Đặc phái viên ở WTO: Trung Quốc vẫn là 'nước đang phát triển' vì còn đói nghèo kéo dài

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đặc phái viên của Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hôm thứ Sáu (10/12) cho biết Bắc Kinh sẽ vẫn là một quốc gia "đang phát triển" nhưng sẽ bỏ qua một số lợi ích của quốc gia đang phát triển, hoặc cơ chế đối xử đặc biệt với một số lĩnh vực; lý do đưa ra là Trung Quốc còn đói nghèo. Tuyên bố này gây ngạc nhiên khi ông Tập Cận Bình từ tháng 2/2021 đã chính thức tuyên bố Trung Quốc không còn người nghèo, rằng đây là ‘điều kỳ diệu’ xảy ra nhờ ‘sự lãnh đạo sáng suốt của đảng’.

Trung Quốc, quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tuần này kỷ niệm 20 năm kể từ khi gia nhập cơ quan giám sát thương mại có trụ sở tại Geneva. Trung Quốc đã tăng trưởng vượt bậc nhờ tham gia vào WTO. Quốc gia này bị cáo buộc đã không tuân thủ bất cứ một cam kết nào trong sân chơi này.

Khi Trung Quốc ngày càng giàu có, các đối tác thương mại - đặc biệt nhất là Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - đã chỉ trích tình trạng các tổ chức toàn cầu vẫn đưa Trung Quốc vào danh sách 'nước đang phát triển'. Hoa Kỳ cho rằng việc Trung Quốc được đối xử ưu đãi dành cho các nước nghèo hơn là không công bằng.

Ông Li Chenggang, đặc phái viên của Trung Quốc tại WTO, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Reuters rằng mặc dù tăng trưởng mạnh mẽ, Trung Quốc vẫn coi mình là một quốc gia đang phát triển do đói nghèo kéo dài. Dù vậy, Bắc Kinh sẽ tìm kiếm sự khắc phục, nhưng "chỉ trong một số lĩnh vực" như nông nghiệp và dịch vụ tài chính.

Còn đói nghèo?

Tuyên bố ‘còn đói nghèo kéo dài’ để ghi danh mình vào ‘các nền kinh tế đang phát triển’; hòng hưởng lợi từ WTO của Trung Quốc là một mâu thuẫn lớn.

Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 25/2/2021 tuyên bố Trung Quốc đã đạt được "toàn thắng" trong cuộc chiến “xóa đói giảm nghèo”. Ông Tập nói rằng đây là một “kỳ tích tại nhân gian” được tạo ra dưới sự lãnh đạo của ông. Trong ngày kỷ niệm 100 thành lập ĐCSTQ 1/7 năm nay, ông Tập cũng nói rằng Trung Quốc đã xây dựng một xã hội khá giả toàn diện.

Rõ ràng, ĐCSTQ đã tuyên bố với toàn dân và thế giới của họ về một quốc gia thịnh vượng dưới ‘sự lãnh đạo sáng suốt của đảng’. Nhưng đó là tuyên bố khi cần chứng minh sự tồn tại hợp pháp của ĐCSTQ. Khi cần tận dụng lợi ích từ cộng đồng quốc tế, ĐCSTQ sẵn sàng ghi danh mình vào danh sách ‘các nền kinh tế đang phát triển’; lý do như ông Li chia sẻ với Reuters: chúng tôi còn đói nghèo.

Ông Li cho biết: “Chúng tôi sẽ không yêu cầu kiểm tra khống đối với SDT (đối xử đặc biệt và khác biệt). Chúng tôi sẽ đánh giá cẩn thận nhu cầu của mình. một quốc gia đánh cá lớn, có thể bỏ qua tất cả các trường hợp miễn trừ như vậy.”

Đặc phái viên Li cũng từ chối cho biết khi nào, hoặc trong những điều kiện nào, Trung Quốc sẽ ngừng coi mình là một nước đang phát triển hoàn toàn theo các quy định của WTO.

Vi phạm trầm trọng mọi cam kết trong khi lợi dụng triệt để WTO

Thực tế, nhờ các ưu đãi từ WTO và không tuân thủ bất kỳ một cam kết nào trong tổ chức này, Trung Quốc đã trở thành quốc gia lợi dụng hiệu quả nhất WTO; biến sân chơi quốc tế này trở thành sân nhà, kiếm hàng tỷ USD thặng dư thương mại mỗi năm trong khi vô hiệu hoá mọi chế tài của WTO với các vi phạm của mình.

Các thành viên WTO bao gồm Hoa Kỳ, Úc và Nhật Bản đã đưa ra những lời chỉ trích khác đối với Trung Quốc trong một cuộc đánh giá thương mại vào tháng 10/2021. Các quốc gia này chỉ ra các khoản trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước; vi phạm quy chế WTO ở Trung Quốc. Họ cho rằng Trung Quốc đã vi phạm các cam kết trở thành thành viên WTO của Trung Quốc hồi năm 2001. Các chức của WTO không ít lần tỏ ra hối hận vì đã để Trung Quốc gia nhập WTO mà không tuân thủ bất kỳ một cam kết nào.

Tuy nhiên, ông Li, người đã tham gia vào các cuộc đàm phán gia nhập kéo dài 15 năm của Trung Quốc, đã bảo vệ hồ sơ của Trung Quốc khi nói rằng họ đã thực thi một số cam kết, chỉ ra việc cắt giảm thuế suất và mở cửa các ngành dịch vụ.

"Chúng tôi sẽ giữ thái độ cởi mở với những lời chỉ trích nhưng nó phải hợp lý, nó phải mang tính xây dựng", ông Li nói với Reuters.

Để đánh dấu tầm quan trọng của lễ kỷ niệm 20 năm đối với Trung Quốc, phái bộ của họ đã phân phát những chiếc ghim cài ve áo với số "20" trên đó, với hình ảnh Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc xung quanh logo WTO tạo thành số "0".

Hình ảnh này phản ánh đúng bản chất mối quan hệ của Trung Quốc với WTO. Trung Quốc dùng WTO để có mọi ưu đãi về thuế quan; thực thi chiến lược tăng trưởng nhờ xuất khẩu. Trung Quốc vi phạm mọi cam kết với WTO để trợ cấp cho các DNNN, đánh cắp bí mật của doanh nghiệp nước ngoài, trở thành nền kinh tế duy nhất công nghiệp hoá thành công nhờ gia nhập WTO.

Để Trung Quốc lợi dụng triệt để, WTO bị chỉ trích và suy yếu

WTO đang ở một thời điểm quan trọng, đã bị suy yếu trước sự chỉ trích của Mỹ và toàn cầu vì để Trung Quốc lợi dụng triệt để. Thêm vào đó, đại dịch COVID-19, việc đóng cửa vô thời hạn của phòng kháng cáo hàng đầu do Washington chặn việc bổ nhiệm các thẩm phán mới đã khiến vị thế của WTO suy yếu, thậm chí rơi vào hoàn cảnh bị ‘vô hiệu hoá’.

Trong một sân chơi như WTO, cơ chế tài phán minh bạch, công bằng chính là các viên gạch tạo nên hiệu quả và sự vững chắc của nó. Tuy nhiên, cơ chế này đã yếu nhược suốt 2 thập kỷ Trung Quốc gia nhập.

Tháng 2/2020, Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã công bố báo cáo của họ về Cơ quan Phúc thẩm của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Báo cáo chuyên sâu, đưa ra các bằng chứng, dữ liệu thuyết phục chứng minh Cơ quan Phúc thẩm đã “không tuân thủ các quy định của WTO và diễn giải các hiệp định của WTO bằng văn bản". Báo cáo chỉ trích cơ quan phúc thẩm WTO đã yếu nhược trước Trung Quốc. Nhiều cáo buộc từ các cơ quan, tổ chức và chuyên gia khác nói rằng Trung Quốc đã thao túng được WTO.

Trong thông cáo báo chí, ông Robert Lighthizer, Đại diện thương mại thứ 18 của Hoa Kỳ tuyên bố: “Trong hơn 20 năm, các Chính quyền kế tiếp nhau và Quốc hội Hoa Kỳ đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc rằng Cơ quan Phúc thẩm đã không hoạt động theo các quy định mà Hoa Kỳ và các nước thành viên WTO đã thỏa thuận. Tiếc là cách ứng xử của Cơ quan Phúc thẩm đã biến WTO từ một diễn đàn để thảo luận và đàm phán thành một diễn đàn để kiện tụng”.

Báo cáo đã cáo buộc rằng: “Cơ quan Phúc thẩm đã thêm cho Hoa Kỳ nhiều nghĩa vụ nhưng lại giảm quyền của nước này bằng cách không tuân thủ các quy định của WTO, giải quyết các vấn đề mà họ không có thẩm quyền để giải quyết, thực hiện các hoạt động mà họ không có thẩm quyền để thực hiện và diễn giải các hiệp định của WTO theo cách mà các nước thành viên WTO tham gia vào các hiệp định đó không hình dung nổi. Sự lạm quyền dai dẳng này hoàn toàn trái ngược với sự ủy thác hữu hạn cho Cơ quan Phúc thẩm, như được xác lập trong các quy định của WTO”.

Đây là lý do khiến Mỹ, kẻ nắm đằng chuôi trong cuộc chơi này, dưới thời cựu tổng thống Trump, đã ngừng bổ nhiệm thẩm phán Cơ quan phúc thẩm WTO. Đây là cách gián tiếp vô hiệu hoá WTO, đồng thời vô hiệu ‘sự thao túng’ của Trung Quốc với cơ quan này.

Trà Nguyễn



BÀI CHỌN LỌC

Đặc phái viên ở WTO: Trung Quốc vẫn là 'nước đang phát triển' vì còn đói nghèo kéo dài