Cuộc chiến tiền tệ đã quay trở lại

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một trong những sai lầm lớn nhất mà chính quyền Biden có thể mắc phải là làm theo lời kêu gọi của các nền kinh tế cạnh tranh để phá giá đồng đô la Mỹ một cách ồ ạt và không ngừng in thêm tiền. Việc phá hủy sức mua của đồng tiền nhằm tài trợ cho các khoản chi tiêu của chính phủ đã được áp dụng trong nhiều thế kỷ, và tất cả đều cùng dẫn đến một hậu quả: Nền kinh tế sụp đổ.

Sau khi nợ và chi tiêu chính phủ tăng chưa từng có, nhiều quốc gia phải đối mặt với một viễn cảnh không thể tránh khỏi là đồng tiền mất giá nhiều hơn, điều này đã gây ra các phản ứng cạnh tranh trên toàn thế giới. Một cuộc chiến tranh tiền tệ đang diễn ra?

Chiến tranh tiền tệ là gì? Chiến tranh tiền tệ là một cuộc xung đột giữa các quốc gia đang tìm cách phá giá đồng nội tệ của mình nhằm làm tăng khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế, nhưng cũng gây tổn hại cho đối thủ của họ. Khi đồng tiền của một nước mất giá thì hàng hóa sản xuất trong nước khi bán ra ngoài sẽ rẻ hơn. Nhờ vậy sự xuất cảng hàng hóa nước đó sẽ gia tăng, họ có thể sản xuất nhiều hơn, do đó sẽ giảm số người thất nghiệp. Đặc điểm của một cuộc chiến tranh tiền tệ là những biện pháp trả đũa của các nền kinh tế có mối liên hệ, nói chung là sẽ dẫn tới sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu.

Việc phá giá để nhằm làm tăng khả năng cạnh tranh trong khi bản thân quốc gia đó đang có đồng tiền mạnh là điều vô cùng tiêu cực. Phá giá không phải là một công cụ để xuất khẩu, nó là một công cụ cho chủ nghĩa thân hữu, và phá hủy sức mua của tiền lương, tiền tiết kiệm để mang lại lợi ích cho các ngành năng suất thấp và chính phủ. Đó là sự chuyển giao của cải từ người dân sang chính phủ.

Việc Chính quyền Mỹ xếp một số quốc gia vào danh sách thao túng tiền tệ là một hành động hợp lý, điều này cũng có thể tác động đáng kể đối với thị trường và nền kinh tế toàn cầu, bao gồm những hành động sau:

  1. Loại bỏ các công ty của Mỹ ra khỏi quá trình mua sắm của chính phủ.
  2. Chặn hoặc dừng các giao dịch thương mại.
  3. Kêu gọi IMF tăng cường giám sát.
  4. Áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các công ty kinh doanh các loại tiền tệ đó và kêu gọi IMF hành động để tước bỏ trạng thái tiền tệ của họ.

Rất dễ dàng để chứng minh rằng một quốc gia không phải là nước thao túng tiền tệ để loại bỏ các biện pháp kiểm soát vốn và ấn định tỷ giá hối đoái gián tiếp hoặc trực tiếp. Mỹ sẽ không bao giờ có thể coi Trung Quốc là kẻ thao túng tiền tệ nếu đồng NDT không được cố định một cách giả tạo hàng ngày và các hạn chế về vốn đã được loại bỏ.

Vấn đề là Trung Quốc, Khu vực đồng tiền chung châu Âu và các quốc gia khác cần đồng Đô la Mỹ làm đồng tiền dự trữ thế giới để thể hiện mình như một giải pháp thay thế.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi rất nhiều chính phủ, ngân hàng và nhà kinh tế trên toàn cầu đang cố thuyết phục chính quyền Biden hãy in đô la vĩnh viễn, hãy quên đi các giới hạn đối với chính sách tiền tệ và theo chân Argentina và Venezuela theo kiểu “in tiền cho người dân”. Mục tiêu cuối cùng của họ là phá hủy Đô la Mỹ làm tiền tệ dự trữ thế giới và chấm dứt việc Mỹ trở thành quốc gia dẫn đầu về thu hút vốn.

Phá giá không phải là một công cụ để xuất khẩu, nó là một công cụ để ngụy tạo sự mất cân đối về cơ cấu và có hại nhiều hơn có lợi.

Thật không may, ở Mỹ, có những tiếng nói muốn “vũ khí hóa đồng đô la” (can thiệp chính trị vào tiền tệ) để bảo vệ chính sách phá giá lỗi thời và vô nghĩa, đây sẽ là sai lầm lớn nhất trong lịch sử và biến nền kinh tế Hoa Kỳ cũng như địa vị của nước này thành một loại tiền dự trữ rủi ro.

Nếu thế giới lâm vào một cuộc chiến tiền tệ, với sự tấn công vào tiền lương và tiền tiết kiệm, kéo theo đó là sự mất giá, thì sẽ không ai là người chiến thắng cả.

Chiến tranh tiền tệ là cuộc chiến chống lại công dân, tiền lương và tiền tiết kiệm của họ, để mang lại lợi ích cho các lĩnh vực không hiệu quả, thậm chí là đang ngập trong nợ nần.

Một cuộc chiến tranh tiền tệ sẽ tàn phá sức mua của tiền lương và ngăn chặn các quyết định đầu tư cũng như tiêu dùng. Khi các chính phủ tấn công tiền tệ, phản ứng của các tác nhân kinh tế không phải là đầu tư và tiêu dùng nhiều hơn, mà là sự sụt giảm tổng thể trong chi tiêu và phân bổ vốn.

Nếu một quốc gia tham gia vào một cuộc chiến tranh tiền tệ, thì quốc gia đó sẽ gây tổn hại cho chính công dân của mình. Nếu Trung Quốc, Khu vực đồng tiền chung châu Âu, Nga và Mỹ tham gia vào cuộc chiến không có hồi kết này, rất có thể sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng toàn cầu nghiêm trọng.

Một cuộc chiến tiền tệ không phải là ai thắng, mà là ai thua nhiều nhất. Và nếu các quốc gia bắt tay vào cuộc tấn công vào sự giàu có của công dân này thông qua phá giá thì thông điệp đối với thế giới chỉ có một: hãy mua những tài sản có giá trị dự trữ thực sự, như vàng hoặc bạc, và giấu chúng thật kỹ.

Mộc Trà

Theo Zerohedge

 



BÀI CHỌN LỌC

Cuộc chiến tiền tệ đã quay trở lại