Cuộc chiến chống lại đồng USD đang diễn ra trên toàn thế giới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các chính sách tai hại của chính quyền Biden đã dẫn đến khủng hoảng lạm phát tại Mỹ. Không chỉ thế, đồng USD còn đang bị suy yếu trên trường quốc tế, với những sự thách thức từ các nước đối thủ của Mỹ như Trung Quốc và Nga. Tầm ảnh hưởng của Mỹ đang suy yếu, kéo theo sự suy giảm uy tín của đồng USD.

Một cơn bão lạm phát lớn đang hoành hành ở Mỹ. Tình hình lạm phát hiện đã rất tệ, nhưng nó thậm chí sẽ sớm trở nên còn tồi tệ hơn.

Có một số yếu tố khiến tình hình sẽ còn xấu đi, nhưng yếu tố lớn nhất là một cuộc chiến. Không phải cuộc chiến ở Ukraine, mà là cuộc chiến chống lại đồng USD. Có rất nhiều vấn đề đáng quan tâm có liên quan, nhưng điểm mấu chốt là thế giới đang dần rời xa đồng USD.

Trên thực tế, đang có một cuộc chiến trên toàn thế giới chống lại đồng USD.

Quá trình phát triển của đồng USD

Một đồng tiền có thể được định giá dựa trên giá trị của hàng hóa dùng để đảm bảo cho nó, chẳng hạn như vàng hoặc dầu. Đồng tiền cũng có thể được định giá dựa trên sức mạnh kinh tế của nước phát hành, hay được định giá dựa trên tầm ảnh hưởng của nước phát hành. Đồng tiền của Mỹ, một cường quốc bá chủ toàn cầu đang suy yếu, cũng đã lần lượt được định giá theo các cách thức trên.

Cuộc chiến chống lại đồng USD đang diễn ra trên toàn thế giới
Ảnh của George Washington trên mặt trước của tờ bạc 1 USD và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Ben Bernanke ở Washington, DC. Vào ngày 11/05/2009, ông Bernanke bày tỏ sự tin tưởng rằng đồng USD sẽ không suy yếu khi nói "đồng USD sẽ mạnh vì nền kinh tế Mỹ đang mạnh". (Ảnh: KAREN BLEIER / AFP qua Getty Images)

Mỹ đã rời bỏ chế độ bản vị vàng vào năm 1971. Ngay sau đó, thị trường đã bị gián đoạn bởi vì khi không có một đồng tiền dự trữ cơ sở, được đảm bảo bởi giá trị của một tài sản hữu hình, rất khó để thiết lập giá của hàng hóa và dịch vụ trên thị trường quốc tế.

Sự liên kết của đồng USD với dầu vào giữa những năm 1970 đã giải quyết được vấn đề đó. Hiệp hội các nước sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ trên thế giới (OPEC), dẫn đầu là Ảrập Xêút, thống nhất chỉ giao dịch bằng USD khi bán dầu trên thị trường toàn cầu. Hơn nữa, Ảrập Xêút cũng chấp nhận lưu trữ lượng USD doanh thu thặng dư của họ, những "đồng đô la dầu", bằng việc mua trái phiếu chính phủ Mỹ.

Những động thái này đã giúp ổn định đồng USD và tạo ra nhu cầu lớn đối với USD giữa tất cả các quốc gia thương mại. Dầu chỉ được mua bằng USD, không những thế, phần lớn các mặt hàng trên thế giới cũng được giao dịch bằng USD.

Đối thủ và đồng minh của Mỹ đều rời xa đồng USD

Nhưng hiện nay, chúng ta đang chứng kiến ​​sự mất liên kết của đồng USD với dầu mỏ, đi kèm với sự sụp đổ của vai trò lãnh đạo của Mỹ trên trường quốc tế và các chính sách kinh tế tai hại tại Mỹ. Tất cả đều chống lại đồng USD.

Thực tế là, nợ quốc gia của Mỹ đang ở mức hoàn toàn là không thể chấp nhận được. Kể từ khi nhậm chức, chính quyền Biden đã bổ sung hơn 6 nghìn tỷ USD nợ vào bảng cân đối. Chỉ riêng điều đó đã làm tổn hại đến uy tín của một cường quốc kinh tế như Mỹ cũng như đồng USD.

Ở nước ngoài, các đối thủ của Mỹ như Trung Quốc và Nga đang tiến hành một cuộc chiến chống lại đồng USD bằng cách củng cố đồng tiền của họ bằng vàng và các kim loại khác, dầu và ngũ cốc. Cả hai quốc gia này đã tìm cách phi đô la hóa nền kinh tế của họ trong nhiều năm qua.

Sự suy yếu của đồng USD xuất hiện ở cả các nước không phải đối thủ của Mỹ.

Một số đồng minh đáng tin cậy nhất của Mỹ trên thế giới đang từ bỏ đồng USD, bằng cách này hay cách khác. Nhật Bản, một đồng minh của Mỹ và là nước nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ lớn nhất ở nước ngoài, đang bán tháo chúng với số lượng kỷ lục. Nhật Bản đã bán được khoảng 60 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ chỉ trong ba tháng qua. Dự kiến Nhật ​​sẽ bán nhiều hơn nữa trong tương lai.

Ảrập Xêút, một đồng minh lâu năm của Mỹ, cũng đang bán tháo tài sản được niêm yết bằng USD. Nước đứng đầu OPEC này đã giảm lượng trái phiếu kho bạc Mỹ mà nó nắm giữ xuống 36,7% chỉ trong hai năm qua, một con số rất lớn. Ảrập Xêút cũng đang xem xét bán dầu cho Trung Quốc, khách hàng lớn nhất của nước này, bằng đồng CNY (đồng nhân dân tệ) - không phải USD. Ngay cả Israel gần đây cũng đã giảm dự trữ USD và tích trữ đồng CNY của Trung Quốc.

Đồng USD suy yếu khi Mỹ mất dần ảnh hưởng trên trường quốc tế

Các đồng minh cũng như đối thủ của Mỹ đều thấy rằng trật tự toàn cầu do Mỹ lãnh đạo đang suy yếu. Đó là kết quả trực tiếp của cách tiếp cận thụ động của chính quyền Biden trước Trung Quốc và Nga. Mỹ đã không thành công trong việc kiềm chế được hai nước này.

Việc Mỹ suy giảm vai trò lãnh đạo khiến đồng USD mất đi uy tín.

Hơn nữa, thế giới nhận ra rằng một khi Mỹ không thể hiện ý chí dẫn đầu thế giới cùng với lĩnh vực kinh tế, thì lý do để nắm giữ USD - một loại tiền tệ định danh (tiền định danh là đồng tiền không được đảm bảo bởi hàng hóa có giá trị như vàng hoặc bạc mà được đảm bảo bởi chính quyền phát hành) mà giá trị chỉ dựa vào uy tín của Mỹ - sẽ nhanh chóng biến mất.

Chính quyền Biden lừa dối người dân về mức lạm phát thực của đồng tiền

Trong nước, nền kinh tế Mỹ đang chìm trong nợ nần nhưng vẫn tiếp tục chi tiêu với số tiền kỷ lục. Sự kết hợp của các yếu tố này đã dẫn đến mức lạm phát cao, dù cho lạm phát đã bị che dấu hoặc bị báo cáo thấp đi.

Trong thế giới đầy những thông tin sai lệch của chính quyền Biden, lừa dối là công cụ phổ biến. Tỷ lệ lạm phát chính thức là một ví dụ điển hình. Vào tháng 3, tỷ lệ lạm phát hàng năm chính thức được báo cáo là 8,5%, tăng từ mức 7,9% vào tháng 2.

Thông tin này có vẻ tồi tệ, nhưng nó vẫn không phản ánh đúng thực tế. Tỷ lệ lạm phát thực tế - chi phí của các sản phẩm và dịch vụ hàng ngày, thứ có ảnh hưởng nhiều nhất đến tầng lớp trung lưu và thấp hơn - thực sự cao hơn nhiều so với mức mà Tòa Bạch Ốc và Đảng Dân chủ muốn người dân tin vào.

Ví dụ, giá trung bình của một gallon xăng đã tăng khoảng 1,41 USD/gallon so với một năm trước, lên mức kỷ lục 4,42 USD/gallon. Đó hẳn là một sự tăng vọt về giá. Tuy nhiên, tình hình không chỉ dừng lại ở đó. Khi bạn xét đến việc giá khí đốt trung bình trên toàn quốc là khoảng 2,17 USD/gallon vào năm 2020, thì giá xăng đã thực sự tăng gấp đôi.

Thế còn giá thực phẩm?

Tỷ lệ lạm phát chính thức sau 1 năm đối với thực phẩm vào tháng 4 năm 2022 là 9,4%. Nhưng giá ngô đã tăng gấp đôi trong năm qua. Ngô được sử dụng trong tất cả các loại sản phẩm, từ dầu thực vật đến phân bón, thức ăn chăn nuôi, phụ gia nhiên liệu, v.v. Tỷ lệ lạm phát đối với một đầu vào quan trọng của nhiều ngành là 200%, không phải 10%.

Tương lai khó khăn với nhiều người Mỹ

Tương lai ngay trước mắt có vẻ không khả quan lắm. 30% nông dân Mỹ cho biết họ vẫn gặp khó khăn trong việc có được các đầu vào cần thiết cho vụ gieo trồng năm nay. Sự thiếu hụt đầu vào cho nông nghiệp dự kiến ​​sẽ kéo dài đến năm 2023.

Tất cả điều này có nghĩa là giá nhiên liệu tăng và tình trạng thiếu lương thực cũng rất có thể sẽ thúc đẩy lạm phát tăng cao hơn nữa.

Tương lai sẽ là rất khó khăn đối với nhiều người Mỹ.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả James R. Gorrie sống tại Nam California. Ông cũng là tác giả của cuốn sách The China Crisis (Cuộc khủng hoảng Trung Quốc) và của nhiều bài đăng trên blog: TheBananaRepublican.com.

Bảo Nguyên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Cuộc chiến chống lại đồng USD đang diễn ra trên toàn thế giới