Cuộc ‘chỉnh đốn’ mới của Trung Quốc: Các nhà môi giới chứng khoán trực tuyến xuyên biên giới lãnh đòn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bắc Kinh vừa ban hành một loạt các quy định nhắm vào các hãng môi giới trực tuyến xuyên biên giới. Các công ty này có thể bị buộc tội kinh doanh tài chính bất hợp pháp nếu họ cung cấp cho khách hàng Trung Quốc các dịch vụ đầu tư chứng khoán nước ngoài, theo thông tin từ một quan chức tài chính cấp cao của Trung Quốc.

Ngày 24/10, tại Hội nghị Thượng đỉnh Bund lần thứ 3 ở Thượng Hải, ông Sun Tianqi - Giám đốc Cục Ổn định Tài chính của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) - cho biết, các công ty môi giới trực tuyến xuyên biên giới của Trung Quốc đang ‘lái xe mà không có giấy phép’, nghĩa là họ đang thực hiện các hoạt động tài chính bất hợp pháp ở Trung Quốc.

Việc một số dịch vụ chứng khoán đầu tư ra nước ngoài bằng cách sử dụng nền tảng Internet để phục vụ riêng cho các nhà đầu tư nội địa Trung Quốc được định nghĩa là dịch vụ xuyên biên giới “không được công nhận”. Ông Sun nói thêm, các công ty này không có các giấy phép được ban hành bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và rõ ràng giấy phép của nước ngoài là không có ích gì để hoạt động trong Trung Quốc.

Phản ứng trước các quy định nghiêm ngặt của Trung Quốc, hôm 28/10, cổ phiếu của 2 hãng môi giới trực tuyến Futu và Tiger đã giảm mạnh. Cổ phiếu của Futu tại sàn chứng khoán Hoa Kỳ đã giảm 13%.

Theo thời báo Kinh tế Hong Kong, cổ phiếu của Futu vào ngày 29/10 tiếp tục suy yếu, giảm 9% xuống còn 53,47 USD - thấp hơn 73% so với mức 204 USD vào đầu năm nay, khiến mức tăng trưởng tích lũy của cổ phiếu Futu xuống còn 9% trong năm.

Giáo sư Frank Tian Xie tại Đại học Nam Carolina Aiken nói với The Epoch Times rằng ĐCSTQ - khi gia nhập WTO 20 năm trước - đã cam kết mở cửa thị trường tài chính Trung Quốc. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, Đảng này “không chỉ thất hứa mà còn coi việc người Trung Quốc mua các sản phẩm tài chính bên ngoài Trung Quốc là bất hợp pháp”. Điều này là “vi phạm quyền của công dân”.

Theo một báo cáo năm 2021 của China Merchants Bank, các khoản đầu tư ra nước ngoài của người dân Trung Quốc tăng nhanh chóng, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm từ năm 2008 đến năm 2020 là 32%.

Tính đến quý II/2021, Futu có hơn 15,5 triệu người dùng đã đăng ký và hơn 1 triệu khách hàng có tài sản. Số liệu vào cuối quý I cho thấy, tổng tài sản của các khách hàng của Futu và Tiger đạt 80,9 tỷ USD. Công ty Guosen Securities thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc đã trích dẫn số liệu thống kê từ Oliver Wyman - công ty tư vấn quản lý của Mỹ và iResearch - công ty tư vấn của Trung Quốc, cho biết: Vào năm 2022, các nhà đầu tư Trung Quốc dự kiến ​​sẽ đầu tư 3,5 nghìn tỷ USD ra nước ngoài, trong đó 27,7% (khoảng 970 tỷ USD) sẽ được rót vào thị trường chứng khoán.

Ông Liang Jiewen, Giám đốc đầu tư của Wocom Securities có trụ sở tại Hong Kong, nói với The Epoch Times rằng nếu quy mô khách hàng Trung Quốc của các công ty môi giới trực tuyến này tăng lên đến một số lượng nhất định, cùng với hiệu ứng quả cầu tuyết về vốn, thì sẽ ít nhiều làm rung chuyển hệ thống tỷ giá hối đoái của ĐCSTQ, và giới chức trách sẽ không có cách nào để giám sát các hoạt động.

Ông Liang nói, “không có cách nào [để ĐCSTQ] biết có bao nhiêu Nhân dân tệ đã được mang đi đầu tư; hoặc có bao nhiêu nhà đầu tư đang trao đổi ngoại tệ hay mua cổ phiếu thông qua kênh [môi giới chứng khoán trực tuyến] này”.

Tờ Oriental Daily của Hong Kong đưa tin, một làn sóng bán phá giá cổ phiếu sẽ được kích hoạt nếu Trung Quốc bắt đầu một cuộc đàn áp tổng thể đối với các nhà môi giới trực tuyến xuyên biên giới. Đây sẽ trở thành một sự xáo trộn đối với thị trường chứng khoán toàn cầu.

Ông Frank Tian Xie đánh giá tình hình hiện tại của Trung Quốc sẽ không tác động nặng nề đến thị trường chứng khoán toàn cầu. Tuy nhiên, vì việc đầu tư vào cổ phiếu ở nước ngoài dẫn đến sự mất mát lớn về ngoại hối ở Trung Quốc nên ĐCSTQ phải hạn chế dòng vốn chảy ra.

“ĐCSTQ đã nhận thấy nhiều dấu hiệu căng thẳng do thiếu hụt ngoại hối. Ví dụ như Evergrande và các công ty bất động sản khác không thể trả nợ nước ngoài, PBOC và Cục Ngoại hối đã buộc phải nhảy vào giải cứu, nhưng họ không thể làm được”. Do vậy, “ĐCSTQ phải tìm cách cắt giảm dòng vốn đầu tư ra nước ngoài”.

Đức Duy

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Cuộc ‘chỉnh đốn’ mới của Trung Quốc: Các nhà môi giới chứng khoán trực tuyến xuyên biên giới lãnh đòn