Đại dịch có thể giết chết các công ty ‘xác sống’ đã lọt lưới khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hiện nay, chính phủ và các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đang ném mọi thứ họ có thể nghĩ ra để ngăn sự sụp đổ kinh tế do virus Corona Vũ Hán. Đây sẽ là cứu cánh cho các công ty ‘zombie’ (xác sống) hay đại dịch sẽ vang lên hồi chuông báo tử cho họ?

Sau sai lầm chính sách của ngân hàng trung ương (NHTW), chính phủ các nước trong cả thập kỷ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 đã dung dưỡng sự tồn tại của các công ty ‘xác sống’ (zombie), phá hủy đi sức sáng tạo - vốn là giá trị cốt lõi của chủ nghĩa tư bản - bằng nguồn tín dụng dễ dãi, gần như cấp không cho doanh nghiệp theo thiên hướng của chủ nghĩa xã hội. Đây chính là bất công bằng, bất bình đẳng lớn nhất với các doanh nghiệp tốt, nơi hiệu suất cao hơn. Điều này dẫn đến tình trạng nguồn lực toàn xã hội bị lãng phí, tăng trưởng ỳ ạch suốt cả thập kỷ, dòng tiền ‘tràn’ vào các thị trường tài sản rủi ro và tạo bong bóng như bất động sản (BĐS), thị trường chứng khoán với quỹ ETF hay bong bóng tài sản là chứng khoán phái sinh tại các ngân hàng thương mại lớn nhất toàn cầu…

Stephen Bartholomeusz, một trong những nhà báo, chuyên gia phân tích kinh tế uy tín nhất ở Úc, và cũng là đồng sáng lập và biên tập viên liên kết của trang web Business Spectator, đã có phân tích sâu sắc về sự tồn tại của doanh nghiệp zombie nhờ sai lầm chính sách cấp tín dụng tràn lan, gần như “cho không” của các chính phủ và NHTW sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 (GFC). Dựa vào các nghiên cứu trước đó của OECD, Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS)... Stephen chỉ ra có tới 12% doanh nghiệp tại Úc và ít nhất là 16% doanh nghiệp tại Mỹ là các doanh nghiệp zombie sau GFC 2008. Nhưng nhờ vào sai lầm chính sách mà những doanh nghiệp này vẫn tiếp tục tồn tại, sự tồn tại của họ không tốt cho chất lượng tăng trưởng. Lần khủng hoảng này, khác với GFC 2008, sự xuất hiện của virus Corona Vũ Hán khiến doanh nghiệp zombie khó lòng tồn tại bất chấp chính phủ và NHTW tiếp tục sai lầm.

Số công ty zombie chiếm tối thiểu 12% tại Úc và 16% tại Mỹ

Năm 2017, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế đã gây xôn xao khi xuất bản một bài báo có tựa đề (tạm dịch) “Bước đi chết chóc? Các công ty zombie và hiệu suất hoạt động ở các nước OECD”. Luận điểm của bài báo - và nghiên cứu tiếp theo của OECD và Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) - chứng minh rằng các công ty không thể tồn tại (thực chất là các công ty xác sống zombie) đã được giữ lại bởi chính sách sai lầm của các ngân hàng trung ương và những tổ chức tài chính quốc tế khi họ cố gắng ngăn chặn tổn thất của GFC 2008.

BIS định nghĩa các công ty zombie là những công ty niêm yết có tỷ lệ thu nhập trước lãi và thuế so với chi phí lãi vay nhỏ hơn 1. Ước tính mới nhất của BIS là khoảng 12% các công ty niêm yết trong OECD không trang trải được các chi phí lãi vay của họ, mặc dù tỷ lệ này cao hơn đáng kể ở Nam Âu và Mỹ.

Theo tổng hợp của Stephen, tại Úc, tỷ lệ công ty zombie được ước tính khoảng 12% - một vài ước tính đưa ra con số cao hơn - và ở Mỹ là khoảng 16%.

Chính sách tín dụng “cho không” theo kiểu xã hội chủ nghĩa giúp các công ty zombie tồn tại nhưng bào mòn sức sống của cả nền kinh tế

Sự tồn tại của những công ty zombie có thể đã ngáng trở cơ hội tăng trưởng của các công ty có năng suất cao hơn. Trên thực tế, nguồn cung tín dụng mở với lãi suất thấp chưa từng thấy đã làm nản lòng một yếu tố trung tâm của chủ nghĩa tư bản thị trường, điều mà nhà kinh tế học người Áo Joseph Schumpeter gọi là "phá hủy sáng tạo".

Lãi suất đã giảm xuống gần về 0 ở hầu hết các nước phát triển, và các ngân hàng trung ương đang thực sự giải phóng "QE đến vô cùng", vì phản ứng của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đối với virus corona.

Ngoài việc mua trái phiếu kho bạc và thế chấp như đã làm trong các chương trình nới lỏng định lượng sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, Fed đang bơm thanh khoản vào thị trường tài chính và cũng sẽ hỗ trợ cho vay đối với các công ty, kể cả doanh nghiệp nhỏ và người tiêu dùng, và thậm chí có thể mua chứng khoán trong các quỹ tương hỗ và quỹ hoán đổi giao dịch.

Vấn đề đối với các công ty zombie là chúng còn sống sót trước đại dịch chỉ bởi vì lãi suất quá thấp và tín dụng rất dồi dào và bừa bãi. Giờ đây, tín dụng siêu rẻ có thể thậm chí còn phong phú hơn nhưng họ đang phải đối mặt với tổn thất lớn về doanh thu và thu nhập.

Virus Corona Vũ Hán lần này sẽ làm được điều mà GFC 2008 không thể làm: thanh trừ zombie ra khỏi hệ thống

Bất chấp cam kết của chính phủ và ngân hàng trung ương về việc hỗ trợ doanh nghiệp, virus Corona Vũ Hán sẽ làm những gì mà GFC 2008 không làm được - đó là thanh trừ các công ty zombie ra khỏi hệ thống. Nếu không có virus Corona Vũ Hán thì thái độ “bất chấp rủi ro” của các chính phủ và NHTW sẽ tiếp tục giữ lại chút hơi tàn cho các công ty vốn không nên tồn tại nữa.

Tại Úc, các ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ phải đánh giá xem liệu doanh nghiệp có khả năng khôi phục sau 6 tháng ngừng hoạt động hay không; nếu doanh nghiệp không thể khôi phục, các NHTM buộc phải đưa ra quyết định khó khăn là “bỏ rơi” doanh nghiệp đó.

Ngành năng lượng, đặc biệt là ở Mỹ, là một ngành khác, các nhà sản xuất dầu khí đá phiến đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng kép: sốc cung - sốc cầu cùng với sự bùng nổ của cuộc chiến giá dầu, và hậu quả là giá dầu gần như đã rơi thẳng đứng. Với mức giá dầu hiện tại là 23,50 đô la Mỹ/thùng, hầu hết công ty khó có thể tiếp tục tồn tại khi chi phí hòa vốn ở mức 73 đô la Mỹ/thùng.

Sau khủng hoảng lần này, không chỉ loại bỏ zombie, doanh nghiệp tốt cũng có nợ tăng mạnh với chất lượng xấu

Xa hơn, hậu khủng hoảng sẽ khuyến khích nợ toàn cầu gia tăng mạnh mẽ, nhưng chất lượng nợ sau khủng hoảng lần này sẽ cực xấu khi các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn.

Nợ doanh nghiệp phi tài chính đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2008 lên khoảng 13,5 nghìn tỷ đô la (thành 22 nghìn tỷ đô la), trong khi các khoản vay có đòn bẩy đã tăng lên hơn 1 nghìn tỷ đô la.

Hầu hết chính phủ và NHTW các nước đều tin rằng các doanh nghiệp ngủ đông trong thời gian phong tỏa, và sau đó sẽ có sự phục hồi khi nền kinh tế mở cửa trở lại.

Trên thực tế, điều này chỉ xảy ra đối với những doanh nghiệp có mô hình kinh doanh hiệu quả và bảng cân đối bền vững. Theo thời gian, họ có thể khôi phục trở lại. Nhưng còn những công ty bước vào cuộc khủng hoảng này mà chỉ có vừa đủ khả năng để trả nợ thì sao? Họ có thể bảo đảm, và liệu họ có nhận được sự trợ giúp của người nộp thuế và cổ đông ngân hàng?

Bởi vậy, dù chính phủ và NHTW tiếp tục sai lầm và theo đuổi cách tiếp cận "bằng mọi giá", sự kết hợp của khủng hoảng kinh tế và tài chính mà đại dịch sinh ra sẽ là áp lực quá lớn để các công ty zombie và các công ty hiện sử dụng đòn bẩy cao có thể tiếp tục tồn tại.

Trà Nguyễn - Thanh Hương

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Đại dịch có thể giết chết các công ty ‘xác sống’ đã lọt lưới khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008