc này có thể buộc các nhà lập kế hoạch nghỉ hưu hướng khoản tiết kiệm của nhân viên — trong khi các nhân viên sẽ không được biết về điều này — tới những kế hoạch ESG 401 (k) với chi phí cao hơn và do đó có khả năng sinh lời ít hơn, và bỏ phiếu ủng hộ ESG.

Trong khi đó, như đã lưu ý trong một bài báo RCI riêng biệt, SEC đã đề xuất các quy tắc công khai thông tin liên quan tới chống biến đổi khí hậu có khả năng gây tốn kém rất lớn. Các quy định mới sẽ buộc các công ty phải đối phó với tác động khó lường của biến đổi khí hậu bằng cách tiết lộ hàng loạt thông tin mới cho các nhà đầu tư.

Các công ty lớn có hàng nghìn nhà cung cấp hoạt động tại hàng trăm quốc gia. Điều này khiến nhiệm vụ công khai thông tin phát thải của chuỗi cung ứng mà SEC yêu cầu trở nên cực kỳ phức tạp. Lấy ví dụ một sản phẩm của General Mills, một nhà cung cấp thực phẩm lớn. Một hộp Cocoa Puffs của hãng này bắt đầu từ những cánh đồng ca cao tại châu Phi, các cánh đồng ngô ở Mỹ hay các nhà máy đường ở Mỹ La tinh. Tiếp đó là hàng nghìn nhà chế biến, vận chuyển, đóng hộp, phân phối, nhân viên văn phòng và nhà bán lẻ tham gia vào chuỗi cung ứng trước khi sản phẩm có thể được sử dụng. Hãy thử tưởng tự sự khó khăn khi General Mills cần xác định lượng phát thải khí nhà kính từ tất cả những con người, máy móc, xe cộ, nhà xưởng và những đối tượng khác liên quan tới chuỗi cung ứng Cocoa Puffs này. Đó mới chỉ là một nhãn hàng trong số hơn 100 nhãn hàng của General Mills.

SEC đã lưu ý rằng “các nhà đầu tư có tài sản hàng nghìn tỷ USD được quản lý” đã “hỗ trợ thực hiện việc công khai thông tin liên quan đến khí hậu”. Nhà đầu tư đầu tiên như vậy được SEC trích dẫn là BlackRock. Quy tắc này một phần dựa trên khuôn khổ công bố thông tin ưu tiên của Lực lượng đặc nhiệm về Công bố thông tin tài chính liên quan tới khí hậu (TCFD), một tổ chức rất có ảnh hưởng. BlackRock, một thành viên sáng lập TCFD, đã vận động hành lang cho quy định mới của SEC.

Dưới chính quyền Biden, SEC cũng đã ban hành hướng dẫn chỉ ra rằng nó sẽ giúp các cổ đông dễ dàng hơn trong việc đưa ra các đề xuất để bỏ phiếu. Nó cũng sẽ tạo điều kiện cho những đề xuất “có tác động xã hội rộng rãi” và lưu ý rằng “các đề xuất trước đây được coi là có thể bị loại trừ vì có vẻ không liên quan tới vấn đề quan trọng về chính sách đối với [một] công ty có thể không còn được coi là có thể bị loại trừ nữa". Sự thay đổi này có thể vô tình tạo ra số lượng đề xuất cổ đông theo hướng bảo thủ kỷ lục vào năm 2022, nhưng số lượng đề xuất ESG cũng đã đạt được mức kỷ lục lớn hơn nhiều.

Chưa có đề xuất bảo thủ nào được thông qua trong mùa ủy nhiệm năm 2022

Năm nay, khoảng 64% đề xuất đã được bỏ phiếu. Nhiều đề xuất hàng năm không bao giờ được đưa ra trình bày với các cổ đông. Lý do là vì các nhà đề xuất đã thu hồi chúng sau khi các công ty giải quyết thỏa đáng mối quan tâm của họ trước khi bỏ phiếu, hoặc vì SEC loại trừ chúng theo quy định. 7% đề xuất của năm nay đã giành được đa số phiếu bầu, giảm so với con số 10% vào năm 2021.

Về phần mình, BlackRock gần đây chỉ ra rằng nhiều đề xuất của cổ đông liên quan đến khí hậu mà họ đang đánh giá "mang tính áp đặt quy định hoặc ràng buộc hơn đối với các công ty" so với năm 2021 và do đó công ty này sẽ ít ủng hộ chúng hơn.

Thông thường, ít hơn một phần ba các đề xuất cổ đông theo hướng bảo thủ được đưa ra biểu quyết. Tính đến nay trong mùa ủy nhiệm 2022, không có đề xuất bảo thủ nào được thông qua.

Văn hóa thức tỉnh đang đe dọa an ninh phương Tây

Kể từ khi Nga tấn công Ukraine, các nhà lãnh đạo phương Tây đã nhận ra sự thật về tầm quan trọng của năng lượng đối với an ninh quốc gia. Phương Tây đang phải vật lộn với những thách thức năng lượng từ liên minh Trung - Nga đầy thù địch. Giữa lúc đó, nhóm Liên minh Sở hữu Tài sản Không Phát thải ròng, với những thành viên quản lý hơn 10,4 nghìn tỷ USD tài sản, đã đưa phát biểu thuyết phục các chính quyền phương Tây không hy sinh mục tiêu khí hậu để đổi lấy an ninh năng lượng.

Liên minh được Liên hợp quốc hậu thuẫn này cho rằng, thế giới vẫn đang hướng tới sử dụng dư thừa năng lượng hóa thạch, sẽ tạo ra lượng carbon vượt quá mức cho phép cần thiết để đạt được mục tiêu tại Hiệp định Paris, và đây là xu hướng phải bị chặn đứng.

Ý kiến của các nhà đầu tư thức tỉnh này về vấn đề năng lượng và an ninh quốc gia thậm chí còn có tầm ảnh hưởng lớn đặc biệt. Cây bút bình luận của Bloomberg đã chỉ ra rằng, các nhà quản lý tài sản lớn tạo ra một hệ thống quyền lực song song với chính quyền. Chúng sai khiến các công ty, đưa ra các quyết định về xã hội, không chỉ về kinh doanh, mà còn về môi trường, quyền lao động, bất bình đẳng chủng tộc và những vấn đề chính trị gây tranh cãi khác.

Một cuộc đối đầu có thể xảy ra sau bầu cử giữa nhiệm kỳ 2022

Trong khi các cơ quan liên bang ủng hộ chương trình nghị sự ESG, các nhà lập pháp liên bang quan trọng cũng bắt đầu vào cuộc. Điều này có thể tạo nên một cuộc đối đầu nếu Đảng Cộng hòa giành được Hạ viện và / hoặc Thượng viện vào năm 2022.

Khi các quan chức bang Utah chỉ trích bộ phận xếp hạng tín dụng của S&P vì nỗ lực kết hợp các chỉ số ESG vào xếp hạng của bang, họ đã có sự tham gia ủng hộ của các Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa của bang là Mike Lee và Mitt Romney, cùng bốn thành viên Hạ viện, tất cả đều thuộc Đảng Cộng hòa.

Một thành viên, Hạ nghị sĩ Chris Stewart, nói rằng ông và các đồng nghiệp của mình đang thúc đẩy những người khác thảo luận về “sự phát triển của các chỉ số ESG” với các thủ quỹ và cơ quan quản lý của bang. Viện Heartland, tổ chức chống lại ESG, đã ví những chỉ số này như điểm tín dụng xã hội. Hạ nghị sĩ Stewart cũng nói với Roll Call rằng nếu đảng Cộng hòa giành được Hạ viện, "Chúng tôi sẽ có thể đặt ra một số giới hạn đối với" việc đẩy mạnh ESG của SEC.

Cuộc chiến cam go chống lại văn hóa thức tỉnh trong doanh nghiệp Mỹ (Phần 2)
Hạ nghị sĩ Chris Stewart (bang Utah) đặt câu hỏi với Gordon Sondland, đại sứ Mỹ tại Liên minh châu u, trong buổi điều trần trước Ủy ban Tình báo Hạ viện tại Tòa nhà Văn phòng Hạ viện Longworth trên Đồi Capitol ở Washington, vào ngày 20/11/2019. (Ảnh: Samuel Corum / Pool / Getty Images)

Hạ nghị sĩ Beth Van Duyne ở Texas và hơn một chục người đồng đề xuất của Đảng Cộng hòa đã đưa ra một dự luật mà theo Morrison từ CEI, sẽ “ngăn chặn việc SEC yêu cầu công bố thông tin về biến đổi khí hậu và khí nhà kính, và để các công ty tự do chia sẻ bất cứ thông tin nào mà họ cho là quan trọng đối với các cổ đông và các nhà đầu tư tiềm năng".

Theo ông Morrison, "sự hoài nghi ngày càng tăng" của Quốc hội đối với đầu tư ESG "hoàn toàn phù hợp với các chính sách mà các thống đốc và nhà lập pháp đang đẩy mạnh ở cấp tiểu bang".

Ông Danhof khẳng định, các động thái của các nhà lập pháp được ủng hộ bởi “hầu hết các nhóm bảo thủ” trong nước. Đây là sự tương phản hoàn toàn so với tình hình chỉ vài năm trước đây.

Những diễn biến gần đây của cuộc chiến thức tỉnh trong doanh nghiệp Mỹ

Ông Ramaswamy gần đây đã quay trở lại lĩnh vực kinh doanh, thành lập Strive Asset Management, một công ty đầu tư có trụ sở tại Ohio. Tại công ty này, ông ấy sẽ có được sự tham gia từ các đồng nghiệp, bao gồm Danhof. Ông Danhof đã rời Dự án Doanh nghiệp Tự do sau hơn một thập kỷ để trở thành người đứng đầu bộ phận quản trị công ty của Strive. Theo một thông cáo báo chí công bố sự ra mắt của công ty quản lý tiền tệ, công ty này được tạo ra nhằm mục đích đối đầu với BlackRock và các bên tương tự, chống lại câu thần chú "chủ nghĩa tư bản của các bên liên quan". Đây là công cụ được dùng để biện minh cho việc sử dụng ngân quỹ của khách hàng để tạo ra ảnh hưởng có tính quyết định đối với gần như mọi công ty đại chúng của Mỹ nhằm thúc đẩy các hệ tư tưởng chính trị mà nhiều khách hàng không ủng hộ". Thay vào đó, công ty hy vọng sẽ thúc đẩy “Chủ nghĩa tư bản xuất sắc”, hỗ trợ “các công ty Mỹ tập trung hoàn toàn vào việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ xuất sắc cho khách hàng của họ…”

Về phần mình, trong một bức thư gửi các CEO năm 2022, ông Fink cảm thấy buộc phải đáp lại những người chỉ trích. Ông Fink làm rõ rằng “Chủ nghĩa tư bản của các bên liên quan không liên quan tới chính trị. Nó không phải là một chương trình nghị sự xã hội hay ý thức hệ. Nó không mang tính thức tỉnh. Nó là chủ nghĩa tư bản, được thúc đẩy bởi các mối quan hệ cùng có lợi giữa bạn và nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp và cộng đồng mà công ty của bạn dựa vào để thành công. Đây là sức mạnh của chủ nghĩa tư bản”.

Lại một doanh nghiệp lớn của Mỹ đi theo hướng thức tỉnh

Một ví dụ đáng chú ý gần đây về văn hóa thức tỉnh trong doanh nghiệp là trường hợp của nhà sách uy tín và lớn nhất nước Mỹ, Barnes and Noble. Hãng này đã chuyển mình hướng theo văn hóa thức tỉnh, rất có thể là do ảnh hưởng từ quỹ đầu tư chủ quản. Những người dân Mỹ ở các bang nằm giữa nước Mỹ - vùng Đại Bình Nguyên của nước Mỹ - thường nhận thấy rằng các thay đổi văn hóa bắt nguồn từ vùng bờ biển sẽ mất nhiều năm để tới được khu vực phía trong của nước Mỹ. Một số ví dụ có thể được kể đến là mốt tóc dài của nam giới, văn hóa ma túy, sự bất tôn trọng chính quyền, và phong trào LGBTQ (chỉ những người có giới tính đặc biệt). Giờ đây, khi tới thăm một cửa hiệu của Barnes and Noble ở thành phố Billings, Montana (một bang nằm giữa nước Mỹ), người ta sẽ thấy sự thay đổi của hãng sách này trong năm 2022. Ngay ở giữa cửa hàng là một khu vực trưng bày hình kim tự tháp với các cuốn sách, tạp chí và các vật phẩm về LGBTQ. Kiểm tra kỹ hơn, một số sản phẩm chỉ có thể phân loại là sách báo khiêu dâm theo các định nghĩa truyền thống. Các nhân viên LGBTQ đeo các huy hiệu we/they một cách công khai (we/they dùng khi nói về một người chưa rõ giới tính, thay cho he/she). Người quản lý của hãng mặc một chiếc áo phông "đồng phục" với logo cầu vồng và khẩu hiệu LGBTQ.

Quỹ Elliott Management đã mua lại Barnes and Noble vào năm 2019 với 683 triệu USD. Theo ABC News Australia, Elliott Management là quỹ phòng hộ lớn nhất thế giới, xét trên khía cạnh đầu tư và sau đó gây ảnh hưởng tới các công ty. Người sáng lập và chủ tịch của Elliott Management là Paul Singer, một người đã ủng hộ LGBTQ trong hơn một thập kỷ. Ông Singer có thể là người chịu trách nhiệm lớn nhất cho sự hợp pháp hóa đám cưới đồng giới tại Mỹ, thông qua sự ủng hộ lâu dài cho nhiều tổ chức ủng hộ LGBTQ khác nhau.

Cuộc chiến cam go chống lại văn hóa thức tỉnh trong doanh nghiệp Mỹ (Phần 2)
Paul Singer, người sáng lập và chủ tịch của Elliott Management Corporation, phát biểu trên sân khấu trong Hội nghị The New York Times DealBook tại Trung tâm Thương mại Một Thế giới ở Thành phố New York vào ngày 11/12/2014. (Ảnh: Thos Robinson / Getty Images cho New York Times)

Các chính sách thức tỉnh của công ty thường tạo ra sự ác cảm trong một bộ phận không nhỏ khách hàng của công ty. Đi cùng với đó là các hậu quả tiêu cực khác, chẳng hạn như sụt giảm giá cổ phiếu. Theo một bài báo vào hôm 03/05, Walt Disney được cho là đã mất 63 tỷ USD giá trị vốn hóa kể từ khi công ty này theo đuổi việc ủng hộ cộng đồng LGBTQ và chống lại chính quyền bang Florida vào tháng 3.

Bảo Nguyên



BÀI CHỌN LỌC

Cuộc chiến cam go chống lại văn hóa thức tỉnh trong doanh nghiệp Mỹ (Phần 2)