Cuộc hôn phối của Tiền ảo và Web đen đang đẩy loài người chìm vào bóng tối (Phần 2)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tranh luận gay gắt quanh bóng tối và vinh quang của Bitcoin và các đồng tiền phi pháp định chưa tới hồi kết thì việc công nhận sự tồn tại của Bitcoin, của các sàn giao dịch tiền ảo phi pháp định trong ánh đèn màu hấp dẫn của thị trường tài chính khắp toàn cầu đã đẩy Bitcoin và các hoạt động trong bóng tối của nó lên một tầm cao mới ...

Xem lại Phần 1.

Thừa nhận Bitcoin, tung hô và làn sóng ủng hộ mạnh mẽ đã giúp tội phạm được quang minh chính đại sử dụng và chuyển đổi Bitcoin thành tiền pháp định, giúp quốc gia sở hữu và thống trị Bitcoin là Trung Quốc trở nên giàu có và mạnh mẽ hơn.

Sự thừa nhận một công cụ của bóng đêm diễn ra trong bối cảnh các chính phủ lờ đi cảnh báo về các hoạt động liên quan đến Bitcoin trong giới tội phạm, lờ đi cảnh báo rằng Bitcoin có thể làm vô hiệu hóa chính sách tiền tệ, tài khóa của chính phủ, rằng Bitcoin có thể làm suy yếu sức mạnh của các đồng tiền pháp định khác, rằng Bitcoin càng mạnh thì càng mang lại quyền lực 'trong bóng đêm' không thể kiểm soát cho chủ sở hữu lớn nhất của nó: Trung Quốc.

Ủng hộ vì mất niềm tin

Ngay khi Phần 1 trong loạt bài viết này được đăng, một đọc giả của chúng tôi, nick facebook Nguyễn Hồng Sơn đã phản hồi: "Nếu không có một đồng tiền độc lập, con người ta có khác gì con cừu bị vặt lông mà không biết. USD hiện nay không phải do người Mỹ kiểm soát, EUR, Bảng Anh cũng thế. Người ta hiện nay chẳng cần làm vua chúa, quý tộc làm gì, chỉ cần nắm được quyền phát hành tiền, thì đã có thể thao túng quốc gia. Trong xu thế như thế, một đồng tiền không có ai kiểm soát được có vẻ là một ý tưởng tốt."

Quan điểm này của bạn đọc giả NTDVN thực ra cũng là quan điểm của một lượng lớn người dân chúng ta trên khắp toàn cầu, giải thích lý do tại sao một lượng lớn người dân có thiện cảm với các đồng tiền được cho là 'không bị kiểm soát' như Bitcoin.

Họ, cũng chính là tất cả chúng ta, những người không biết đến thế giới tội phạm, những người lao động chân chính quá thất vọng với sự mất giá của các đồng tiền pháp định, quá mệt mỏi khi tài sản bằng mồ hôi nước mắt của chúng ta mất đi do lạm phát, đồng lương hưu còm cõi đi vì lạm phát bởi vì btiền lương, tiền công của người đang lao động sẽ tăng giá theo lạm phát nhưng lương hưu thì không. Chưa kể, lạm phát đến từ các mục tiêu thao túng tiền tệ, chiến tranh tiền tệ đã tạo ra ngày càng nhiều các cuộc khủng hoảng lớn nhỏ; chúng làm cho chúng ta mất tài sản, mất việc trong khi những kẻ nắm quyền phát hành tiền thì ngày một giàu có, thậm chí thâu tóm tài sản của thế giới này.

Các đồng tiền pháp định dù có vẻ như chống lại được thế giới tội phạm nhưng khi từ bỏ bản vị vàng và kích thích một hệ thống tài chính vay nợ và đầu cơ, thì "tội ác" của tiền tệ pháp định gây ra cho chúng ta ngày nay thật đáng để chúng ta thất vọng, dù chẳng thể quay lưng lại với nó. Nỗi lo sợ phập phồng và mất niềm tin khiến một đồng tiền nằm ngoài mọi sự quản lý, giám sát của các chính trị gia nói hay hơn làm đã thực sự tạo thiện cảm với chúng ta.

Bên cạnh đó, niềm tin rằng Bitcoin là một công cụ ngăn ngừa lạm phát chính là lý do Bitcoin trở nên hấp dẫn. Dùng Bitcoin để giảm rủi ro lạm phát trở thành lời giải thích chính thống, ngập tràn trên các phương tiện truyền thông khi giá Bitcoin liên tục lập các kỷ lục đáng kinh ngạc mới. Điều này dễ hiểu, ít nhất thì Bitcoin có số lượng giới hạn, còn các đồng tiền pháp định khác thì không, bởi vì chúng đã hoàn toàn không còn neo vào vàng, hoàn toàn bị thao túng bởi các chính phủ và chính trị gia, những người này lại 'rất yếu đuối' trước thế lực tài phiệt tài chính trên toàn cầu và trên quốc gia họ cai quản, tiền trong tay họ là không giới hạn và tính chuẩn mực cũng ngày càng hao mòn.

Nhưng chúng ta có thật sự cần tiền ảo để ngăn chặn lạm phát hay không? Chúng ta có vàng và niềm kiêu hãnh của vàng lớn đến mức nó chưa bao giờ phải hạ thấp giá trị của mình, nó bảo tồn giá trị của tài sản và bất biến hàng ngàn năm. Tại sao chúng ta, những người dân lao động bình thường, lại cần một Bitcoin hoặc một đồng tiền mà rất nhiều kẻ xấu lợi dụng nó để phá hoại cuộc sống của con cháu chúng ta bằng ma túy, hợp đồng sát thủ, mổ cướp tạng, ấu dâm và bạo hành...?

Nguồn gốc của lạm phát và khủng hoảng tài chính, nguồn gốc của việc mất mát tài sản tư bản tích lũy và việc làm của chúng ta là do đồng tiền pháp định không còn bản vị vàng và do hệ thống cho vay đang khuyến khích đầu tư đòn bẩy tài chính quá mức. Sai lầm của đồng tiền pháp định này liệu có thể sửa chữa bằng một đồng tiền phi pháp định, cũng không hề có bản vị vàng mà lại còn bị thao túng bởi các thế lực bóng đêm như Bitcoin? Hẳn bạn đã có câu trả lời cho mình. Một sai lầm không thể sửa chữa bằng một sai lầm tệ hơn khác. Chắc chắn là không!

Ảnh: Pixabay

Niềm hy vọng đồng tiền tự do có đặt sai chỗ?

Phần nhiều trong chúng ta sẽ ngạc nhiên khi biết rằng Bitcoin không hề vô chính phủ. Điều gì xảy ra với một đồng tiền chúng ta tưởng là vô chính phủ, tưởng là tự do nhưng thực chất thao túng đằng sau đó lại là một chính phủ tà ác nhất hành tinh hoặc một thế lực (như một chính phủ) tà ác nhất hành tinh?

Ít người để ý rằng Trung Quốc, chứ không phải bất cứ nơi nào khác, chiếm tới 90% khối lượng giao dịch Bitcoin và là kẻ đào Bitcoin hăm hở nhất trên toàn cầu. Về phía cung, Trung Quốc là nơi đào 70% lượng Bitcoin trên toàn cầu.

Đương nhiên, trên một thị trường tự do, ai là kẻ nắm thị phần lớn nhất, thì quyền lực thuộc về kẻ đó. Với Bitcoin, Trung Quốc nắm giữ tới 90% lượng cầu và 70% lượng cung, như thế quyền lực thực sự với Bitcoin phải thuộc về Trung Quốc. Và hiển nhiên, sự thăng trầm của nó phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhưng chứa đựng rất nhiều ẩn số này.

Một cách mà Trung Quốc tác động đến giá Bitcoin là thông qua các sàn giao dịch của họ. Các sàn giao dịch này phát triển mạnh nhờ tính phí thấp.

Cung đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định giá tiền tệ. Trong hệ sinh thái tiền điện tử, Trung Quốc kiểm soát nguồn cung cho các loại tiền điện tử nổi bật thông qua các hoạt động khai thác. Khoảng 2/3 tổng số hoạt động khai thác Bitcoin có trụ sở tại Trung Quốc.

Bitmain, chịu trách nhiệm về 39% tất cả các hoạt động khai thác và điều hành 2 nhóm khai thác lớn nhất thế giới, là một công ty Trung Quốc có các hoạt động trải rộng ra ngoài biên giới nước này, bao gồm cả những nơi như Hoa Kỳ và Thụy Sĩ. Nó đi tiên phong trong chip ASIC, chạy hầu hết các hệ thống khai thác Bitcoin và được một số người gọi là “công ty có ảnh hưởng nhất trong hệ sinh thái Bitcoin”.

Bởi vì nguồn cung của Bitcoin được kiểm soát chặt chẽ, khai thác Bitcoin đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định giá của tiền điện tử. Những người khai thác Bitcoin điều chỉnh sản xuất và nhu cầu tiền xu của họ bằng cách điều chỉnh độ khó của vấn đề và phí giao dịch. Mặc dù đã có nhiều phản đối kịch liệt về mức tiêu thụ năng lượng của Bitcoin, các thợ đào Trung Quốc vẫn đang thực hiện công việc này một cách gọn gàng.

Vậy ai hưởng lợi khi Bitcoin tăng hoặc biến động điên rồ?

Dĩ nhiên là các nhà đầu tư Trung Quốc, những kẻ chiếm tới 90% giao dịch Bitcoin trên toàn cầu và và đào ra 70% lượng Bitcoin toàn cầu. Khi bạn dư thừa tiền và sở hữu tới 70% khối lượng Bitcoin, trong khi chính quyền ngoài mặt thì cấm (để đánh lạc hướng?), bên trong lại bật đèn xanh cho bạn đầu tư, lúc đó bạn sẽ làm gì? Đương nhiên là làm cho khối tài sản mình đang nắm giữ trở nên có giá trị. Chúng ta không biết được đằng sau các nhà đầu tư Trung Quốc có phải là chính quyền Trung Quốc hay không. Nhưng chắc chắn một điều, khi Bitcoin tăng giá điên rồ, tiền thật chảy về Trung quốc nhờ tiền ảo là Bitcoin, những “tay to”, CÁ MẬP thật sự của thị trường này.

Bitcoin, Ngoại Tệ, Lợi Nhuận, Chia Sẻ, Tăng
Khi Bitcoin tăng giá điên rồ, tiền thật chảy về Trung quốc nhờ tiền ảo là Bitcoin, những “tay to”, CÁ MẬP thật sự của thị trường này. (Ảnh: Pixabay)

Giá Bitcoin có thể được phổi phồng nhờ đầu cơ. Nên nhớ Bitcoin dù là tiền ảo nhưng còn hữu dụng trong thanh toán toàn cầu, trong buôn lậu ma túy, rửa tiền, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài… Nên sự tăng giá của Bitcoin (dù bị đầu cơ) còn dễ hiểu hơn nhiều so với các cuộc khủng hoảng bong bóng giá hoa Tulip của Hà Lan cách đây vài thế kỷ.

Ngoài Trung Quốc ra, Bitcoin và các đồng tiền phi pháp định khác dĩ nhiên thuộc về sở hữu của những người cần nó, ngoài giới đầu cơ, những người đơn thuần thích công nghệ blockchain và tiền ảo, thì phần còn lại thuộc về các băng đảng Mafia khắp toàn cầu. Đó là công cụ của họ. Tiền là mạch máu của mọi cơ thể, Bitcoin khiến cho mạch máu ấy sôi trào, tràn đầy và vận hành lưu loát, nuôi dưỡng các tổ chức phi pháp luật và phi chính phủ này.

Liên Hợp Quốc ước tính rằng lượng tiền được rửa trên toàn cầu trong một năm là từ 2% đến 5% GDP toàn cầu — từ 1,6 nghìn tỷ đến 4 nghìn tỷ USD. Mức vốn hóa Bitcoin hiện khoảng 1 nghìn tỷ USD, tăng chóng mặt trong vòng 12 năm nó xuất hiện. Tốc độ tăng đó mới có thể đáp ứng nhu cầu cầu rửa tiền, trao đổi hàng hóa của dục vọng và tội ác và làm giàu thêm cho Trung Quốc, tặng thêm cho quốc gia này một công cụ tài chính hoàn hảo làm suy yếu đồng USD và các đồng tiền pháp định khác.

Một nghiên cứu về thị trường tội ác trong Internet bóng đêm của Châu Á đã đưa ra kết luận thú vị thế này: Dù Trung Quốc là kẻ sở hữu chính, bị nghi ngờ là kẻ thao túng cung - cầu và giá của Bitcoin trên toàn cầu, nhưng các trang web bẩn của Trung Quốc lại sẵn sàng giao dịch hàng cấm và dịch vụ cấm bằng đồng NDT chứ không chỉ bằng Bitcoin. Nghiên cứu chỉ ra rằng nếu thị trường tội ác không có mâu thuẫn với chính quyền Bắc Kinh (thực tế là không đe dọa đến quyền lực và sự tồn tại của chính quyền này) thì Bắc Kinh sẽ không sờ đến các web bẩn. Có vẻ như có mối quan hệ "nương tựa" giữa hai khu vực này, điều này rất đáng ngạc nhiên. Phải chăng Bitcoin ở Trung Quốc không nằm trong tay của thế giới ngầm nhiều như trong tay của thế lực mà Bắc Kinh có thể kiểm soát? Điều này là hoàn toàn có thể.

Phản đối và lo ngại

Một người dùng mạng, anh T.G, chia sẻ trên một diễn đàn riêng tư với bạn bè rằng anh đã tìm hiểu deep web và dark web từ hơn 10 năm trước, vì tò mò là chính. Anh thú nhận rằng đó là cảm giác bản thân mình là tội phạm. Anh cũng thấy đồng Bitcoin sử dụng từ thời đó như một công cụ thanh toán và sự bất lực của giới chức trong việc truy vết các giao dịch tội ác đó (nếu họ muốn làm). Đó là lý do tại sao anh không bao giờ đầu tư vào Bitcoin, đó là cảm giác an ủi bản thân rằng ít nhất mình cũng không

thúc đẩy, cổ súy cho một đồng tiền của bóng tối, một đồng tiền thúc đẩy cái ác. Chia sẻ của anh nhận được nhiều đồng tình và phản đối.

Một nhà phân tích tài chính (người đóng góp rất nhiều tư liệu và tư vấn chuyên môn cho bài viết này) cũng chia sẻ với NTDVN rằng phân tích và nghiên cứu của cô về đồng Bitcoin từ 5 năm trước khiến cô tin rằng đồng Bitcoin sẽ là công cụ đầu cơ lý tưởng vì nó thỏa mãn được mọi nhu cầu của thế giới ngầm. Cầu tăng trong khi cung hữu hạn thì giá của nó sẽ tăng. "Nhưng từ 5 năm trước, khi nói điều này với chồng và bạn bè của mình, tôi đã nói với họ rằng, dù vậy tôi sẽ không bao giờ đầu tư vào Bitcoin, tôi sẽ chỉ nhìn nó như một người quan sát để chiêm nghiệm mà thôi. Có những nguyên tắc trong cuộc sống, tôi không muốn vi phạm và bước qua nó. Đôi khi, các quyết định trong cuộc sống của chúng ta không phải vì tiền", cô chia sẻ với phóng viên của NTDVN.

Tài Chính, Tiền Tệ, Bitcoin, Crypto, Cryptocurrency
Ảnh: Pixabay

Rất nhiều người danh tiếng khác cũng không ngừng lên tiếng chỉ trích Bitcoin: Phó Chủ tịch Berkshire Hathaway Charlie Munger, phó tướng của Buffett, cho biết trong phiên hỏi đáp tại một cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên của công ty hôm 1/5 vừa qua:"Tôi không hoan nghênh một loại tiền quá hữu ích với những kẻ bắt cóc và tống tiền, tôi cũng không thích rót hàng tỷ USD cho ai đó vừa phát minh ra một sản phẩm tài chính từ hư không". Ông nói thêm "Tôi nghĩ mình nên nói đơn giản, toàn bộ quá trình phát triển Bitcoin là ghê tởm và đi ngược lại lợi ích của nền văn minh". Tỷ phú Warren Buffett, người trước kia né tránh trả lời các câu hỏi tương tự, cũng đáp lời phó tướng của mình: "Tôi đồng ý với quan điểm đó" (theo Cafebiz).

Trong khi nhiều doanh nhân tuyên bố chấp nhận thanh toán Bitcoin cho sản phẩm của họ thì nhiều doanh nhân khác liên tục cảnh báo chính phủ Mỹ về nguy cơ Bitcoin có thể trở thành công cụ tài chính của Trung Quốc để làm suy yếu đồng USD và tàn phá thị trường tài chính Mỹ.

Và dù người ta có phản đối hay ủng hộ Bitcoin, thì sự lo lắng về đồng tiền này cũng đang ngày càng gia tăng và không ai phủ nhận rằng, Bitcoin khi kết hôn với Internet bóng tối, đã khiến thị trường tội ác bùng nổ. Cặp đôi này dường như đang đàng hoàng dắt tay nhau công khai trong ánh sáng bất lực của nền văn minh hiện đại.

Anh T.G lo ngại "Cho đến nay, sau bao tuyên bố bóng bẩy, liệu có ai đưa dẫn chứng cho mình thấy được lĩnh vực nào ứng dụng blockchain thành công ngoài đồng Bitcoin? Cho đến nay, liệu bao nhiêu người biết giao dịch thế giới ngầm đã thuận lợi hơn nhiều lần vì Bitcoin đã có các sàn giao dịch công khai, chứ không khó khăn khi quy đổi thành tiền thật như trước đây? Cho đến nay liệu có bao tên trùm tội phạm giàu nên gấp trăm lần với những đồng tiền bỗng trở nên vô cùng sạch sẽ!? Sóng lên xuống của Bitcoin giờ không chỉ mang lại tiền nhiều hơn cho chúng mà còn thành công cụ để thao túng nhiều mặt của thế giới".

"Vì vậy giàu nhất trong giới tiền ảo không nghi ngờ gì chính là các ông trùm buôn lậu, trùm băng đảng, cartel thậm chí là khủng bố, những kẻ thừa tiền để có thể mua vài ông nghị ủng hộ tiền ảo, tạo cho nó vai trò dù không được chính thức, còn gây tranh cãi nhưng cũng đủ để không có sự tấn công mạnh mẽ nào từ các chính phủ vào tiền ảo, đủ để thế giới thật lao vào đầu cơ và làm cho những thế lực đen tối này giàu nên gấp bội, mạnh hơn gấp bội".

Giờ đây, công cụ của bóng đêm được công khai và ca tụng trong ánh sáng bất lực của chúng ta: Bitcoin, các đồng tiền ảo tương tự nó và cả sàn giao dịch (tạo thị trường) cho loại tiền này, đang được công khai niêm yết, chào đón trên sàn giao dịch Mỹ. Điều này thúc đẩy giá Bitcoin và các đồng tiền ảo khác tăng mạnh.

Ai được hưởng lợi từ sự chào đón này? Đó là kẻ thống trị Bitcoin: Trung Quốc và những ông trùm tội ác đang nâng niu Bitcoin (hoặc các đồng tiền tương tự nó) như báu vật.

Thanh Đoàn

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. https://www.thebalance.com/what-is-a-dark-market-391289
  2. IMF, 2019, The Truth About the Dark Web, đăng tại www.mf.org
  3. Fiammetta Piazza, Bitcoin in the Dark Web: A Shadow over Banking Secrecy and a Call for Global Response, USC Gould School of Law, 2017. https://gould.usc.edu/why/students/orgs/ilj/assets/docs/26-3-Piazza.pdf
  4. https://www.securityweek.com/guided-tour-asian-dark-web
  5. https://www.truthfinder.com/infomania/dark-web/dark-web-crime/

 



BÀI CHỌN LỌC

Cuộc hôn phối của Tiền ảo và Web đen đang đẩy loài người chìm vào bóng tối (Phần 2)