Tỷ phú Soros trải lòng về cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong cuộc đời ông

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gregor Peter Schmitz phỏng vấn George Soros, vị tỷ phú đầu tư huyền thoại...

Điều duy nhất mà chúng ta có thể chắc chắn về thế giới sau đại dịch là: Không thể quay lại nền kinh tế toàn cầu hóa như trước khi đại dịch xảy ra. Mọi dự báo khác đều là không chắc chắn, bao gồm cả việc Trung Quốc sẽ vươn lên, vận mệnh của cường quốc Hoa Kỳ, và sự tồn vong của Liên minh Châu Âu.

GREGOR PETER SCHMITZ (GPS): Ông đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng. Liệu có thể so sánh dịch bệnh Covid-19 với các cuộc khủng hoảng khác không?

GEORGE SOROS: Không. Đây là khủng hoảng mà cả đời tôi mới gặp phải một lần. Ngay cả khi trước đại dịch xảy ra, tôi nhận ra rằng chúng ta đang ở tại thời điểm cách mạng to lớn khi mà những điều tưởng chừng không thể và khó tưởng tượng đã trở nên không chỉ là có thể mà có lẽ lại hoàn toàn cần thiết. Và Covid-19 đã đến, nó không chỉ hoàn toàn làm ngưng lại toàn bộ cuộc sống của con người mà còn làm thay đổi hành vi của họ một cách ghê gớm. Đó là một sự kiện chưa từng có hội tụ đủ các yếu tố đó. Và nó thực sự đã đe dọa sự tồn vong của nền văn minh chúng ta.

GPS: Liệu cuộc khủng hoảng này có thể được ngăn chặn nếu các Chính phủ được chuẩn bị tốt hơn?

SOROS: Chúng ta đã gặp nhiều dịch bệnh kể từ bệnh dịch hạch. Chúng diễn ra thường xuyên vào thế kỷ 19, và sau đó là bệnh cúm Tây Ban Nha vào cuối Thế chiến thứ nhất, nó đã diễn ra vào 3 lần với lần 2 gây thương vong lớn nhất. Hàng triệu người đã chết. Và chúng ta đã có những đợt bùng phát nghiêm trọng khác, như bệnh cúm lợn 10 năm trước. Do đó tôi thấy rất khó hiểu vì sao các nước có thể bất cẩn như vậy với dịch bệnh lần này.

GPS: Liệu vấn đề lớn nhất hiện nay có phải là nhân loại không biết phải ứng phó với dịch bệnh này ra sao và những việc sẽ phải làm trong những tháng tới là gì?

SOROS: Tất nhiên đó là vấn đề rất lớn. Chúng ta đang học hỏi rất nhanh, và chúng ta đã biết nhiều hơn về con virus này so với khi nó mới xuất hiện, nhưng chúng ta cũng đang phải ngắm bắn một mục tiêu di động vì nó thay đổi rất nhanh. Sẽ mất nhiều thời gian để tạo ra vaccine. Và ngay cả khi đã tạo ra vaccine rồi thì vẫn sẽ phải tìm cách thay đổi nó hằng năm, bởi vì con virus này rất dễ thay đổi. Đó là điều mà chúng ta đang làm với dịch cúm hằng năm.

GPS: Cuộc khủng hoảng này có thay đổi bản chất của chủ nghĩa tư bản hay không? Ngay cả trước khi Covid-19 dẫn tới khủng hoảng to lớn như hiện nay thì sự thu hẹp toàn cầu hoá và thương mại tự do đã đáng chú ý rồi.

SOROS: Chúng ta sẽ không thể trở về thế giới trước đại dịch được. Điều đó khá rõ ràng. Nhưng đó là điều duy nhất mà chúng ta chắc chắn được. Còn các dự báo khác điều trở nên khó đoán. Tôi không nghĩ rằng ai đó có thể tiên đoán được chủ nghĩa tư bản sẽ phát triển thế nào.

GPS: Khủng hoảng này có khiến các dân tộc và quốc gia đoàn kết hơn không?

SOROS: Về dài hạn thì đúng vậy. Hiện tại, nhân loại đang sợ hãi. Và sợ hãi thường làm người ta tự làm tổn thương chính mình. Điều đó là đúng với cá nhân cũng như tổ chức, quốc gia, và nhân loại nói chung.

GPS: Điều đó cũng đúng đối với cả việc Mỹ và Trung Quốc đang đổ tội cho nhau về nguồn gốc của virus?

SOROS: Bất đồng tiếp diễn giữa Mỹ và Trung Quốc làm vấn đề trở nên phức tạp, bởi vì chúng ta phải hợp tác về môi trường và phát triển vaccine chống Covid-19. Nhưng rõ ràng là chúng ta không thể hợp tác bởi vì chúng ta đang cạnh tranh xem ai sẽ tạo ra và sử dụng vaccine đó. Thực tế là chúng ta có 2 hệ thống chính phủ khác xa nhau, một dân chủ và một…

GPS: Độc tài?

SOROS: Phải rồi. Điều này làm mọi việc khó khăn hơn nhiều. Rất nhiều người cho rằng chúng ta cần phải hợp tác tốt hơn với Trung Quốc, nhưng tôi không ủng hộ điều đó. Chúng ta phải bảo vệ xã hội dân chủ mở. Đồng thời chúng ta cũng cần phải tìm cách hợp tác để bảo vệ môi trường và chống lại con virus mới này. Điều đó không dễ. Tôi thông cảm với người dân Trung Quốc, bởi vì họ phải sống dưới ách thống trị của một nhà độc tài - Tập Cận Bình. Tôi nghĩ rất nhiều người Trung Quốc văn minh rất thất vọng về điều đó và công chúng nói chung vẫn rất giận dữ với ông ta vì đã giữ bí mật về Covid-19 đến tận sau Tết Âm lịch của Trung Quốc.

GPS: Liệu quyền lực của ông Tập có yếu đi khi mà người Trung Quốc nhận ra rằng chính phủ đã kiểm soát cuộc khủng hoảng này thật kém cỏi?

SOROS: Rất có thể. Ông Tập đã bỏ giới hạn nhiệm kỳ và về bản chất là tự phong cho mình là Chủ tịch nước suốt đời, ông ta phá vỡ tương lai chính trị của những ai tham vọng và quan trọng nhất trong giới chính trị tinh túy. Đó là một lỗi lớn của cá nhân ông. Do đó, ông rất mạnh về mặt này nhưng lại đồng thời rất yếu và bây giờ có lẽ rất rủi ro cho ông.

Cuộc đấu tranh trong giới lãnh đạo Trung Quốc là điều mà tôi theo dõi rất chặt chẽ vì tôi đứng về phía những người tin vào một xã hội mở. Và có nhiều người ở Trung Quốc cũng rất ủng hộ một xã hội dân chủ cởi mở.

GPS: Liên minh Châu Âu, quê hương ông đóng vai trò gì trong cuộc tranh giành quyền lực này?

SOROS: Tôi rất lo lắng về sự tồn vong của EU bởi vì nó là một liên minh không hoàn chỉnh. Nó vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Nhưng quá trình đó chưa bao giờ được kết thúc trọn vẹn và điều này làm EU trở nên dễ bị tổn thương – dễ tổn thương hơn so với Mỹ, không chỉ vì nó không hoàn chỉnh mà còn là vì nó được dựa trên nền tảng pháp quyền. Và các bánh xe quyền lực thì xoay chuyển quá chậm chạp trong khi mối đe dọa của Covid-19 thì lan rất nhanh. Điều này tạo ra một vấn đề riêng có của EU.

GPS: Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức cho nổ một quả bom tuần trước khi đưa ra phán quyết về Ngân hàng Trung ương Châu Âu. Ông có thấy nó nghiêm trọng không?

SOROS: Tôi coi điều đó rất nghiêm trọng. Phán quyết mà đã đe dọa phá hủy liên minh EU là một thể chế pháp quyền, lý do là phán quyết được đưa ra bởi Tòa án Hiến pháp Đức, một toà án được tôn trọng nhất ở Đức. Trước khi nó đưa phán quyết, nó đã tham vấn với Tòa Công lý EU và sau đó quyết định thách thức họ. Do đó giờ thì bạn có một cuộc xung đột giữa Tòa Hiến pháp Đức và Tòa Công lý EU. Vậy tòa nào có quyền lực cao hơn?

GPS: Về nguyên lý thì các hiệp định Châu Âu trao cho Tòa Công lý EU quyền quyết định trong vấn đề này. Điều đó rất rõ ràng.

SOROS: Phải. Khi Đức tham gia EU, họ cam kết tuân thủ luật Châu Âu. Nhưng phán quyết đó đã tạo ra một vấn đề còn lớn hơn: nếu Tòa Đức có thể đặt dấu hỏi đối với quyết định của Tòa Công lý EU, vậy các nước khác có thể làm vậy không? Hungary hay Ba Lan có quyền quyết định tuân theo theo Luật Châu Âu hay luật của riêng họ không – EU sẽ đặt dấu hỏi với luật nào? Câu hỏi đó nhắm đúng vào trái tim của EU, nó vốn được dựng trên pháp quyền.

Ba Lan đã ngay lập tức chớp thời cơ và cho rằng toà án do Chính phủ họ kiểm soát có hiệu lực cao hơn Luật Châu Âu. Ở Hungary, ông Viktor Orban đã sử dụng tình trạng Covid-19 khẩn cấp và khiến quốc hội bổ nhiệm ông như một nhà độc tài. Quốc hội đã họp và thông qua các quyết định của ông trái với Luật Châu Âu. Nếu phán quyết của Tòa Đức ngăn cản EU đảo ngược xu thế này thì đó sẽ là sự kết thúc của EU.

GPS: Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) có cần phải thay đổi các chính sách của mình sau phán quyết đó không?

SOROS: Không nhất thiết. Phán quyết này chỉ yêu cầu ECB chứng minh các chính sách tiền tệ hiện tại thôi. ECB có 3 tháng để chứng minh các hành động đã thực hiện. Nó sẽ làm ECB bận rộn trong khi đó là tổ chức duy nhất hoạt động hữu hiệu tại Châu Âu trong việc cung cấp tài chính cần thiết để đối phó với dịch bệnh. Vì vậy, nó cần tập trung nguồn lực giúp Châu Âu thành lập một Quỹ Khắc phục.

GPS: Ông có sáng kiến nào về nguồn lực có thể lấy từ đâu?

SOROS: Tôi đã kiến nghị EU nên phát hành các trái phiếu vô thời hạn (vĩnh viễn) mặc dù tôi nghĩ là tên loại trái phiếu đó nên là “consol” bởi vì trái phiếu vĩnh cửu đã được sử dụng thành công dưới cái tên đó ở Anh Quốc từ năm 1751 và ở Mỹ từ năm 1870.

Trái phiếu vĩnh cửu bị nhầm với “trái phiếu Corona” mà Hội đồng Châu Âu đã từ bỏ vì một lý do hợp lý, đó là bởi vì nó đòi hỏi cộng đồng hoá các khoản nợ tích tồn - điều mà các nước thành viên không sẵn sàng chấp nhận. Điều đó đã làm hỏng cuộc thảo luận về trái phiếu vĩnh cửu.

Tôi tin rằng tình trạng hiện tại sẽ củng cố kiến nghị của tôi về việc phát hành trái phiếu vĩnh cửu. Tòa án Đức đã nói rằng các hành động của ECB là hợp pháp bởi vì họ tuân thủ các yêu cầu về việc trái phiếu họ mua tỷ lệ với cổ phần nắm giữ của các nước thành viên trong ECB. Nhưng ý nghĩa rõ ràng là bất kỳ giao dịch mua trái phiếu nào của ECB mà không phù hợp với tỷ lệ cổ phần này sẽ bị toà này xem xét lại và tuyên vượt thẩm quyền.

Trái phiếu mà tôi kiến nghị sẽ giải quyết vấn đề này, bởi vì chúng được phát hành bởi EU và đương nhiên phù hợp với tỷ lệ cổ phần và sẽ vĩnh viễn là như vậy. Các nước thành viên sẽ phải trả lãi suất hàng năm, rất rẻ, chỉ khoảng 0,5% và các nước thành viên có thể đăng ký rất dễ dàng theo cách đồng thuận hoặc liên minh.

Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Ursula von der Leyen nói Châu Âu cần khoảng 1000 tỷ euro để chống dịch và bà cũng nên cộng thêm 1000 tỷ euro nữa về bảo vệ môi trường. Trái phiếu vĩnh cửu có thể đáp ứng được yêu cầu đó nếu các nước thành viên thông qua.

GPS: Ông có vẻ rất bi quan.

SOROS: Trái lại. Tôi công nhận rằng Châu Âu đang đối mặt với rất nhiều đe doạ tồn vong. Không phải nói suông mà thực tế là như vậy. Phán quyết của Tòa Đức chỉ là đe doạ gần đây nhất. Khi chúng ta nhận ra điều này, chúng ta có thể sẽ có cơ hội. Chúng ta có thể đưa ra những giải pháp đặc biệt với hoàn cảnh đặc biệt hiện nay. Mà trái phiếu vĩnh cửu có thể áp dụng được trong trường hợp đặc biệt này, điều này ít áp dụng trong hoàn cảnh bình thường, nhưng giờ là lúc lý tưởng. Nếu tôi có thể kiến nghị thành công giải pháp như trái phiếu vĩnh cửu, tôi sẽ không mất hy vọng.

Đức Duy

Theo project-syndicate.org

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Tỷ phú Soros trải lòng về cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong cuộc đời ông