Cựu chủ tịch Fed: Nợ doanh nghiệp cao mang đến rủi ro cho nền kinh tế Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bà Janet Yellen, cựu chủ tịch của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết: các công ty mắc nợ cao rất dễ bị tổn thương do kinh tế suy thoái vì virus corona Vũ Hán, và họ cũng mang đến rủi ro rất lớn cho nền kinh tế Hoa Kỳ.

Trước đại dịch COVID-19, nền kinh tế “nhìn chung là rất tốt” và hệ thống ngân hàng có thanh khoản dồi dào, bà Yellen cho biết trong một cuộc họp video do Viện Brookings tổ chức vào ngày 30 tháng 3.

“Tuy nhiên, các tập đoàn phi tài chính bước vào cuộc khủng hoảng này với số nợ khổng lồ, và đó là một lỗ hổng. Theo quan điểm của tôi, họ đã vay quá mức thông qua việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp và cho vay có đòn bẩy”, bà nói.

Nhờ lãi suất thấp trong quá khứ, nợ doanh nghiệp đã tăng với tốc độ nhanh chóng kể từ khi nền kinh tế phục hồi từ suy thoái tài chính vào năm 2008. Các quỹ hưu trí, các công ty bảo hiểm và các nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội sinh lời cao hơn cũng góp phần vào khoản vay nợ này và khuyến khích nợ doanh nghiệp phình lên, bà Yellen nói.

“Vấn đề là nó tạo ra rủi ro cho nền kinh tế, và tôi e rằng chúng ta sẽ thấy điều đó trong các tháng tới, bởi vì nó có thể gây ra một làn sóng vỡ nợ doanh nghiệp”, bà cho biết thêm.

Nợ doanh nghiệp phi tài chính đã tăng 78% trong một thập kỷ qua, đạt 6,6 nghìn tỷ USD, theo CNBC.

Gần đây, dịch vụ nhà đầu tư của Moody đã cắt giảm triển vọng về nợ doanh nghiệp Hoa Kỳ từ “ổn định” xuống thành “tiêu cực”, tuyên bố rằng đại dịch sẽ dẫn đến tỷ lệ vỡ nợ gia tăng.

Công ty xếp hạng này cảnh báo rằng các khu vực “nhạy cảm nhất với nhu cầu và niềm tin của người tiêu dùng” như các hãng hàng không toàn cầu, các ngành lưu trú và du lịch, và ngành ô tô là dễ bị tổn thương nhất.

Các công ty năng lượng cũng có nguy cơ cao do giá dầu lao dốc trong khi các ngân hàng cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong môi trường lãi suất thấp này, theo Moody’s.

Việc hạ thấp thứ bậc xếp hạng diễn ra bất chấp việc Fed cam kết sẽ mua lại nợ doanh nghiệp trong một nỗ lực tăng cường thanh khoản.

Bộ Tài chính sẽ cung cấp 450 tỷ đô la cho Fed để mua lại các khoản vay và đầu tư, như là một phần của gói kích thích virus corona gần đây. Theo các nhà kinh tế, động thái này sẽ tạo ra khoảng 4,5 nghìn tỷ đô la cho vay khả dụng, vì ngân hàng trung ương có thể cung cấp khoản vay 10 đô la trên mỗi 1 đô la mà họ nhận được từ Bộ Tài chính.

Theo Moody’s, sự can thiệp của ngân hàng trung ương là rất hữu ích, nhưng một số lĩnh vực mắc nợ nhiều sẽ tiếp tục đối mặt với những thách thức.

“Sự hỗ trợ của Chính phủ sẽ giúp giảm bớt thiệt hại cho một số công ty, nhưng không có khả năng ngăn chặn sự khốn cùng tại các doanh nghiệp ít có khả năng tồn tại lâu dài”, Edmond DeForest, nhân viên tín dụng cao cấp tại Moody’s, đã viết trong một báo cáo.

Suy thoái lần này có phải ‘hình chữ V’ hay không?

Các quỹ trái phiếu lợi suất cao chứng kiến ​​sự tháo chạy kỷ lục trong những tuần gần đây trong khi phát hành nợ và tái cấp vốn mới đã cạn kiệt.

Theo bà Yellen, các công ty mắc nợ cao, ngay cả khi họ tránh được vỡ nợ, thường vẫn phải cắt giảm đầu tư và tuyển dụng, và điều đó sẽ khiến việc phục hồi nền kinh tế trở nên khó khăn hơn.

“Nếu việc phong tỏa kết thúc sớm một cách hợp lý và các hỗ trợ tài chính và tiền tệ hiện có cho phép các hộ gia đình và doanh nghiệp khôi phục hoạt động khi việc cách ly kết thúc, chúng ta có thể sẽ thấy sự phục hồi hình chữ V với tăng trưởng tích cực vào quý bốn của năm nay, tuy nhiên đó là tình huống tốt nhất”, bà nói thêm.

Tuy nhiên, bà Yellen lo lắng rằng sự phục hồi nhanh chóng hình chữ V có thể không thành hiện thực nếu các công ty bắt đầu sa thải nhân viên, thu hẹp đầu tư và tuyển dụng để giải quyết gánh nặng nợ cao.

“Điều đó sẽ khiến người lao động gặp khó khăn hơn trong việc tìm kiếm việc làm mới, và các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn để có thể khởi động lại một cách suôn sẻ”, bà cho biết.

Hầu hết các nhà phân tích hiện đều dự đoán rằng nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ thu hẹp mạnh mẽ trong hai quý đầu năm nay do đại dịch ngày càng tồi tệ và các biện pháp mà chính phủ áp dụng để chống lại nó.

Goldman Sachs vào ngày 31 tháng 3 đã phát hành một báo cáo mới với những điều chỉnh giảm đáng kể đối với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và ước tính việc làm.

Các nhà kinh tế của Goldman hiện dự đoán GDP sẽ thu hẹp 9% trong quý đầu tiên và 34% trong quý hai. Và tỷ lệ thất nghiệp dự kiến ​​sẽ tăng lên 15% vào giữa năm nay.

Tuy nhiên, cũng theo báo cáo của Goldman Sachs, nửa năm sau sẽ chứng kiến một sự phục hồi lớn hơn từ mức đáy như hiện nay. Và vào năm 2021 sự phục hồi sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa.

“Mặc dù sự không chắc chắn là có thật, chúng tôi hy vọng việc phong tỏa và giãn cách xã hội sẽ làm giảm mạnh số ca nhiễm mới trong tháng tới, và chúng tôi cho rằng sự lây lan chậm lại của virus cùng với việc bắt đầu thích ứng của các cá nhân và doanh nghiệp sẽ tạo tiền đề cho sự phục hồi dần dần về sản lượng bắt đầu từ tháng 5, tháng 6”, báo cáo nêu rõ.

Thanh Hương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Cựu chủ tịch Fed: Nợ doanh nghiệp cao mang đến rủi ro cho nền kinh tế Mỹ