Dã tâm đằng sau việc chính trị hóa để trị khu vực tư nhân của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc muốn quốc hữu hóa kinh tế tư nhân để thực hiện dã tâm lớn hơn, khu vực này đã đã quá lớn và quá tự do sau khi "học rất giỏi" quản trị và công nghệ từ phương Tây, giờ đến lúc khu vực này phải "trả ơn" và "nên được kiểm soát" bởi ĐCSTQ...

Cải cách kinh tế, mở cửa thị trường ở Trung Quốc luôn kèm thêm các chính sách vô cùng ưu đãi cho doanh nghiệp tư nhân. Đó là những ưu đãi về thuế, cấp bằng sáng chế, công nhận thương hiệu dễ dãi. Nhà nước buông lỏng kiểm soát doanh nghiệp tư nhân gần như hoàn toàn trong 3 - 5 năm đầu hoạt động, rải thảm đỏ cho các tập đoàn đa quốc gia... cho đến khi các doanh nghiệp tư nhân học hỏi xong về quản trị, công nghệ, mở rộng quy mô, quyền lực tài chính - kinh tế ở mức toàn cầu. Khu vực kinh tế này đã mang lại tăng trưởng nóng cho Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua.

Tuy nhiên, hiện nay, chính sách với khu vực doanh nghiệp tư nhân của Bắc Kinh bắt đầu xoay chiều khi chính quyền này cho rằng "khu vực tư nhân đã quá lớn và quá tự do". Đằng sau động thái này là một chiến lược lớn hơn và một dã tâm không thèm che giấu.

Thông điệp

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã vạch ra kế hoạch cho một "kỷ nguyên mới", cùng với việc nắm quyền kiểm soát đối với cả hoạt động kinh doanh tư nhân ở Trung Quốc.

Theo Tân Hoa Xã, kế hoạch này được trình bày chi tiết trong một tuyên bố dài 5.000 từ - và tất cả các khu vực, các cơ quan trong nước đã được yêu cầu tuân theo các hướng dẫn mới.

Thông điệp này được chính thức phát tại đài truyền hình trung ương Trung Quốc - CCTV - với bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 9 năm 2020. Bài phát biểu dài dòng, hoa mỹ này nhắm vào một mục tiêu rằng, khu vực kinh tế tư nhân đã phát triển quá tự do và phồn thịnh, điều này không phù hợp với nền tảng của chủ nghĩa Marx-Lenin, đã đến lúc ĐCSTQ cần hiện diện tại từng doanh nghiệp tư nhân để kiểm soát hoạt động của họ, đảm bảo khu vực kinh tế tư nhân phát triển và hoạt động trong mục tiêu kinh tế nhất quán do ĐCSTQ chỉ huy.

Phát biểu hồi tháng 9 của ông Tập cũng không đột nhiên xuất hiện. Quay trở lại khẩu hiệu kinh tế của ĐCSTQ 3 năm trước "Quốc Tiến Dân Thoái" cũng như động thái đăng lại bài phát biểu của ông Tập năm 2015 trên Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc về nền tảng lý luận kinh tế của Marx-Lenin cho thấy ông Tập muốn doanh nghiệp nhà nước phải dẫn dắt chỉ đạo, khu vực kinh tế tư nhân phải "thoái". Như vậy việc hiện diện của ĐCSTQ trong nội bộ doanh nghiệp tư nhân, kiểm soát và đảm bảo khu vực này phục vụ khu vực kinh tế nhà nước đã nằm trong chiến lược phát triển kinh tế của ông Tập.

Thực thi: Siết chặt tiến tới quốc hữu hóa khu vực tư nhân

Trong sự thay đổi rõ rệt của chính sách cải cách kinh tế và mở cửa thị trường từng là bất khả xâm phạm, Trung Quốc ngày này dường như đang ngày càng thắt chặt sự quản lý kinh doanh của nhà nước. Báo chí do chính phủ kiểm soát đang cảnh báo các công ty đa quốc gia như Nike và United Airlines nên giữ im lặng trước tình hình ở Tân Cương và eo biển Đài Loan - nếu không sẽ có nguy cơ bị đẩy ra khỏi thị trường.

Các quan chức đang gây áp lực buộc các công ty tư nhân thành công của nước này phải cho phép các ủy ban của ĐCSTQ tham gia vào đội ngũ quản lý của họ và buộc họ phải tuân theo các mệnh lệnh của Bắc Kinh. Rõ ràng là Bắc Kinh đang coi những công ty này là mối đe dọa. Chúng ta đang chứng kiến một kỷ nguyên mới của chủ nghĩa tư bản nhà nước Trung Quốc.

Sau khi các cơ quan quản lý Trung Quốc vào năm ngoái đột ngột dừng đợt chào bán cổ phiếu lớn nhất thế giới, IPO 37 tỷ USD của Ant Group tại Thượng Hải và Hồng Kông, Jack Ma, người sáng lập công ty mẹ Alibaba và là doanh nhân nổi tiếng nhất Trung Quốc, biến mất khỏi mắt công chúng và có thể bị cấm rời khỏi đất nước. Vào ngày 18/4/2021, Alibaba đã bị áp một mức phạt chống độc quyền 2,8 tỷ USD, mức lớn nhất từ trước đến nay ở đại lục. Ông Jack Ma có thể sẽ bị buộc phải bán cổ phần của mình trong Ant cho một công ty nhà nước - một động thái nhằm quốc hữu hóa doanh nghiệp. Động thái này có thể mở đầu cho một chiến lược lớn hơn về quốc hữu hóa khu vực kinh tế tư nhân nhằm đảm bảo các mệnh lệnh và kiểm soát kinh tế của ĐCSTQ được tuân thủ ngay lập tức trên diện rộng, không bỏ sót một khu vực nào trong nền kinh tế.

Ưu tiên chính trị hàng đầu, kinh tế thứ yếu và phớt lờ rủi ro

Tất cả những điều này đang diễn ra ngay cả khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại khi đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng bao gồm dân số già và năng suất giảm - thời điểm mà hầu hết các nhà kinh tế cho rằng Trung Quốc cần một khu vực kinh doanh sôi động, ít lo lắng hơn.

Thêm vào đó, Trung Quốc đang đối mặt với rủi ro vỡ nợ cao chưa từng có trong 40 năm qua. Nhiều khoản nợ khu vực doanh nghiệp, nợ địa phương đã nằm ngoài tầm kiểm soát rủi ro của hệ thống tài chính. Các vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp từ trung ương đến địa phương, chủ yếu ở các doanh nghiệp có hậu thuẫn của nhà nước đang ở mức kỷ lục, mà hiện chưa nhìn thấy hồi kết và hậu quả rủi ro của nó. Hàng loạt các tập đoàn kinh tế nhà nước thất bại buộc phải tái cấu trúc và không thể trả nợ như China Huarong, Tập đoàn kinh tế Đại học Bắc Kinh, Tập đoàn Than, ...

Nhưng bất chấp sự thất bại của khu vực kinh tế nhà nước, nơi có ĐCSTQ nắm quyền quyền soát và giám sát, bất chấp hoạt động yếu kém và liên tiếp thất bại, bất chấp các rủi ro kinh tế vĩ mô, các bất ổn của hệ thống tài chính, Trung Quốc dường như ưu tiên các mục đích chính trị hơn các mục tiêu kinh tế. Việc siết chặt khu vực kinh tế tư nhân chứng minh rằng các mục tiêu kinh tế, dân sinh, việc làm hoàn toàn phải nhường bước cho các mục tiêu tập quyền chính trị lớn hơn của Bắc Kinh.

Từ quan điểm của các nhà lãnh đạo của Bắc Kinh, tất cả những động thái này đều là những bước đi hợp lý nhằm thực hiện tham vọng quan trọng nhất của họ: Xây dựng Trung Quốc trở thành một quốc gia hùng mạnh và thịnh vượng trên toàn cầu do một Đảng Cộng sản lãnh đạo, không một ai có thể phản đối sự cai trị của nó.

Dã tâm

Để hiểu rõ sự mâu thuẫn này, người ta phải nhận ra chiến lược kinh tế của Trung Quốc đã thay đổi đáng kể như thế nào trong những năm gần đây. Đặt sang một bên vấn đề tự do hóa thị trường khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001, Bắc Kinh đã dứt khoát hướng tới một nền kinh tế nhà nước can thiệp, tập trung vào nội bộ và tự chủ hơn — cái mà các nhà lãnh đạo của họ gọi là chiến lược “lưu thông kép”.

Ngay từ những ngày đầu năm 2006, các quan chức Bắc Kinh đã tiết lộ việc áp dụng các chính sách “đổi mới bản địa” để xây dựng các ngành công nghiệp trong nước. Tuy nhiên, chiến lược này chỉ được áp dụng khi ông Tập Cận Bình trở thành nhà lãnh đạo hàng đầu của đất nước vào năm 2012.

Những gì chúng ta đang nhìn thấy hôm nay là một sự “toàn diện, từ trên xuống dưới chiến lược kinh tế mà mục tiêu để định hình lại nền kinh tế của đất nước và tương tác kinh tế của mình với phần còn lại của thế giới”, ông Loren Brandt, Đại học kinh tế Toronto, nói trong buổi điều trần với Ủy ban Đánh giá An ninh kinh tế Mỹ-Trung Quốc vào ngày 15 tháng 4. “Lộ trình này thể hiện Trung Quốc quyết tâm từ bỏ chiến lược phát triển cũ, từ bỏ cách thức cũ đã định hình nên sự phát triển của Trung Quốc suốt 3 thập kỷ cải cách đầu tiên từ 1978-2007” bao gồm “sự kết hợp từ dưới lên, phân cấp cải cách kinh tế trong nước và mở cửa đối ngoại ”.

Cuộc chiến thương mại của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cộng với những nỗ lực không ngừng của Mỹ nhằm làm tê liệt các công ty công nghệ thành công nhất của Trung Quốc như Huawei, đã thuyết phục các nhà lãnh đạo Trung Quốc về những rủi ro liên quan đến việc phụ thuộc vào thế giới bên ngoài.

Nhưng tham vọng của Bắc Kinh còn đi xa hơn. Trong một bài phát biểu vào tháng 4 năm 2020 , Ông Tập kêu gọi dùng toàn lực để phát triển một chuỗi cung ứng bản địa mà phần còn lại của thế giới phải dựa vào, do đó tạo ra đòn bẩy tăng trưởng vượt trội so với các quốc gia khác. “Chúng ta phải duy trì và nâng cao tính ưu việt của mình trong toàn bộ chuỗi sản xuất tại các lĩnh vực như đường sắt tốc độ cao, thiết bị điện, năng lượng mới và thiết bị thông tin liên lạc, đồng thời cải thiện chất lượng công nghiệp”, ông Tập nói với Ủy ban tài chính và kinh tế, một tổ chức do ông trực tiếp chỉ đạo. “Và chúng ta phải thắt chặt sự phụ thuộc của các chuỗi sản xuất quốc tế vào Trung Quốc, hình thành các biện pháp đối phó và khả năng răn đe mạnh mẽ dựa trên việc cắt đứt nguồn cung cho người nước ngoài một cách giả tạo”.

Như vậy đã rất rõ ràng, chiến lược của Bắc Kinh là sử dụng sức mạnh từ chuỗi cung ứng của Trung Quốc để làm công cụ mặc cả, đe dọa thế giới bên ngoài, từ đó dần dần đạt tới ngôi vị bá chủ và dẫn dắt kinh tế - chính trị - văn hóa - truyền thông toàn cầu.

Để thực hiện dã tâm này, Bắc Kinh cần mọi doanh nghiệp khu vực tư nhân, cả trong và ngoài nước, phải tuân thủ mệnh lệnh hành chính, chính trị của mình. Ví dụ, các công ty nước ngoài nên cảm thấy rằng việc chia sẻ công nghệ của họ với các đối tác địa phương là cái giá tự nhiên của việc tiếp cận thị trường Trung Quốc. Và để các nhà lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy thành công câu chuyện chính thức về một Trung Quốc hùng mạnh được dẫn đầu bởi một ĐCSTQ kiên cường và không thể thách thức, họ không thể dung thứ cho bất kỳ ai, kể cả các đại diện doanh nghiệp quốc tế, chỉ trích những vi phạm nhân quyền của đất nước hoặc sự quyết đoán của nó vượt ra ngoài biên giới.

“[ĐCSTQ] ngày càng nói nhiều hơn với bạn rằng bạn phải lựa chọn,” cựu phó cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Matt Pottinger giải thích trong một bài phát biểu tại Trung tâm Mansfield ở Montana vào tháng Ba. “Bạn hoặc phải sống theo các quy tắc và chuẩn mực của chúng tôi [ĐCSTQ], có nghĩa là bạn phải ngậm miệng về những thứ như diệt chủng ở Tân Cương, hoặc mối đe dọa chiến tranh với Đài Loan, hoặc sự phá hoại pháp quyền và dân chủ ở Hồng Kông… hoặc bạn có thể quên ngay cơ hội làm ăn hay tiếp cận thị trường Trung Quốc”.

Thực tế là Bắc Kinh không cần các công ty đa quốc gia như trước đây nữa. Các công ty của chính Trung Quốc ngày nay đã rất mạnh về tài chính và đã học xong mọi bí quyết về quản lý, đánh cắp xong mọi bí mật về công nghệ từ các công ty đầu tư nước ngoài mà Bắc Kinh từng phải săn đón.

Sự suy giảm tầm quan trọng của các công ty đa quốc gia có thể thấy rõ khi nhìn vào ngành sản xuất, nhà kinh tế học Brandt của Đại học Toronto bình luận. Nghiên cứu của ông cho thấy số lượng các công ty có vốn đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc đã giảm hơn 15% từ năm 2013 đến năm 2019, trong khi số lượng các công ty Trung Quốc tăng hơn 10% (dữ liệu bao gồm tất cả các công ty có doanh thu trên 20 triệu NDT, chiếm hơn 80% sản lượng toàn ngành).

Các doanh nghiệp tư nhân, so với các công ty nhà nước của Trung Quốc, được coi là cũng quan trọng và trở thành lực lượng đe dọa lớn hơn đối với đảng. Ông Liu He, cố vấn kinh tế của ông Tập Cận Bình, thích đề cập đến khu vực tư nhân với cụm từ “56789.” Điều đó đề cập đến vai trò quan trọng của các doanh nghiệp tư nhân trong việc tạo ra 50% tổng doanh thu từ thuế, 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 70% của tất cả sự đổi mới, 80% việc làm ở các thành phố và 90% của tất cả các công ty đã đăng ký.

Khu vực tư nhân trong nước lớn mạnh đã khiến các quan chức Trung Quốc cho rằng các doanh nghiệp này tích lũy quá nhiều quyền lực. Năm ngoái, việc chính phủ làm Alibaba ngừng IPO, CEO Jack Ma của Alibaba biến mất khỏi thương trường và truyền thông trong nhiều tháng, thực hiện chuyển giao cưỡng ép một phần tài sản, công nghệ và toàn bộ thông tin người dùng cho chính quyền để quản lý... là hồi chuông cảnh tỉnh cho các khu vực tư nhân về một tương lai bấp bênh, nơi chính phủ không ưa chia sẻ quyền kiểm duyệt của mình.

Những lo ngại về việc Alibaba kiểm soát thông tin đã thúc đẩy các quan chức gây áp lực buộc công ty này phải bán bớt một số cổ phần truyền thông, bao gồm cả tờ báo South China Morning Post có trụ sở tại Hồng Kông. Thậm chí, một trường kinh doanh do Jack Ma thành lập ở Hàng Châu - Đại học Hupan - bị một số người ở Bắc Kinh coi là mối đe dọa và đã được lệnh không nhận lớp mới trong năm nay. “Chính phủ cho rằng Hupan có khả năng tổ chức doanh nhân hàng đầu của Trung Quốc để hướng tới một mục tiêu chung, tăng cường quyền lực cho Jack Ma chứ không phục vụ lợi ích hay tuân thủ chiến lược của Đảng Cộng sản”, một người thân cận với nhà trường nói với tờ Financial Times .

Trong khi ông Tập còn đang nghiêm khắc nhắc nhở các doanh nhân rằng họ nên “yêu Đảng Cộng sản”, thì một số doanh nhân cấp cao đã "kịp" bị bỏ tù. Ông trùm bất động sản thẳng thắn Ren Zhiqiang đã bị kết án 18 năm tù vào năm ngoái vì tội tham nhũng; nhiều người tin rằng tội lỗi thực sự của ông ta là viết một bài luận chưa được xuất bản gián tiếp chỉ trích ông Tập về cách xử lý đại dịch. Ông Sun Dawu, người sáng lập một tập đoàn nông nghiệp gần Bắc Kinh, đã bị bắt vào tháng 11 năm ngoái sau một vụ tranh chấp đất đai với một trang trại quốc doanh, và công ty của ông đã bị chính phủ tịch thu (quốc hữu hóa). Ông bị buộc tội gây quỹ bất hợp pháp và cản trở hoạt động công cộng, cũng như các tội danh khác vào tháng 4 vừa qua; nhiều người tin rằng Sun đang bị trừng phạt vì ủng hộ tự do hóa chính trị.

Quốc hữu hóa - Con đường trở thành Venezuela thứ hai

Nỗi sợ hãi của các doanh nhân độc lập giải thích cho nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm thiết lập các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với hoạt động nội bộ của các công ty tư nhân.

“Sở hữu hỗn hợp”, một chính sách gây tranh cãi trong đó các công ty nhà nước nắm cổ phần trong các công ty tư nhân hoặc ngược lại, đã tăng 24% từ năm 2015 đến năm 2018, theo tổ chức MacroPolo có trụ sở tại Chicago. Kết quả của một chiến dịch do ông Tập chỉ đạo nhằm mở rộng vai trò của ĐCSTQ trong kinh doanh, tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân có đảng ủy nội bộ đã tăng từ 35,6% năm 2012 lên 48,3% năm 2018; trong khi đó, hơn 90% trong số 500 công ty tư nhân hàng đầu của Trung Quốc có sự hiện diện của đảng phái. Theo tuyên bố của các quan chức cấp cao về tầm quan trọng của việc mở rộng hơn nữa ảnh hưởng của đảng đối với khu vực tư nhân vào tháng 9 năm ngoái, việc mở các chi bộ kinh doanh có thể sẽ tăng nhanh hơn nhiều (chưa có số liệu mới nhất).

Rủi ro trong tất cả những điều này là sự can thiệp chính trị vào kinh doanh sẽ làm giảm năng suất vốn đã thấp trong nền kinh tế Trung Quốc. Các công ty tư nhân từ lâu đã phải vật lộn để có được nguồn tài chính từ ngân hàng, phần lớn trong số đó thuộc về các doanh nghiệp nhà nước mặc dù họ chỉ chiếm khoảng 25 đến 30% sản lượng. Trước năm 2007, khoảng 70% tăng trưởng GDP của Trung Quốc là do tăng năng suất, một phần là do khu vực tư nhân phát triển nhanh, cũng như sự di chuyển của người dân ra khỏi nông nghiệp và chuyển sang ngành công nghiệp. Nhưng ngày nay tăng trưởng nhờ tăng năng suất gần như đã hoàn toàn biến mất.

Tại Trung Quốc, “căng thẳng luôn có giữa cải cách từ dưới lên, phi tập trung hóa và nhà nước đang cố gắng phát huy tác dụng của mình”, ông Brandt cho biết trong một cuộc phỏng vấn. “Các lựa chọn chính sách và sự can thiệp rõ ràng hơn của nhà nước có thể là cốt lõi của sự suy giảm năng suất đang diễn ra phổ biến”. Chính trị đang nắm quyền - đây có vẻ như là một tin xấu đối với Trung Quốc.

Lê Minh

Bài viết sử dụng nhiều thông tin và luận cứ của tác giả Dexter Tiff Roberts, thành viên cấp cao trong Sáng kiến ​​An ninh Châu Á tại Trung tâm Scowcroft về Chiến lược và An ninh của Hội đồng Đại Tây Dương, đăng tại Atlantic Council.

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Dã tâm đằng sau việc chính trị hóa để trị khu vực tư nhân của Trung Quốc