Cuộc chiến giá dầu: Trump có thể tham gia đàm phán với Ả Rập Xê Út và Nga

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo Reuters đưa tin, vào hôm thứ Ba (31/3), Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết ông sẽ gia nhập cùng Ả Rập Xê Út và Nga, nếu cần, để thảo luận về việc giá dầu đang giảm mạnh do cuộc chiến giá cả giữa hai nước. Phân tích cho thấy, không chỉ Mỹ, phương Tây mà cả Nga đều chịu tổn thất lớn trong cuộc chiến này…

“Hai nước đang thảo luận về vấn đề này và tôi sẽ tham gia vào thời điểm thích hợp nếu cần”, ông Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng, nói thêm rằng ông đã có những cuộc trò chuyện riêng “tuyệt vời” với Hoàng tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Cuộc chiến giá dầu bùng phát không thể kiểm soát và làm trầm trọng thêm khủng hoảng kinh tế - tài chính do virus Corona Vũ Hán

Giá dầu giảm mạnh kể từ khi Vũ Hán bùng phát dịch bệnh vào đầu tháng 1/2020. Hiển nhiên, khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn, sản xuất trì trệ thì cầu về dầu giảm sẽ làm giá dầu thế giới giảm. Tuy nhiên, thị trường dầu thế giới chứng kiến mức giảm sốc kể từ ngày 24/2/2020, từ mức 52 USD/thùng xuống còn 22,8 USD/thùng như hiện nay.

Giá dầu WTI xuống thấp nhất trong lịch sử còn 22,84 USD/thùng (1/4/2020)

Những lo ngại tồi tệ nhất trên thị trường dầu mỏ đã trở thành sự thật khi các thành viên của OPEC + đã không đồng ý về cách đối phó với hiệu ứng coronavirus của nhu cầu dầu mỏ, khiến giá dầu lao dốc từ cuối tháng 2/2020. Những diễn biến mới về địa chính trị đang làm gia tăng thêm áp lực cho thị trường dầu mỏ khi Nga và Ả Rập Xê Út dường như dốc toàn lực tham gia cuộc chiến giá dầu. Cả hai nước này chuẩn bị tăng sản lượng dầu và làm dầu tràn ngập thị trường. Không giống như cách mà các kênh truyền thông lớn đưa tin, NTDVN nhìn nhận vấn đề này hoàn toàn khác.

Mỹ không thể đứng ngoài cuộc chiến vì các tổn thất quá lớn với thị trường tài chính

Cuộc chiến giá dầu dường như không chỉ là cuộc chiến giữa Nga và Ả Rập Xê Út để giành thị phần; có vẻ như đó còn là công cụ của Nga nhằm chống lại hệ thống tài chính và tín dụng phương Tây. Trung bình, các công ty sản xuất dầu đá phiến ở Hoa Kỳ cần giá dầu ít nhất là 73 USD/thùng để duy trì hoạt động kinh doanh, còn đối với các nhà sản xuất dầu truyền thống là khoảng 50 USD/thùng.

Chi phí sản xuất giá dầu/thùng tại các quốc gia khác nhau trên toàn thế giới (Nguồn: konoema)

Số liệu thống kê cho thấy Mỹ và phương Tây phải chịu mức phí sản xuất dầu rất cao. Chi phí sản xuất dầu của Mỹ thấp hơn EU, Brazil nhưng bình quân đã là 73 USD/thùng. Mức chi phí hòa vốn thấp nhất của Nga (gồm cả phí vận chuyển) là 30 USD/thùng.

Hầu hết các công ty khai thác dầu của Mỹ và EU được Moody's đánh giá mức tín nhiệm BBB. Khi giá dầu rất thấp, rất có khả năng các công ty khai thác dầu này sẽ bị hạ mức xếp hạng tín nhiệm, trái phiếu của họ sẽ trở thành trái phiếu rác (junk bond). Điều đó có nghĩa là 11% tổng thị trường nợ của Hoa Kỳ hiện tại có thể trở thành trái phiếu rác, các quỹ hưu trí Hoa Kỳ hay châu Âu phải bán tháo cổ phiếu, trái phiếu trong một khoảng thời gian rất ngắn. Các quỹ này cũng phải tìm nguồn khác để duy trì mức lợi suất như đã hứa với những người về hưu.

Nghĩa vụ chi trả hưu trí so với GDP (tỷ lệ %) tại một số nước (Nguồn: Citi GPS)

Khi các công ty khai thác dầu mỏ của Mỹ, EU đối mặt với áp lực rủi ro phá sản gia tăng, thì các ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ phải đối diện với một cuộc khủng hoảng tài sản thế chấp, vì tổ chức tài chính lớn và các ngân hàng cần các tài sản khác để đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn và thanh khoản theo yêu cầu Basel III. Hiện nay, dấu hiệu rõ nhất cho thấy các NHTM và định chế tài chính lớn đang có vấn đề về chất lượng tài sản đảm bảo là khối lượng thị trường repo qua đêm tăng vọt. Feb buộc phải mở rộng hoạt động repo từ 100 tỷ USD/ngày lên 150 tỷ USD/ngày, và gần đây là cam kết bơm thêm 1,5 nghìn tỷ USD cho thị trường này. Phải chăng đây là gói nới lỏng định lượng QE4 không chính thức?

Nguồn: Moody

Nga cũng là nước chịu tổn thất lớn trong cuộc chiến của chính mình

Hiển nhiên, Mỹ và phương Tây không phải là nạn nhân duy nhất của giá dầu. Giá dầu đang thấp hơn mức hòa vốn của Nga rất nhiều trong khi ngân sách của Nga phụ thuộc vào giá dầu. Vào ngày 8/10/2019, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết: ngân sách cho năm 2020 của Nga dựa trên giá dầu 50 USD/thùng. Hiện nay, giá dầu thế giới bằng ½ so với dự toán ngân sách của Nga nên khả năng chịu đựng của Nga không nhiều. Phải chăng đây là lý do khiến Trump không vội can thiệp vào cuộc chiến giá dầu và đợi cho đến thời điểm sức chịu đựng của đối thủ suy yếu nhất để đạt được các lợi thế lớn hơn trên bàn đàm phán? Dù sao, Trump vẫn luôn là một người đàm phán xuất sắc, chúng ta hãy chờ xem thế cờ giá dầu thế giới xoay chuyển ra sao trong vài tuần tới.

Trà Nguyễn - J.B



BÀI CHỌN LỌC

Cuộc chiến giá dầu: Trump có thể tham gia đàm phán với Ả Rập Xê Út và Nga