‘Cuộc họp 100.000 người’ của chính quyền Trung Quốc tiết lộ nền kinh tế đang khó khăn chồng chất

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chỉ hai ngày sau cuộc họp của Thường trực Chính phủ Trung Quốc về các biện pháp ổn định kinh tế, một hội nghị quốc gia qua truyền hình về ổn định nền kinh tế đã được tổ chức vào cuối tháng 5/2022 với quy mô ước tính lên đến 100.000 người tham dự, theo tờ "Liên hiệp buổi sáng". Tại sao Chính phủ Trung Quốc lại triệu tập cuộc họp toàn quốc quy mô lớn như vậy? Cuộc họp đã gửi đi tín hiệu gì?

Cuộc họp có quy mô lớn chưa từng có

Cuộc họp này đã được thông báo đến các tỉnh, thành phố và huyện (khu). Ngoài ra thành phần tham gia còn có đại diện của các doanh nghiệp nhà nước và các công ty tài chính. Theo tờ “Quan sát kinh tế”, tất cả người phụ trách các cơ quan của chính quyền các cấp đều phải tham dự cuộc họp. Một cán bộ cấp cơ sở cho biết việc chính phủ thông báo cuộc họp đến cấp huyện là cực kỳ hiếm khi xảy ra.

Tính đến cuối năm 2020, Trung Quốc có 2.844 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 973 khu trực thuộc thành phố (tương đương cấp huyện), 388 thành phố cấp huyện, 1.312 huyện, 117 huyện tự trị, 49 hạt.

Theo ước tính trên, cuộc họp này có sự tham dự của 100.000 người. Đây có lẽ là cuộc họp quy mô lớn chỉ đứng sau cuộc họp về phòng chống dịch bệnh tổ chức vào ngày 23/2/2020. Khi đó, dịch bệnh vừa bùng phát ở Trung Quốc và theo tờ “Nhân dân Nhật báo” đã có 170.000 người tham dự.

Thừa nhận các vấn đề kinh tế nghiêm trọng

“Cuộc họp 100.000 người” diễn ra vào thời điểm tình hình kinh tế trầm trọng và xuất hiện nhiều tiếng nói trong xã hội do Trung Quốc áp dụng chính sách “Không COVID”. Ngoài ra, một số phương tiện truyền thông phương Tây, bao gồm “The Wall Street Journal”, cho rằng dường như đã xuất hiện những tiếng nói khác nhau trong giới lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ, truyền đi những thông điệp khác nhau ra thế giới bên ngoài.

Theo Tân Hoa xã, tại cuộc họp, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đề xuất cần đảm bảo thực hiện các chính sách và biện pháp được xác định trong nửa đầu năm, theo đó trước cuối tháng 5 phải ban hành chi tiết việc thực thi gói chính sách gồm 33 biện pháp để ổn định nền kinh tế. Ông cũng nhấn mạnh rằng chính phủ sẽ cử đoàn thanh tra đến 12 tỉnh để tiến hành thanh tra đặc biệt về việc thực hiện chính sách và phối hợp triển khai.

Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ vào ngày 23/5, Trung Quốc đã quyết định thực hiện 33 biện pháp trong các lĩnh vực, bao gồm tài chính, ổn định chuỗi cung ứng, thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư hiệu quả, đảm bảo an ninh năng lượng, đưa ra nhiều chính sách nhằm vào dân sinh, cởi trói cho doanh nghiệp.

Mặc dù không có dấu hiệu thay đổi chính sách, nhưng so với các cuộc họp cấp cao trước đây, phần trình bày của Thủ tướng Lý Khắc Cường về những khó khăn kinh tế hiện nay của Trung Quốc đã thẳng thắn hơn.

Ông Lý Khắc Cường cho biết trong tháng 3, và đặc biệt là từ tháng 4, các chỉ số về việc làm, sản xuất công nghiệp, tiêu thụ điện và vận chuyển hàng hóa của Trung Quốc đã giảm đáng kể. Khó khăn ở một số khía cạnh còn lớn hơn nhiều so với thời điểm dịch bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng vào năm 2020.

Cuộc họp bàn về những khó khăn hiện tại, như tỷ lệ thất nghiệp gia tăng rõ ràng trong tháng 4, tiêu dùng và bất động sản tăng trưởng âm, tín dụng giảm một nửa.

Số liệu được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố hôm 15/6 cho thấy, doanh số bán lẻ ở nước này đã giảm 6,7% trong tháng 5 so với một năm trước. Dù con số này đã cải thiện hơn so với mức sụt giảm 11,1% trong tháng Tư, nhưng vẫn đánh dấu tháng thứ 3 liên tiếp doanh thu bán lẻ ở Trung Quốc tụt dốc.

Phân tích của Bloomberg chỉ ra rằng việc ông Lý Khắc Cường yêu cầu công bố các chỉ số kinh tế để thực sự cầu thị là do thế giới bên ngoài luôn nghi ngờ số liệu chính thức của Trung Quốc đã được điều chỉnh, nên mới không tệ như vậy.

Nhà kinh tế Trương Áo Bình cũng có bài viết cho rằng cuộc họp chỉ rõ công việc tiếp theo và hiệu quả thực tế của việc thực thi chính sách cần được kiểm tra thực tế để ngăn ngừa sai lệch và che giấu.

Tăng trưởng ổn định và đảm bảo việc làm đang là thách thức lớn

Bài phát biểu của ông Lý Khắc Cường nhấn mạnh hai điểm: Ổn định tăng trưởng và đảm bảo việc làm. Ông cho rằng nên đặt tăng trưởng ổn định ở vị trí nổi bật hơn, cần nỗ lực bảo vệ các chủ thể thị trường, đảm bảo việc làm và sinh kế của người dân, bảo vệ khả năng phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc và phấn đấu đảm bảo nền kinh tế đạt mức tăng trưởng hợp lý trong quý II, sớm giảm tỷ lệ thất nghiệp để giữ cho nền kinh tế hoạt động trong phạm vi hợp lý.

Về tăng trưởng kinh tế, Chính phủ Trung Quốc ban đầu đặt mục tiêu khoảng 5,5%, nhưng kết quả kinh tế gần đây cho thấy nước này khó đạt được mục tiêu đề ra. Các nhà kinh tế được Bloomberg thăm dò ý kiến dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4,5% trong năm nay. Trong bối cảnh cần ưu tiên chống dịch, nhiều khả năng Trung Quốc trong năm nay có thể trượt mục tiêu tăng trưởng lần đầu tiên trong lịch sử.

Theo báo cáo của các nhà kinh tế thuộc Goldman Sachs, việc Lý Khắc Cường đặc biệt chú trọng đến tăng trưởng trong quý II có thể là một sự thừa nhận ngầm rằng mục tiêu tăng trưởng đặt ra vào đầu tháng 3 là một thách thức. Báo cáo của Goldman Sachs cho rằng do hoạt động kinh tế trong tháng 4 yếu đi nhiều, từ đầu tháng 5 đến nay phục hồi chậm chạp, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng liên tục, nên các nhà hoạch định chính sách càng cần có biện pháp thúc đẩy nền kinh tế.

Theo nhà kinh tế Hùng Viên, trong báo cáo, Lý Khắc Cường nói rằng “cố gắng đảm bảo tăng trưởng kinh tế hợp lý trong quý II”, xem xét tình hình kinh tế hiện tại, tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý II có thể nằm trong khoảng 0-3%, mục tiêu cả năm có thể nằm giữa “bảo vệ 4% và cạnh tranh 5%”.

Về phương diện việc làm, Trung Quốc sẽ chào đón số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học lớn nhất trong năm nay, với 10,76 triệu người, bất chấp số lượng việc làm đang giảm nhanh chóng. Ngô Ái Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sinh viên Giáo dục Đại học thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc, hồi tháng 4 cho biết áp lực việc làm mà sinh viên tốt nghiệp đại học phải đối mặt trong năm nay thậm chí còn khó khăn hơn so với năm 2020.

Ngoài ra, do kinh tế khó khăn, nhiều công ty, bao gồm cả các công ty công nghệ, gần đây đã bắt đầu sa thải nhân viên. Theo Tổng cục thống kê quốc gia Trung Quốc, vẫn còn 200 triệu người Trung Quốc đang ở trong tình trạng “tìm việc linh hoạt”. Vào tháng 4, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị lên đến 6,1%. Về vấn đề này, Diêu Thụ Khiết, giáo sư kinh tế tại Đại học Trùng Khánh, từng cảnh báo rằng một khi thất nghiệp quy mô lớn xảy ra, tiêu dùng, bất động sản, đầu tư và các lĩnh vực kinh tế khác sẽ chịu phản ứng dây chuyền.

Tình thế khó khăn lưỡng nan

Trang tin “Xueqiu” có bài phân tích cho rằng khi lòng tin cực kỳ yếu, thì phải có nước lũ mới khiến con tàu mắc cạn quay trở lại luồng. Hiện Trung Quốc không còn nhiều dư địa cho việc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc và hạ lãi suất cơ bản nhưng vẫn còn nhiều dư địa để phát hành trái phiếu chính phủ.

Theo một báo cáo khác của Bloomberg, Chu Quân Chi, Trưởng bộ phận phân tích vĩ mô tại Minsheng Securities, cho biết việc phát hành trái phiếu chính phủ có thể là một cách quan trọng để huy động vốn trong năm nay. Ngoài ra, ông còn dự đoán Trung Quốc sẽ một lần nữa mở ra nới lỏng tiền tệ tổng thể, chẳng hạn như cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc vào cuối tháng Sáu.

Mặc dù Chính phủ Trung Quốc đã họp bàn về bình ổn kinh tế, báo chí cũng đưa ra những bình luận tích cực để hô hào thị trường, song thị trường vẫn có những nghi ngờ, thậm chí là tâm lý bi quan. Trong đó, làm thế nào để cân bằng giữa “kiên trì chính sách Không COVID” và “ổn định tăng trưởng, đảm bảo việc làm” là vấn đề được mọi người quan tâm nhất.

Trong bài phát biểu ngày 25/5, Lý Khắc Cường nói rằng các cấp chính quyền phải giải quyết vấn đề lưỡng nan. Đó là vừa hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế vừa phải làm tốt công tác phòng chống dịch.

Về vấn đề này, Dương Vũ Đỉnh, nhà kinh tế trưởng của ANZ, phân tích trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg rằng, ông Lý Khắc Cường rõ ràng đang rất lo lắng, đã phải ra lệnh nhanh chóng áp dụng các biện pháp để ổn định tăng trưởng, việc làm và doanh nghiệp.

Vừa chống lại biến thể Omicron vừa phát triển kinh tế quả là một vấn đề lưỡng nan. Cùng với việc virus Covid-19 ngày càng dễ lây lan, nền kinh tế ngày càng gặp nhiều khó khăn, thì không gian cho việc tìm kiếm sự cân bằng ngày càng nhỏ, và thời gian ngày càng trở nên gấp gáp hơn. Kinh tế đã bật đèn đỏ, công tác phòng chống dịch bệnh cũng không được thả lỏng chút nào. Đối với chính quyền các địa phương, đây giống như một ván bài khó với chiếc đồng hồ đếm ngược đặt bên cạnh.

Tại cuộc họp, ông Lý Khắc Cường đã đề cập đến tính cấp bách của thời gian. Hãng tin Bloomberg trích dẫn nguồn tin giấu tên cho biết Lý Khắc Cường có những ngôn từ thẳng thắn hơn, cho rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có nguy cơ trượt ra khỏi phạm vi hợp lý. Nếu vậy, Trung Quốc sẽ phải trả một cái giá rất lớn và mất nhiều thời gian để phục hồi. Do đó, tăng trưởng kinh tế trong quý II phải khả quan.

Những thách thức mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt không chỉ dừng ở công việc phòng chống dịch bệnh. Xung đột Nga-Ukraine, tình hình khu vực châu Á-Thái Bình Dương, áp lực lạm phát, việc Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất, sự chuyển giao chuỗi cung ứng... khiến nỗi lo bên trong và rắc rối bên ngoài càng thêm chồng chất, triển vọng khó có thể nói là lạc quan.

Đòn giáng cuối cùng?

Một bài viết của tác giả Nghiêm Thuần Câu trên báo Vision Times cung cấp thêm các thông tin đáng lưu ý về tình hình kinh tế Trung Quốc.

Bài báo cho biết, gần đây, ở các tỉnh lớn giàu có, các viên chức chính quyền Trung Quốc đã bị giảm 50% tiền lương, tất cả các khoản gọi là ‘tiền thưởng thành tích’ đã bị hủy bỏ. Không chỉ quan chức chính quyền bị cắt giảm lương, mà ngay cả giáo viên, nhân viên y tế cũng vậy. Thậm chí có những ‘thiên thần áo trắng’ cũng đã gia nhập ‘đội quân đòi lương’, điều này cho thấy tính phổ biến và nghiêm trọng của vấn đề.

Đồng thời, các ngân hàng địa phương cũng bắt đầu đổ vỡ. Một ngân hàng nông thôn ở Hà Nam bất ngờ sụp đổ, gần 100 tỷ nhân dân tệ tiền gửi của 400.000 người gửi đã biến mất. Một số ngân hàng bắt đầu hạn chế người gửi tiền rút tiền, chỉ được rút không quá 1.000 nhân dân tệ mỗi ngày. Ngân hàng Thượng Hải giữ tài khoản lương của người già, khiến những người già nhận lương hưu rất khó khăn, nỗi khổ không nói hết, mục đích là giảm việc rút tiền gửi.

Việc cạn kiệt nguồn tài chính của chính quyền địa phương bắt nguồn từ sự suy giảm kinh tế không thể đảo ngược, và sự suy thoái toàn diện của ngành bất động sản. Chính quyền địa phương không thể kiếm tiền bằng cách bán đất, và chính quyền trung ương cũng thiếu nguồn thu thuế do suy thoái kinh tế. Trung ương không cứu được các địa phương, các địa phương lại càng nguy, khó tự cứu mình.

Các ngân hàng nông thôn nhỏ và các ngân hàng quốc doanh lớn có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Các ngân hàng lớn không còn hoạt động tốt trong điều kiện kinh tế suy thoái. Nợ nước ngoài, nợ trong nước, tài trợ của các doanh nghiệp nhà nước, và hố đen tham nhũng liên lụy, từ lâu đã khó tự bảo toàn bản thân. Cộng thêm sự đổ vỡ liên tục của các ngân hàng địa phương, tất cả đã ảnh hưởng đến hoạt động của các ngân hàng quốc doanh lớn.

Tham nhũng hệ thống và đánh mất lòng dân là hai con tê giác lớn nhất đã phá cửa xông vào Trung Quốc. Cộng với với tài chính cạn kiệt có thể là con tê giác xám lớn nhất, và có thể là cuối cùng, sẽ khiến chính quyền độc tài Trung Quốc lâm nguy?

Thanh Đoàn

Xem thêm:

Kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

‘Cuộc họp 100.000 người’ của chính quyền Trung Quốc tiết lộ nền kinh tế đang khó khăn chồng chất